Bài 26. TÌNH HÌNH XÃ HỘI Ở NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Em nghĩ thế nào về cuộc sống của nhân dân ta thời Nguyễn so sánh với thế kỉ XVIII.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Đời sống nhân dân ta:

Dưới thời nhà Nguyễn, nhân dân ta phải chịu nhiều gánh nặng:

  • Phải chịu sưu cao thuế nặng.
  • Chế độ lao dịch nặng nề.
  • Thiên tai, mất mùa thường xuyên xảy ra
  • → Do đó cuộc sống của nhân dân vô cùng khốn khổ.

    + So sánh với thế kỉ XVIII:

    - Đời sống của nhân dân ta cực khổ hơn so với các triều đại trước

    Chẳng hạn thời Lê sơ:

    “Đời vua Thái Tổ Thái Tông

    Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”

    Còn thời Nguyễn:

    “Xác đầy nghĩa địa

    Thây thối bên cầu

    Trời ảm đạm u sầu

    Cảnh hoang tàn đói rét”

    - Mâu thuẫn xã hội lên cao bùng nổ thành các cuộc chiến tranh

    Câu hỏi: So với các triều đại trước, cuộc đấu tranh của nông dân dưới thời Nguyễn có điểm gì khác?

    * Hướng dẫn trả lời:

    - Phong trào đấu tranh của nông dân nổ ra ngay từ đầu thế kỉ khi nhà Nguyễn vừa lên cầm quyền. Đối với các triều đại trước phong trào đấu tranh của nông dân thường nổ ra vào cuối triều đại, lúc mà triều đại đó trở nên thối nát.

    - Phong trào đấu tranh dưới thời Nguyễn nổ ra liên tục với số lượng lớn.

    - Có những cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn và thời gian kéo dài như khởi nghĩa Phan Bá Vành, Lê Văn Khôi.

    Bài tập: So sánh tình hình xã hội ở nước ta nửa đầu thế kỉ XIX với thế kỉ XVIII.

    * Hướng dẫn trả lời:

    - Nhà Nguyễn thành lập trong một giai đoạn nội chiến ác liệt, tình hình chính trị - xã hội phức tạp, chế độ phong kiến đang bước trên con đường suy tàn. Bản thân nhà Nguyễn lại đại diện cho tập đoàn phong kiến thống trị cũ, vì vậy chủ trương duy trì tình trạng kinh tế - xã hội cũ, tăng cường tính chuyên chế nhằm bảo vệ quyền lợi thống trị của mình.

    - Trong xã hội có sự phân chia giai cấp ngày càng cách biệt hơn so với các triều đại khác đó là:

    + Giai cấp thống trị bao gồm vua quan, địa chủ, cường hào.

    + Giai cấp bị trị bao gồm đại đa số là nông dân.

    - Tệ tham quan ô lại thời Nguyễn rất phổ biến.

    - Ở nông thôn địa chủ cường hào ức hiếp nhân dân.

    Câu hỏi: Những nguyên nhân gây nên tình trạng khổ cực của nhân dân đầu thời Nguyễn là gì?

    * Hướng dẫn trả lời:

    - Hiện tượng tham nhũng sách nhiễu nhân dân rất phổ biến

    “Con ơi, mẹ bảo con này

    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”

    - Ở nông thôn, bọn địa chủ cường hào tiếp tục hoành hành, ức hiếp nhân dân.

    “Cái hại quan lại là một, hai phần, còn cái hại cường hào đến tám, chín phần"

    (Nguyễn Công Trứ)

    - Nhà nước huy động sức người, sức của cho việc xây dựng kinh thành, lăng tẩm, dinh thự.

    Câu hỏi: Trình bày đặc điểm của phong trào đấu tranh chống phong kiến ở nửa đầu thế kỉ XIX. So sánh với các triều đại trước và phân tích ý nghĩa của nó.

    * Hướng dẫn trả lời:

    + Đặc điểm:

    - Phong trào đấu tranh của nông dân nổ ra ngay từ đầu thế kỉ khi nhà Nguyễn vừa lên cầm quyền. Đối với các triều đại trước phong trào đấu tranh của nông dân thường nổ ra vào cuối triều đại, lúc mà triều đại đó trở nên thối nát.

    - Phong trào đấu tranh dưới thời Nguyễn nổ ra liên tục với số lượng lớn.

    - Có những cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn và thời gian kéo dài như khởi nghĩa Phan Bá Vành, Lê Văn Khôi.

    + Ý nghĩa:

    - Nó chứng tỏ sức mạnh của nông dân và nói lên mâu thuẫn giai cấp trong xã hội đã trở nên rất quyết liệt.

    - Làm cho nhà Nguyễn ngày càng suy yếu nghiêm trọng và cuối cùng tự chuốc lấy thất bại trước sự xâm lược của thực dân phương Tây.

    II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

    Câu hỏi: Sơ lược vài nét chính về tình hình xã hội dưới thời Nguyễn.

    Hướng dẫn trả lời:

    Trong bối cảnh nền kinh tế bế tắc, đời sống nhân dân khốn cùng, nhà Nguyễn chẳng những đã bất lực không cải thiện được tình hình mà trái lại, bộ máy chính quyền ngày càng quan liêu, tha hoá. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, đã làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp xã hội ở khắp mọi miền đất nước chống lại chế độ thống trị của nhà Nguyễn.

    Chỉ tính riêng trong nửa đầu thế kỉ XIX, đã có gần 400 cuộc khởi nghĩa, trong đó, riêng thời Minh Mạng có 250 cuộc. Mặc dù các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều bị đàn áp nhưng đã làm rệu rã nền thống trị của nhà Nguyễn. Xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn ngày càng trở nên rối ren và phức tạp.

    Bài tập: Lập bảng thống kê các cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân ở nửa đầu thế kỉ XIX.

    * Hướng dẫn trả lời:

    Thời gian Tên cuộc khởi nghĩa Địa điểm khởi nghĩa
    1821 -1827 Phan Bá Vành Lưu vực châu thổ sông Hồng, thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và Hải Phòng.
    1833 - 1843 Ba Nhàn, Tiền Bột Phú Thọ, Tuyên Quang.
    1833 -1843 Lê Duy Lương Hoà Bình, Thanh Hoá.
    1833 -1835 Lê Văn Khôi Gia Định.
    1833 - 1835 Nông Văn Vân Tuyên Quang, Cao Bằng.
    1854 - 1856 Cao Bá Quát Hà Tây.

    Câu hỏi: Hãy phân tích nguyên nhân và ý nghĩa của phong trào đấu tranh của nhân dân thời Nguyễn?

    * Hướng dẫn trả lời:

    - Nguyên nhân:

    + Dưới thời Nguyễn, nạn cướp đoạt ruộng đất của địa chủ, nạn quan lại cường hào tham nhũng, chế độ tô thuế và lao dịch khắc nghiệt..., làm cho kinh tế nông nghiệp nước ta bị phá sản nghiêm trọng. Thêm vào đó, nạn ôn dịch, bão lụt xảy ra thường xuyên làm cho ruộng đồng bỏ hoang, xóm làng xơ xác, nông dân lưu vong, phiêu tán.

    + Trong bối cảnh kinh tế bế tắc, đời sống nhân dân khốn cùng, nhà Nguyễn chẳng những đã bất lực không cải thiện được tình hình mà trái lại, bộ máy chính quyền ngày càng quan liêu, tha hoá. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, đã làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp xã hội ở khắp mọi miền đất nước chống lại chế độ thống trị của nhà Nguyễn.

    - Ý nghĩa:

    + Cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại triều Nguyễn liên tục, quyết liệt trong hơn 50 năm, xét cho cùng là nhằm chống lại sự huỷ hoại tiềm lực dân tộc của nhà nước phong kiến. Các tầng lớp bị trị không thể cam chịu chết dần, chết mòn vì đói rét, bệnh tật, đã vùng lên tìm lối thoát cho sự sống còn của bản thân mình, cũng là đấu tranh cho sự tồn tại của xã hội, là bảo vệ sự sinh tồn và thực lực của dân tộc.

    + Những cuộc đấu tranh không mệt mỏi của nông dân và các dân tộc chống lại áp bức, cường quyền dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã góp phần củng cố khối đoàn kết thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam.