Chương III. TRUNG QUỐC THỜI PHONG KIẾN
Bài 5. TRUNG QUỐC THỜI PHONG KIẾN
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Những biểu hiện sự thịnh trị về kinh tế, chính trị của xã hội phong kiến Trung Quốc dưới thời Đường là gì?
* Hướng dẫn trả lời:
• Về kinh tế:
Thười nhà Đường, nhà nước quan tâm đến sự phát triển kinh tế một cách toàn diện:
- Về nông nghiệp: thực hiện chính sách quân điền, với nội dung:
+ Nhà nước đem ruộng đất của mình trực tiếp quản lí chia cho nông dân cày cấy
+ Các quan lại tùy theo chức vụ cao thấp, được cấp ruộng đất làm bổng lộc.
+ Ruộng trồng lúa, người làm thuê đến 60 tuổi phải trả lại cho nhà nước; ruộng trồng dâu được cha truyền con nối.
- Về thủ công nghiệp: Các nghề dệt, in gốm, sứ phát triển. Phường hội xuất hiện.
- Về ngoại thương được mở rộng: "Con đường tơ lụa" hình thành.
• Về chính trị:
- Sự hoàn thiện bộ máy từ trung ương đến địa phương:
Cử người thân tín cai quản các địa phương. Cử người thân tộc và các công thần giữ chức Tiết độ sứ cai trị các vùng biên cương.
+ Đặt các khoa thi để tuyển chọn người làm quan.
+ Nâng cao quyền lực tuyệt đối của Hoàng đế.
- Dưới thời Đường tiếp tục chính sách xâm lược các nước, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng.
Câu hỏi: Những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới thời Minh đã nảy nở ra sao?
* Hướng dẫn trả lời:
+ Sự xuất hiện của công trường thủ công: quy mô lớn, có lao động làm thuê; quan hệ giữa chủ với người làm thuê là "chủ xuất vốn", "thợ xuất sức".
+ Thương nghiệp phát triển, thành thị mở rộng và phồn thịnh như Bắc Kinh, Nam Kinh.
+ Trong nông nghiệp có hình thức bỏ vốn trước, thu sản phẩm sau gọi là hình thức bao mua.
Câu hỏi: Ảnh hưởng của chính sách áp bức dân tộc của triều Thanh đối với sự phát triển của lịch sử Trung Quốc như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Cũng giống như triều Nguyên trước đây, nhà Thanh thi hành chính sách áp bức dân tộc. Giai cấp thống trị Thanh buộc người Trung Quốc phải theo phong tục của người Mãn từ y phục đến đầu tóc. Mặc dù các hoàng đế Thanh dùng các biện pháp vỗ về, mua chuộc giai cấp địa chủ người Hán, giảm nhẹ tô thuế cho nông dân, khuyến khích khẩn hoang nhưng không thể làm cho mâu thuẫn dân tộc dịu đi.
- Những chính sách áp bức dân tộc đó làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa nông dân ở khắp nơi làm cho chính quyền nhà Thanh suy yếu.
- Lợi dụng cơ hội này, tư bản phương Tây đua nhau dòm ngó, xâm lược Trung Quốc. Từ đó dẫn đến sự suy sụp của chế độ phong kiến Trung Quốc.
Bài tập: Hãy tìm hiểu thêm về 4 phát minh lớn của Trung Quốc thời phong kiến.
* Hướng dẫn trả lời:
- Ở Trung Quốc thời phong kiến có 4 phát minh lớn, đó là giấy, cách in, la bàn và thuốc súng.
+ Về giấy: Mãi cho đến thời Tây Hán, ở Trung Quốc, người ta vẫn còn viết lên thẻ tre hoặc lụa. Đến thế kỉ I TCN, nhờ sự phát triển của nghề dệt tơ tằm, nhân dân lao động Trung Quốc đã phát minh được cách làm một loại giấy thô sơ bằng tơ. Đến năm 105, một viên quan hoạn thời Đông Hán là Thái Luân phát minh ra cách dùng vỏ cây, lưới cũ, giẻ rách...để làm giấy. Từ đó, nghề sản xuất giấy trở thành một nghề mới, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của nền văn hóa Trung Quốc. Đến thế kỉ VIII, kĩ thuật làm giấy của Trung Quốc được truyền sang Ả Rập và sau đó truyền đến các nước Tây Âu.
+ Về kĩ thuật in: Bắt đầu được phát minh từ thời Đường, nhưng bấy giờ người ta chỉ mới biết in bằng bản khắc trên gỗ. Đến giữa thế kỉ XI (thời Tống), một người dân thường tên là Tất Thăng phát minh ra cách in chữ rời bằng đất sắt nung. Phát minh của Tất Thăng là một tiến bộ nhảy vọt của nghề in, tuy vẫn còn một số nhược điểm. Đến đầu thế kỉ XIV, nhược điểm đó được khắc phục.
