Chương IV. VIỆT NAM Ở NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX

Bài 25. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

(Nửa đầu thế kỉ XIX)

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Hãy đánh giá chính sách ngoại giao của Nhà Nguyễn. Cuộc cải cách của Minh Mạng có ý nghĩa gì?

* Hướng dẫn trả lời:

+ Đánh giá chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn:

- Tích cực: Giữ được quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc.

- Hạn chế: Đóng cửa không đặt quan hệ với các nước phương Tây, không tạo điều kiện giao lưu với các nước tiên tiến đương thời. Vì vậy, không tiếp cận được với nền công nghiệp cơ khí, dẫn đến tình trạng lạc hậu và bị cô lập.

+ Cuộc cải cách của Minh Mạng có ý nghĩa:

- Thống nhất hệ thống đơn vị hành chính trong cả nước, làm cơ sở cho sự phân chia tỉnh, huyện ngày nay.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Bài tập: Em hãy nhận xét về thủ công nghiệp nước ta ở nửa đầu thế kỉ XIX. Em có nhận xét gì về người thợ thủ công Việt Nam.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Nhận xét về thủ công nghiệp:

- Thủ công nghiệp Nhà nước được tổ chức với quy mô lớn

- Thủ công nghiệp cổ truyền vẫn được duy trì và phát triển

- Đã tiếp cận chút ít với kĩ thuật phương Tây

- Thủ công nghiệp nhìn chung không có điều kiện tiếp nhận kĩ thuật của các nước tiên tiến, vì vậy so với nền công nghiệp phương Tây còn lạc hậu hơn nhiều.

+ Nhận xét về nguồn thợ thủ công Việt Nam:

- Thợ thủ công Việt Nam đã chế tạo được một số máy móc đơn giản, đặc biệt là đóng được tàu thủy chạy bằng hơi nước.

- Điều đó chứng tỏ rằng tay nghề của thợ thủ công có nâng lên nhưng chưa đáng kể so với các nước phương Tây.

Bài tập: Trình bày khái quát và nhận xét quá trình hoàn chỉnh bộ máy thống trị của nhà Nguyễn.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Trình bày khái quát:

- Chính quyền trung ương được tổ chức theo mô hình thời Lê:

- Thời Gia Long chia nước thành 3 vùng: Bắc Thành, Gia Định Thành và các trực Doanh (Trung Bộ) do triều đình trực tiếp cai quản.

- Năm 1831 - 1832: Minh Mạng thực hiện một cuộc cải cách hành chính, chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Đứng đầu là tổng đốc triều phủ hoạt động theo sự điều hành của Triều đình.

- Tuyển chọn quan lại thông qua giáo dục, khoa cử.

- Một bộ luật mới được ban hành - Hoàng Triều luật lệ hay Luật Gia Long, gồm 400 điều.

- Quân đội được tổ chức quy củ, trang bị đầy đủ, song còn lạc hậu, thô sơ.

+ Nhận xét:

- Nhìn chung bộ máy Nhà nước thời Nguyễn giống thời Lê sơ, có cải cách chút ít.

- Song những cải cách đó nhằm tập trung quyền hành vào tay vua vì vậy, Nhà nước thời Nguyễn cũng là Nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền.

Bài tập: Hãy nêu những thành tựu văn hóa tiêu biểu dưới thời Nguyễn ở nửa đầu thế kỉ XIX.

* Hướng dẫn trả lời:

Các lĩnh vực Thành tựu
1. Giáo dục Giáo dục Nho học được củng cố song không bằng các thế kỷ trước.
2. Tôn giáo Độc tôn Nho giáo, hạn chế Thiên Chúa giáo, Tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển.
3. Văn học Văn học chữ Nôm phát triển. Tác phẩm xuất sắc như của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan.
4. Sử học Quốc sử quán thành lập, nhiều bộ sử lớn được biên soạn: Lịch triều hiến chương loại chí, Lịch triều tạp kỉ, Gia Định thành thông chí...
5. Kiến trúc Kinh đô Huế, Lăng tẩm, Thành lũy ở các tỉnh, cột cờ Hà Nội.
6. Nghệ thuật dân gian Tiếp tục phát triển theo các hình thức cũ.

Bài tập: Em hãy đánh giá chung về nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỉ XIX.

