Bài 24. TÌNH HÌNH VĂN HÓA Ở CÁC THẾ KỈ XVI - XVIII
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Em hãy cho biết lúc bấy giờ nước ta có những tôn giáo nào? Những nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là gì?
* Hướng dẫn trả lời:
+ Từ thế kỉ XVI - XVIII ở nước ta có những tôn giáo:
- Nho giáo, từng bước suy thoái
- Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện khôi phục vị trí của mình
- Thiên Chúa giáo, lan truyền cả nước.
+ Những nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian:
- Các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được phát huy, tôn trọng như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với làng nước, nhất là những người có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
- Bên cạnh chùa chiền, các nhà thờ đạo, những đền thờ, lăng miếu được xây dựng ở nhiều nơi.
Bài tập: Ở các thế kỉ XVII - XVIII, việc không chú ý đến các môn khoa học tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế của nước ta?
* Hướng dẫn trả lời:
- Làm cho nền kinh tế chậm phát triển vì không ứng dụng được thành tựu khoa học kĩ thuật.
- Không có điều kiện tiếp nhận thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây để phát triển kinh tế. Từ đó kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Câu hỏi: Văn học Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII có gì mới? Những điểm mới đó nói lên điều gì?
* Hướng dẫn trả lời:
- Những điểm mới:
+ Văn học chữ Hán giảm sút so với giai đoạn trước.
+ Văn học chữ Nôm phát triển mạnh.
+ Văn học dân gian nở rộ với các thể loại phong phú.
+ Chữ Quốc ngữ xuất hiện nhưng chưa phổ biến.
- Những điểm mới đó nói lên rằng:
+ Thực tế Nho giáo ngày càng mất uy tín, đồng thời chứng tỏ cuộc sống tinh thần của nhân dân được đề cao góp phần làm cho văn học thêm phong phú, đa dạng.
+ Tinh thần dân tộc của người Việt, người Việt cổ biến chữ Hán thành chữ Nôm để làm thơ.
Câu hỏi: Chứng minh sự phong phú của nghệ thuật Việt Nam ở các thế kỉ XVI-XVII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Cùng với văn học dân gian, một trào lưu nghệ thuật dân gian được hình thành. Trên các vì, kèo ở những ngôi đình làng, các nghệ nhân đã khắc lên những cảnh sinh hoạt thường ngày của nhân dân như đi cày, đi bừa, đấu vật, nô đùa, hát xướng v.v..
- Trình độ nghệ thuật tuy đơn giản nhưng phản ánh được cuộc sống của người dân thường.
- Nghệ thuật sân khấu phát triển ở Đàng Ngoài, Đàng Trong. Nhiều làng có phường tuồng, phường chèo. Bên cạnh đó, hình thành hàng loạt làn điệu dân ca mang tính địa phương đậm nét.
Câu hỏi: Hãy nêu những thành tựu về khoa học - kĩ thuật trong các thế kỉ XVI - XVII. Nhận xét về ưu điểm và hạn chế của nó.
* Hướng dẫn trả lời:
• Những thành tựu:
+ Về sử học: Bên cạnh các bộ sử của Nhà nước, có nhiều bộ kinh sử của tư nhân như Ô Châu Cận lục, Đại Việt thông sử, Phủ Biên tạp lục, Đại Việt sử kí tiền biên... và đặc biệt là bộ sử thi bằng chữ Nôm, Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh).
+ Về địa lí: Có tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư.
+ Về quân sự: Có tập Hổ trướng khu cơ (của Đào Duy Từ).
+ Về triết học: Có một số bài thơ, tập sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn.
+ Về y học: có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
• Nhận xét:
+ Về khoa học: đã xuất hiện một loạt các nhà khoa học, tuy nhiên khoa học tự nhiên không phát triển.
+ Về kĩ thuật: Đã tiếp cận với một số thành tựu kĩ thuật hiện đại của phương Tây nhưng không được tiếp nhận và phát triển. Do hạn chế của chính quyền thống trị và hạn chế của trình độ nhân dân đương thời.
Bài tập: Phân tích đặc điểm và ý nghĩa của văn học Việt Nam ở các thế kỉ XVI - XVII.
* Hướng dẫn trả lời:
• Đặc điểm:
- Từ thế kỉ XVI - XVII, cùng với sự suy thoái của Nho giáo, văn học chữ Hán đã mất dần vị thế vốn có của nó trong thời Lê sơ.
- Chữ Nôm bắt đầu xuất hiện ở thế kỉ XI - XII, dần dần được dùng để sáng tác văn học. Từ thế kỉ XVI - XVII, văn học chữ Nôm phát triển mạnh với nhiều nhà thơ Nôm nổi tiếng như của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ v.v...
- Bên cạnh dòng văn học chính thống, dòng văn học trong nhân dân nở rộ với các thể loại phong phú: Ca dao, tục ngữ, lục bát, truyện cười, truyện dân gian... mang đậm tính dân tộc và dân gian.
- Thế kỉ XVII, chữ Quốc ngữ xuất hiện nhưng chưa phổ biến.