+ Về la bàn: Vào thế kỉ X, người Trung Quốc bắt đầu biết dùng sắt mài lên đá nam châm để thu từ tính rồi dùng miếng sắt đó vào việc làm la bàn. La bàn lúc bấy giờ còn rất thô sơ. Lúc đầu người ta cắt miếng sắt có từ tính thử để nối trong bát nước hoặc treo bằng sợi tơ ở chỗ kín gió.
La bàn được phát minh đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc đi biển, bởi vậy từ đó về sau nghề hàng hải của Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ.
+ Về phát minh ra thuốc súng: Từ xưa, người Trung Quốc vẫn tin rằng người ta có thể luyện được vàng và thuốc trường sinh bất lão. Cho đến thời Đường, mục đích chính của họ không đạt được mà lại thường gây nên những vụ nổ, do sự tình cờ đó người ta đã tìm ra được một chất liệu mới, đó là thuốc súng.
Đến đầu thế kỉ X, thuốc súng bắt đầu được dùng để làm vũ khí, và đến đời Tống thì được ứng dụng rộng rãi vào lĩnh vực quân sự.
Câu hỏi: Xã hội phong kiến Trung Quốc được hình thành như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Những tiến bộ trong sản xuất: Cuối thời Xuân Thu - Chiến Quốc, người ta bắt đầu chế tạo công cụ bằng sắt làm cho diện tích trồng trọt được mở rộng. Kĩ thuật sản xuất được cải tiến. Các công trình thuỷ lợi và giao thông có quy mô lớn cũng được xây dựng.
- Những biến đổi trong đời sống xã hội:
+ Các quan lại và một số nông dân giàu đã tập trung trong tay nhiều của cải. Bằng quyền lực của mình, họ còn tước đoạt thêm nhiều ruộng đất công. Do đó, một giai cấp mới được hình thành, bao gồm những kẻ có ruộng tư, vốn là những quan lại và nông dân giàu có, gọi là giai cấp địa chủ.
+ Giai cấp nông dân cũng bị phân hoá:
• Nông dân giàu có trở thành địa chủ.
• Nông dân giữ được một số ruộng đất gọi là nông dân tự canh.
• Số còn lại là nông dân công xã, rất nghèo, không có hoặc có quá ít ruộng đất, trở thành nông dân lĩnh canh.
- Quan hệ bóc lột giữa địa chủ với nông dân lĩnh canh - quan hệ phong kiến xuất hiện.
Câu hỏi: Trình bày sự phát triển kinh tế thời Đường.
* Hướng dẫn trả lời:
- So với các triều đại phong kiến trước, kinh tế thời Đường phát triển tương đối toàn diện. Cùng với dân gọi là chế độ quân điền. Khi nhận ruộng đất, nông dân phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước theo chế độ tô, dung, điệu.
- Dưới thời nhà Đường còn áp dụng kĩ thuật canh tác mới vào trong sản xuất như chọn giống mới, xác định thời vụ. Nhờ vậy, sản lượng tăng nhiều hơn trước.
- Thời nhà Đường thủ công nghiệp và thương nghiệp bước vào giai đoạn thịnh đạt. Ở xưởng thủ công (gọi là tác phường) luyện sắt, đóng thuyền có hàng chục người làm việc.
Câu hỏi: Hãy nêu những thành tựu văn hoá chủ yếu của Trung Quốc dưới thời phong kiến.
* Hướng dẫn trả lời:
a. Thời Tần – Hán:
- Nho giáo:
+ Nho gia là một trường phái tư tưởng xuất hiện từ thời cổ đại, do Khổng Tử sáng lập.
+ Thời Hán Vũ Đế, Nho giáo trở thành công cụ sắc bén phục vụ cho nhà nước phong kiến tập quyền và trở thành cơ sở lí luận và tư tưởng của chế độ phong kiến.
+ Các quan niệm về quan hệ, phục tùng giữa vua - tôi, chồng - vợ, cha - con.
- Văn học: Ở thời Hán, phú là một thể loại văn học đặc biệt với nội dung ca ngợi tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước của nhân dân. Những nhà sáng tác phú nổi tiếng thời Tây Hán là Giả Nghị, Tư Mã Tương Như...
- Sử học: Từ thời Tây Hán đã trở thành một lĩnh vực độc lập, mà người đặt nền móng là Tư Mã Thiên với bộ Sử kí đồ sộ.
b. Thời Đường - Tống:
- Thơ Đường có số lượng lớn, phản ánh sâu sắc đời sống xã hội lúc bấy giờ và đạt đến trình độ cao về nghệ thuật. Tiêu biểu là các nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.
- Phật giáo ngày một thịnh hành, biểu hiện là các nhà sư sang Ấn Độ học và các nhà sư Ấn Độ sang Trung Quốc để truyền đạo, chùa chiền được xây dựng nhiều.
- Nho giáo phát triển thêm về lí luận, các vua nhà Tống rất tôn sùng các nhà Nho.
c. Thời Minh - Thanh:
- Về tiểu thuyết: "Tiểu thuyết chương hồi"
+ Thủy Hử của Thi Nại Am.
+ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
+ Tây du kí của Ngô Thừa Ân.
+ Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
- Về nghệ thuật: Có nền nghệ thuật lâu đời, với trình độ cao, phong cách độc đáo biểu hiện ở các mặt hội họa, điêu khắc, mĩ thuật công nghiệp...
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Sự hình thành chế độ phong kiến Trung Quốc thời Tần - Hán.
* Hướng dẫn trả lời:
- Sự hình thành nhà Tần và nhà Hán:
+ Nhà Tần: Từ thời cổ đại, trên lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang có nhiều quốc gia nhỏ của người Trung Quốc. Giữa các nước này thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột thôn tính lẫn nhau. Trong đó Tần là nước mạnh hơn cả đã thống nhất được Trung Quốc vào năm 221 TCN.
+ Nhà Hán: Nhà Tần trị vì Trung Quốc được 15 năm thì nhà Hán lên thay. Các hoàng đế triều Hán tiếp tục củng cố chính quyền, mở rộng hình thức tiến cử các con em gia đình địa chủ.
- Tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến dưới thời Tần - Hán.
- Xây dựng và phát triển kinh tế:
+ Ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất: Nhà Tần đã thống nhất tiền tệ, đơn vị đo lường, mở rộng giao thông. Nhà Hán chú trọng công tác thuỷ lợi. Sản xuất nông nghiệp tăng, nghề thủ công phát đạt, buôn bán được mở rộng, một số thành thị trở nên sầm uất.
+ Các vua Tần - Hán đẩy mạnh việc xâm lược lãnh thổ, chiếm nhiều đất đai các nước khác.
Bài tập: Vẽ sơ đồ về sự hình thành xã hội phong kiến Trung Quốc?
Bài tập: Điền sự kiện vào cột B cho phù hợp với niên đại ở cột A sau đây:
STT | Năm | Triều đại |
1 | Trước 2205 TCN | |
2 | 2205 - 1767 TCN | |
3 | 1767 - 1112 TCN | |
4 | 1112 - 770 TCN | |
5 | 770 - 475 TCN | |
6 | 475 - 221 TCN | |
7 | 221 - 206 TCN | |
8 | 206-221 |
* Hướng dẫn trả lời:
STT | Năm | Triều đại |
1 | Trước 2205 TCN | Các triều đại truyền thuyết. |
2 | 2205 - 1767 TCN | Nhà Hạ. |
3 | 1767 - 1112 TCN | Nhà Thương. |
4 | 1112 - 770 TCN | Nhà Chu. |
5 | 770 - 475 TCN | Xuân Thu. |
6 | 475 - 221 TCN | Chiến Quốc. |
7 | 221 - 206 TCN | Tần. |
8 | 206-221 | Hán |
Bài tập: Điền sử liệu vào các ô trong bảng thống kê sau đây:
STT | Nội dung | Nhà Tần | Nhà Hán |
1 | Niên đại | ||
2 | Tổ chức bộ máy nhà nước | ||
3 | Chính sách kinh tế | ||
4 | Chính sách đối ngoại | ||
5 | Khởi nghĩa nông dân |
* Hướng dẫn trả lời:
STT | Nội dung | Nhà Tần | Nhà Hán |
1 | Niên đại | 221 - 206 TCN | 206 TCN - 221 |
2 | Tổ chức bộ máy nhà nước | Chia đất nước thành quận, huyện | Chia đất nước thành quận, huyện |
3 | Chính sách kinh tế | Ban hành chế độ tiền tệ đo lường thống nhất | Giảm tô thuế, sưu dịch cho nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp |
4 | Chính sách đối ngoại | Mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phía Bắc | Chiến tranh xâm lược Triều Tiên và các nước phương Nam |
5 | Khởi nghĩa nông dân | Trần Thắng - Ngô Quảng cuối thời nhà Hán | Xích Mi - Lục Lâm cuối thời Tần, khởi nghĩa của Trương Giác (Hoàng Cân) cuối thời Hán. |
Câu hỏi: Chế độ quân điền là gì? Nội dung của chế độ quân điền dưới thời nhà Đường ở Trung Quốc như thế nào? Tác dụng của nó?
* Hướng dẫn trả lời:
- Chế độ quân điền: Nhà Đường lấy ruộng đất công và ruộng đất bỏ hoang đem chia cho nông dân.