* Hướng dẫn trả lời:

Dưới thời nhà Nguyễn, mặc dầu triều đình đã cố gắng ổn định nền thống trị và đã có những cống hiến nhất định trên một số lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nhất là lĩnh vực văn hóa. Song trong bối cảnh thế giới và đất nước đặt ra những thử thách, yêu cầu phải tự cường thì nhà Nguyễn đã không đáp ứng và làm cho các mâu thuẫn xã hội càng gia tăng, phong trào đấu tranh phản đối chính quyền diễn ra liên tục làm cho xã hội Việt Nam thời Nguyễn ngày càng trở nên rối ren và phức tạp như một học giả phương Tây nhận xét “Đang lên cảm sốt trầm trọng”.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Vương triều nhà Nguyễn được thành lập như thế nào? Cơ cấu tổ chức của vương triều.

* Hướng dẫn trả lời:

- Lợi dụng tình hình Tây Sơn đang dồn sức giải quyết các công việc ở Bắc Hà, Nguyễn Ánh đem quân trở về đánh chiếm Gia Định, biến vùng này thành căn cứ mở các cuộc tấn công chống lại Tây Sơn.

- Tháng 6 - 1801, Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân (Huế), Nguyễn Quang Toản chống cự không nổi phải bỏ chạy ra Thăng Long.

- Ngày 21 - 6 - 1802, Nguyễn Ánh đánh chiếm Thăng Long, Quang Toản và triều đình Tây Sơn chạy đến Xương Giang (Bắc Giang) thì bị bắt. Vương triều Tây Sơn chấm dứt. Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, lập nên vương triều Nguyễn (1802 - 1945).

- Công việc đầu tiên mà Nguyễn Ánh tập trung giải quyết là thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương tới các địa phương trên một lãnh thổ rộng lớn, tương đương với lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Nguyễn Ánh quyết định xây dựng một thể chế quân chủ quan liêu chuyên chế, trong đó vua là người đứng đầu triều đình và toàn quyền quyết định mọi công việc hệ trọng của đất nước. Dưới vua có 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư. Dưới bộ có các ti chuyên trách.

- Đến thời Minh Mạng, tổ chức bộ máy nhà nước được hoàn thiện chặt chẽ hơn. Ngoài 6 bộ còn có các viện và các cơ quan chuyên trách như Đô sát viện, Nội các, Cơ mật viện...

- Phú Xuân (Huế) được chọn làm kinh đô là trung tâm đầu não của cả nước.

- Để bảo vệ quyền uy tuyệt đối của Hoàng đế, nhà Nguyễn không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu và không phong tước vương cho người ngoài họ.

- Nhà Nguyễn rất coi trọng luật pháp. Năm 1815, bộ Hoàng Việt luật lệ (hay còn gọi là Luật Gia Long) gồm 398 điều, chia thành 7 chương, được chính thức ban hành.

- Nhà Nguyễn chủ trương xây dựng một đội quân thường trực mạnh với khoảng trên 20 vạn quân, được chia làm 4 binh chủng (bộ binh, thuỷ tinh, pháo binh và tượng binh).

Câu hỏi: Chính sách đối ngoại của vương triều nhà Nguyễn được biểu hiện như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Nhà Nguyễn chủ trương thần phục nhà Thanh. Năm 1803, Gia Long cử sứ bộ sang Trung Quốc xin quốc hiệu và cầu phong. Năm sau, nhà Thanh sai sứ sang phong vương cho Gia Long. Từ đó nhà Nguyễn phải định kì cống nộp. Trong khi đó, các vua Nguyễn lại sử dụng lực lượng quân sự bắt Cao Miên và Lào thần phục, thậm chí có lúc còn thiết lập chế độ bảo hộ ở Cao Miên.

- Đối với các nước phương Tây, trong giai đoạn đầu, Gia Long thi hành chính sách tương đối cởi mở với Pháp và đạo Thiên Chúa.. Nhưng sang đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), triều Nguyễn khước từ dần những quan hệ với phương Tây, thậm chí bắt đầu thi hành chính sách đàn áp Công giáo và “đóng cửa”, ngăn cản ảnh hưởng của người phương Tây trên đất Việt Nam.

Bài tập: So sánh hệ thống chính quyền dưới thời Gia Long và Minh Mạng theo biểu bảng dưới đây?

Thời Gia Long Thời Minh Mạng

* Hướng dẫn trả lời:

Thời Gia Long Thời Minh Mạng

- Thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương tới các địa phương.

- Xây dựng một thể chế quân chủ quan liêu chuyên chế, trong đó vua là người đứng đầu triều đình và nắm toàn quyền quyết định mọi công việc hệ trọng của đất nước.

- Dưới vua có sáu bộ, đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư. Dưới bộ có các ti chuyên trách.

