Bài 31. CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP CUỐI THẾ KỶ XVIII

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Trước cách mạng, tình hình kinh tế - xã hội Pháp có gì nổi bật?

* Hướng dẫn trả lời:

- Pháp vẫn là một nước nông nghiệp. Công cụ và phương pháp canh tác thô sơ, lạc hậu, năng suất thu hoạch rất thấp.

- Đời sống nông dân ngày càng khốn quẫn bởi sự bóc lột đến cùng cực của lãnh chúa phong kiến và Giáo hội. Nạn đói thường xuyên xảy ra.

- Công thương nghiệp Pháp thời kỳ này đã phát triển, tập trung ở các vùng ven Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

- Ngoại thương cũng có những bước tiến mới, các Công ti thương mại Pháp buôn bán với nhiều nước ở châu Âu và phương Đông.

- Xã hội chia thành ba đẳng cấp: Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba.

- Như vậy, đến cuối thế kỉ XVIII, do mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế và địa vị chính trị giữa Đẳng cấp thứ ba với đẳng cấp Tăng lữ và Quý tộc, nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, báo hiệu một cuộc cách mạng đang đến gần.

Câu hỏi: Những nhà tư tưởng tiến bộ Pháp đã có vai trò như thế nào trong việc chuẩn bị cho cách mạng?

*Hướng dẫn trả lời:

Trào lưu tư tưởng ở Pháp vào thế kỉ XVIII được gọi là Triết học Ánh sáng, tiêu biểu là Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Ru-xô. Các ông đã kịch liệt phê phán sự thối nát của chế độ phong kiến và nhà thờ Ki-tô giáo, đưa ra những lí thuyết về việc xây dựng Nhà nước mới. Những quan điểm tiến bộ của Triết học Ánh sáng đã tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cuộc cách mạng xã hội bùng nổ.

Câu hỏi: Cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ trong bối cảnh nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Sự khủng hoảng trầm trọng của nền tài chính quốc gia buộc Lu-i XVI phải triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp ngày 5-5-1789 tại cung điện Véc-xai để đề xuất vấn đề vay tiền và ban hành thêm thuế mới.

- Bất bình trước hành động của nhà vua, ngày 14-7-1789, quần chúng nhân dân đã tự vũ trang, tấn công các trụ sở, các cơ quan quan trọng của thành phố và chiếm ngục Ba-xti - biểu tượng của chế độ phong kiến chuyên chế. Cách mạng đã bùng nổ ở Pháp.

Câu hỏi: Hãy nêu những việc làm của phái Lập hiến sau khi lên cầm quyền.

* Hướng dẫn trả lời:

- Ngôi vua vẫn được duy trì.

- Thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với khẩu hiệu nổi tiếng: "Tự do - Bình đẳng - Bác ái".

- Ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích công thương nghiệp phát triển như: bãi bỏ quy chế phường hội, cho phép tự do buôn bán, tổ chức hành chính theo quy chế mới (cả nước được chia thành 83 quận với cơ cấu tổ chức thống nhất, xóa bỏ thuế quan nội địa...).

Câu hỏi: Vì sao quần chúng cách mạng Pháp tiếp tục nổi dậy?

* Hướng dẫn trả lời:

Mặc dầu phái lập hiến ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhưng cuộc sống của nhân dân lao động vẫn chưa được cải thiện: việc chia ruộng đất theo từng lô lớn đem bán cho nông dân với giá cao nên nông dân không có khả năng mua; công nhân vẫn đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Thêm vào đó, việc ban hành đạo luật cấm công nhân hội họp, bãi công... càng làm tăng sự bất mãn trong quần chúng nhân dân, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp diễn ra.

Câu hỏi: Phái Gia-cô-banh lên nắm chính quyền trong hoàn cảnh nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Ngày 10-8-1792, không khí cách mạng bao trùm khắp Pa-ri. Các công xã cách mạng được thành lập, nắm toàn bộ chính quyền trong thành phố. Nhân dân Pa-ri, được sự hỗ trợ của các địa phương, đã tấn công hoàng cung, bắt giam vua và hoàng hậu. Chính quyền chuyển sang tay tư sản công thương được gọi là phái Gi-rông-đanh.

- Đầu năm 1793, nước Pháp đứng trước những thử thách nặng nề, Phái Gi-rông-đanh không muốn đưa cách mạng tiến xa hơn, làm thiệt hại đến quyền lợi của tư sản.

