I. KHÁI NIỆM “ĐOẠN VĂN”, CÁC LOẠI ĐOẠN VĂN TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

- Phần này có ba nội dung. HS đọc các nội dung này trong mục 1, 2, 3 ở SGK rồi bổ sung thêm các ví dụ.

- Trong thực tế, có thể thấy nhiều tác phẩm chỉ có một đoạn văn “mở đầu”, một số đoạn văn “phát triển” mà không có đoạn văn “kết thúc”, nhất là những truyện ngắn hiện đại xuất hiện khá nhiều trên sách báo hiện nay.

- Tiểu kết:

+ Văn bản tự sự do nhiều loại đoạn văn cấu tạo nên: đoạn (các đoạn) mở bài, các đoạn thân bài và đoạn (các đoạn) kết bài.

+ Nội dung của đoạn văn: Có đoạn văn vừa giới thiệu nhân vật, vừa kể sự việc, có đoạn văn biểu hiện tâm trạng nhân vật; có đoạn văn vừa kể sự việc vừa thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân vật hoặc của người kể chuyện. Ngoài ra còn có đoạn văn tả cảnh, tả người hoặc ghi lại những cuộc đối thoại, những độc thoại nội tâm của nhân vật.

+ Nhiệm vụ của đoạn văn: Cùng với nhiệm vụ cụ thể theo vị trí xuất hiện, các đoạn văn dù ở vị trí nào, thể hiện nội dung gì cũng đều phải tập trung vào nhiệm vụ làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của văn bản.

II. CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN TRONG BÀI VĂN TỰ SỰ

GỢI Ý: Câu (1a)

- Các đoạn văn dẫn ở mục II.1 thể hiện đúng và rõ những dự kiến của tác giả.

- Nội dung của các đoạn văn mở đầu và kết thúc tác phẩm giống nhau và khác nhau ở những điểm sau:

+ Giống nhau: Cả hai đoạn mở đầu và kết thúc tác phẩm đều tả cảnh rừng xà nu và đều tập trung làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Có người nhận xét: Đây là cách kết cấu vòng tròn – mở, kết hô ứng - vừa có tác dụng bảo đảm tính chặt chẽ của bố cục vừa góp phần thể hiện chủ đề, gợi mở suy nghĩ, cảm xúc của người đọc.

+ Khác nhau: Các đoạn mở đầu tác phẩm miêu tả cảnh rừng xà nu cụ thể, chi tiết và “hết sức tạo hình”, nhằm tạo không khí để mở đầu câu chuyện và lôi cuốn người đọc. Đoạn kết thúc tác phẩm miêu tả cảnh rừng xà nu xa mờ dần và bất tận làm đọng lại trong lòng người đọc những suy ngẫm lắng sâu về sự bất diệt của rừng cây, vùng đất, của sức sống con người,...

GỢI Ý: Câu (1b)

Qua tìm hiểu cách viết của nhà văn Nguyên Ngọc có thể rút ra những kinh nghiệm khi viết đoạn văn trong bài văn tự sự như sau: trước khi viết hoặc kể chuyện, cần suy nghĩ, dự kiến đoạn văn mở bài và đoạn văn kết bài để bài văn vừa chặt chẽ vừa có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, người nghe,...

Đoạn mở bài và đoạn kết bài có thể giống nhau về đối tượng trình bày (cùng tả cảnh, cùng tả người) hoặc có thể khác nhau (đoạn mở bài tả cảnh, đoạn kết bài tả người hoặc đoạn mở bài giới thiệu nhân vật, đoạn kết bài thể hiện tâm trạng, ngôn ngữ của nhân vật,...). Nhưng dù giống nhau hay khác nhau thế nào thì đoạn mở bài và đoạn kết bài của một văn bản tự sự phải hô ứng với nhau và phải tập trung vào nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện, thể hiện chủ đề, tư tưởng của văn bản.