- Tổ chức bộ máy nhà nước hoàn thiện chặt chẽ hơn.

- Ngoài sáu bộ còn có các viện và các cơ quan chuyên trách như Đô sát viện, Nội các, Cơ mật viện...

- Chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).

- Các tỉnh đều do Tổng đốc hay Tuần phủ đứng đầu. Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, tổng và xã.

Bài tập: Hãy trình bày hiểu biết của em về bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long)?

* Hướng dẫn trả lời:

Bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) được ban hành vào năm 1815, gồm 21 quyển chính với 398 điều và một quyển phụ lục với 30 điều. Nội dung của bộ luật thể hiện rõ ý đồ bảo vệ quyền hành tuyệt đối của nhà vua và đề cao địa vị của quan lại và gia trưởng. Xử phạt rất hà khắc, nhất là những tội gây phương hại đến chính quyền.

Tuy nói là tham khảo các luật đời trước, nhưng trong thực tế bộ luật Gia Long đã dựa vào bộ luật nhà Thanh; những chi tiết thay đổi và bổ sung trong một số điều luật chiếm một tỉ lệ không nhiều.

Bài tập: Bằng việc sưu tầm tài liệu lịch sử, hãy kể tên 13 đời vua dưới triều Nguyễn theo yêu cầu sau đây:

- Tên vua.

- Năm làm vua.

- Niên hiệu.

* Hướng dẫn trả lời:

TT Tên vua Năm làm vua Niên hiệu
1 Nguyễn Phúc Ánh 1802 - 1820 Gia Long
2 Nguyễn Phúc Đảm 1820 - 1840 Minh Mạng
3 Nguyễn Phúc Tuyền 1840 - 1847 Thiệu Trị
4 Nguyễn Phúc Thì 1847 - 1883 Tự Đức
5 Ưng Châu 1883 (2 ngày) Dục Đức
6 Hồng Dật 6- 1883 - 11 - 1883 Hiệp Hoà
7 Ưng Đăng 1883 - 1884 Kiến Phúc
8 Ưng Lịch 1884 - 1885 Hàm Nghi
9 Ưng Xụy 1885 - 1888 Đồng Khánh
10 Biểu Lân 1889 - 1907 Thành Thái
11 Vĩnh San 1907 - 1916 Duy Tân
12 Bửu Đảo 1916 - 1925 Khải Định
13 Vĩnh Thụy 1926 - 1945 Bảo Đại

Câu hỏi: Trong hai năm 1831 và 1832, vua Minh Mạng chia nước Việt Nam thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên). Hãy kể tên những tỉnh được thành lập vào năm 1831?

* Hướng dẫn trả lời:

1. Quảng Bình.

2. Quảng Trị.

3. Nghệ An.

4. Hà Tĩnh.

5. Thanh Hoá.

6. Hà Nội.

7. Ninh Bình.

8. Nam Định.

9. Hưng Yên.

10. Hải Dương.

11. Quảng Yên.

12. Sơn Tây.

13. Hưng Hoá.

14. Tuyên Quang.

15. Bắc Ninh.

16. Thái Nguyên.

17. Lạng Sơn.

18. Cao Bằng.

Câu hỏi: Nêu những mặt tích cực và hạn chế của các chính sách kinh tế Nguyễn?

* Hướng dẫn trả lời:

a. Những mặt tích cực:

- Hết sức coi trọng vấn đề ruộng đất và sản xuất nông nghiệp:

+ Đo đạc lại ruộng đất, lập địa bạ.

+ Ban hành chính sách quân điền.

+ Thực hiện chính sách khai hoang, lập doanh điền.

- Phát triển các nghề thủ công dân gian, tăng cường xây dựng các quan xưởng.

- Chú trọng đến việc khai khoáng các mỏ, tăng nguồn thu thuế cho nhà nước.

b. Những hạn chế:

- Không bảo vệ được ruộng đất công, ruộng đất công chỉ còn 20% tổng diện tích đất cả nước. Chính sách quân điền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thực chất, chỉ là hình thức cấp ruộng đất cho quan lại và binh lính.

- Trong chính sách khai hoang, tuy ruộng đất khai khẩn thêm khá lớn, nhưng ruộng đất bỏ hoang còn nhiều.

- Trong chính sách khai khoáng, các mỏ do nhà nước khai thác thường kém hiệu quả và chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn rồi lại giao cho tư nhân lĩnh trưng.

- Về thương nghiệp, nhà Nguyễn thi hành chính sách thuế khoá phức tạp và chế độ kiểm soát ngặt nghèo đối với các hoạt động buôn bán. Về ngoại thương, thi hành chính sách độc quyền và hết sức dè dặt với các tàu buôn phương Tây.

Câu hỏi: Tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng dưới thời Nguyễn.

* Hướng dẫn trả lời:

- Nho giáo: nhà Nguyễn thi hành chính sách độc tôn Nho giáo, phục hồi Nho giáo vốn đã bị suy đồi trong những thế kỉ trước.

- Phật giáo và tín ngưỡng dân gian: nhà Nguyễn đã tìm mọi cách hạn chế Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian khác, nhưng Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian vẫn tiếp tục phát triển, nhất là ở các vùng nông thôn. Tục thờ cúng tổ tiên và tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với làng với nước trở thành phổ biến trong toàn xã hội.

- Đối với Thiên Chúa giáo: bắt đầu từ thời Minh Mạng (1820 - 1840), nhà Nguyễn thi hành những biện pháp cấm đoán gắt gao, thậm chí còn thẳng tay đàn áp. Thế nhưng các giáo sĩ phương Tây vẫn tìm được cách đi sâu vào các làng xã và cải đạo được nhiều người dân theo Thiên Chúa giáo.

Câu hỏi: Giáo dục, khoa cử được thể hiện như thế nào dưới thời Nguyễn?

* Hướng dẫn trả lời:

- Gia Long, vị vua khai sáng triều Nguyễn, quan niệm: “Nhà nước cầu nhân tài tất do đường khoa mục”, và để tuyển chọn quan lại, vào đầu năm 1807, ông ban hành quy chế thi Hương và thi Hội. Theo quy định này, tháng 3 - 1807, triều Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hương từ Nghệ An ra Bắc. Đến năm 1822, Minh Mạng cho khôi phục các kì thi Hội và thi Đình. Trong số những người đỗ đại khoa, nhiều người đã trở thành các nhà văn hoá lớn của đất nước hay những quan lại cao cấp trong triều đình nhà Nguyễn. Cũng bắt đầu từ thời Minh Mạng, việc tổ chức học tập và thi cử được chấn chỉnh và đi vào nề nếp. Tuy nhiên, nội dung giáo dục và thi cử lại không có gì khác so với trước và vì thế mà cả số lượng và chất lượng giáo dục khoa cử đều giảm sút.

- Tiếp nối truyền thống tôn sùng Nho học của các triều đại trước, năm 1803, vua Gia Long cho dựng trường Quốc học (sau đổi thành Quốc tử giám) ở kinh đô Phú Xuân. Cùng với Quốc tử giám, năm 1808, Văn Miếu được chính thức xây dựng để thờ Khổng Tử và 72 vị tiên hiền Nho học. Từ năm 1822, Văn Miếu - Quốc tử giám Huế bắt đầu thực hiện chế độ dựng bia đề danh tiến sĩ. Tính đến năm 1851, nhà Nguyễn đã tổ chức 14 khoa thi Hội, lấy được 136 tiến sĩ và 87 phó bảng.

Câu hỏi: Những biểu hiện về sự phát triển của văn học, khoa học dưới thời Nguyễn.

* Hướng dẫn trả lời:

- Văn học:

+ Trong lĩnh vực văn học, thế kỉ XVIII nổi lên nhiều nhà văn, nhà thơ lỗi lạc như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhậm, Bùi Huy Bích, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Cư Trinh...

+ Bước sang thế kỷ XIX, dòng văn học chữ Hán vẫn tiếp tục phát triển với nhiều nhà thơ, nhà văn tiêu biểu như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Lý Văn Phức, Minh Mạng, Tự Đức, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương... Văn học dân gian tiếp tục phát triển với các loại thơ ca, hò vè, ca dao, tục ngữ... hết sức phong phú.

+ Bên cạnh dòng văn học chữ Hán, dòng văn học chữ Nôm đầu thời Nguyễn phát triển rực rỡ với nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao. Hai tác giả đại biểu kiệt xuất nhất cho dòng văn học chữ Nôm nói riêng và văn học Việt Nam nói chung là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.

- Khoa học:

+ Thành tựu khoa học chủ yếu của thời kì này là sự ra đời các bộ lịch sử, địa lí lịch sử và bách khoa thư lớn như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lực của Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức...

+ Kĩ thuật vẽ bản đồ cũng đạt được những thành tựu mới, trong đó đặc biệt là Đại Nam nhất thống toàn đồ được vẽ vào cuối thời Minh Mạng đã thể hiện tương đối chính xác hình ảnh nước Đại Nam thống nhất, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông.

