I. KHÁI NIỆM

1. Trong văn tự sự, mỗi sự việc được diễn tả bằng một số chi tiết. Ví dụ sự việc Tấm biến hoá nhiều lần (truyện Tấm Cám) được diễn tả bằng các chi tiết: Tấm hóa thành chim vàng anh, khung cửi, quả thị...

2. Sự việc và chi tiết tiêu biểu có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện, tô đậm đặc điểm tính cách nhân vật, tạo sự hấp dẫn, làm nổi bật ý nghĩa của văn bản.

3. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu là khâu quan trọng trong quá trình kể chuyện hoặc viết văn tự sự.

II. CÁCH CHỌN SỰ VIỆC, CHI TIẾT TIÊU BIỂU

1. a) Trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, tác giả dân gian kể về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông ta từ xưa.

b) Chọn sự việc Trọng Thủy – Mị Châu chia tay nhau, tác giả nhằm mục đích vừa dẫn dắt câu chuyện vừa diễn tả được mối tình gắn bó của hai nhân vật Trọng Thủy – Mị Châu. Nếu bỏ qua sự việc trên thì truyện không liền mạch, cốt truyện sẽ bị phá vỡ và đặc điểm tính cách của hai nhân vật sẽ không được làm nổi bật. Sau sự việc tiêu biểu này là các sự việc:

- Theo dấu lông ngỗng do Mị Châu rắc, Trọng Thủy cùng quân lính đuổi theo hai cha con An Dương Vương.

- Cha con An Dương Vương cùng đường.

Các sự việc trên nối tiếp nhau bằng quan hệ móc xích, nhân quả theo đúng cốt truyện. Rõ ràng sự việc “Trọng Thủy và Mị Châu chia tay nhau”, đặc biệt là chi tiết “Mị Châu rắc lông ngỗng”, có vai trò quan trọng, tiêu biểu không thể bỏ qua vì chi tiết này làm tiền đề cho các sự việc, chi tiết nội tiếp sau.

2. Có thể đặt câu hỏi để trả lời

- Theo cốt truyện trên, phần nào cần có những sự việc, chi tiết tiêu biểu? (Phần thân bài)

- Trong phần thân bài, sự việc nào tiêu biểu nhất? Trong sự việc ấy, cần một số chi tiết nào? (Ví dụ: Người con trai lão Hạc nghe ông giáo kể về cái chết của người cha, đi viếng mộ cha, gửi lại ông giáo những di vật của cha...)

- Trong phần kết bài có cần chọn một sự việc, chi tiết tiêu biểu không và nếu cần thì nên chọn sự việc, chi tiết nào?

3. Để lựa chọn sự việc, chi tiết trong bài văn tự sự, cần nắm vững các bước sau:

+ Xác định đề tài, chủ đề của bài văn;

+ Dự kiến cốt truyện (gồm nhiều sự việc nối tiếp nhau);

+ Triển khai các sự việc bằng một số chi tiết.

II. LUYỆN TẬP

1. - Không thể bỏ việc hòn đá xấu xí được phát hiện và được chở đi nơi khác vì sự việc trên có vai trò chuẩn bị cho sự việc ở phần kết thúc truyện và góp phần miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật cũng như làm sáng rõ chủ đề của văn bản. Có thể coi đó là sự việc tiêu biểu trong văn bản Hòn đá xù xì.

- Từ kết quả trên có thể rút ra kinh nghiệm: Khi lựa chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu để kể chuyện hoặc để viết bài văn tự sự, cần thận trọng cân nhắc kĩ càng sao cho sự việc, chi tiết ấy góp phần dẫn dắt câu chuyện, tô đậm tính cách nhân vật, tạo sự hấp dẫn và tập trung biểu hiện chủ đề, ý nghĩa của văn bản

2 - Trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Hô-me-rơ kể lại cuộc gặp mặt kì lạ của hai vợ chồng người dũng tướng sau hai mươi năm xa cách.

- Ở phần cuối đoạn trích, tác giả đã chọn sự việc Pê-nê-lốp thử chồng bằng những chi tiết, đặc điểm của chiếc giường. Đây là sự việc tiêu biểu với một số chi tiết đặc sắc như Pê-nê-lốp nhờ nhũ mẫu khiêng chiếc giường ra khỏi phòng, Uy-lít-xơ giật mình hỏi lại, rồi sau đó nói rõ đặc điểm của chiếc giường mà chỉ có hai vợ chồng mới biết... Và họ đã nhận ra nhau trong niềm xúc động mãnh liệt và niềm hạnh phúc lớn lao. Có thể nói, với cách chọn sự việc trên, Hô-me-rơ đã thành công trong nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, khắc họa đậm nét phẩm chất, tính cách của hai nhân vật Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp.