Chương III. VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XVIII

Bài 21. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRONG CÁC THẾ KỈ XVI - XVIII

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Nêu nguyên nhân của sự chia cắt đất nước.

* Hướng dẫn trả lời:

- Do bộ phận cựu thần nhà Lê gắn bó với triều đại Lê, không chấp nhận nền thống trị của họ Mạc, vì Mạc Đăng Dung không xuất thân từ dòng dõi quý tộc, vì vậy, họ đã nổi lên ở Thành Hoá - quê hương của nhà Lê - để chống lại nhà Mạc. Từ đó dẫn đến chiến tranh Nam - Bắc Triều

- Nhà Mạc không được nhân dân ủng hộ, bị lật đổ, phải chạy lên Cao Bằng. Đất nước thống nhất, quyền hành nằm trong tay họ Trịnh (Trịnh Kiểm) chẳng bao lâu sau, đã hình thành một thế lực cát cứ Mạn Nam - Thế lực họ Nguyễn. Một cuộc chiến tranh phong kiến mới lại bùng nổ. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn.

Bài tập: Em có nhận xét gì về việc làm của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đặc điểm khác biệt của chính quyền Đàng Trong với Nhà nước Lê Trịnh ở Đàng ngoài là gì?

* Hướng dẫn trả lời:

+ Nhận xét việc làm của Nguyễn Phúc Khoát:

- Do ở Đàng Trong chỉ có chính quyền địa phương dưới sự cai quản của chúa Nguyễn, chưa có tổ chức Nhà nước như ở Đàng Ngoài hay thời Lê sơ cũ.

- Việc Nguyễn Phúc Khoát quyết định xưng vương, thành lập triều đình trung ương là muốn thành lập một quốc gia mới ở Đàng Trong. Đây là nguy cơ chia cắt lâu dài đất nước.

+ Điểm khác biệt:

- Chính quyền Đàng Trong: chỉ có chính quyền địa phương dưới sự cai quản của chúa. Chưa có ý định tổ chức như Nhà nước.

- Nhà nước Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài được xây dựng hoàn chỉnh với danh nghĩa thống trị toàn bộ đất nước, do vua Lê đứng đầu.

Câu hỏi: Em hãy cho biết nguyên nhân suy sụp của triều Lê sơ

* Hướng dẫn trả lời:

- Vua, quan chỉ lo ăn chơi xa xỉ không quan tâm đến triều đình và nhân dân.

- Địa chủ ra sức chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột nông dân.

- Nhân dân khổ cực đã nổi dậy đấu tranh ở nhiều nơi.

- Một số thế lực phong kiến cũng họp quân, đánh nhau, tranh chấp quyền hành.

Bài tập: Hãy đánh giá vai trò của Vương triều Mạc.

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong bối cảnh nhà Lê suy yếu, bất lực, Mạc Đăng Dung đã phế truất vua Lê và thành lập triều Mạc. Đây là sự thay thế tất yếu, hợp quy luật.

- Trong những năm đầu thống trị, nhà Mạc xây dựng lại chính quyền theo mô hình cũ của nhà Lê. Tổ chức thi cử đều đặn, xây dựng quân đội mạnh. Giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.

→ Những chính sách của nhà Mạc bước đầu đã ổn định lại đất nước.

- Về sau, nhà Mạc lại chịu sức ép từ hai phía: Ở phía Nam một số cựu thần nhà Lê hợp lại nổi dậy chống nhà Mạc. Ở phía Bắc vua Minh tiến quân xuống, phao tin xâm chiến nước ta. Nhà Mạc lúng túng, buộc phải dâng sổ sách cho quân Minh, chịu thần phục để yên mặt Bắc. Đến đây Vương triều Mạc không còn được sự tin tưởng của nhân dân. Nhà Mạc bị cô lập.

Tóm lại, Nhà Mạc ra đời trong bối cảnh chiến tranh phong kiến bùng nổ. Tuy bước đầu có góp phần ổn định lại xã hội nhưng lại trở thành nguyên cớ gây nên chiến tranh.

Câu hỏi: Nêu nguyên nhân của các cuộc chiến tranh phong kiến: Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn

* Hướng dẫn trả lời:

+ Chiến tranh Nam - Bắc triều:

- Bộ phận cựu thần của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim không chấp nhận nền thống trị của họ Mạc, vì Mạc Đăng Dung không xuất thân từ dòng dõi quý tộc, không có công trong cuộc giải phóng đất nước. Họ đã họp quân, nêu danh nghĩa "Phù Lê diệt Mạc” nổi dậy ở vùng Thanh Hóa gọi là Nam Triều đối lập với họ Mạc Thăng Long - Bắc Triều.