GỢI Ý: Câu (2a)

Đoạn viết của bạn HS có thể coi là một đoạn văn trong văn bản tự sự và đoạn văn này thuộc phần thân bài - phần phát triển - của “truyện ngắn” mà bạn HS định viết. Người viết đã kể một sự việc quan trọng là “chị Dậu về làng vào thời điểm Cách mạng tháng Tám nổ ra”. Sự việc trên được kể sau phần mở đầu truyện để dẫn nhập các đoạn tiếp sau theo đúng cốt truyện mà bạn HS đã dự kiến và lập dàn ý.

GỢI Ý: Câu (2b)

- Qua đoạn văn có thể thấy, bạn HS đã thành công khi kể lại câu chuyện nhưng còn lúng túng ở những đoạn tả cảnh (thể hiện ở phần bỏ trống thứ nhất) và thể hiện tâm trạng nhân vật chị Dậu (thể hiện ở phần bỏ trống thứ hai).

- HS suy nghĩ và viết tiếp những câu văn vào chỗ còn để trống trong bài viết sao cho phù hợp về nội dung và gắn kết với mạch văn.

3. Trong văn bản tự sự, mỗi đoạn văn có một nhiệm vụ riêng và có vị trí thích hợp nhằm giới thiệu, miêu tả nhân vật hoặc dẫn dắt sự việc, tạo sự hấp dẫn cho người đọc.

- Đoạn (các đoạn) mở bài có nhiệm vụ giới thiệu, tạo tình huống cho câu chuyện. Đoạn (các đoạn) kết bài kết thúc câu chuyện, góp phần tạo ấn tượng tới suy nghĩ, cảm xúc của người đọc, người nghe.

- Các đoạn văn trong phần thân bài có thể miêu tả hoặc kể sự việc, giới thiệu nhân vật,... nhưng phải hài hòa, gắn kết theo cốt truyện, tập trung thể hiện chủ đề, tư tưởng của văn bản.

- Muốn viết đoạn văn trong bài văn tự sự, cần huy động năng lực quan sát, tưởng tượng và vốn sống,... sau đó vận dụng kĩ năng miêu tả, kể chuyện, biểu cảm,... để hoàn chỉnh đoạn văn. Khi viết, dùng câu chủ đề để nêu ý bao trùm, sau đó viết các câu thể hiện những nội dung cụ thể.

LUYỆN TẬP

1. a) Đoạn trích dẫn ở bài tập này kể lại sự việc Phương Định - cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ – đang phá bom để mở đường ra mặt trận.

b) Trong đoạn trích, bạn HS đã nhầm lẫn về ngôi kể. Trong truyện ngắn, nhà văn dùng ngôi thứ nhất (nhân vật Phương Định xưng tôi, kể chuyện về bản thân mình và tổ thanh niên xung phong). Đoạn trích được bạn HS chép lại đã thay đại từ tôi bằng đại từ cô, hoặc danh từ riêng Phương Định ở một số câu. Cần sửa lại để văn bản được nhất quán về ngôi kể (ngôi thứ nhất).

c) Từ những điều trên, có thể rút ra bài học: Trong văn bản tự sự, người viết cần nhất quán về ngôi kể. Nếu văn bản dùng ngôi kể nào ở đoạn mở đầu thì ở các đoạn tiếp theo cần duy trì ngôi kể ấy. Có như vậy văn bản tự sự mới chặt chẽ, lôgíc, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.

2. a) HS đọc lại 9 câu thơ đầu trong đoạn trích truyện thơ Tiễn dặn người yêu ở SGK để xác định ý bao trùm và những ý cụ thể của đoạn truyện thơ này.

b) Sau đó hình dung lại những hình ảnh, cử chỉ và tâm trạng của nhân vật.

c) Viết câu mở đoạn, ví dụ: Người yêu của anh quảy gánh theo chồng qua cánh đồng không quạnh quẽ, chân bước đi mà lòng không muốn ra đi.