I. TIỂU DẪN:
1. Hoàn cảnh tái hợp của Ra-ma và Xi-ta
- Sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau nhưng không phải trong một không gian riêng tư mà trong một không gian công cộng, trước sự chứng kiến của tất cả anh em, bạn hữu trung thành của Ra ma (Lắc-ma-na, Xu-gri-va, Ha-nu-man, Vi-phi-sa-na), quân đội khỉ, quan quân dân chúng của vương quốc quỷ.
- Ra-ma không chỉ đứng trên tư cách một người chồng (với Xi-ta) mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đức Vua (trước hai phe khỉ và quỷ, chàng là người anh hùng, chính nghĩa chiến thắng Ra-va - na phi nghĩa, chàng là người dù đang trong bước lưu đày vẫn được dân chúng vương quốc Kô-sa-la xem là đức vua thực sự, em trai Bha-ra-ta vẫn đặt đôi dép của chàng trên ngôi báu, tự coi mình chỉ là người cai trị nhân danh Ra-ma). Tư cách kép (con người cá nhân và con người xã hội) ấy khiến chàng ở trong một ràng buộc đôi (yêu thương, xót xa cho người vợ nhưng vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng). “Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác...”. Lời miêu tả, trần thuật của người kể chuyện nhưng mang ý thức của nhân vật (ngôn ngữ nửa trực tiếp) này đã tiết lộ tính không hoàn toàn chân thực, thẳng băng, cạn kiệt của những gì Ra-ma nói ra trong quan hệ với những sâu kín trong lòng chàng.
- Được đưa đến gặp chồng trước sự chứng kiến của quan quân dân chúng hai phe, Xi-ta thoạt tiên “như muốn giấu mình đi vì xấu hổ” (chương 78) rồi nàng “khiêm nhường đứng trước Ra-ma”. Khi “nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình”. Hơn cả nỗi xót xa, tủi thẹn của một người vợ mà còn là nỗi đau khổ mất danh dự của một con người (hơn nữa, một hoàng hậu) trước cộng đồng. Lúc đầu, Gia-na-ki đứng từ quan hệ riêng tư giữa “chàng” và “thiếp”, rồi nàng chuyển sang quan hệ xã hội: “Hỡi đức vua!... Người...”. Sau đó, Xi-ta quay qua nói với Lắc-ma-na cũng là gián tiếp với tất cả công chúng: “Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa” và cuối cùng, nàng thưa với thần Lửa thiêng liêng những lời cầu khấn như những lời thề nguyền nghiêm trọng: “Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con”.
- Có thể nói, sau khi đã chiến thắng yêu quỷ, đây là thử thách cuối cùng mà cả Ra-ma lẫn Xi-ta phải vượt qua để đạt đến chiến thắng tuyệt đối, trọn vẹn. Nếu Xi-ta không chứng minh được phẩm hạnh của mình như một người phụ nữ lí tưởng thì chiến thắng trên chiến trường của Ra-ma cũng vô nghĩa. Nếu Ra-ma không chứng tỏ được ý thức danh dự thì người anh hùng cũng chưa xứng đáng là một vị quân vương mẫu mực.
2. Lời buộc tội của Ra-ma
- Lời nói của Ra-ma lặp nhiều nhất là những từ ngữ liên quan đến “tài nghệ” (“tài năng”) và nhất là “danh dự” (“nhân phẩm”, “uy tín”, “tiếng tăm”, ” gia đình cao quý”, “dòng họ lẫy lừng”, “trả thù sự lăng nhục”, “xóa bỏ vết ô nhục”...) của đức vua anh hùng.
+ Dù trong suốt sử thi, ta thấy động cơ và sức mạnh chiến đấu của Ra-ma là sự thống nhất giữa bổn phận người anh hùng và tình yêu của người chồng (“Hỡi ôi! Khi nào đây ta sẽ được trông thấy Gia-na-ki mắt bông sen như gặp được hồng phúc của bậc quân vương sau khi giành được chiến thắng... Khi nào với những mũi tên của mình, ta sẽ xuyên thủng ngực gã Ra-va-na để xua tan những đau buồn của ta? Khi nào thì người con gái trinh bạch đó sẽ ôm cổ ta mà có những giọt lệ sướng vui?”)