+ Về mặt kĩ thuật: Thời kì này trong các quan xưởng triều Minh Mạng đã từng chế tạo được máy cưa, xẻ gỗ chạy bằng sức nước, làm được máy bơm nước và đóng thành công chiếc tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước.

Câu hỏi: Các công trình nghệ thuật, kiến trúc dưới thời Nguyễn thể hiện điều gì?

* Hướng dẫn trả lời:

Vào nửa đầu thế kỉ XIX, những công trình kiến trúc chủ yếu của nhà Nguyễn là kiến trúc thành quách và lăng tẩm, trong đó tiêu biểu nhất là kiến trúc kinh đô Huế, Hoàng thành, lầu Ngọ Môn, Cửu đỉnh, lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị.

Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội tuy không còn là trung tâm Nho học của cả nước, nhưng dưới thời Nguyễn vẫn được tu bổ, tôn tạo. Khuê Văn Các được xây dựng năm 1804 là công trình kiến trúc độc đáo, hài hoà trong tổng thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc tử giám Thăng Long, đã trở thành đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và là biểu tượng của văn hiến Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh Khuê Văn Các, cột cờ thành Hà Nội và nhiều công trình kiến trúc cung đình cũng như dân gian đã trở thành “cái gạch nối” của kiến trúc truyền thống và hiện đại Việt Nam.

Nghệ thuật vẽ tranh chân dung, tranh sơn mài trên gỗ, các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống cũng tạo nên những sắc màu mới trong đời sống văn hoá. Nghệ thuật sân khấu, diễn xướng cũng phát triển rộng rãi hơn. Nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ca nhạc phong phú, với những dấu ấn độc đáo của mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng văn hoá nhưng lại được hoà vào nhu cầu hưởng thụ văn hoá chung của người dân khắp mọi miền đất nước. Tại kinh đô Huế, đã bắt đầu xuất hiện nhà hát và sàn diễn chuyên nghiệp.

Bài tập: Hãy trình bày chính sách của nhà Nguyễn đối với Nho giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo theo biểu bảng sau:

Các tôn giáo Chính sách của nhà Nguyễn
1. Nho giáo. a.
2. Phật giáo. b.
3. Thiên Chúa giáo. c.

* Hướng dẫn trả lời:

a. Nho giáo: Nhà Nguyễn thi hành chính sách độc tôn Nho giáo, phục hồi Nho giáo đã bị suy đồi trong thế kỷ trước.

b. Phật giáo: Nhà Nguyễn tìm mọi cách hạn chế Phật giáo, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển ở nông thôn.

c. Thiên Chúa giáo: Nhà Nguyễn thi hành những biện pháp cấm đoán gắt gao, thậm chí còn thẳng tay đàn áp.

Bài tập: Trong các nhóm kiến thức dưới đây, hãy chọn 3 kiến thức của mỗi nhóm có liên quan với nhau và giải thích ngắn gọn mối quan hệ đó.

1. - Lê Quý Đôn.

- Bùi Huy Bích.

- Ngô Thời Sĩ.

- Nguyễn Văn Siêu.

2. - Cao Bá Quát.

- Ngô Thời Nhậm.

- Nguyễn Văn Siêu.

- Lý Văn Phúc.

3. - Truyện Kiều.

- Cung oán ngâm khúc.

- Chinh phụ ngâm.

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

4. - Đại Nam thống nhất toàn đồ.

- Sử học bị khảo.

- Lịch triều hiến chương loại chí.

- Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ.

* Hướng dẫn trả lời:

1. - Lê Quý Đôn.

- Ngô Thời Sĩ.

- Bùi Huy Bích.

Là nhà văn, thơ lỗi lạc thế kỉ XVIII; Nguyễn Văn Siêu nhà văn, nhà thơ thế kỉ XIX.

2. - Cao Bá Quát.

- Nguyễn Văn Siêu.

- Lý Văn Phúc.

Là những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc thế kỉ XIX; Ngô Thời Nhậm nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của thế kỉ XVIII.

3. - Truyện Kiều.

- Chinh phụ ngâm.

- Cung oán ngâm khúc.

Là các tác phẩm văn học; Khâm định Việt sử thông giám cương mục là tác phẩm sử học.

4. - Lịch triều hiến chương loại chí.

- Sử học bị khảo.

- Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ.

Là các tác phẩm sử học; Đại Nam thống nhất toàn đồ là bản đồ địa lí.