1. Về nội dung

- Nghiêm Vũ, một nhà phê bình văn học thời Tống, nói rằng: “Thơ thất ngôn luật thi của người đời Đường, nên coi bài Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu là đệ nhất” (Đường nhân thất ngôn luật thi đương dĩ Thôi Hiệu “Hoàng Hạc lâu” vi đệ nhất). Tương truyền Lí Bạch đến lầu Hoàng Hạc, định đề thơ, bỗng nhìn lên thấy bài này của Thôi Hiệu, đành gác bút mà than rằng:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc

Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

(Trước mắt có cảnh nói không được

Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu)

Xưa nay ai cũng công nhận Lầu Hoàng Hạc hay nhưng nói rõ hay điểm nào thì thật khó.

Lầu Hoàng Hạc là cảm xúc của con người khi đối diện với cái đẹp.

Lầu Hoàng Hạc kết đọng nỗi “sầu”.

- Người sầu vì hoài cổ? Vì thương kim? Hay vì tư hương?

Người sầu vì tất cả.

- Nhưng hình như không phải chỉ vì “tất cả” những điều đã được nói thành lời kia.

- Thôi Hiệu đứng trước lầu Hoàng Hạc mà dựng nên một “Hoàng Hạc lâu” trong tâm tưởng, để rồi cái “Hoàng Hạc lâu” ấy gợi lên một sự ngỡ ngàng, một nỗi bâng khuâng, một nỗi nhớ... một nỗi buồn trong trẻo mông lung và sâu không thấy đáy.

- Lầu Hoàng Hạc là một minh chứng rằng: Cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn.

2. Về nghệ thuật

- Nhiều ý kiến cho rằng: Nói bài Lầu Hoàng Hạc là “luật thi đệ nhất” nhưng 4 câu đầu câu nào cũng không đúng luật.

Cách giải thích hiện tượng này cũng khác nhau. Người thì cho là “phá luật”, người thì cho là tự nhiên ra ngoài luật – cái xúc cảm của thi nhân, nó không chịu theo “luật”.

Thực ra, bài Lầu Hoàng Hạc là một bài thơ “cổ luật” điển hình.

“Cổ luật là thuật ngữ để chỉ những bài thơ vừa có tính chất của luật thi vừa có tính chất của cổ thi. Ở loại thơ này, số chữ, số câu, cách gieo vần và đối ngẫu giống như thơ luật nhưng phối thanh lại giống như cổ phong, không hoàn toàn hợp luật” (Xem Bình giảng thơ Đường, NXB Giáo dục, 2005, tr.137).

- Đề thơ trên lầu nhưng ý không ở lầu mà ở “tích nhân”, ở “Hoàng Hạc”. Ở “hương quan”... là những thứ không nhìn thấy được. Cái tứ, cái “thần” của bài thơ ở đâu? Đó là cái cần phải tìm.

- Muốn vậy, ta phải phát hiện ra ý nghĩa của những mối quan hệ trong bài. Đó là quan hệ giữa xưa và nay, giữa xa và gần, giữa thời gian và không gian, giữa thực và hư, giữa cảnh và tình,..

Tất cả “cảnh” - cảnh xưa cảnh nay, cảnh xa cảnh gần, cảnh thực (thấy được) cảnh hư (trong tâm tưởng)... cảnh nào cũng đẹp, nhưng tất cả “cảnh” đều “sử nhân sầu” (khiến người buồn).

Cảnh nào cảnh chẳng “đeo sầu”. Bài thơ có 56 chữ thì 55 chữ đều là những bước “chuẩn bị” cho một chữ sầu “đậu” xuống, kết đọng trong tâm.