1. Có thể hình dung các bộ phận hợp thành văn học Việt Nam như sau:

*Văn học Việt Nam:

♦ Văn học dân gian:

- Định nghĩa: là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động.

- Thể loại:

(1) Thần thoại (2) Sử thi (3) Truyền thuyết (4) Cổ tích (5) Ngụ ngôn (6) Truyện cười Văn học (7) Tục ngữ (8) Câu đố (9) Ca dao (10) Vè (11) Truyện thơ (12) Chèo.

• Đặc trưng tiêu biểu:

+ Tính truyền miệng

+ Tính tập thể

+ Tính thực hành

♦ Văn học viết:

- là sáng tác bằng chữ viết, có dấu ấn tác giả

- Chữ viết: Hán, Nôm và Quốc ngữ

- Thể loại:

+ Từ TK X → hết TK XIX:

• Văn xuôi (Truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi...)
• Thơ (cổ phong, Đường luật, ngâm khúc, hát nói...)
• Văn biền ngẫu (Phú, Cáo, Tế...)

+ Từ đầu TK XX đến hết TK XX:

Các loại hình có ranh giới rõ ràng theo văn học phương Tây (Tiểu thuyết, Phóng sự, Thơ tự do, Trường ca, kịch nói...)

2. Hai khái niệm “bút lông” và “bút sắt” mà Tản Đà nói đã phân biệt hai thời đại văn học viết Việt Nam.

- “Bút lông” là phương tiện cha ông ta dùng để viết chữ Hán, chữ Nôm. Cùng với nền văn học viết Hán - Nôm là thời đại văn chương trung đại. Nó bắt đầu từ thế kỉ X đến hết TK XIX.

- “Bút sắt” là phương tiện dùng để viết chữ Quốc ngữ. Tương ứng với dòng văn chương hiện đại, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ngọn gió mới từ phương Tây thổi tới.

- Những nhà văn ở buổi giao thời của văn hóa “mưa Âu gió Mĩ” thường có cách nói đầy ẩn ý như Tản Đà. Chẳng hạn, Tú Xương viết “Quẳng bút lông đi giắt bút chì”.

3. Cần tìm hiểu kĩ hơn những phần liên quan đến nhận định về hai thời đại lớn của văn học Việt Nam và sự thể hiện con người Việt Nam qua bốn mối quan hệ cơ bản.

a) Sự thay đổi từ văn học trung đại sang văn học hiện đại.

- Có một vài mốc lịch sử tiêu biểu có tác động đến văn học.

+ Sự kiện Pháp xâm lược và đô hộ nước ta khiến cho khoa cử chữ Hán đã chấm dứt ở Bắc Kì năm 1915, ở Trung Kì năm 1918. Do đó những nhà Nho ít dần. Trong khi đó, lớp trí thức học tiếng Pháp ngày một đông đảo. Qua tiếng Pháp, lớp trí thức mới này tiếp xúc với văn học châu Âu, trước hết là văn học Pháp nên họ chịu ảnh hưởng của văn học Pháp và châu Âu. Nhân tố tác giả này khiến cho nền văn học mới khác nền văn học cũ.

+ Cuộc khai thác thuộc địa đã dẫn đến sự hình thành các đô thị, sự xuất hiện tầng lớp thị dân, trí thức tiểu tư sản và giai cấp vô sản.

+ Nếu tác giả văn học trung đại không sống bằng nghề văn thì các nhà văn hiện đại đã lấy việc viết văn làm nghề. Tản Đà viết nhiều về việc đem văn chương bán phố phường (ví dụ: Mười mấy năm xưa ngọn bút lông - Xác xơ chẳng bợn chút hơi đồng - Bây giờ anh đổi lông ra sắt - Cách kiếm ăn đời có nhọn không).

- Các vấn đề đặt ra trong văn học hiện đại do đó cũng khác văn học trung đại:

+ Con người có ý thức cá nhân (thể hiện trong thơ mới 1932 – 1945), đấu tranh với các quan niệm cũ về gia đình vốn gò bó tự do lựa chọn tình yêu (trong một số tác phẩm Tự lực văn đoàn)

+ Sự hình thành và phát triển của tầng lớp công nhân vô sản, sự tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã đem lại nội dung mới cho văn học cách mạng chống Pháp và chống Mĩ so với văn học yêu nước thời trung đại.

