A. TÌM HIỂU BÀI THƠ

1. Về nội dung

- Thời thịnh Đường, Trung Quốc là một nước giàu mạnh, lãnh thổ rộng lớn. Nhà Đường phái nhiều tướng sĩ ra trấn thủ và chinh chiến ngoài biên cương. Chiến tranh biên giới là một hiện tượng trong đời sống xã hội; trên cơ sở đó, ở thời này đã xuất hiện “phái thơ biên tái”. Vương Xương Linh được coi là một nhà thơ thuộc phái biên tái nhưng ông không ủng hộ chiến tranh như một số nhà thơ khác, mà thường nói lên những nỗi li sầu biệt hận của những người chinh phu, chinh phụ, qua đó mà thể hiện thái độ oán ghét chiến tranh. Bài Khuê oán là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tinh thần phản chiến ấy.

– Đọc bài Khuê oán ta biết chồng của người khuê phụ đang ra trận lập công với hi vọng “tìm kiếm ấn phong hầu”. Mục tiêu ấy tất nhiên không phải là chính nghĩa. Nỗi “hối” và “oán” của người khuê phụ đại biểu cho sự oán ghét chiến tranh phi nghĩa của con người thời Đường. Người lính trong bài Binh xa hành của Đỗ Phủ đã nói:

Ngoài biên máu chảy thành biển đỏ,

Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ.

- Đó cũng là tiếng nói chung của nhân loại xưa nay: yêu hòa bình, phản đối chiến tranh.

2. Về nghệ thuật

- Điểm độc đáo về mặt nghệ thuật của bài thơ này là ở cấu tứ. Với 4 câu, 28 chữ, Vương Xương Linh đã thể hiện được quá trình chuyển biến tâm trạng từ “bất tri sầu” (vô tư) sang “hối” (hối tiếc và hối hận) của người khuê phụ.

- “Bản lề” của quá trình chuyển biến tâm trạng ấy là ở câu thứ 3 (câu “chuyển”) – “bỗng chợt thấy đầu đường màu dương liễu”. “Màu dương liễu” là màu của mùa xuân, tuổi trẻ. Nhưng trong phong tục và truyền thống thơ ca của Trung Quốc, “màu dương liễu” cũng là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho sự li biệt. Bởi vậy thấy “màu dương liễu” mà “hối” – hối tiếc tuổi xuân li biệt, hối hận đã để chàng đi tìm kiếm ấn phong hầu.

B. GỢI Ý PHÂN TÍCH

1. Nhan đề bài thơ là Khuê oán, vậy mà sao câu thứ nhất lại nói “Người thiếu phụ trong phòng khuê chẳng biết sầu?” Sao lại “phản đề” như thế?

Vì thời ấy nam nhi ra trận lập công là chuyện bình thường, đương nhiên, thậm chí nhiều người coi như là một thứ “lí tưởng”.

2. Câu hai thừa tiếp. Vì vô tư nên người khuê phụ vẫn làm công việc “muôn thuở” của phụ nữ khuê các là trang điểm và lên lầu ngắm cảnh. Nhưng trong thơ Đường lên cao thường ngụ ý muốn “nhìn xa”, khi có tâm sự...

3. Trong thơ tuyệt cú trọng tâm ý nghĩa là ở câu thứ tư, câu “kết”. Nhưng câu kết chỉ có thể "xuất thần” trên cơ sở “bệ phóng” là câu thứ ba. Ở bài này câu “chuyển” đã đảm trách chức năng “bệ phóng” như thế nào? Chữ “hốt” (bỗng, “chợt”) có vị trí như thế nào trong bài thơ? “Màu dương liễu” có tác dụng gì đối với tâm trạng người khuê phụ?

Trước “chợt thấy màu dương liễu” là sự vô tư, thanh thản. Sau khi “chợt thấy màu dương liễu” là nỗi hối hận. Như vậy, “chợt thấy màu dương liễu” là “bản lề” của quá trình chuyển biến tâm trạng. Mắt chạm phải “màu li biệt”, tâm trạng lập tức thay đổi:

Hối để chàng đi kiếm tước hầu.

Sau sự “hối” đó là sự “oán” - oán cái ấn phong hầu, oán chiến tranh phi nghĩa, nguyên nhân của sinh li tử biệt.

Diễn biến tâm trạng của người khuê phụ có thể rút gọn thành:

Bất tri sầu... hốt... hối mà “tác nhân” (chất xúc tác) là “màu dương liễu” và nguyên nhân sâu xa là “ấn phong hầu”.