Bài 20. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ DÂN TỘC TRONG CÁC THẾ KỈ X - XV

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Nhận xét vị trí của Phật giáo ở các thế kỉ X-XV.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Mặc dù Nho giáo chi phối trong đời sống xã hội phong kiến nhưng Phật giáo vẫn giữ vị trí đặc biệt quan trọng và khá phổ biến.

+ Các nhà sư được triều đình tôn trọng, có lúc được tham gia bàn bạc việc nước.

+ Vua, quan nhiều người theo đạo Phật.

+ Chùa chiền được xây dựng khắp nơi.

Đến cuối thế kỉ XIV, Phật giáo suy dần

Câu hỏi: Việc dựng bia Tiến sĩ có tác dụng gì?

* Hướng dẫn trả lời:

- Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu

- Năm 1484, nhà nước quyết định dựng bia trong văn miếu, ghi tên tiến sĩ

- Tác dụng của việc dựng bia Tiến sĩ

+ Kích thích sự ham học của các tài năng.

+ Tạo điều kiện thu hút trí thức tài giỏi tham gia vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Câu hỏi: Đặc điểm của thơ văn các thế kỉ XI-XIV.

* Hướng dẫn trả lời:

- Có nhiều thể loại phong phú: Thơ, kịch, phú

Vừa thể hiện tài năng văn học vừa toát lên niềm tự hào dân tộc và yêu nước sâu sắc.

Câu hỏi: Hãy nhận xét về đời sống văn hoá của nhân dân ta thời Lý - Trần, Lê.

- Văn hoá Đại Việt dưới thời Lý - Trần, Lê phát triển phong phú đa dạng.

- Chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài song vẫn mang đậm tính dân tộc và dân gian.

Bài tập: Lập bảng thống kê các thành tựu khoa học - kĩ thuật.

* Hướng dẫn trả lời:

Lĩnh vực Thành tựu
1. Sử học Nhiều tác phẩm được biên soạn như Đại Việt ký, Đại Việt lược sử, Trung hưng thực lục; Lam Sơn thực lục
2. Địa lí Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ
3. Chính trị Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư
4.Toán học Đại thành toán pháp, Lập thành toán pháp

Câu hỏi: Trình bày tóm lược sự phát triển của giáo dục qua các thời Đinh, Tiền Lê, Lý - Trần, Hồ, Lê.

* Hướng dẫn trả lời:

- Qua các thời kì Đinh, Tiền Lê, Lý - Trần, Hồ, Lê nhìn chung, giáo dục phát triển.

- Thời Lý, Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu. Tổ chức khoa thi đầu tiên ở kinh thành (1077).

- Từ thế kỉ XI đến thế kỷ XV, giáo dục Đại Việt từng bước hoàn thiện và phát triển, trở thành nguồn đào tạo quan chức và người đào tạo cho đất nước.

- Thời Lê sơ quy chế thi cử được ban hành rõ ràng. Năm 1484, Nhà nước quyết định dựng bia, ghi tên Tiến sĩ. Hàng loạt trí thức tài giỏi được đào tạo đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Câu 7: Vì sao Phật giáo rất phát triển dưới thời Lý, Trần nhưng đến thời Lê lại không phát triển?

* Hướng dẫn trả lời:

- Thời Lý - Trần, Nho giáo chưa ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Đạo Phật giữ vị trí đặc biệt quan trọng và khá phổ biến. Vì Phật giáo vốn đã có từ lâu ở nước ta, đã ăn sâu trong tâm tưởng của người Việt.

- Vua, quan thời Lý - Trần nhiều người theo đạo Phật, góp tiền xây dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, viết giáo lý nhà Phật. Như vậy, Nhà nước thời Lý - Trần đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

- Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, nhiều người theo đạo Phật. Đây cũng là điều kiện để Phật giáo phát triển.

- Đến thời Lê sơ, đạo Phật suy dần. Vì thời Lê sơ, Nho giáo được chính thức nâng lên địa vị độc tôn, từ đó số người theo đạo Phật giảm dần. Hơn nữa, Nhà nước phong kiến Lê sơ ban hành nhiều điều lệnh nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo.

Bài tập: Thống kê các thành tựu văn học, nghệ thuật ở các thế kỉ XI-XV.

* Hướng dẫn trả lời:

Lĩnh vực Thành tựu
1. Văn học

- Văn học dân tộc ngày càng phát triển. Hàng loạt bài thơ, bài hịch, bài phú nổi tiếng như “Thơ thần”, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo...

- Hàng loạt tập thơ chữ Hán ra đời.

- Văn thơ chữ Nôm xuất hiện: Quốc âm thi tập, Hồng Đức thi tập...

2. Nghệ thuật

- Nhiều công trình nghệ thuật Phật giáo được xây dựng ở khắp mọi nơi như chùa Một Cột (Diên Hựu), chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Đạm, tháp Báo Thiên, tháp Phổ Minh, chuông Quy Điền...

