1. Văn bản thứ nhất:

- Đọc văn bản trích Hội nghị Diên Hồng, chú ý thể hiện thích hợp về ngữ điệu, giọng nói của các nhân vật, sự khác biệt giữa các loại câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và câu trần thuật; chú ý khí thế mạnh mẽ, hào hùng trong Hội nghị Diên Hồng.

a) HĐGT trong văn bản diễn ra giữa vua Nhân Tông và các bô lão. Vua là người lãnh đạo tối cao của đất nước, các bô lão đời nhà Trần là đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Các nhân vật giao tiếp ở đây có vị thế giao tiếp khác nhau, vì thế ngôn ngữ giao tiếp cũng có nét khác nhau: các từ xưng hô (bệ hạ), các từ thể hiện thái độ (xin thưa), các câu nói tỉnh lược chủ ngữ trong giao tiếp trực diện,...

b) Khi người nói (viết) tạo ra lời nói (văn bản) nhằm biểu đạt nội dung tư tưởng, tình cảm của mình, thì người nghe (đọc) tiến hành các hoạt động nghe (đọc) để giải mã rồi lĩnh hội nội dung đó. Người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Như thế HĐGT có hai quá trình: tạo lập (hay sản sinh) văn bản và lĩnh hội văn bản.

c) Hoạt động giao tiếp diễn ra trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm hung hãn, quân và dân nhà Trần phải cùng nhau bàn bạc để tìm ra sách lược đối phó. Địa điểm cụ thể là điện Diên Hồng. Rộng hơn nữa, đây là hoàn cảnh đất nước ta ở thời đại phong kiến có vua trị vì với mọi luật lệ và phong tục thời kì phong kiến.

d) Nội dung giao tiếp: Thảo luận về tình hình đất nước có giặc ngoại xâm và bàn bạc về sách lược đối phó. Nhà vua nêu ra những nét cơ bản nhất về tình hình đất nước và hỏi ý kiến các bô lão về cách đối phó. Các bô lão thể hiện quyết tâm đánh giặc, đồng thanh nhất trí rằng đánh là sách lược duy nhất.

e) Mục đích giao tiếp: Bàn bạc để tìm ra và thống nhất sách lược đối phó với quân giặc. Cuộc giao tiếp đã đi đến sự thống nhất hành động, nghĩa là đã đạt được mục đích.

2. Văn bản thứ hai là bài Tổng quan Văn học Việt Nam

a) Nhân vật giao tiếp ở đây là tác giả SGK (người viết) và HS lớp 10 (người đọc). Người viết ở lứa tuổi cao hơn, có vốn sống, có trình độ hiểu biết (nhất là hiểu biết về văn học) cao hơn, có nghề nghiệp là nghiên cứu và giảng dạy văn học. Còn người đọc là HS lớp 10, trẻ tuổi hơn, có vốn sống và trình độ hiểu biết thấp hơn.

b) HĐGT thông qua văn bản đó được tiến hành trong hoàn cảnh của nền giáo dục quốc dân, trong nhà trường (hoàn cảnh có tính quy thức).

c) Nội dung giao tiếp thuộc lĩnh vực văn học, về đề tài Tổng quan văn học Việt Nam.

Nội dung giao tiếp đó bao gồm những vấn đề cơ bản (đã được nêu thành hệ thống đề mục trong văn bản) là:

+ Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam;

+ Hai thời đại lớn của văn học Việt Nam;

+ Con người Việt Nam qua văn học.

d) Mục đích giao tiếp thông qua văn bản:

+ Xét từ phía người viết: Trình bày một cách tổng quan một số vấn đề cơ bản về văn học Việt Nam cho HS lớp 10.

+ Xét từ phía người đọc: Thông qua việc đọc và học văn bản đó mà tiếp nhận và lĩnh hội những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam trong tiến trình lịch sử, đồng thời có thể rèn luyện và nâng cao các kĩ năng nhận thức, đánh giá các hiện tượng văn học, kĩ năng xây dựng và tạo lập một văn bản.

e) Phương tiện và cách thức giao tiếp:

+ Dùng một số lượng lớn các thuật ngữ văn học;

+ Các câu văn mang đặc điểm của văn bản khoa học: cấu tạo phức tạp, nhiều thành phần, nhiều vế những mạch lạc, chặt chẽ.

+ Kết cấu của văn bản mạch lạc, rõ ràng: có hệ thống đề mục lớn, nhỏ; có hệ thống luận điểm, dùng các chữ số hoặc chữ cái để đánh dấu các đề mục,...

LUYỆN TẬP

1. Phân tích các nhân tố giao tiếp thể hiện trong câu ca dao này như sau:

- Nhân vật giao tiếp: những người nam và nữ trẻ tuổi, điều đó thể hiện qua các từ anh và nàng.

- Hoàn cảnh giao tiếp: vào một đêm trăng thanh (đêm trăng sáng và thanh vắng) - thời gian thích hợp cho những câu chuyện tâm tình, của nam nữ trẻ tuổi: bộc bạch tình cảm yêu đương.

- Nhân vật anh nói về sự việc tre non đủ lá và đặt ra vấn đề nên chăng tính đến chuyện đan sàng? Tuy nhiên đặt câu chuyện trong hoàn cảnh một đêm trăng thanh và các nhân vật giao tiếp là một đôi nam nữ trẻ tuổi, thì nội dung và mục đích câu chuyện không phải là đan sàng. Lời của nhân vật anh có một hàm ý: cũng như tre, họ đã đến tuổi trưởng thành, nên tính đến chuyện kết duyên.