- Nội dung của chế độ quân điền:
+ Nhà nước đem ruộng đất do mình trực tiếp quản lí chia cho nông dân cày cấy.
+ Các quan lại, tuỳ theo chức vụ cao thấp, được cấp ruộng đất làm bổng lộc.
+ Ruộng trồng lúa, người làm thuê đến 60 tuổi phải trả lại cho nhà nước; ruộng trồng dâu được cha truyền con nối.
- Tác dụng:
+ Nông dân yên tâm sản xuất.
+ Thực hiện nghĩa vụ cho nhà nước.
+ Hạn chế phong trào đấu tranh của nông dân.
Bài tập: Vẽ sơ đồ về mối quan hệ xã hội dưới thời phong kiến Đường - Tống ở Trung Quốc.
* Hướng dẫn trả lời:
Câu hỏi: Hãy nêu tình hình chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung Quốc dưới thời Minh - Thanh.
* Hướng dẫn trả lời:
- Tình hình chính trị: Cuối thế kỉ XIII - đầu thế kỉ XVIII, trên vùng thảo nguyên Mông Cổ một nhà nước phong kiến chuyên chế quân sự ra đời. Mông Cổ mở rộng xâm lược nhiều nơi, tiến xuống phía Nam. Năm 1957, nhà Tống bị tiêu diệt, Khu-bi-lai lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Nguyên trên đất Trung Quốc (1271 - 1368).
- Năm 1368, khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế ở Nam Kinh, lập ra nhà Minh.
- Cuối triều Minh, mâu thuẫn xã hội gay gắt, khởi nghĩa Lý Tự Thành bùng nổ. Giữa lúc đó người Nam Thanh chiếm toàn bộ Trung Quốc lập ra nhà Thanh (1614 - 1911).
- Về tổ chức bộ máy chính quyền: Tương đối giống với các triều đại phong kiến trước đó (Tần - Hán, Đường - Tống). Cụ thể:
+ Thời Minh - Thanh bỏ chức Thái uý và Thừa tướng, thay vào là các Bộ.
+ Nhà Thanh có thêm sự phân biệt đối xử giữa người Hán với người Mãn. Quyền hành chủ yếu tập trung trong tay người Mãn.
- Thời Minh - Thanh tiếp tục con đường xâm lược của các triều đại trước, các hoàng đế Minh - Thanh đều đem quân đi xâm lược các nước láng giềng. Nhưng khi xâm lược Đại Việt thì bị thất bại.
Câu hỏi: Sự phát triển kinh tế dưới thời Minh - Thanh được biểu hiện như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Về nông nghiệp:
+ Có những tiến bộ về kĩ thuật gieo trồng.
+ Diện tích trồng trọt vượt xa các thời trước, sản lượng lương thực tăng nhiều.
+ Tình trạng cướp đoạt ruộng đất của địa chủ vẫn gia tăng.
- Về thủ công và thương nghiệp: Phát triển hơn các thời kì trước. Các hình thức công xưởng thủ công đã xuất hiện trong các nghề dệt, làm giấy, đồ sứ.
- Về ngoại thương:
+ Từ thế kỉ XVI đã có một số thương nhân châu Âu đến Trung Quốc buôn bán.
+ Đến triều nhà Thanh, do thi hành chính sách đóng cửa biển, đã hạn chế người châu Âu vào Trung Quốc.
+ Sự phát triển của công thương nghiệp thành thị vẫn phát triển.
- Mặc dầu Trung Quốc có nền kinh tế công thương nghiệp sớm phát triển, nhưng suốt thời phong kiến, nền kinh tế tự nhiên luôn chiếm địa vị thống trị, kinh tế tư bản chủ nghĩa không phát triển.
Bài tập: Trong hệ tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc, quan điểm về "Tam cương" và "Ngũ thường" là gì? Các nhân vật gắn liền với sự phát triển của Nho giáo là ai?
* Hướng dẫn trả lời:
- Quan điểm của Nho giáo về quan hệ "Tam cương" là quan hệ giữa vua-tôi, chồng-vợ, cha-con.
- Quan hệ "Ngũ thường" nói về nhân-lễ-nghĩa-trí-tín.
- Khổng Tử muốn lập kỉ cương xã hội thông qua các mối quan hệ trên.
- Các nhân vật gắn với sự phát triển của Nho giáo là:
+ Khổng Tử (551 - 479 TCN), nhà triết học Trung Quốc đề xướng ra học thuyết Nho giáo, một học thuyết chính trị có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.
+ Mạnh Tử (371 - 288 TCN), môn đệ của Khổng Tử, tác giả sách Mạnh Tử một trong bốn cuốn sách quan trọng của học thuyết Nho giáo.
+ Ngoài ra còn có Đổng Trọng Thư.