+ Nhưng giờ đây, lời tuyên bố của chàng lại nhấn mạnh chỉ danh dự và tài nghệ người anh hùng, phủ nhận tình chồng vợ (chẳng phải vì nàng mà ta đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của ta”)
- Thái độ ruồng bỏ Xi-ta của Ra-ma có sự ghen tuông của người chồng (“Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng...”; “Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp, lại có được nàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”).
+ Trước đây, khi nghĩ đến vợ, Ra-ma chỉ đớn đau, lo lắng cho an nguy của nàng (“Hỡi ôi! Khi nàng bị bắt đi, nàng kêu: “Lang quân ơi! Hỡi lang quân!” tiếng kêu mới thảm thiết làm sao!... Nàng sẽ trải qua tháng ngày làm sao đây, giữa đám quỷ Rắc-sa-xa... Anh còn sợ rằng thời hạn nàng sống không còn bao lâu nữa”...).
+ Giờ đây, mối lo lắng ấy được giải tỏa thì trong người chồng còn có nỗi băn khoăn, trăn trở khác: tấm thân xinh đẹp kia có còn của riêng ta chăng? Mà như thế mới chân thực.
- Tuy nhiên, Ra-ma là đức vua anh hùng với bổn phận danh dự không cho phép chấp nhận làm hoàng hậu một người phụ nữ đã chung chạ cùng kẻ khác (“Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương?”).
+ Ra-ma hiểu sâu sắc vai trò của chàng như khuôn mẫu đạo đức mà dân chúng sẽ soi ngắm, noi theo.
+ Chàng phải giữ gìn cả trật tự xã hội. Ra-ma phải chế ngự tình cảm bằng ý thức về bổn phận, danh dự, chàng phải hi sinh quyền lợi cá nhân vì đòi hỏi của cộng đồng.
- Dù đau khổ, Ra-ma phải lựa chọn bổn phận
+ Trước mặt những người khác, chàng phải kiềm mình để nói “những lời gay gắt khó tả”, những lời tàn nhẫn “chưa từng có”, những lời xúc phạm cùng một lúc cả Xi-ta lẫn tất cả anh em, bạn hữu trung thành thân thiết nhất mà xưa nay chàng hết lòng yêu quý, tôn trọng (“nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Bra-ra-ta, Xa-tru-na, Xu-gri-va, hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được...”)
+ Trong những lời này, ta cảm nhận ý chí sắt đá, sự dằn lòng của Ra-ma. Vì thế, Ra-ma càng nhấn đi nhấn lại sự rõ ràng, dứt khoát trong những lời nói của mình (“Phải biết chắc điều này...”, “Ta nói rõ cho nàng hay, chẳng chút quanh co, ngập ngừng...”), ta càng cảm thấy thực sự có gì lúng túng, bối rối, không đành nơi chàng.
- Khi Xi-ta tiến đến giàn lửa, Ra-ma cũng chịu thử thách dữ dội như chính người phụ nữ thân cô thế cô đang bước vào nguy hiểm kia (“Vào lúc đó, chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng; lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy”. “Ra-ma vẫn ngồi, mắt dán xuống đất”)
3. Lời đáp và hành động của Xi-ta
- Thái độ của Ra-ma hết sức bất ngờ đối với Xi-ta
+ Nàng đâu ngờ đến đây số phận vẫn một lần nữa tráo trở với nàng, đỉnh cao của tột cùng hạnh phúc và vinh quang tưởng sát kề bỗng chốc sụp đổ thành vực thẳm của cay đắng.
+ Lần này, không phải một trở ngại từ bên ngoài mà là lời ruồng bỏ của chính người chồng mà nàng đã dành tất cả yêu thương, đã làm tất cả để giữ lòng chung thủy.
- Vì vậy, nỗi đau khổ như tràn ra, không cách gì kiềm chế (“Gia na-ki đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi vọi quật nát”. “Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối”).
- Khi cất tiếng, Xi-ta dần tìm lại sự tự chủ (“Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng dịu dàng, nghẹn ngào, nức nở, nàng nói...”) và những lời thanh minh của nàng dịu dàng mà đầy sức mạnh, rành rẽ, vừa đạt lí vừa thấu tình.
