Bài 7. SỰ PHÁT TRIỂN LỊCH SỬ VÀ NỀN VĂN HOÁ ĐA DẠNG CỦA ẤN ĐỘ
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Sự phát triển văn hoá thời Gúp-ta đưa đến điều gì?
* Hướng dẫn trả lời:
- Văn hoá Ấn Độ thời Gup-ta phát triển rực rỡ:
+ Đạo Phật tiếp tục được phát triển, truyền bá khắp Ấn Độ và truyền ra nhiều nơi.
+ Đạo Ấn Độ hay đạo Hin-đu ra đời và phát triển, thờ 4 vị thần chính: thần Sáng tạo, thần Tàn phá, thần Bảo hộ, thần Sấm sét. Các công trình kiến trúc thờ thần cũng được xây dựng.
+ Chữ viết: Từ chữ viết cổ Brahmi đã nâng lên, sáng tạo và hoàn chỉnh hệ chữ San-skơ-rít.
+ Văn học cổ Ấn Độ - văn học Hin-đu mang tinh thần và triết lí Hin-đu giáo rất phát triển.
- Sự phát triển văn hoá thời Gup-ta đã định hình văn hoá truyền thống Ấn Độ với những tôn giáo và những công trình kiến trúc, tượng, những tác phẩm văn học tuyệt vời, làm nền cho văn hoá truyền thống Ấn Độ có giá trị văn hoá vĩnh cửu.
- Sự phát triển đó còn tạo điều kiện cho người Ấn Độ mang văn hoá của mình truyền bá ra bên ngoài mà Đông Nam Á chịu ảnh hưởng rõ nét nhất.
Câu hỏi: Những nét chính về Vương triều Hồi giáo Đê-li.
* Hướng dẫn trả lời:
- Mặc dầu Ấn Độ có nền văn hoá truyền thống nhưng lại không thống nhất quốc gia nên cũng không tạo được sức mạnh để chống lại các thế lực bên ngoài. Người Hồi giáo gốc Trung Á xâm chiếm Ấn Độ lập ra vương quốc Hồi giáo Ấn Độ, đóng đô ở Đê-li gọi là Vương triều Hồi giáo Đê-li.
- Hơn 300 năm tồn tại và phát triển, Vương triều Hồi giáo Đê-li đã truyền bá, áp đặt Hồi giáo vào những cư dân Ấn Độ theo Hin-đu giáo, tự giành cho mình những ưu tiên về ruộng đất, địa vị trong bộ máy quan lại.
- Ở Ấn Độ, một yếu tố văn hoá mới - Hồi giáo được du nhập vào, đan xen tồn tại với văn hoá truyền thống.
- Thực tế, Hồi giáo vẫn không hề chiếm ưu thế ở Ấn Độ vốn đã gắn bó mật thiết với Hin-đu giáo và Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, nó đã đứng chân được, tạo nên kiểu dáng riêng biệt của một kiến trúc mang phong cách nghệ thuật Hồi giáo.
- Cũng từ đây, Hồi giáo được truyền bá và ảnh hưởng đến nhiều nơi khác, ở Đông Nam Á.
Câu hỏi: Những nét chính về Vương triều Mô-gôn.
* Hướng dẫn trả lời:
Thế kỉ XV, Vương triều Hồi giáo Đê-li bắt đầu suy yếu, một bộ phận dân Trung Á cũng theo Hồi giáo nhưng tự nhận là dòng dõi Mông Cổ, bắt đầu tấn công Ấn Độ, lập ra Vương triều Mô-gôn.
- Vương triều Mô-gôn là thời kì cuối cùng của chế độ phong kiến Ấn Độ. Những ông vua đầu tiên ra sức củng cố vương triều theo hướng “Ấn Độ hoá” và xây dựng đất nước để đến vua thứ tư A-cơ-ba đạt được bước phát triển mới.
- A-cơ-ba đã thi hành một số chính sách tích cực:
+ Xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, dựa trên sự liên kết tầng lớp quý tộc, không phân biệt nguồn gốc, số quan lại gốc Mông Cổ, gốc Ấn Độ Hồi giáo và cả gốc Ấn Độ giáo.
+ Xây dựng khối hoà hợp dân tộc trên cơ sở hạn chế sự phân biệt sắc tộc và tôn giáo.
+ Tiến hành đo đạc lại ruộng đất để định ra mức thuế hợp lí, thống nhất hệ thống cân đong, đo lường.
+ Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật.
- Đến đời con, cháu của A-cơ-ba là Gia-han-ghia và Sa-gia-han, đất nước vẫn duy trì sự phát triển, hoàng đế đã trưng tập vào ngân khố nhiều của cải và thu được nhiều châu báu làm của riêng. Nhưng tình hình đã biến đổi khác trước, đó là xuất hiện sự bất mãn của dân chúng, những âm mưu chống đối, tranh giành quyền lực đã gia tăng.
- Hoàng đế cuối cùng của Vương triều, Ao-reng-dep phải gánh chịu hậu quả đó. Vương triều tồn tại 50 năm với đầy rối ren, cùng với sự xâm lấn của thực dân Anh, mất Bom-bay và Ma-drát.
Câu hỏi: Trình bày ý nghĩa của thời kì sau Gup-ta trong lịch sử Ấn Độ.
* Hướng dẫn trả lời:
- Đến thế kỉ VII, Ấn Độ rơi vào tình trạng chia rẽ, phân tán, mỗi vùng có những điều kiện và sắc thái riêng của mình, nên đất nước chia thành hai miền - Bắc và Nam, mỗi miền lại tách thành ba vùng, ba nước riêng, tức là sáu nước, trong đó nước Pa-la ở vùng Đông Bắc và nước Pa-la-va ở miền Nam có vai trò nổi trội hơn.
- Mỗi nước lại tiếp tục phát triển sâu rộng nền văn hoá của mình, trên cơ sở văn hoá truyền thống Ấn Độ.
- Nước Pa-la-va gần bến cảng và đường biển, đã có vai trò tích cực trong việc phổ biến văn hoá Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á. Như thế, văn hoá truyền thống Ấn Độ phát triển sâu rộng trên toàn lãnh thổ và có ảnh hưởng ra bên ngoài.
Bài tập: Hãy cho biết vị trí của Vương triều Hồi giáo Đê-li và Vương triều Mô-gôn trong lịch sử Ấn Độ.
* Hướng dẫn trả lời:
- Vương triều Hồi giáo Đê-li:
+ Trong 300 năm tồn tại và phát triển, Vương triều Hồi giáo Đê-li đã truyền bá, áp đặt đạo Hồi vào những cư dân theo Phật giáo và Hin-đu giáo.
+ Một yếu tố văn hoá mới - văn hoá Hồi giáo – cũng được du nhập vào Ấn Độ, vốn đã có nền văn hoá phong phú và đa dạng.
+ Ở Ấn Độ có sự giao lưu giữa hai nền văn hoá đó là nền văn hoá truyền thống Ấn Độ Hin-đu và Hồi giáo A-rập. Từ đó bắt đầu có sự giao lưu văn hoá Đông - Tây.
+ Điều không kém phần quan trọng nữa là thời Vương triều Hồi giáo Đê-li cũng là thời mà đạo Hồi được truyền bá đến một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
- Vương triều Mô-gôn:
+ Vương triều Mô-gôn là thời kì cuối cùng của chế độ phong kiến Ấn Độ nhưng không phải suy yếu và tan rã.
+ Các ông vua đều ra sức củng cố theo hướng Ấn Độ hoá và xây dựng đất nước, đưa Ấn Độ tiến lên một bước phát triển mới, nhất là dưới thời A-cơ-ba.
+ Những chính sách của A-cơ-ba làm cho xã hội Ấn Độ ổn định, kinh tế phát triển, văn hoá có nhiều thành tựu mới, đất nước thịnh vượng.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Bài tập: Điền sử liệu vào niên đại đã cho theo yêu cầu sau đây:
Niên đại | Sự kiện |
1. Năm 2500 TCN | |
2. Năm 1500 TCN | |
3. Thế kỉ VI TCN | |
4. Thế kỉ III TCN | |
5. Thế kỉ IV | |
6. Thế kỉ VI | |
7. Thế kỉ XII | |
8. Thế kỉ XVI | |
9. Thế kỉ XIX |
* Hướng dẫn trả lời:
Niên đại | Sự kiện |
1. Năm 2500 TCN | Xuất hiện một số thành thị đầu tiên bên sông Ấn. |
2. Năm 1500 TCN | Xuất hiện một số nhà nước trên lưu vực sông Hằng. |
3. Thế kỉ VI TCN | Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ. |
4. Thế kỉ III TCN | Vua A-sô-ca mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam Ấn Độ. |
5. Thế kỉ IV | Vương triều Gup-ta thành lập. |
6. Thế kỉ VI | Vương triều Gup-ta bị diệt vong. |
7. Thế kỉ XII | Người Thổ Nhĩ Kì thôn tính Bắc Ấn, lập ra Vương triều Hồi giáo Đê li. |
8. Thế kỉ XVI | Người Mông Cổ tấn công Ấn Độ lập ra Vương triều Ấn Độ Mô-gôn. |
9. Thế kỉ XIX | Thực dân Anh xâm lược Ấn Độ |
Câu hỏi: Vì sao đến thời A-cơ-ba, Ấn Độ phát triển thịnh đạt nhất?
* Hướng dẫn trả lời:
Trong suốt nửa thế kỉ ở ngôi vua, A-cơ-ba (1556-1605), đã thi hành một số chính sách tích cực.
- Xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, dựa trên sự liên kết tầng lớp quý tộc, không phân biệt nguồn gốc, số quan lại gốc Mông Cổ, gốc Ấn Độ Hồi giáo và gốc Ấn Độ Ấn Độ giáo, cả ba có tỉ lệ gần như bằng nhau.
- Xây dựng khối hoà hợp dân tộc trên cơ sở hạn chế sự phân biệt sắc tộc và tôn giáo và cũng có biện pháp hạn chế sự bóc lột của chủ đất, quý tộc.
- Tiến hành đo đạc lại ruộng đất để định ra mức thuế đúng và hợp lí, thống nhất các hệ thống cân đong và đo lường.
- Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật.
Với bốn chính sách đó làm cho xã hội Ấn Độ ổn định, kinh tế phát triển, văn hoá có nhiều thành tựu mới, đất nước thịnh vượng.
Bài tập: Chọn các sự kiện đã cho sau đây điền vào cột B cho phù hợp với sự kiện ở cột A.
- A-cơ-ba thi hành một số chính sách tích cực.
- Người Hồi giáo gốc Trung Á tiến hành cuộc chinh chiến vào Ấn Độ.
- Có chín đời vua, trải qua 150 năm.
- Hơn 300 năm tồn tại và phát triển.
- Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật.
- Sự định hình và phát triển của văn hoá truyền thống Ấn Độ.
* Hướng dẫn trả lời:
A | B |
1. Vương triều Gup-ta | - Có chín đời vua, trải qua 150 năm. - Sự định hình và phát triển của văn hoá truyền thống Ấn Độ. |
2. Vương triều Hồi giáo Đê- li | - Người Hồi giáo gốc Trung Á tiến hành cuộc chinh chiến vào Ấn Độ. - Hơn 300 năm tồn tại và phát triển. |
3. Vương triều Mô-gôn | - A-cơ-ba thi hành một số chính sách tích cực. - Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật. |