- Cuối thế kỉ XIV, thành nhà Hồ được xây dựng và trở thành một biểu tượng nghệ thuật xây dựng ở nước ta, Tháp Chăm được xây dựng thêm, mang phong cách nghệ thuật đặc sắc.

- Nhiều tác phẩm điêu khắc mang những họa tiết hoa văn độc đáo.

- Nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng ra đời từ đây và ngày càng phát triển.

- Âm nhạc phát triển có nhiều nhạc cụ như tiếng cơm sáo, tiêu, đàn cầm, đàn tranh, chiêng cồng.

- Múa được tổ chức vào các ngày lễ, ngày mùa.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Tình hình tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng dưới thời Lý - Trần như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Nho giáo: Trên con đường phong kiến hoá, giai cấp thống trị đã tiếp nhận Nho giáo, xem nó là hệ tư tưởng chính của mình.

- Phật giáo: Vốn được truyền bá khá sâu rộng, ngày càng thấm sâu hơn vào cuộc sống tinh thần của nhân dân, được giai cấp thống trị tôn sùng.

+ Nhiều nhà sư như Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh đã tham gia tích cực vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước.

+ Một số nhà vua thời Lý - Trần đã tìm đến Phật giáo.

+ Vua Trần Nhân Tông khi lên làm Thái thượng hoàng đã xuất gia đầu Phật và lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Đại Việt.

- Đạo giáo: Được truyền bá trong nhân dân hoà nhập với một số tín ngưỡng trong dân gian.

- Các tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ những người có công với nước, với dân, thờ thần núi, sông... cũng ngày càng được phổ biến.

Câu hỏi: Trình bày sự phát triển giáo dục, văn học, nghệ thuật dưới thời Lý - Trần.

* Hướng dẫn trả lời:

• Giáo dục:

- Nhu cầu xây dựng nhà nước và nâng cao dân trí đã thúc đẩy các nhà nước đương thời quan tâm nhiều đến giáo dục. Chữ Hán trở thành chữ viết chính thức. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho “lập Văn Miếu” ở kinh đô Thăng Long, “đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, vẽ 72 vị hiền tài, bốn mùa cúng tế và cho Hoàng thái tử đến học”. Năm 1075, nhà Lý tổ chức “thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam tường”.

- Thời Trần, các khoa thi được tổ chức đều đặn hơn. Năm 1247, nhà Trần đặt lệ lấy “Tam khôi” (ba người đỗ đầu), quy định rõ nội dung học tập, mở rộng Quốc tử giám cho con em quý tộc và quan chức đến học. Năm 1396, các kì thi được hoàn chỉnh. Sự phát triển của giáo dục đã tạo nên nhiều trí thức tài giỏi cho đất nước như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi v.v... Vị trí của Nho giáo, do đó, cũng được nâng dần lên theo thế độc tôn.

• Văn học:

- Văn học chữ Hán cũng phát triển, đã xuất hiện hàng loạt bài thơ, bài hịch, bài phú nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, các tập thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh... đậm đà tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc, đánh dấu sự hình thành của văn học dân tộc.

- Ở các thế kỉ XI - XII chữ Nôm ra đời trên cơ sở học tập chữ Hán. Xuất hiện một số nhà thơ Nôm ở thời Trần, Hồ tiếc rằng ngày nay thơ của họ không còn được lưu lại.

• Nghệ thuật:

Từ thời Đinh - Tiền Lê, Hoa Lư đã trở thành một đô thị với nhiều cung điện, đền đài. Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý - Trần và sự phát triển của Phật giáo đã đẩy nhanh sự phát triển của nghệ thuật. Thăng Long trở thành trung tâm của một nền văn hoá mới. Ngoài các cung điện, tháp chuông, đền đài, nổi lên hàng loạt công trình kiến trúc độc đáo như chùa Diên Hựu (còn gọi là chùa Một Cột), tháp Báo Thiên, chùa Chân Giáo, đền Đồng Cổ.

Chùa, tháp được xây dựng rất nhiều ở các địa phương.

Nghệ thuật điêu khắc tinh tế, độc đáo với nhiều hình loại khác nhau như chân bệ cột hình hoa sen, hành lang rồng, những bức phù điêu khắc hình rồng nổi lên lá đề, hình bông cúc nhiều cánh, hình các vũ nữ v.v...

Hàng loạt tượng Phật được tạc, đúc, trong đó nổi lên tượng Phật chùa Quỳnh Lâm.

Nghệ thuật chèo, tuồng, hề phát triển cùng với ca nhạc, múa rối nước, múa vui ngày hội. Vào những ngày mùa, ngày kỷ niệm chiến thắng, lễ tết v.v... vua quan và nhân dân các nơi tổ chức lễ hội, vừa làm trò diễn, cúng tế, vừa tổ chức các cuộc đua tài (đấu vật, đua thuyền v.v...) vui chơi để ghi nhớ các anh hùng dân tộc hoặc những người đã khuất.