+ Trước hết, Xi-ta khẳng định tư cách, phẩm hạnh của mình, trách Ra ma đã không suy xét chín chắn mà đánh đồng nàng với hạng phụ nữ tầm thường. Có thể có những phụ nữ tầm thường dễ dàng thay lòng đổi dạ nhưng nàng là người vợ từng từ bỏ cung điện theo chồng vào rừng, chia sẻ cùng chồng mọi gian nan, khổ hạnh. Xi-ta cũng nhấn mạnh nguồn gốc dòng dõi của mình là con của thần Đất Mẹ (Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải thiếp sinh ra trong gia đình đó, chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi”).
+ Xi-ta phân biệt giữa điều tùy thuộc vào số mệnh của nàng, vào quyền lực kẻ khác (“cái thân thiếp đây”) và điều trong vòng kiểm soát của nàng (“trái tim thiếp đây”). Việc nàng bị bắt cóc, việc quỷ Ra-va na động chạm vào thân thể nàng khi cuốn nàng trong vạt áo bay về đảo Lan-ka trong tình cảnh nàng ngất đi là những điều ngoài ý chí của nàng, không được quyết định bởi nàng. Còn trái tim nàng, tình yêu của nàng, những gì do nàng chủ động thì luôn luôn chỉ thuộc về Ra-ma, bất chấp mọi sự dọa nạt hay mua chuộc của Ra-va-na. Chữ trinh trong tâm, trong tinh thần ấy mới thực là bản chất. Nàng cũng nhắc sự kiện anh hùng Ha-nu-man tới đảo Lan-ka tìm kiếm tin tức về nàng như một bằng chứng thuyết phục cho đức trung trinh của mình. Chính Ha-nu-man đã chứng kiến cảnh nàng bị giam cầm trong rừng cây, một mực bó gối, khăng khăng cự tuyệt quỷ vương. Cũng chính Ha-nu-man đã ngỏ ý cõng Xi-ta vượt biển về với Ra-ma nhưng nàng từ chối, dù nàng rất nôn nóng mong ước đoàn tụ, một lí do quan trọng là người phụ nữ không thể để người đàn ông nào khác ngoài chồng mình động chạm tới.
+ Cuối cùng, Xi-ta chọn một hành động quyết liệt. Nàng nói Lắc-ma na chuẩn bị cho nàng một giàn hỏa thiêu. Đối với Xi-ta mà người chồng là tất cả ý nghĩa cuộc sống thì bị chồng ruồng bỏ chẳng khác gì cái chết. (“Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”). Nhưng khi tiến về giàn lửa, nàng lại hướng tới thần A-nhi cầu xin thần, với tư cách đấng có mặt ở khắp mọi nơi, chứng kiến mọi hành động của con người, làm chứng cho đức hạnh của nàng (“Nếu con trước sau một lòng, một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con”). Xi-ta dám bước qua mạng sống chính mình, chấp nhận thử thách để chứng minh phẩm tiết thủy chung
4. Khí tiết và phẩm hạnh của Xi-ta qua lửa càng rạng rỡ. Nhưng nếu như không có những phép màu thần linh thì phải chăng kết cục cả một cuộc đời yêu thương và chung thủy thật thê thảm? Cảnh Xi-ta bước lên giàn lửa vì vậy vừa hào hùng vừa bi thương, khiến quan quân dân chúng cả hai phe, anh em, bạn hữu xúc động mãnh liệt.
5. Qua Ra-ma và Xi-ta, người Ấn Độ cổ đại nhấn mạnh những phẩm chất nào của một đức vua lí tưởng và một người phụ nữ lí tưởng?
- Đức vua lí tưởng là người trung thành với bổn phận, danh dự.
- Người phụ nữ lí tưởng là người vợ yêu thương, chung thủy.
6. Cách xây dựng nhân vật sử thi trong đoạn trích có đặc điểm là đặt các nhân vật vào thử thách (sự lựa chọn giữa tình cảm và bổn phận, giữa quyền lợi cá nhân và đòi hỏi của cộng đồng), thể hiện tính cách chủ yếu qua lời nói, hành động.