- Năm 1545 - 1592, chiến tranh Nam - Bắc triều bùng nổ, nhà Mạc bị lật đổ.

+ Chiến tranh Trịnh - Nguyễn:

- Trong lực lượng phù Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim. Nhưng từ khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm đã tiếp tục sự nghiệp “Phù Lê diệt Mạc”. Để thao túng quyền lực vào tay họ Trịnh, Trịnh Kiểm tìm cách loại trừ phe cánh họ Nguyễn. Lo sợ trước tình hình đó, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

- Cơ nghiệp họ Nguyễn ở mạn Nam dần dần được xây dựng, trở thành thế lực cát cứ Đàng Trong, tách khỏi sự lệ thuộc họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

- Năm 1627, họ Trịnh đem quân đánh họ Nguyễn, chiến tranh Trịnh - Nguyễn bùng nổ.

Bài tập: Vẽ tổ chức chính quyền ở Đàng Ngoài, Đàng Trong và so sánh, nhận xét.

* Hướng dẫn trả lời:

Sơ đồ tổ chức chính quyền ở Đàng Ngoài

Sơ đồ chính quyền ở Đàng Trong

+ So sánh, nhận xét:

- Tổ chức chính quyền ở Đàng Ngoài hoàn chỉnh hơn với danh nghĩa thống trị toàn bộ đất nước, hoàn thiện từ trung ương đến địa phương.

- Tổ chức chính quyền ở Đàng Trong chỉ là tổ chức ở địa phương (Từ Quảng Bình đến Nam Bộ)

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Hãy nêu những biểu hiện về sự suy yếu của triều Lê và sự ra đời của triều Mạc.

* Hướng dẫn trả lời:

- Những biểu hiện sự suy yếu của triều Lê:

+ Đầu thế kỉ XVI, triều Lê ngày càng bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn và mất hết vai trò tích cực: vua quan ăn chơi sa đoạ, nội bộ triều đình mâu thuẫn.

+ Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và các thế lực chống lại triều đình nổi lên khắp nơi làm cho triều Lê càng thêm suy yếu.

- Sự ra đời của nhà Mạc:

+ Lợi dụng sự suy yếu của triều Lê, năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt ép Cung hoàng đế nhường ngôi, lập ra nhà Mạc.

+ Nhà Mạc tổ chức lại bộ máy quan lại. Tiếp tục duy trì hệ thống pháp luật của nhà Lê, nhưng điều chỉnh lại cho hoàn chỉnh.

+ Nhà Mạc tỏ ra lúng túng trong chính sách đối ngoại. Nhà Mạc đáp ứng nhiều yêu cầu vô lí của nhà Minh (Trung Quốc), làm cho nhà Mạc rơi vào thế bị cô lập.

Câu hỏi: Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều diễn ra như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Lúc nhà Mạc tập trung lực lượng đối phó với cuộc nổi dậy trong nước, Nguyễn Kim, một tướng cũ nhà Lê, đã bí mật xây dựng lực lượng và tôn Lê Duy Ninh lên làm vua, lập lại triều Lê.

- Từ năm 1539 đến năm 1543, Nguyễn Kim đánh Thanh Hoá, Nghệ An, xây dựng khu vực này thành vùng kiểm soát của chính quyền nhà Lê dưới danh nghĩa triều Lê Trung Hưng.

- Năm 1545, Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm thay thế vị trí của ông, tiếp tục chiến tranh với nhà Mạc. Họ Trịnh nắm quyền chi phối triều Lê. Thế lực vua Lê, chúa Trịnh ở vùng Thanh - Nghệ (gọi là Nam Triều) ngày càng mạnh, đối địch với chính quyền nhà Mạc ở Thăng Long (gọi là Bắc triều).

- Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều kéo dài gần 50 năm (từ 1545 đến 1592), tàn phá đất nước nặng nề.

- Năm 1592, Nam triều tấn công vào Thăng Long, giành thắng lợi quyết định. Cục diện Nam - Bắc triều về cơ bản đã chấm dứt.

Câu hỏi: Trình bày những nét cơ bản về nội chiến Trịnh - Nguyễn và sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài.

* Hướng dẫn trả lời:

- Nội chiến Trịnh - Nguyễn:

+ Trịnh Kiểm muốn thâu tóm mọi quyền hành và loại bỏ dần ảnh hưởng của họ Nguyễn.