- Ngày 31-5-1793, hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban khởi nghĩa, quần chúng cách mạng ở Pa-ri đã kéo đến vây trụ sở Quốc hội. Ngày 2-6, nhiều đại biểu của Gi-rông-đanh bị bắt. Chính quyền chuyển sang tay phái Gia-cô-banh.

Câu hỏi: Chính quyền Gia-cô-banh đã thực hiện những biện pháp gì trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài?

* Hướng dẫn trả lời:

Để đưa đất nước thoát khỏi cơn hiểm nghèo, việc đầu tiên mà những người Gia-cô-banh quan tâm là phải giải quyết vấn đề ruộng đất - đòi hỏi cơ bản của quần chúng nông dân; qua đó, động viên họ tham gia cách mạng chống thù trong, giặc ngoài.

- Tháng 6-1793, Hiến pháp mới được thông qua, tuyên bố Pháp là nước cộng hòa, ban bố quyền dân chủ rộng rãi và mọi sự bất bình đẳng về đẳng cấp bị xóa bỏ.

- Ngày 23/8/1793, Quốc hội thông qua sắc lệnh "Tổng động viên toàn quốc" để huy động sức mạnh của nhân dân cả nước chống "thù trong, giặc ngoài" ban hành luật giá tối đa đối với lương thực, thực phẩm để chống nạn đầu cơ tích trữ, đồng thời ban hành luật về mức lương tối đa của công nhân.

Câu hỏi: Hãy cho biết tình hình nước Pháp sau cuộc đảo chính ngày 27-7-1794.

* Hướng dẫn trả lời:

- Sau cuộc đảo chính ngày 27-7-1794, chính quyền thuộc về phái tư sản mới giàu lên trong thời gian chiến tranh nhờ buôn bán gian lận, đầu cơ tích trữ và tham ô công quỹ. Ủy ban Đốc chính được thành lập, tập trung quyền lực vào 5 ủy viên. Nhiều thành quả cách mạng bị thủ tiêu: luật giá tối đa bị bãi bỏ, quyền tự do dân chủ bị hạn chế, những người cách mạng bị khủng bố, các câu lạc bộ chính trị bị đóng cửa...

- Dưới chế độ Đốc chính, nước Pháp luôn trong tình trạng xáo động và ngày càng khó khăn. Các thế lực phong kiến vẫn âm mưu nổi loạn. Một liên minh mới của các nước châu Âu nhằm chống Pháp được hình thành.

Bài tập: Lập niên biểu diễn biến cách mạng qua các giai đoạn. Tại sao nói: Thời kì chuyên chính Gia-cô-banh là đỉnh cao của cách mạng tư sản Pháp?

* Hướng dẫn trả lời:

Các giai đoạn Những sự kiện quan trọng

Từ 14-7-1789 đến 10-8-1792

Cách mạng bùng nổ và phát triển

Khởi nghĩa của nhân dân Pa-ri phá ngục Ba-xti, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Tháng 8-1789 thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Cách mạng lan rộng khắp nước.

Từ 10-8-1792 đến 2-6-1793

Cách mạng tiếp tục phát triển

Khởi nghĩa của nhân dân Pa-ri, nền quân chủ lập hiến bị lật đổ, thiết lập nền cộng hoà. Vua Lu-i XVI bị tử hình. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cách mạng.

Từ 2-6-1793 đến 27-7-1794

Đỉnh cao của cách mạng

Nhân dân Pa-ri khởi nghĩa lật đổ phái Gi-rông- đanh. Xoá bỏ mọi đặc quyền của phong kiến. Đẩy lùi được nạn ngoại xâm.

27-7-1794 đến 9-11-1799

Thoái trào cách mạng

Đảo chính phản cách mạng, phái Gia-cô-banh bị lật đổ. Đảo chính của Na-pô-lê-ông, chế độ độc tài quân sự thiết lập.

• Thời kì chuyên chính Gia-cô-banh là đỉnh cao của cách mạng, bởi vì:

- Phái Gia-cô-banh quan tâm giải quyết vấn đề ruộng đất - đòi hỏi cơ bản của quần chúng nông dân; qua đó, động viên họ tham gia cách mạng chống thù trong, giặc ngoài.

- Tháng 6-1793, Hiến pháp mới được thông qua, tuyên bố Pháp là nước cộng hòa, ban bố quyền dân chủ rộng rãi và mọi sự bất bình đẳng về đẳng cấp bị xóa bỏ.