- Sự đổi mới về thể loại trong văn học thế kỉ XX so với thể loại trong văn học trung đại.

+ Tiểu thuyết chương hồi và văn xuôi chữ Hán trong văn học trung đại tuân thủ trật tự thời gian, sự kiện nào xảy ra trước được kể trước, việc xảy ra sau được kể sau.

+ Nhưng tiểu thuyết trong văn học hiện đại theo quy luật tâm lí, có thể đảo lộn trật tự thời gian.

+ Thơ Đường luật của văn học trung đại có niêm luật và hạn định số câu chữ rất chặt chẽ.

+ Thơ mới và thơ hiện đại nói chung tương đối tự do về vần, nhịp, về số câu trong bài thơ, số chữ trong câu.

+ Kịch nói hiện đại khác với kịch hát truyền thống.

- Về thi pháp, có sự khác nhau giữa đặc điểm ước lệ của văn học trung đại và đặc điểm hiện thực của văn học hiện đại. Chẳng hạn so sánh việc tả chân dung nhân vật trong Truyện Kiều và chân dung nhân vật của Nam Cao (ví dụ chân dung của Chí Phèo, Thị Nở). Với chân dung Kiều, Nguyễn Du dùng công thức có sẵn để tả; còn đối với Chí Phèo, Thị Nở, Nam Cao lại tả chi tiết, tả thực.

b) Con người Việt Nam qua văn học:

- Đối tượng trung tâm của văn học là con người. Nhưng không hề có con người trừu tượng mà chỉ có con người tồn tại trong bốn mối quan hệ cơ bản. Mối quan hệ này chi phối các nội dung chính của văn học, có ảnh hưởng đến việc xây dựng hình tượng văn học.

- Trong quan hệ với thế giới tự nhiên, hình thành tình yêu thiên nhiên. Từ tình yêu thiên nhiên, hình thành các hình tượng nghệ thuật. Ví dụ các hình ảnh hoán dụ mận và đào trong ca dao (Bây giờ mận mới hỏi đào - Vườn hồng đã có ai vào hay chưa) hay hình ảnh hoa lê trong Truyện Kiều (Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần) có thể thấy: từ quan sát trực tiếp (trực quan), các loài hoa quả trên lưu lại một ấn tượng đẹp. Từ đó, để chỉ đôi thanh niên nam nữ trẻ trung, người ta hay dùng mận, đào, hoa lê. Nói tóm lại, con người sống gắn bó với môi trường thiên nhiên và tìm thấy từ thiên nhiên những hình tượng nghệ thuật để thể hiện chính mình. Có vô vàn ví dụ như sóng được Xuân Quỳnh dùng để tả tình yêu “dữ dội và dịu êm”, mùi hoa bưởi thơm phảng phất trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn gợi liên tưởng đến tình yêu kín đáo và cũng rất đằm thắm của người con gái Việt Nam.

- Trong quan hệ quốc gia dân tộc và quan hệ xã hội, con người Việt Nam đã hình thành hệ thống tư tưởng yêu nước và tư tưởng xã hội. Đến lượt mình, các tư tưởng đó lại chi phối đến các đề tài, hình tượng, nhân vật văn học sinh động.

- Ý thức về bản thân của con người Việt Nam đã hình thành mô hình ứng xử và mẫu người lí tưởng liên quan đến con người cộng đồng, phi ngã (hướng ngoại) hoặc con người cá nhân (hướng nội). Con người cộng đồng, phi ngã thường gắn với lí tưởng hi sinh, cống hiến, phục vụ. Con người có nét cá nhân, hướng nội lại nhấn mạnh quyền sống cá nhân, hạnh phúc, tình yêu, ý nghĩa của cuộc sống trần thế,... Cả hai mẫu người này đều đã từng xuất hiện trong văn học Việt Nam, có ảnh hưởng đến các thể loại văn học (ngâm khúc ra đời đáp ứng nhu cầu tự bộc lộ của con người có thiên hướng đề cao hạnh phúc lứa đôi) và hình tượng văn học (hình tượng văn học nổi bật của con người cộng đồng là những nam nhi, nghĩa sĩ; hình tượng văn học nổi bật của con người hướng nội, đề cao quyền sống trần thế lại là người phụ nữ).