• Ý nghĩa:
- Thể hiện tinh thần dân tộc của người Việt
- Chứng tỏ cuộc sống tinh thần của nhân dân ta được đề cao, góp phần làm cho văn học thêm phong phú, đa dạng.
Bài tập: Lập bảng thống kê các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của nước ta trong các thế kỉ XVI - XVII. Nhận xét về đời sống văn hóa của nhân dân ta thời đó.
* Hướng dẫn trả lời:
Nghệ thuật | Thành tựu |
1. Kiến trúc, điêu khắc | Còn giữ một số công trình kiến trúc như chùa Thiên Mụ (Huế), tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Tháp Bút (Bắc Ninh)... |
2. Nghệ thuật dân gian | Trên các vì, kèo ở những ngôi đình, nghệ nhân đã khắc những cảnh sinh hoạt thường ngày như đi cày, đi bừa, đấu vật... |
3. Nghệ thuật sân khấu | - Nhiều phường tuồng, phường chèo. - Làn điệu dân ca, quan họ, hát giậm hát ả đào, hò, vè, lí, si, lượn v.v... |
• Nhật xét:
- Phản ánh đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân ta rất đa dạng, phong phú.
- Thể hiện tính địa phương đậm nét.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Tình hình tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, chữ quốc ngữ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XVIII như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời.
- Nho giáo: nhìn chung vẫn còn giữ được địa vị thống trị trong xã hội.
- Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian: vốn bị nhà nước Lê sơ hạn chế, thậm chí cấm đoán, thì bây giờ lại có điều kiện được phục hồi và phát triển. Nhiều chùa chiền, đền miếu, am, quán được khôi phục hoặc được xây dựng mới ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong đó không ít là do sự khuyến khích và cung tiến của vua chúa, phi tần và gia đình quan lại.
- Thiên Chúa: Từ năm 1533, một giáo sĩ đạo Thiên Chúa (đạo Ki-tô) vào truyền đạo ở khu vực duyên hải tỉnh Nam Định, nhưng phải đến thế kỉ XVII, việc truyền bá đạo Thiên Chúa mới thực sự được đẩy mạnh. Lúc đầu cả chúa Nguyễn và chúa Trịnh đều tỏ ra thân thiện với các nhà truyền giáo, nhưng dần dần chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều thi hành chính sách cấm đạo.
- Chữ Quốc ngữ: Trong quá trình phát triển của dân tộc, tiếng Việt ngày càng phong phú và trong sáng. Trên nền tảng đó, các giáo sĩ phương Tây vào nước ta truyền đạo đã học tiếng Việt để giảng đạo và dùng chữ cái La-tinh ghi âm tiếng Việt. Cho đến giữa thế kỉ XVII, với sự xuất hiện của cuốn từ điển Việt - Bồ - Latinh và cuốn Giáo lí cương yếu bằng tiếng Việt, có thể coi chữ Quốc ngữ đã ra đời. Tuy nhiên, phải vài thế kỉ sau đó, mãi đến đầu thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ mới chính thức trở thành chữ viết của dân tộc Việt Nam.
Câu hỏi: Những biểu hiện về giáo dục và khoa cử ở Đàng Ngoài và Đàng Trong.
* Hướng dẫn trả lời:
- Ở Đàng Ngoài:
Giáo dục và khoa cử theo hệ thống Nho giáo vẫn được duy trì tương đối liên tục.
+ Chỉ hai năm sau khi lên ngôi, vào năm 1529, Mạc Đăng Dung đã mở ngay khoa thi Hội lấy đỗ 27 tiến sĩ. Từ đó về sau, cứ ba năm, nhà Mạc mở một khoa thi lấy đỗ 385 tiến sĩ, trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585, tức Trạng Trình) và bà Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam.
+ Triều Lê Trung hưng tiếp nối truyền thống của nhà Lê sơ trước đây, bên cạnh hình thức thi cử chính quy, còn tổ chức các kì thi chế khoa, thịnh khoa, khoa sĩ vọng lấy đỗ 851 tiến sĩ. Tuy vậy, nội dung giáo dục ngày càng khuôn sáo, việc tổ chức thi cử nặng nề về hình thức và gian lận công khai nên chất lượng giáo dục ngày một suy giảm.
- Ở Đàng Trong:
Hình thức khoa cử xuất hiện muộn và không được chú trọng như Đàng Ngoài. Họ Nguyễn quan tâm hơn đến kiến thức thực tế và tuyển dụng quan lại chủ yếu thông qua hình thức tiến cử.
Câu hỏi: Sự phát triển của văn học và nghệ thuật từ thế kỉ XVI đến thế ki XVIII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Văn học: Thế kỉ XVI - XVII và đầu thế kỉ XVIII, ở nước ta, văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế. Tuy vậy, nét nổi bật của văn học giai đoạn này là sự nở rộ của các tác phẩm văn thơ viết bằng chữ Nôm.