Câu hỏi: Hãy nêu những nét cơ bản về khoa học - kĩ thuật dưới thời Lý - Trần.

* Hướng dẫn trả lời:

Trải qua gần 5 thế kỉ dựng nước và giữ nước, nhiều tác phẩm sử học đã được biên soạn như Đại Việt sử kí, Đại Việt sử lược, Trung hưng thực lục, Việt Nam thế chí... Bên cạnh đó là các bộ Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư thuộc lĩnh vực khoa học quân sự. Hoàng triều đại điển về chính trị, một số tác phẩm về y dược dân tộc... Một số nhà thiên văn đã chế tạo dụng cụ khảo sát các hiện tượng trời đất, soạn lịch v.v... Cuối thế kỉ XIV, dựa vào các quan xưởng, nhà quân sự Hồ Nguyên Trừng đã sáng chế được súng thần cơ và đóng loại thuyền chiến lớn có lầu đi biển.

Bài tập: Vì sao Phật giáo phát triển mạnh ở thời Đinh - Lê, Lý - Trần? Nêu những biểu hiện của sự phát triển đó?

* Hướng dẫn trả lời:

- Vì sao:

+ Thời Văn Lang - Âu Lạc, nhân dân ta có một nền văn hoá riêng, nhưng bị kìm hãm, mất mát qua 1000 năm Bắc thuộc. Mặt khác, chính sách đô hộ của các triều đại phương Bắc không phải không ảnh hưởng đến nhân dân ta.

+ Trong bối cảnh đó, trên con đường phong kiến hoá, giai cấp thống trị đã tiếp nhận Nho giáo, xem nó là hệ tư tưởng chính của mình. Tuy nhiên, để vượt ra khỏi sự ràng buộc của các ảnh hưởng từ phương Bắc, Phật giáo được đề cao, được giai cấp thống trị và nhân dân tôn trọng.

- Những biểu hiện:

+ Phật giáo được truyền bá sâu rộng, ngày càng tham gia sâu hơn vào cuộc sống tinh thần của nhân dân, được giai cấp thống trị tôn sùng. Nhiều nhà sư thức thời như Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh tham gia tích cực vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Một số vị vua thời Lý - Trần đã tìm đến Phật giáo

Vua Trần Nhân Tông khi lên làm Thái thượng hoàng đã xuất gia đầu Phật và lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Đại Việt. Chùa chiền mọc lên ở khắp nơi. Bia chùa Linh Xứng (Bắc Ninh) có đoạn viết: “Hễ những núi cao cảnh đẹp đều mở mang để dựng chùa chiền”. Sử cũ cũng thừa nhận: “Nhân dân quá nửa là sư, trong nước chỗ nào cũng có chùa”.

Bài tập: Hãy nêu tên tác giả của những tác phẩm văn học sau đây:

- Nam quốc sơn hà.

- Hịch tướng sĩ.

- Đoạt sáo Chương Dương.

- Hoành sáo giang sơn.

- Bạch Đằng giang phú.

- Việt điện u linh.

- Lĩnh Nam chích quái.

* Hướng dẫn trả lời:

- Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

- Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.

- Đoạt sáo Chương Dương của Trần Quang Khải.

- Hoành sáo giang sơn của Phạm Ngũ Lão.

- Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu.

- Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên.

- Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp.

Bài tập: Thống kê các công trình nghệ thuật thời Lý - Trần và nêu lên nét đặc sắc của nó?

* Hướng dẫn trả lời:

Sự phát triển chung của nền văn hoá dân tộc đã có tác động lớn đến sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc và tạo hình. Thời Lý - Trần có các công trình kiến trúc đặc sắc:

- Thành Thăng Long được xây dựng từ thời Lý, có quy mô lớn, giữa hai vùng dài khoảng 25km. Trong thành có nhiều cung điện nguy nga, có lầu 4 tầng, thể hiện nét riêng và độc đáo của văn hoá Đại Việt.

- Chùa Một Cột là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc. Toàn bộ ngôi chùa được xây trên một cột đá lớn dựng giữa hồ, tựa như toà sen.

- Tháp Báo Thiên (Hà Nội) gồm 12 tầng, cao khoảng 60 trượng. Tháp Phổ Minh (Hà - Nam - Ninh), Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc)... đều có quy mô tương tự.

- Tượng Phật Di lặc ở chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, vạc Phổ Ninh...

Nghệ thuật độc đáo thời Lý - Trần, trên bước đường trưởng thành đã tiếp thu một số ảnh hưởng của nghệ thuật Cham-pa và Trung Quốc, song chủ yếu vẫn là sự tiếp nối và phát huy mạnh mẽ truyền thống nghệ thuật lâu đời của dân tộc hàng ngàn năm trước. Nghệ thuật đó thể hiện sâu sắc cuộc sống và tâm hồn của dân tộc ta.