1. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

- SGK đã chỉ dẫn khá cụ thể những hoạt động của HS, GV cần hướng dẫn các em từ bước chuẩn bị cho đến khi làm bài.

- Nhắc HS:

+ Ôn lại đặc điểm chung của văn tự sự.

+ Ôn lại các bài đã học ở các giờ học trước.

2. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC

a) Hướng dẫn chung

GV yêu cầu HS thực hiện theo hướng dẫn ở SGK.

b) Chọn và ra đề bài cho HS; hướng dẫn HS làm bài. Đọc phần Gợi ý cách làm bài để thấy bài viết này có ba hướng:

- Kể lại một câu chuyện đã biết hoặc đã được học: đề (1) và đề (2);

- Kể chuyện sáng tạo dựa theo một tác phẩm nào đó đã được học hoặc đọc thêm: đề (3).

Ví dụ: Với Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, có thể kể và kết thúc theo ba cách sau:

+ Cách thứ nhất: Gặp lại Trọng Thủy dưới thủy cung, Mị Châu nặng lời phê phán rồi quay đi, bỏ mặc Trọng Thủy đầu tóc bơ phờ, nét mặt đau khổ, dáng hình mờ dần và tan trong dòng nước xanh.

+ Cách thứ hai: Mị Châu vui vẻ trò chuyện với người chồng cũ. Hai người tỏ ý ân hận vì sai lầm của mình.

+ Cách thứ ba: Mị Châu bình tĩnh phân tích mọi lẽ đúng , sai lúc hai người còn sống. Hiểu lời Mị Châu, Trọng Thủy rất ân hận, muốn nối lại duyên xưa. Tuy cảm động trước thái độ của Trọng Thủy, nhưng Mị Châu không chấp nhận. Nàng tỏ ý muốn “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”.

- Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò,... HS có thể kể về một việc tốt của bản thân, hoặc được chứng kiến (giúp người tàn tật, nghèo khó; can thiệp vào một vụ lộn xộn xảy ra trên đường phố; đấu tranh với kẻ xấu, việc xấu,...)