Bài 15. THỜI BẮC THUỘC VÀ CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC (từ thế kỉ II đến đầu thế kỉ X)

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Chính quyền đô hộ truyền bá Nho giáo vào đất Âu Lạc cũ, bắt nhân dân ta thay đổi phong tục theo người Hán nhằm mục đích gì?

* Hướng dẫn trả lời:

- Chính quyền đô hộ truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục theo người Hán. Nhiều nho sĩ, quan lại người Hán được đưa vào đất Âu Lạc cũ để thực hiện chính sách cai trị theo kiểu Hán.

- Các triều đại phong kiến phương Bắc thực hiện các chính sách đó nhằm mục đích đồng hoá dân tộc Việt Nam, sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc.

Câu hỏi: Vì sao người Việt vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình?

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong thời Bắc thuộc, nhân dân ta biết tiếp nhận những yếu tố tích cực của nền văn hoá Trung Hoa thời Hán, Đường như ngôn ngữ, văn tự.

- Nhân dân ta không bị đồng hoá, tiếng Việt vẫn được bảo tồn. Các phong tục tập quán như ăn trầu, nhuộm răng đen, tôn trọng phụ nữ vẫn được duy trì.

- Sở dĩ nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình bởi vì:

+ Các triều đại phong kiến phương Bắc không khống chế nổi các làng xóm người Việt, làng xóm trở thành nơi xuất phát các cuộc đấu tranh giành độc lập.

+ Nhân dân ta một mặt biết tiếp nhận những thành tựu của văn hoá Trung Hoa, “Việt hoá” nó cùng với sự nỗ lực của dân tộc đã làm cho xã hội có những biến chuyển tích cực, mặt khác, với lòng căm thù sâu sắc chế độ cai trị tàn bạo của kẻ thù, nhân dân đã không ngừng vùng lên đấu tranh vũ trang giành độc lập, tự chủ, bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc mà tiêu biểu nhất là tiếng nói và phong tục tập quán...

Câu hỏi: Trình bày những chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta.

* Hướng dẫn trả lời:

- Về tổ chức bộ máy cai trị:

+ Trong thời Bắc thuộc, các triều đại từ Triệu, Hán, Ngô, Tần, Tống, Tề, Lương đến Tuỳ, Đường đã thực hiện nhiều chính sách cai trị nhằm sáp nhập đất nước Âu Lạc cũ vào lãnh thổ của chúng.

- Về kinh tế:

+ Chính quyền đô hộ thi hành chính sách bóc lột cống nạp nặng nề. Chúng còn cướp ruộng đất, cưỡng bức nhân dân ta cày cấy, thực hiện chính sách đồn điền, nắm độc quyền về muối và sắt.

+ Chính quyền đô hộ đưa người Hán vào Âu Lạc cũ cho ở lẫn với người Việt, xâm chiếm, khai phá ruộng đất để lập đồn điền do chính quyền đô hộ trực tiếp quản lí, biến một bộ phận người Việt trở thành nông nô của họ.

- Về văn hoá - xã hội:

Truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục theo người Hán. Nhiều nho sĩ, quan lại người Hán được đưa vào đất Âu Lạc cũ để thực hiện chính sách nói trên và mở một số lớp dạy chữ Nho.

Các triều đại phong kiến phương Bắc không thực hiện được mục đích của chúng đối với nước ta là đồng hoá dân tộc Việt Nam, sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc.

Câu hỏi: Mục đích của những chính sách đô hộ đó có thực hiện được không? Tại sao?

* Hướng dẫn trả lời:

Các chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc không thực hiện được mục đích của chúng là đồng hoá dân tộc ta.

Vì:

+ Cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường về mọi mặt của dân tộc Việt Nam trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

+ Dân tộc ta đã hình thành nền văn hoá từ lâu đời, bản sắc văn hoá của dân tộc đã thấm sâu vào trong máu thịt của người Việt.

Câu hỏi: Hãy cho biết những chuyển biến về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta thời Bắc thuộc. Nguyên nhân của sự biến chuyển đó?

* Hướng dẫn trả lời:

- Những chuyển biến về kinh tế:

• Nông nghiệp:

+ Công cụ bằng sắt được sử dụng phổ biến.

+ Công cuộc khai hoang, mở rộng diện tích được đẩy mạnh.

+ Công trình thuỷ lợi được mở mang, nhờ thế, năng suất lúa nước tăng hơn trước.

• Thủ công nghiệp, thương mại:

+ Kĩ thuật rèn sắt phát triển hơn trước.

+ Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong nhân dân được đẩy mạnh.

+ Đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế.

+ Một số nghề thủ công mới xuất hiện: làm giấy, làm thuỷ tinh...

+ Nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối liền các vùng, các quận được hình thành.

- Những chuyển biến về văn hoá, xã hội

+ Nhân dân ta không bị đồng hoá. Tiếng Việt vẫn được bảo tồn. Các phong tục, tập quán vẫn được duy trì.

+ Mặc dầu các triều đại phương Bắc tăng cường việc cai trị nhưng kết quả là không khống chế nổi các làng xóm người Việt. Làng xóm trở thành nơi xuất phát các cuộc đấu tranh giành độc lập.

• Nguyên nhân:

Nhân dân ta một mặt biết tiếp nhận những thành tựu của văn hoá Trung Hoa, “Việt hoá” nó cùng với sự nỗ lực của dân tộc đã làm cho xã hội có những biến chuyến tích cực, mặt khác, với lòng căm thù sâu sắc chế độ cai trị tàn bạo của kẻ thù, nhân dân đã không ngừng vùng lên đấu tranh vũ trang giành độc lập, tự chủ.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Bài tập: Hãy ghi mục đích vào bảng kê sau đây về: tổ chức bộ máy cai trị; văn hoá xã hội và kinh tế nước ta dưới thời Bắc thuộc.

Lĩnh vực Nội dung
1. Tổ chức bộ máy cai trị.
2. Về kinh tế.
3. Về văn hoá, xã hội.

* Hướng dẫn trả lời:

1. Tổ chức bộ máy cai trị: Thực hiện nhiều chính sách cai trị nhằm sát nhập đất nước Âu Lạc cũ vào lãnh thổ của Trung Quốc.

2. Về kinh tế: Hạn chế phát triển sản xuất, duy trì sự nghèo nàn và lạc hậu để dễ bề thống trị, sai khiến, hạn chế sự chống đối của nhân dân ta.

3. Về văn hoá, xã hội: Truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán theo người phương Bắc nhằm đồng hoá dân tộc ta.

Bài tập: Bằng việc sưu tầm tài liệu, em hãy viết một đoạn văn kể về chính sách bóc lột tàn bạo, triệt để của chính quyền đô hộ phương Bắc đối với nước ta.

* Hướng dẫn trả lời:

Dưới chính quyền đô hộ của phong kiến phương Bắc, sản xuất vật chất của xã hội Việt Nam, mang tính chất đối kháng. Mỗi bước tiến trong sự phát triển sản xuất phải trả bằng hi sinh và đau khổ vô tận của nhân dân lao động. Với chính sách bắt nhân dân ta thu lượm sản phẩm quý trên rừng, dưới biển để làm đồ cống phẩm, chính sách độc quyền muối, sắt - do đó mà mua rẻ, bán đắt, cướp đoạt của nhân dân, chính sách tô thuế nặng nề, bắt thợ sang Trung Quốc... hết triều đại này đến triều đại khác đã làm cho nhân dân ta đói khổ, lưu vong, nông nghiệp đình đốn, công thương nghiệp cũng không thể phát triển mạnh.