- Nghệ thuật: Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự phục hồi và phát triển của các loại hình nghệ thuật diễn xướng và tạo hình cổ truyền. Nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng, hát ả đào, hát quan họ, hát trống quân... hết sức phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động đời sống và ước vọng của nhân dân. Nhiều đình, chùa và các công trình kiến trúc đương thời còn lưu giữ được các tác phẩm điêu khắc gỗ diễn tả cảnh sinh hoạt thường ngày ở làng quê như chèo thuyền, đấu vật, chọi gà, đánh cờ, đi cày, tắm ao... Tiêu biểu nhất là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Câu hỏi: Những thành tựu cơ bản của khoa học - kĩ thuật thế kỉ XVI đến thế ki XVIII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Sử học: Tác phẩm lớn như Lê triều công nghiệp thực lực của Hồ Sĩ Dương, Ô châu cận lục của Dương Văn An, Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh)... Đặc biệt, Đại Việt sử kí toàn thư được Ngô Sĩ Liên khởi thảo từ thế kỉ XV, rồi được các sử thần triều Lê sau này biên soạn và hoàn chỉnh.
- Khoa học quân sự: thế kỉ XVI - XVIII cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng về cả hai phương diện lí luận và thực tiễn với sách Hổ trướng khu cơ và công trình luỹ Thầy của Đào Duy Từ. Thời kì này, công nghiệp đúc súng và đóng các loại thuyền chiến có trang bị đại bác của Đàng Trong được nâng cao thêm một bước do sự phát triển của kĩ thuật trong nước, mặt khác, do tiếp thu và vận dụng kĩ thuật của phương Tây.
Bài tập: Hãy nêu những nét cơ bản về sự thăng trầm của các hệ tư tưởng và tôn giáo ở Việt Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII?
* Hướng dẫn trả lời:
- Nho giáo: Cùng với sự sụp đổ của nhà nước trung ương tập quyền Lê sơ, sự phát triển của kinh tế hàng hoá, là sự mất dần hiệu lực và vị trí độc tôn của Nho giáo. Tuy nhiên, Nho giáo nhìn chung vẫn còn giữ được địa vị thống trị trong xã hội, nhất là trong giáo dục và khoa cử.
- Phật giáo, Đạo giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian: Trước đây bị nhà nước Lê sơ hạn chế, thậm chí cấm đoán, thì bây giờ lại có điều kiện phục hồi và phát triển. Nhiều chùa chiền, đền miếu, am, quán được khôi phục hoặc được xây dựng ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
- Thiên Chúa giáo: Đầu thế kỉ XVII, việc truyền bá Thiên Chúa giáo vào nước ta được đẩy mạnh. Lúc đầu được chúa Nguyễn và chúa Trịnh ủng hộ, nhưng dần dần chúa Nguyễn và chúa Trịnh thực hiện chính sách cấm đạo. Tuy vậy, cho đến thập niên 70 của thế kỉ XVII, số giáo dân ở Đàng Trong và Đàng Ngoài vẫn tăng lên.
Câu hỏi: Hãy nêu đặc điểm văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVI - XVII ở nước ta?
* Hướng dẫn trả lời:
- Trong các thế kỉ XVI - XVII, tuy văn học chữ Hán vẫn còn chiếm ưu thế nhưng văn học chữ Nôm đã phát triển mạnh hơn trước. Những nhà thơ Nôm nổi tiếng đương thời như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Nguyễn Dữ... đều dùng chữ Nôm để sáng tác văn học
+ Một đặc điểm của văn học ở thế kỉ XVI - XVII là sự xuất hiện những truyện Nôm dài. Có truyện Nôm dài hơn 8000 câu như bộ diễn ca lịch sử Thiên Nam ngữ lục. Nội dung truyện Nôm thường viết về hạnh phúc con người, tố cáo những bất công xã hội và bộ máy quan lại thối nát.
+ Một đặc điểm khác của nền văn học thế kỉ XVI - XVII là sự phản ảnh nỗi khổ cực của nhân dân và bộ mặt xấu xa của bọn vua quan tàn bạo. Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là một tác phẩm có giá trị về mặt này.
- Điểm nổi bật ở các thế kỉ XVI - XVII là sự phục hồi và phát triển của nghệ thuật dân gian. Nổi tiếng nhất là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Bài tập: Thông qua việc sưu tầm tài liệu văn học, sử học, em hãy kể đôi nét cơ bản về Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đào Duy Từ.
* Hướng dẫn trả lời:
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), quê ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đỗ Trạng nguyên, làm quan triều Mạc, rồi từ quan về dạy học, người đương thời quen gọi là Trạng Trình. Ông có tấm lòng cao thượng, muốn “lo trước những việc lo của thiên hạ”. Nguyễn Bỉnh Khiêm thường được mệnh danh là “nhà thơ đạo lí”, là tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học chữ Nôm ở thế kỉ XVI.
- Đào Duy Từ (1572 - 1634), vừa là một nhà thơ lớn, nhà văn hoá, vừa là nhà quân sự có tài. Ông sinh tại làng Hoa Trai (Tĩnh Gia - Thanh Hoá), có tài nhưng không được chúa Trịnh cho đi thi. Vào Đàng Trong, Đào Duy Từ được chúa Nguyễn phong tước hầu và trọng dụng trong việc xây dựng hệ thống luỹ Thầy. Ông còn viết một số tác phẩm, có công phát triển nghề hát bội ở Đàng Trong và là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu.