1. Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian:
(1) Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng.
Có hai nội dung:
- Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
- Văn học dân gian tồn tại và phát triển nhờ truyền miệng.
(2) Có ba ý sau cần làm rõ:
- Truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng lời nói hoặc bằng trình diễn cho người khác nghe, xem. Văn học dân gian khi được phổ biến lại, đã thông qua lăng kính chủ quan của người truyền tụng nên thường được sáng tạo thêm.
- Truyền miệng theo không gian: là sự di chuyển tác phẩm từ nơi này sang nơi khác, truyền miệng theo thời gian: là sự bảo lưu tác phẩm từ đời này qua đời khác, từ thời đại này qua thời đại khác.
- Quá trình truyền miệng được thực hiện thông qua diễn xướng dẫn gian. Tham gia diễn xướng, ít là một, hai người, nhiều là cả một tập thể trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Các hình thức của diễn xướng là nói, kể, hát, diễn tác phẩm văn học dân gian. Diễn xướng là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp. Khi hát một bài ca dao hoặc diễn một cảnh trên chiếu chèo ta thấy rõ sự kết hợp giữa lời thơ, nhạc điệu và diễn xuất. Như vậy, khái niệm về hình thức diễn xướng tổng hợp, cụ thể là:
+ Bài ca dao thường được hát theo một hoặc nhiều làn điệu khác nhau. Người xưa thường hát ca dao chứ ít đọc ca dao như chúng ta ngày nay.
+ Trong chèo có nói, hát hoặc ngâm, múa, hội họa (trang trí, hóa trang), diễn xuất của nghệ nhân.
2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể:
- Tập thể hiểu theo nghĩa hẹp là một nhóm người, hiểu theo nghĩa rộng là một cộng đồng dân cư. Trong một tập thể nhỏ, có thể chỉ ra được tên từng người, nơi cư trú và hoàn cảnh riêng của họ.
- Tập thể bao gồm nhiều cá nhân nhưng không phải tất cả các cá nhân cùng một lúc tham gia sáng tác. Mỗi cá nhân tham gia ở những thời điểm khác nhau. Nhưng vì truyền miệng nên lâu ngày, người ta không nhớ được và cũng không cần nhớ ai đã từng là tác giả. Tác phẩm văn học dân gian trở thành của chung, ai cũng có thể tùy ý bổ sung, sửa chữa. Thông thường thì việc làm này có ý nghĩa tích cực. Tác phẩm, sau khi được sửa chữa, thường hay hơn; được bổ sung, sẽ đầy đủ, phong phú hơn.
- Tập thể là tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia sáng tác. Phần lớn người lao động xưa đều mù chữ nên họ sáng tác văn học dân gian để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của mình.
3. Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng:
- Văn học dân gian đóng vai trò phối hợp hoạt động theo nhịp điệu của chính hoạt động đó.
Các bài ca dao như hò chèo thuyền, hò kéo lưới, hò giã gạo thường có tác dụng phối hợp động tác theo một nhịp điệu nhất định. Hò chèo thuyền trên sông Mã (Thanh Hóa) có nhịp điệu nhanh, mạnh; hò chèo thuyền trên sông Hương (Huế) nhẹ nhàng, khoan thai,...
- Văn học dân gian gây không khí để kích thích hoạt động, gợi cảm hứng cho người trong cuộc.
Bất kì hoạt động nào cũng cần có cảm hứng. Văn học dân gian luôn được niềm say mê cho người trong cuộc, vì thế đóng vai trò quan trọng tạo hiệu quả của hoạt động.
Chẳng hạn, đặt trong bối cảnh sinh hoạt cụ thể người ta kể một truyện cười để thấy được vai trò của truyện ấy là đối với việc gây không khí, tạo sự sảng khoái để con người tham gia các hoạt động tích cực hơn. Như vậy văn học dân gian đối với đời sống. Đặc điểm này không có ở văn học viết.