+ Nguyễn Hoàng vào trấn giữ ở Thuận Hoá.

+ Sau 10 năm trấn thủ Thuận Hóa, đến năm 1570, Nguyễn Hoàng được giao kiêm lãnh làm trấn thủ cả xứ Quảng Nam (từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông). Dần dần, khu vực Thuận - Quảng trở thành vùng đất của tập đoàn phong kiến Nguyễn.

+Trong vòng 45 năm (từ 1627 đến 1672), hai họ Trịnh - Nguyễn đánh nhau bảy lần, làm cho đất nước tương tàn.

- Sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài:

+ Vùng đất từ sông Gianh, Lũy Thầy (Quảng Bình) trở ra Bắc nằm dưới quyền cai trị của chính quyền Lê - Trịnh gọi là Đàng Ngoài.

+ Vùng Thuận Quảng phía nam, được gọi là Đàng Trong, của chính quyền họ Nguyễn.

Bài tập: Điền các sự kiện lịch sử vào các mốc thời gian đã cho sau đây:

Thời gian Sự kiện

- 1527

- 1533

- 1545

- 1545 - 1592

- 1592

- 1627 - 1672

* Hướng dẫn trả lời:

Thời gian Sự kiện

- 1527

- 1533

- 1545

- 1545 - 1592

- 1592

- 1627 - 1672

- Mạc Đăng Dung bắt ép Cung hoàng đế nhường ngôi, lập ra nhà Mạc.

- Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa, lập ra nhà Lê.

- Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm thay thế vị trí của ông, tiếp tục cuộc chiến tranh với nhà Mạc.

- Cuộc xung đột Nam - Bắc triều kéo dài gần 50 năm.

- Quân Nam triều tấn công vào Thăng Long, giành thắng lợi quyết định.

- Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn bảy lần với những trận đánh ác liệt làm cho đất nước tương tàn.

Bài tập: Vì sao hình thành Nam - Bắc triều? Cuộc chiến tranh Nam Bắc triều là cuộc chiến tranh giữa các phe đối lập nào và hậu quả của nó ra sao?

* Hướng dẫn trả lời:

- Vì sao hình thành Nam - Bắc triều:

+ Đầu thế kỉ XVI, triều đình nhà Lê ngày càng bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn và mất hết vai trò tích cực. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và các thế lực chống lại triều đình nổi lên ở khắp nơi làm cho triều Lê ngày càng suy yếu.

+ Lợi dụng tình hình đó, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc (Bắc triều).

+ Năm 1533, Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hoá, xây dựng lực lượng và tôn Lê Duy Ninh lên làm vua, lập ra triều Lê (Nam triều).

- Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều là cuộc chiến tranh giữa các phe đối lập:

+ Lê với Mạc từ năm 1539 đến năm 1543.

+ Trịnh với Mạc từ năm 1545 đến năm 1592.

- Hậu quả:

+ Đất nước bị chia cắt lâu dài.

+ Nhân dân chịu nhiều cơ cực.

+ Làm tổn thương đến sự phát triển của đất nước.

Bài tập: Vì sao lại có sự phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài và sự phân chia này ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình phát triển của lịch sử đất nước?

* Hướng dẫn trả lời:

- Ngay từ khi cuộc chiến Nam - Bắc triều còn đang tiếp diễn thì nội bộ Nam triều đã nảy sinh mầm mống của sự chia rẽ. Trịnh Kiểm thâu tóm trong tay mình mọi quyền hành và loại bỏ dần ảnh hưởng của họ Nguyễn. Để tránh âm mưu bị ám hại của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng đã tìm cách xin vào trấn thủ ở Thuận Hoá, rồi sau đó trấn thủ cả xứ Quảng Nam. Khu đất này dần dần trở thành vùng đất của tập đoàn phong kiến Nguyễn

- Vùng đất từ sông Gianh, Luỹ Thầy (Quảng Bình) trở ra Bắc nằm dưới quyền cai trị của chính quyền Lê - Trịnh gọi là Đàng Ngoài. Vùng Thuận Quảng ở phía nam, được gọi là Đàng Trong, của chính quyền họ Nguyễn.

- Cuộc phân chia đó dần dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài hết năm này qua năm khác, đã tiêu huỷ sức người, sức của, triệt phá ruộng đồng, xóm làng. Điều nguy hại là đã chia đất nước ta thành giang sơn của hai dòng họ, làm tổn thương cho sự phát triển đất nước, dân tộc.