- Ngày 23/8/1793, Quốc hội thông qua sắc lệnh "Tổng động viên toàn quốc" để huy động sức mạnh của nhân dân cả nước chống "thù trong, giặc ngoài" ban hành luật giá tối đa đối với lương thực, thực phẩm để chống nạn đầu cơ tích trữ, đồng thời ban hành luật về mức lương tối đa của công nhân.

Nhờ vậy, phái Gia-cô-banh đã dập tắt được các cuộc nổi loạn, đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới. Cách mạng Pháp đạt đến đỉnh cao.

Câu hỏi: Hãy nêu ý nghĩa lịch sử của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.

* Hướng dẫn trả lời:

- Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII đã lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế từng thống trị nước Pháp trong nhiều thế kỉ, hoàn thành các nhiệm vụ của một cuộc cách mạng tư sản: lật đổ chính quyền quân chủ chuyên chế, thủ tiêu mọi tàn dư phong kiến, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, những cản trở đối với công thương nghiệp bị xóa bỏ, thị trường dân tộc thống nhất được hình thành.

- Cách mạng tư sản Pháp đã mở ra thời đại mới - thời đại thắng lợi và củng cố của chủ nghĩa tư bản ở các nước tiên tiến thời bấy giờ.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Bài tập: Lập sơ đồ và trình bày về chế độ ba đẳng cấp trong xã hội phong kiến Pháp.

* Hướng dẫn trả lời:

- Không có quyền lợi chính trị, phải nộp mọi thứ thuế.

- Xã hội Pháp chia thành ba đẳng cấp: Tăng lữ, quý tộc và đẳng cấp thứ ba.

- Đẳng cấp tăng lữ và đẳng cấp quý tộc phong kiến là những đẳng cấp có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Họ không phải đóng thuế, được hưởng nhiều đặc quyền, nắm giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước, Quân đội và giáo hội.

- Đẳng cấp thứ ba bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội (tư sản, nông dân, dân nghèo thành thị, công nhân,...) có những quyền lợi và nguyện vọng không giống nhau:

+ Tư sản: Có thế lực về kinh tế, nhưng không có quyền lợi chính trị, bị nhà vua và lãnh chúa địa phương ngăn cản hoạt động kinh doanh. Trong giai cấp tư sản lại chia nhiều tầng lớp: Đại tư sản (Chủ ngân hàng, nhà buôn lớn), tư sản lớn vừa (tư sản công thương nghiệp), tư sản nhỏ. Xuất phát từ địa vị, quyền lợi của mình, mỗi tầng lớp tư sản có sự khác nhau về thái độ chính trị và tinh thần đấu tranh chống lại chế độ phong kiến. Nông dân: chiếm trên 90% dân số Pháp, phần lớn là tá điền, nộp 50% hoa lợi thu hoạch, đóng nhiều loại thuế và nhiều nghĩa vụ phong kiến.

+ Dân nghèo thành thị (thợ thủ công, buôn bán nhỏ, dân nghèo,...) sống nghèo khổ tạm bợ, chen chúc nhau ở ngoại ô.

+ Công nhân: Sống trong các thành thị lớn, điều kiện sống và lao động rất khó khăn (lương thấp, cường độ lao động cao, ngày làm việc kéo dài,...)

Bài tập: Trình bày những quan điểm cơ bản của các nhà tư tưởng tiến bộ Pháp thế kỉ XVIII. Vì sao những quan điểm này đã tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng sắp tới?

* Hướng dẫn trả lời:

- S.Mông-te-xki-ơ (1689-1755): Chủ trương hạn chế quyền của vua, đảm bảo quyền tự do của công nhân, đề ra nguyên tắc phân chia quyền lực của vua, Quốc hội và quan tòa trong bộ máy Nhà nước theo ba quyền: Hành pháp, lập pháp và tư pháp.

- Ph.Vôn-te (1764-1778): Chủ trương xây dựng chính quyền dân chủ, do một ông vua sáng suốt đứng đầu; bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, nhưng ông lại lên án nhà thờ Cơ đốc. Ông khẳng định điều kiện tư hữu là điều kiện cần thiết cho xã hội.

- G.G.Rút-xô (1712 - 1778): Chủ trương xóa bỏ chế độ quân chủ, phản đối chế độ tư hữu lớn, ông chủ trương duy trì chế độ tư hữu nhỏ.

- J.Mê-li-ê (1664-1729): Lên án chế độ bất công phong kiến, sự dối trả của giáo hội, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ sự bất công, thủ tiêu chế độ tư hữu, coi ruộng đất là tài sản chung của nông dân.