- Cách nói của chàng trai (mượn hình ảnh tre non đủ lá và mượn chuyện đan sàng) rất phù hợp với nội dung và mục đích của cuộc giao tiếp. Cách nói đó mang màu sắc văn chương, thuộc về phong cách văn chương, vừa có hình ảnh, vừa đậm sắc thái tình cảm, nên dễ đi vào tình cảm con người.

2. Cuộc giao tiếp này mang tính chất giao tiếp đời thường, diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.

a) Trong cuộc giao tiếp đó, các nhân vật giao tiếp (A Cổ và người ông) đã thực hiện các hành động nói cụ thể là: chào (Cháu chào ông ạ!), chào đáp lại (A Cổ hả?), khen (Lớn tướng rồi nhỉ?), hỏi (Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không?), đáp lời (Thưa ông, có ạ!).

b) Trong lời của ông già, cả ba câu đều có hình thức của câu hỏi, nhưng không phải cả ba câu đều nhằm mục đích hỏi. Chỉ có câu thứ ba (Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không?) là nhằm mục đích hỏi thực sự, do đó A Cổ trả lời đúng vào câu hỏi này (Thưa ông, có ạ!); còn câu đầu tiên là lời chào đáp lại (A Cổ hả?); câu thứ hai là để khen (Lớn tướng rồi nhỉ?), do đó A Cổ không trả lời hai câu này.

c) Lời nói của hai ông cháu đã bộc lộ rõ tình cảm, thái độ và quan hệ của hai người đối với nhau. Các từ xưng hô (ông, cháu), các từ tình thái (thưa, ạ trong lời A Cổ và hả, nhỉ - trong lời ông già) đã bộc lộ thái độ kính mến của A Cổ đối với người ông và thái độ yêu quý, trìu mến của ông đối với cháu.

3. Bài thơ Bánh trôi nước thực hiện hoạt động giao tiếp giữa Hồ Xuân Hương và người đọc.

a) Thông qua hình tượng “bánh trôi nước”, tác giả muốn bộc bạch với mọi người về vẻ đẹp, về thân phận lận đận của người phụ nữ nói chung và của tác giả nói riêng, đồng thời khẳng định phẩm chất trong sáng của người phụ nữ và của bản thân mình.

b) Người đọc căn cứ vào các phương tiện ngôn ngữ như các từ trắng, tròn (nói về vẻ đẹp), thành ngữ bảy nổi ba chìm (nói về sự lận đận), tấm lòng son (nói về phẩm chất cao đẹp bên trong) đồng thời liên hệ với cuộc đời tác giả (người nói) – một người phụ nữ tài hoa nhưng lần đận về đường tình duyên - để hiểu và cảm nhận bài thơ.

4. Đây là một giao tiếp dưới dạng viết, văn bản thông tin. Cần lưu ý các yêu cầu sau:

- Dạng văn bản: thông báo ngắn, do đó cần viết đúng các thể thức như mở đầu, kết thúc,...

- Hướng tới đối tượng giao tiếp là các bạn HS toàn trường.

- Nội dung giao tiếp là hoạt động làm sạch môi trường.

- Hoàn cảnh giao tiếp: trong nhà trường và nhân Ngày Môi trường thế giới.

Có thể tham khảo văn bản sau đây:

THÔNG BÁO

Nhân Ngày Môi trường thế giới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội TNTP Hồ Chí Minh trường PTTH Trần Hưng Đạo tổng vệ sinh để toàn trường xanh, sạch, lành mạnh môi trường.

- Thời gian làm việc: từ 7h30 sáng chủ nhật ngày - tháng... năm...

- Nội dung công việc: thu dọn rác, khai thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh, quét vôi trường lớp...

- Lực lượng tham gia: toàn thể đoàn viên và đội viên trong trường.

- Dụng cụ: mỗi bạn có một dụng cụ như: cuốc, xẻng, chổi, dao to, rổ, bao xác rắn ...

- Kế hoạch cụ thể: các chi đoàn, chi đội nhận nhiệm vụ tại Văn phòng Đoàn.

Đoàn trường kêu gọi toàn thể đoàn viên và đội viên trong trường hãy hưởng ứng và tích cực tham gia buổi lao động này.

Ngày ... tháng ... năm ...

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội TNTP Hồ Chí Minh nhà trường

5. Các nhân tố giao tiếp trong văn bản là:

- Nhân vật giao tiếp: Bác Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước, viết thư cho HS toàn quốc - thế hệ chủ nhân tương lai của nước Việt Nam độc lập.

- Tình huống (hoàn cảnh giao tiếp): Đất nước vừa giành được độc lập, HS “bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Do đó trong thư có khẳng định quyền lợi và cả nhiệm vụ của HS.

- Nội dung: Thư nói tới niềm vui sướng vì HS được hưởng nền độc lập của đất nước, tới nhiệm vụ và trách nhiệm của HS đối với đất nước. Cuối thư là lời chúc của Bác đối với HS.

- Mục đích: Bác viết thư để chúc mừng HS nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để xác định nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang của HS.

- Thư Bác viết với lời lẽ vừa chân tình, gần gũi, vừa nghiêm túc xác định trách nhiệm của HS.