Chương II. CÁC NƯỚC ÂU - MỸ (Từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX)

Bài 32. CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP Ở CHÂU ÂU

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Ý nghĩa của việc phát minh ra máy hơi nước là gì?

* Hướng dẫn trả lời:

- Máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới, làm giảm sức lao động cơ bắp của con người.

- Lao động bằng tay dần được thay thế bằng máy móc, khởi đầu quá trình công nghiệp hóa ở nước Anh.

- Làm cho năng suất lao động ngày càng tăng.

Câu hỏi: Cách mạng công nghiệp ở Anh đã dẫn đến những thay đổi gì về kinh tế và xã hội ở nước Anh?

* Hướng dẫn trả lời:

- Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh làm cho nền kinh tế nước Anh bước vào thời kì công nghiệp hoá, năng suất lao động ngày càng tăng.

- Chính cuộc cách mạng này đã củng cố địa vị của giai cấp tư sản Anh, làm cho chủ nghĩa tư bản ra đời sớm ở Anh và có điều kiện vươn lên cạnh tranh với các nước tư bản khác.

- Đến giữa thế kỉ XIX, nước Anh được mệnh danh là "công xưởng của thế giới". Luân Đôn trở thành một trung tâm thương mại với 80 vạn dân và là thủ đô đầu tiên của châu Âu tiến lên con đường công nghiệp hóa.

Câu hỏi: Ý nghĩa của cách mạng công nghiệp với kinh tế Pháp, Đức.

* Hướng dẫn trả lời:

- Cách mạng công nghiệp đã đưa nền kinh tế Pháp vươn lên mạnh mẽ, công nghiệp Pháp đứng thứ hai trên thế giới, sau nước Anh. Bộ mặt Pa-ri và các thành phố thay đổi rõ rệt. Một hệ thống đại lộ, nhà ga, cửa hàng... được xây dựng thay thế các phố cũ chật hẹp.

- Ở Đức, cách mạng công nghiệp diễn ra vào những năm 40 của thế kỉ XIX mặc dù đất nước đang còn bị chia rẽ thành nhiều tiểu quốc và giai cấp tư sản chưa cầm quyền. Đến giữa thế kỉ XIX, tốc độ phát triển công nghiệp của Đức đạt mức kỉ lục.

Câu hỏi: Cách mạng công nghiệp đem lại những hệ quả gì?

* Hướng dẫn trả lời:

- Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt các nước tư bản: nhiều trung tâm công nghiệp mới và thành thị đông dân xuất hiện. Sản xuất bằng máy đã nâng cao năng suất lao động và ngày càng xã hội hóa quá trình lao động của chủ nghĩa tư bản.

- Cách mạng công nghiệp cũng góp phần thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ trong các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp và giao thông vận tải.

- Hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản được hình thành - tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp. Sự tăng cường bóc lột công nhân của giai cấp tư sản làm cho mâu thuẫn trong xã hội tư bản và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản không ngừng tăng lên.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Nêu những phát minh lớn trong cách mạng công nghiệp ở Anh.

* Hướng dẫn trả lời:

- Năm 1764, người thợ dệt Giêm Ha-gri-vơ đã sáng chế ra máy kéo sợi và lấy tên con gái mình đặt cho máy - "máy Gien-ni".

- Năm 1769, Ác-crai-tơ chế ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước.

- Năm 1779, Crôm-tơn đã cải tiến máy mới kĩ thuật cao hơn, kéo được sợi nhỏ lại chắc, vải dệt ra vừa đẹp lại vừa bền.

- Năm 1785, kĩ sư Ét-mon Các-rai đã chế tạo được máy dệt chạy bằng sức nước.

- Năm 1814, Xti-phen-xơn chế tạo thành công chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên.

Câu hỏi: Nêu một số thành quả mà cách mạng công nghiệp Pháp và Đức đem lại cho hai nước này trong những năm 40, 50 đến những năm 60, 70 thế kỉ XIX.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Ở Pháp:

Trong thời gian này, số máy hơi nước của Pháp tăng hơn 5 lần, từ 5000 chiếc lên đến 27000 chiếc, chiều dài đường sắt tăng lên 5,5 lần, từ 3000km lên đến 16500km; tàu chạy bằng hơi nước tăng hơn 3,5 lần với trọng tải tăng hơn 10 lần.

+ Ở Đức:

Từ năm 1859 đến năm 1860, sản lượng than, sắt, thép và độ dài đường sắt tăng gấp đôi, số lượng động cơ chạy bằng hơi nước tăng 6 lần; công nghiệp khai mỏ phát triển mạnh, từ năm 1860 đến 1870, sản lượng than đá tăng từ 12 triệu tấn lên đến 26 triệu tấn. Công nghiệp luyện kim và hoá chất chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đức.