1. (Bài 1) Tiếng cười tự trào của người lao động tự cười mình trong cảnh nghèo.

- Có lạc quan, yêu đời thì mới tự cười mình như vậy. Lại chọn đúng cảnh cưới là lúc bộc lộ rõ nhất cái nghèo để cười, để vui, để yêu đời, ham sống. Khi người ta tự cười mình thì tiếng cười ấy bộc lộ rõ nhất nhân cách và quan niệm sống của họ. Vậy thì, ở đây, người nông dân đã tự cười mình như thế nào và tiếng cười ấy đã cho ta thấy tâm hồn của họ ra sao?

- Nội dung bài ca dao:

+ Tìm hiểu người nông dân đã tự cười mình như thế nào qua nội dung dẫn cưới của chàng trai và lời thách thức của cô gái cùng cách nói của họ (Dẫn cưới và thách cưới có gì khác thường, cách nói có gì đặc biệt?)

+ Từ đó, ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của người lao động: dù trong cảnh nghèo, vẫn luôn lạc quan, yêu đời, ham sống. Đám cưới nghèo đến vậy mà vẫn vui, vẫn có thể đùa cợt được. Người bình dân đã tìm thấy niềm vui thanh cao của mình ngay trong cảnh nghèo là như thế.

- Nghệ thuật:

+ Lối nói khoa trương, phóng đại: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò,... (đây là lối nói thường gặp trong ca dao, đặc biệt là trong sự “tưởng tượng” ra các lễ cưới thật sang trọng, linh đình của các chàng trai đang yêu)

+ Lối nói giảm dần:

voi → trâu → bò → chuột (chàng trai)

củ to → củ nhỏ → củ mẻ → củ rím, củ hà (cô gái)

+ Cách nói đối lập:

+ dẫn coi / sợ quốc cấm

+ dẫn trâu / sợ họ máu hàn

+ dẫn bò / sợ họ co gân

+ lợn gà / khoai lang

+ Chi tiết hài hước:

Miễn là có thú bốn chân

Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.

- Lời thách cưới của cô gái:

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.

+ Một lời thách cưới thật vô tư, thanh thản mà lạc quan yêu đời. Cưới là việc hệ trọng nhất trong đời người con gái, vậy mà chỉ thách có... một nhà khoai lang! Nhưng như vậy là đủ lắm rồi, vì nhà em nghèo mà nhà anh cũng nghèo.

+ Không mặc cảm mà còn bằng lòng với cảnh nghèo, vui và thích thú trong lời thách cưới (dù chỉ là lời đùa cợt trong chặng hát cưới của lối đối đáp nam nữ trong dân ca) đã khiến cho lời thách cưới bỗng trở nên dí dỏm, đáng yêu và cao đẹp.

+ Đây không chỉ là lời thách cưới mà còn chứa đựng một triết lí nhân sinh của người lao động trong cuộc sống thuở xưa.

2. Bài 2, 3, 4

- Đây là tiếng cười châm biếm, phê phán xã hội, nhưng không phải là tiếng cười đả kích giai cấp thống trị, cũng không phải là tiếng cười lên án những loại thầy địa lí, thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy,... mà là tiếng cười phê phán trong nội bộ nhân dân nhằm nhắc nhở nhau tránh những thói hư tật xấu mà con người thường mắc phải. Thái độ của tác giả dân gian ở đây nhẹ nhàng, thân tình, mang tính giáo dục nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc.

Bài 2 chế giễu loại đàn ông yếu đuối, lười nhác trong xã hội. Bài ca dao là bức tranh vừa sinh động, cụ thể lại vừa mang tính khái quát cao, điển hình cho đại đàn ông đáng phê phán:

- Đó là loại đàn ông yếu đuối, không đáng sức trai, không đáng nên trai. Ca dao dựng lên một bức tranh hài hước thật đặc sắc, thú vị:

Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

+ Tiếng cười bật ra nhờ nghệ thuật phóng đại kết hợp với thủ pháp đối lập. Trong cuộc đời, có thể có những chàng trai yếu đuối, nhưng không ai lại yếu đuối đến mức chỉ gánh nổi... có hai hạt vừng.

+ Tính hài hước là ở chỗ phải khom lưng chống gối (có nghĩa là ráng hết sức) chỉ để gánh hai hạt vừng.

+ Nghệ thuật trào lộng của người bình dân thật thông minh, hóm hỉnh nhưng không nhằm đả kích mà chỉ dùng tiếng cười để nhắc nhở nhau trong nội bộ nhân dân.

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.

3. Những biện pháp nghệ thuật mà ca dao hài hước thường sử dụng:

- Hư cấu dựng cảnh tài tình, khắc họa nhân vật bằng những nét điển hình có giá trị khái quát cao.

- Cường điệu phóng đại, tương phản đối lập.

- Dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

Kết quả là tạo ra được những bức tranh hài hước thông minh, hóm hỉnh mà châm biếm sâu cay.

LUYỆN TẬP

Gợi ý: Tiếng cười tự trào của người con gái lao động đáng yêu, đáng trân trọng ở chỗ:

- Không mặc cảm mà còn bằng lòng với cảnh nghèo, vui và thích thú trong lời thách cưới (dù chỉ là lời đùa cợt trong chặng hát cưới của lối đối đáp nam nữ trong dân ca).

- Lời thách cưới thật khác thường (chỉ là khoai lang) mà vô tư, hồn nhiên, thanh thản nói lên tâm hồn lạc quan yêu đời của người lao động.