- Nhóm bách khoa toàn thư: Chủ trương biên soạn và phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho quần chúng để giác ngộ họ đấu tranh chống chế độ phong kiến.

- Những quan điểm của những nhà tư tưởng Pháp thế kỉ XVIII nêu trên có ý nghĩa tiến bộ, đáp ứng trong mức độ nhất định và được quần chúng tin theo, là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống chế độ quân chủ chuyên chế, có tác dụng chuẩn bị dọn đường cho cuộc cách mạng xã hội.

Bài tập: Qua nội dung Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền em có nhận xét gì?

* Hướng dẫn trả lời:

- Tích cực: Tuyên ngôn thừa nhận quyền tự do bình đẳng, quyền được an toàn, quyền chống áp bức,... của nhân dân, thể hiện sự tiến bộ trong việc chống lại áp bức của phong kiển đã tước bỏ mọi quyền lợi của quần chúng.

- Hạn chế: Tuyên ngôn nêu rõ "quyền sở hữu tài sản" là xóa bỏ quyền sở hữu của phong kiến, song lại thay thế bằng quyền sở hữu tư sản. Đây là hạn chế vì nhân dân không thoát khỏi áp bức bóc lột, nên quyền tự do, bình đẳng của họ không được đảm bảo.

Câu hỏi: Thái độ của nhân dân Pháp trước tình hình Tổ quốc lâm nguy như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Trước trình hình tổ quốc lâm nguy, do sự yếu kém của sĩ quan, sự phản bội của triều đình, nhân dân Pháp lại đứng lên chiến đấu, xóa bỏ hoàn toàn chế độ quân chủ, chấm dứt giai đoạn cầm quyền của đại tư sản.

- Khi kẻ thù đứng trước cửa ngõ thủ đô, những người Gi-rông-đanh do dự, muốn bỏ chạy khỏi thủ đô; thì nhân dân Pháp lại nhất tề đứng dậy bảo vệ tổ quốc. Các tiểu đoàn tình nguyện được thành lập, tiến ra mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Tinh thần chiến đấu của quần chúng cách mạng thể hiện ở bài ca Mác-xây-e về sau trở thành quốc ca của nước Pháp.

- Tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường bảo vệ tổ quốc của nhân dân đã được thể hiện trong chiến thắng Van-mi (20-9-1792) làm cho cục diện chiến tranh thay đổi. Chiến thắng này không chỉ cứu nước Pháp, mà còn tạo điều kiện cho cách mạng lan sang nhiều nước khác, nêu tấm gương về tinh thần chiến đấu anh dũng chống giặc ngoại xâm.

Câu hỏi: Trình bày và phân tích ý nghĩa của các biện pháp của chính phủ cách mạng do phái Gia-cô-banh cầm quyền?

Hướng dẫn trả lời:

- Ngày 2-6-1793, Quốc dân quân và hàng vạn quần chúng lao động bao vây Quốc ước, bắt giam những người cầm quyền Gi-rông-đanh, chuyển giao chính quyền vào tay những người Gia-cô-banh. Cách mạng Pháp chuyển sang giai đoạn cao nhất - giai đoạn chân chính của Gia-cô-banh.

- Chính phủ Gia-cô-banh đã thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết để chống lại thù trong, giặc ngoài, ổn định đời sống của nhân dân.

+ Đạo luật 6-1793, trả lại ruộng đất cho nông dân.

+ Lấy ruộng đất tịch thu của quý tộc, chia thành lô nhỏ, bán cho dân nghèo trả dần trong 10 năm.

+ Các đặc quyền của chế độ phong kiến bị xóa bỏ.

+ Tháng 6-1793, hiến pháp mới công bố thiết lập chế độ cộng hòa, xóa bỏ bất bình đẳng về đẳng cấp, công dân từ 21 tuổi trở lên được quyền bầu cử.

+ Thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết để trấn áp lực lượng phản động trong nước...

- Việc chính phủ Gia-cô-banh thực hiện các biện pháp nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình phát triển của cách mạng Pháp.

+ Trước hết, các đạo luật ruộng đất có ý nghĩa to lớn. Chỉ trong hai tháng, những người Gia-cô-banh đã làm được những điều mà trước đây chưa chính phủ nào làm được. Nó phá bỏ tận gốc chế độ phong kiến, biến những người nông dân thành những người tiểu tư hữu tự do, thiết lập chế độ kinh tế tiểu nông; tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, tầng lớp tiểu nông đông đảo do chính sách này tạo nên đã trở thành thành trì vững chắc cho cách mạng Pháp phát triển.

