I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TRÌNH BÀY MỘT VẤN ĐỀ

Đọc SGK dùng thêm một số dẫn chứng để chứng minh tầm quan trọng của việc trình bày một vấn đề.

II. CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ CHO VIỆC TRÌNH BÀY MỘT VẤN ĐỀ

Ở SGK đặt ra một tình huống cụ thể: Trình bày về một vấn đề cụ thể trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ với đề tài “Thời trang và tuổi trẻ” và lần lượt gợi ý để HS có thể hoàn thành một số công việc cụ thể sau:

- Tìm xem đề tài “Thời trang và tuổi trẻ” có thể bao gồm các đề tài nhỏ nào.

- Xác định nên chọn vấn đề nào, lí do chọn vấn đề đó (thời gian, mức độ trình bày, sự quan tâm...)

- Lập đề cương (dàn ý) bài trình bày:

+ Trình bày những ý gì?

+ Các ý đó được sắp xếp ra sao?

+ Từ hệ thống ý lập đề cương (dàn ý).

Sau đây là một ví dụ triển khai các ý trong lời trình bày về vấn đề “Trang phục với vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ”.

(1) Trang phục là người bạn đồng hành thủy chung với con người, đặc biệt là người phụ nữ, từ xưa đến nay:

• Cơm ăn và áo mặc là nhu cầu tối thiết yếu của con người

• Trang phục làm đẹp cho con người, đặc biệt là người phụ nữ

• Vẻ đẹp của mỗi người làm tăng vẻ đẹp của cả cộng đồng

(2) Trang phục đẹp không thể thay thế được vẻ đẹp về tính nết, về tâm hồn con người:

• “Cái nết đánh chết cái đẹp”

• Vẻ đẹp về trang phục là vẻ đẹp bên ngoài, dễ thấy nhưng chóng phai. Vẻ đẹp về tính nết, tâm hồn là vẻ đẹp khó thấy nhưng càng lâu càng đậm, càng sáng, làm tăng giá trị của vẻ đẹp bên ngoài.

• Cần chú ý “vừa đẹp người” nhưng lại phải “vừa đẹp nết”.

(3) Cái đẹp trong trang phục cá nhân phải thống nhất, hài hòa với cái đẹp của cả cộng đồng:

• Cái đẹp không phải là cái lập dị, tách biệt cộng đồng

• Cái đẹp phải hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bên trong và bên ngoài.

- Hình dung trước các tình huống có thể xảy ra khi trình bày và cách ứng phó, chuẩn bị một số câu nói để chào hỏi, chuyển ý, chuyển đoạn, kết thúc,...

III. TRÌNH BÀY

- Dựa vào đề cương đã được lập ở trên và lần lượt trình bày từng phần một: bắt đầu (chào hỏi khi xuất hiện), giới thiệu nội dung chính, trình bày từng ý chính, kết thúc bài nói và cảm ơn người nghe.

– Đọc và học phần Ghi nhớ trong SGK.

LUYỆN TẬP

1. Có thể lần lượt tìm các lời nói ứng với từng yêu cầu trong bài tập. Ví dụ:

Các câu bắt đầu trình bày:

- Chào các bạn. Tôi rất phấn khởi...

- Chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã tới đây...

- Trước khi bắt đầu, cho phép tôi được nói đôi điều về bản thân...

Cần lưu ý những lời chào hỏi trên thích hợp với đối tượng nào, trong hoàn cảnh giao tiếp như thế nào? Nếu thay đổi đối tượng (tức là thay đổi quan hệ giữa người nói và người nghe) thì lời chào nên thay đổi như thế nào cho phù hợp?

2. Ví dụ với đề tài “An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người” có thể có các ý sau đây:

(1) Mất an toàn giao thông đang là tình trạng phổ biến, đáng báo động hiện nay ở nước ta (dẫn số liệu qua các năm, ở các địa phương, đặc biệt là ở các trục đường giao thông quan trọng và các thành phố lớn, có thể so sánh với số liệu về an toàn giao thông ở nước ngoài).

(2) Mất an toàn giao thông đã và đang gây nhiều tai họa cho con người:

- Nguy hiểm đến tính mạng (thiệt mạng).

- Người bị thương sau khi bị tai nạn giao thông là một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Thiệt hại về vật chất.

- Gây ùn tắc giao thông, làm lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc,... của nhiều người.

(3) Làm thế nào để lập lại trật tự và an toàn giao thông?

- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

- Nâng cao chất lượng của các phương tiện giao thông.

- Đặc biệt là giáo dục, nâng cao ý thức tôn trọng luật lệ giao thông của những người tham gia giao thông.