1. Bố cục:

- Bài thơ này có thể chia làm 2 phần:

+ 4 câu đầu tả cảnh thu.

+ 4 câu sau chủ yếu thể hiện cảm hứng của thi nhân khi cảnh thu về trên đất khách.

- Nhưng cả bài thơ câu nào cũng là “thu – hứng”.

Điều này được thể hiện ở:

+ Từ ngữ trong từng câu vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng.

+ Các mối quan hệ giữa xa và gần, giữa không gian và thời gian, giữa thị giác và thính giác, giữa thu và hứng.

+ Sự vận hành của tứ thơ: từ xa đến gần, từ không gian mà cảm nhận thời gian, từ ngoại cảnh đến nội tâm.

- Hàm ẩn trong mỗi câu thơ, trong tứ thơ, là văn hóa Trung Hoa và tâm hồn “Thi thánh” Đỗ Phủ.

2. Bốn câu đầu

- Thơ được khởi từ sự “điêu thương” của rừng phong. Rừng phong nhuốm đỏ là cảnh đặc trưng của mùa thu Trung Quốc. Tính động từ điêu thương vừa tả cảnh vừa ngụ tình.

- Vu Sơn, Vu Giáp là cảnh đặc trưng của Ba Thục. Cảnh bị trùm trong hơi thu hiu hắt (tiêu sâm).

- Sóng dữ dội cuốn cả trời là cảnh đặc trưng của mùa thu trên sông Trường Giang.

- Mây đùn cửa ải là cảnh mà cũng thể hiện ý: không gian bị mùa thu dồn nén, đồng thời ngầm thể hiện nỗi âu lo biên giới và ngầm chuẩn bị cho hai câu kết.

- Như vậy, 4 câu đầu là không gian trong tầm nhìn xa, là cảnh thu “ngậm” (hàm) tình thu.

3. Bốn câu sau:

- Hai câu 5 và 6: cặp đối ngẫu này là cảnh thu cũng là tình thu. Đây là hai câu hay nhất của bài thơ, cả trong nguyên văn của Đỗ Phủ cả trong bản dịch của Nguyễn Công Trứ.

+ Từ không gian xa (4 câu đầu) rút về không gian cận kề (khóm cúc, con thuyền) rồi “lặn” vào tình (lệ, tâm).

+ Lúc chiều dần buông, tầm nhìn dần thu hẹp, vì thế vận hành của tứ thơ là từ cảnh đến tình không gian rút về gồm đã thành thứ không gian nội tâm.

+ “Cúc” là hoa thu.

+ “Con thuyền” là hình ảnh thường xuất hiện trong thơ Đỗ Phủ cuối đời (mùa thu của cuộc đời), nó “chở” tâm tình mong được trở về quê hương của nhà thơ. (Đến đây có thể liên hệ với “vạn lí thuyền” trong bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ).

+ Đặc biệt cần lưu ý 2 động từ “nhãn tự" trong 2 câu này khai (nở) và hệ (buộc) và 2 sự kết hợp rất đặc biệt giữa vị ngữ và tân ngữ:

khai tha nhật lệ: nở ra... nước mắt,

Hệ cố viên tâm: buộc vào... trái tim.

Lại cần lưu ý hai số từ (lưỡng, nhất) được dùng làm phó từ – trạng ngữ: lưỡng khai, nhất hệ.

“Lưỡng” là hai mà cũng phiếm chỉ số nhiều. Nở rồi lại nở, lần nào cũng nở ra... nước mắt. Lệ của hoa hay lệ của con người? Không phân biệt được! Cả hai đều chung nước mắt.

“Nhất” là một, mà cũng hàm nghĩa “chỉ”, “duy nhất”, “một mực”, “mãi mãi”.

“Con thuyền cô quạnh buộc mãi vào trái tim thương nhớ vườn xưa”, cũng có nghĩa là trái tim thương nhớ vườn xưa buộc mãi vào con thuyền - cái “con thuyền cô quạnh”, phương tiện duy nhất có thể đưa con người trở lại “cố viên”.

Như vậy, thực cảnh đã nhập thành tâm cảnh.

- Hai câu cuối: Đột ngột, dồn dập âm thanh của mùa thu.

+ Cả 6 câu trước hoàn toàn không có âm thanh nào cả. Bỗng rộn lên tiếng “thước” đo vải, tiếng “dao” cắt vải, tiếng chày đập vải để may áo rét. Đây cũng là âm thanh đặc thù của mùa thu Trung Quốc xưa - may áo chống rét gửi cho người chinh thú đang trấn thủ biên cương bởi mùa thu lạnh lẽo đang về.

+ Hãy hồi chiếu lại câu thơ thứ tư: trên cửa ải mây sà xuống sát mặt đất âm u.

Loạn An Lộc Sơn đã bị dẹp nhưng đất nước chưa yên, bao người còn giữ ải xa...

- Trời tối rồi (“mộ”), không nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe thấy tiếng chày đập vải “giã” vào nỗi buồn lo nhung nhớ.

- Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết lại bài thơ vừa mở ra nỗi buồn nhớ người thân...