A. TÌM HIỂU BÀI THƠ

1. Trong thơ Đường, thơ viết về tình bạn chiếm tỉ lệ rất cao. Các nhà thơ đời Đường đều rất trân trọng tình bạn:

Hoàng kim vạn lạng dung dị đắc

Nhân sinh tri kỉ tối nan tầm.

(Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm,

thế gian tri kỉ thật khó tìm.)

2. Lí Bạch là người giao du rộng, kết bạn thân thiết với nhiều người không kể đến địa vị, tuổi tác. Ông quan niệm:

Ở đời biết nhau quý

Cần chi bạc với tiền.

Có thể nói Lí Bạch là nhà thơ của tình bằng hữu. Mạnh Hạo Nhiên là người bạn văn chương, bạn “vong niên” (Mạnh Hạo Nhiên lớn hơn Lí Bạch 12 tuổi) thân thiết của Lí Bạch. Bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng thuộc đề tài “tống biệt” rất phổ biến trong thơ Đường.

- Bài thất ngôn tuyệt cú chỉ có 28 chữ mà ở đây nhan đề lại đến 10 chữ. Có lẽ vì phải như thế mới biểu đạt được hình ảnh con người đẹp giữa không gian đẹp.

- Ở bài thơ này không hề có một từ nào nói về tâm trạng, tình cảm nhưng cả bài thơ là một dòng tình.

3 - Thơ Đường rất hàm súc, những ý nghĩa rộng lớn sâu xa được thể hiện bằng những bài thơ ngắn gọn, giàu “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời). Vì vậy đọc bài thơ này, cũng như đọc thơ Đường nói chung cần tĩnh tâm suy ngẫm để cảm thông với những nỗi niềm thi nhân muốn gửi gắm sau những câu chữ rất giản dị và "tiết kiệm”.

- Phát hiện được “ý ở ngoài lời” được thể hiện qua bài thơ. “Dĩ vô tình ngôn tình tắc tình xuất” (lấy vô tình để nói tình thì tình tất hiện ra - Du Việt). “Vô tình” vì bài thơ chỉ toàn "cảnh”, vậy mà đọc bài thơ lại cảm nhận được “tình”.

- Sở dĩ có được hiệu quả thẩm mĩ ấy là do những nghĩa hàm ẩn của từ ngữ, do các mối quan hệ, do hình ảnh cánh buồm dần xa trong đôi mắt thể hiện tình bạn triền miên vô tận trong tấm lòng.

B. GỢI Ý HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Bài thơ rất ngắn nhưng có nhiều mối quan hệ

- Một từ cố nhân tự nó đã gợi mối quan hệ gắn bó thân thiết từ lâu giữa bạn với bạn.

- Hoàng Hạc lâu (một thắng cảnh thần tiên) và Dương Châu (một thắng cảnh phồn hoa) được nối bởi dòng sông Trường Giang, mà dòng Trường Giang ấy lại tiếp với trời như đưa bạn vào cảnh tiên, cố nhân như cánh hạc vàng...

- Người Trung Quốc xưa coi “giai thì, mĩ cảnh, thắng sự, lương bằng” (thời tiết đẹp, cảnh đẹp, việc hay, bạn hiền) là “tứ thú” (4 điều thú vị). Ở đây có giai thì, mĩ cảnh, có lương bằng nhưng “sự" thì “bất thắng” - li biệt.

2. Sông Trường Giang là huyết mạch giao thông, thương nghiệp của cả vùng Hoa Trung và Hoa Nam. Giữa mùa xuân thanh bình này, hẳn trên sông thuyền bè ngược xuôi tấp nập. Vậy mà người đưa tiễn chỉ thấy một cánh buồm đơn chiếc (cô phàm) của cố nhân. Vì sao? Vì tấm lòng định hướng cho đôi mắt. Người ra đi cô đơn, người đưa tiễn cũng cô đơn nhìn theo một cánh buồm cô đơn. Cánh buồm đơn chiếc dần xa, thấp thoáng rồi mất hút.

3. Người đưa tiễn cứ đứng lặng mãi bên sông thì mới có thể thấy hình ảnh cánh buồm lẻ loi đơn chiếc giữa trời nước bao la, cánh buồm dần xa... rồi mất hút, vậy mà vẫn còn nhìn theo để:

Chỉ thấy Trường Giang chảy vào cõi trời.

Vậy là:

Cố nhân... thiên tế lưu

Chẳng một lời nói về tình. Cả bài thơ là cảnh mà cả bài thơ là tình – tình bằng hữu của Đường thi, tình bạn của con người.