1. Tìm hiểu hoàn cảnh đất nước thời Tiền Lê, vai trò, vị trí của tác giả đối với triều Lê Đại Hành.
- Về hoàn cảnh đất nước: sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc do nội chiến (loạn mười hai sứ quân và sự thống nhất đất nước thời Đinh Tiên Hoàng), do chiến tranh xâm lược (cuộc xâm lược của quân Tống năm 981 thời Lê Đại Hành), đất nước bước vào thời kì tương đối ổn định. Lê Đại Hành muốn xây dựng một vương triều phong kiến vững mạnh, một quốc gia hùng cường. Trong khí thế đi lên của dân tộc, một vận hội mới đang mở ra.
- Về tác giả: Đỗ Pháp Thuận là nhà sư, có kiến thức uyên bác, có tài văn thơ, tích cực tham gia vào việc xây dựng nhà Tiền Lê nên được Lê Đại Hành phong tới chức Pháp sư. Ông từng giữ công việc cố vấn quan trọng dưới triều Tiền Lê. Ông được Lê Đại Hành rất tin dùng, kính trọng. Vì vậy nhà vua đã hỏi ông về vận nước và ông đã đáp lại bằng một bài thơ ngắn gọn mà sâu sắc.
2. Gợi ý tìm hiểu bài thơ:
- Hai câu thơ đầu tác giả mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước.
+ Nghệ thuật so sánh vận nước như dây mây leo quấn quýt vừa nói lên sự bền chặt, vừa nói lên sự dài lâu, sự phát triển thịnh vượng.
+ Câu thơ khẳng định vận may của đất nước (chữ tộ trong Hán tự có nghĩa là vận may) đồng thời nói lên niềm tin của tác giả vào vận nước. Hai câu thơ phản ánh một tâm trạng phơi phới niềm vui, niềm tự hào, lạc quan.
- Hai câu thơ cuối nói về đường lối trị nước, cô đọng lại trong hai chữ “vô vi”
+ Vô vi theo Lão Tử là thuận theo tự nhiên, không làm gì trái với quy luật tự nhiên. Vô vi trong bài thơ này cần hiểu theo tinh thần của Nho giáo, một học thuyết chính trị - đạo đức. Người lãnh đạo (cụ thể ở đây là vua) dùng đức của bản thân để cảm hóa dân, khiến cho dân tin phục. Khi nhân dân đã tin phục thì xã hội tự đạt được trạng thái trị bình, vua không phải làm gì hơn.
+ Chữ “cư” trong “cư điện các” không hiểu đơn thuần là ở nơi điện các, “cư” còn có nghĩa là cư xử, điều hành. “Điện các” là để chỉ cung điện, triều đình, ở đây có nghĩa là nơi triều chính. “Cư điện các” là nơi triều chính điều hành chính sự.
+ Đỗ Pháp Thuận khuyên nhà vua trong điều hành chính sự nên “vô vi”, tức là thuận theo quy luật tự nhiên, dùng phương sách đức trị, lấy đức mà giáo hóa dân. Được như thế thì đất nước thái bình, thịnh trị, không còn nạn đạo binh, chiến tranh.
- Điểm then chốt của bài thơ là hai chữ “thái bình”. Vận nước xoay quanh hai chữ “thái bình” mà đường lối trị nước cũng hướng tới hai chữ “thái bình”. Nguyện vọng của con người thời đại bấy giờ là hai chữ “thái bình” (thời ấy “thái bình” có nghĩa như “hòa bình” thời nay). Hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống yêu chuộng hòa bình, một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.