+ Hiến pháp 1793 phản ánh và đánh dấu một giai đoạn mới, một giai đoạn phát triển cao hơn. Nó tuyên bố trước toàn thế giới những nguyên tắc tự do, dân chủ, một nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn hiến pháp 1791. Nó được nhân dân chào đón như một thắng lợi của cách mạng.

- Những chính sách của chính phủ Gia-cô-banh đã tập hợp được sức mạnh của quần chúng lao động để đánh bại thù trong, giặc ngoài đem lại đỉnh cao cho cách mạng Pháp, nhất là giai đoạn chân chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh. Lê-nin đã chỉ ra rằng: "Những người Gia-cô-banh hồi năm 1793 đã đi vào lịch sử như một tấm gương vĩ đại đấu tranh cách mạng chân chính chống giai cấp bóc lột, do giai cấp những người lao động và những người bị áp bức làm chủ toàn bộ chính quyền Nhà nước tiến hành".

Bài tập: Lập bảng so sánh nội dung hiến pháp năm 1791 và 1793.

* Hướng dẫn trả lời:

Số TT Hiến pháp 1791 Hiến pháp 1793
01 Xác lập chế độ quân chủ lập hiến Xác lập chế độ cộng hòa
02 Chia công dân làm hai loại "công dân tích cực", "công dân tiêu cực". Xóa bỏ hoàn toàn chế độ bất bình đẳng về đẳng cấp
03 Nhân dân lao động không có quyền lợi chính trị Mọi công dân từ 21 tuổi trở lên được quyền bầu cử.

Câu hỏi: Vì sao giai đoạn cách mạng do phái Gia-cô-banh cầm quyền được gọi là nền chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh?

* Hướng dẫn trả lời:

Giai đoạn cách mạng do phái Gia-cô-banh cầm quyền được gọi là "nền chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh" là vì đây là một thời kỳ đỉnh cao của cách mạng tư sản Pháp, chính phủ Gia-cô-banh đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để ổn định đời sống của nhân dân, để tập hợp lực lượng chống lại thù trong, giặc ngoài, những chính sách và biện pháp này không được thực hiện trong giai đoạn trước 1793.

- Sắc lệnh xóa bỏ hoàn toàn không bồi thường mọi nghĩa vụ phong kiến đối với nông dân.

- Đạo luật trả lại cho nông dân ruộng đất bị phong kiến chiếm.

- Tịch thu ruộng đất của tăng lữ, quý tộc di cư, chia từng lô nhỏ bán cho nông dân nghèo, trả dần trong 10 năm.

- Thủ tiêu chế độ nô lệ ở thuộc địa (chưa thực hiện).

- Ban hành đạo luật "trừng phạt kẻ thù nhân dân".

- Sắc lệnh về "Luật đất đai".

- Xóa bỏ sự bất bình đẳng về đẳng cấp.

- Nam công dân từ 21 tuổi được quyền bầu cử.

Bài tập: Vẽ sơ đồ minh hoạ tiến trình cách mạng tư sản Pháp. "Phát triển theo đường đi lên"

* Hướng dẫn trả lời:

Bài tập: Những sự kiện nào chứng tỏ quần chúng nhân dân lao động là lực lượng chủ yếu trong các biến cố lịch sử thúc đẩy cách mạng tư sản Pháp phát triển?

* Hướng dẫn trả lời:

- Ngày 14-7-1789, gần 300.000 người chủ yếu là công nhân, thợ thủ công, tự vũ trang đánh chiếm nhà tù Ba-xti - tượng trưng cho uy quyền của chế độ phong kiến chuyên chế.

- Ngày 10-8-1792, cùng với quân tình nguyện, nhân dân ở thủ đô đã khởi nghĩa. Họ tấn công cung điện Tuy-lơ-ri, nơi ở của vua Lu-i XVI, bắt nhà vua và hoàng hậu. Chế độ quân chủ bị lật đổ. Giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng Pháp - giai đoạn cầm quyền của đại tư sản chấm dứt. Chính quyền chuyển sang tay tư sản công, thương nghiệp. Chế độ cộng hòa được thiết lập.

- Ngày 31-5-1793, quần chúng cách mạng Pa-ri xuống đường đòi bắt và xét xử những người cầm quyền Gi-rông-đanh, cách mạng Pháp chuyển sang giai đoạn cao nhất - giai đoạn chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh.