Bài 34. CÁC NƯỚC TƯ BẢN CHUYỂN SANG GIAI ĐOẠN ĐẾ QUỐC CHỦ NGHĨA

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Trình bày những phát minh lớn về khoa học - kĩ thuật cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong lĩnh vực Vật lí, những phát minh về điện của các nhà bác học như Ghê-oóc Xi-môn Ôm (1789-1854) người Đức, Mai-cơn Pha-ra-đây (1791 - 1867) và Giêmx Pre-xcốt Giun (1818 - 1889) người Anh, E-nư-li Khri-xchia-nô-vích Len-xơ (1804 - 1865) người Nga đã mở ra khả năng ứng dụng một nguồn năng lượng mới. Thuyết electron của Tôm-xơn (Anh) cho thấy nguyên tử không phải là phần tử nhỏ nhất của vật chất mà trước đó người ta vẫn lầm tưởng. Những phát hiện về hiện tượng phóng xạ của nhà bác học người Pháp Hăng-ri Béc-cơ-ren (1852 - 1908), Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã đặt nền tảng cho việc tìm kiếm nguồn năng lượng hạt nhân; công trình nghiên cứu của nhà vật lí học người Anh Ec- nét Rơ-dơ-pho (1871 - 1937) là một bước tiến vĩ đại trong việc tìm hiểu cấu trúc vật chất và trở thành chiếc chìa khóa thần kì để tìm hiểu thế giới bên trong của nguyên tử. Phát minh của nhà bác học người Đức Vin-hem Rơn-ghen (1845 - 1923) về tia X vào năm 1895 đã giúp y học chẩn đoán chính xác bệnh tật, biết hướng điều trị nhằm phục hồi sức khỏe cho con người.

- Trong lĩnh vực Hóa học, định luật tuần hoàn của nhà bác học Nga Men-đê- lê-ép đã đặt cơ sở cho sự phân hạng các nguyên tố hóa học.

- Lĩnh vực Sinh học cũng có nhiều tiến bộ lớn. Học thuyết Đác-uyn (Anh) đề cập đến sự tiến hóa và di truyền, sự chọn lọc tự nhiên của sinh vật; phát minh của nhà bác học người Pháp Lu-i Pa-xtơn (1822-1895) giúp phát hiện vi trùng và chế tạo thành công văcxin chống bệnh chó dại; công trình của nhà sinh lí học người Nga Páp-lốp (1849 - 1936) với thí nghiệm về những phản xạ có điều kiện đã nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh cao cấp của động vật và con người v.v...

Câu hỏi: Vì sao các nước đế quốc tăng cường xâm chiếm và tranh chấp thuộc địa?

* Hướng dẫn trả lời:

- Để khai thác nguyên liệu, sử dụng nhân công rẻ mạt hoặc đem cho vay để thu được nhiều lãi.

- Năm 1890, nước Anh đầu tư ra bên ngoài 2 tỉ livrơ xtécting; đến năm 1913, lên gần 4 tỉ. Năm 1899, tiền lãi của số vốn xuất khẩu là 90 triệu livrơ xtécling, đến năm 1912 lên tới 176 triệu. Thị trường đầu tư chủ yếu của nước Anh là các thuộc địa và một số nơi như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, các nước Mĩ La-tinh...

- Các thuộc địa có vai trò quan trọng đối với các đế quốc, là nơi đầu tư và tiêu thụ hàng hóa của chính quốc, nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, cung cấp binh lính cho những cuộc chiến tranh...

Câu hỏi: Tại sao trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt?

* Hướng dẫn trả lời:

Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các mâu thuẫn xã hội: giữa các nước đế quốc với nhau, giữa đế quốc với nhân dân thuộc địa, giữa giai cấp tư sản với công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản... càng trở nên sâu sắc.

- Chủ nghĩa đế quốc với đế quốc luôn tranh chấp thuộc địa.

- Giai cấp tư sản bóc lột giai cấp công nhân.

- Chủ nghĩa đế quốc vơ vét thống trị các nước thuộc địa.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Vì sao cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển hình thành các công ti độc quyền?

* Hướng dẫn trả lời:

- Do sự phát triển của khoa học kĩ thuật tạo điều kiện cho sản xuất tập trung với quy mô lớn.

- Do sự cạnh tranh giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Trong quá trình cạnh tranh, một số cơ sở bị phá sản, các công ti độc quyền ra đời.

Câu hỏi: Vì sao các tổ chức độc quyền ra đời đánh dấu việc chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa?

* Hướng dẫn trả lời:

- Các tổ chức độc quyền ra đời làm cho việc sản xuất hàng hoá ngày càng nhiều không thể tiêu thụ hết trong nước.

- Các nước tư bản tiến hành chiến tranh xâm lược các nước thuộc địa, biến các nước thuộc địa thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của chính quốc. Từ đó, chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc.