1. Phân tích hình thức kết cấu của văn bản “Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân”
HS đọc văn bản và suy nghĩ cách thực hiện các yêu cầu nêu ở cuối hai văn bản.
Gợi ý:
Câu (a)
Văn bản thuyết minh về Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc về thời gian, địa điểm và diễn biến của lễ hội thổi cơm thi cũng như ý nghĩa của lễ hội này đối với đời sống tinh thần của người lao động vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Câu (b)
Văn bản có một số ý chính sau đây:
- Thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội thổi cơm thi.
- Diễn biến của lễ hội:
+ Thi nấu cơm: làm thủ tục bắt đầu cuộc thi, lấy lửa từ trên ngọn cây chuối cao, nấu cơm.
+ Chấm thi: tiêu chuẩn chấm thi, cách chấm thi để bảo đảm chính xác, công bằng.
Câu (c)
Văn bản chọn hình thức kết cấu theo trình tự thời gian, xen lẫn lời kể và lời tả (tả cảnh leo cây chuối, cảnh nấu cơm).
2. Phân tích hình thức kết cấu văn bản “Bưởi Phúc Trạch”
Gợi ý:
Câu (a)
Văn bản thuyết minh về một loại trái cây nổi tiếng ở Hà Tĩnh - bưởi Phúc Trạch. Qua văn bản, người đọc cảm nhận được hình dáng, màu sắc, hương vị hấp dẫn và bổ dưỡng của bưởi Phúc Trạch.
Câu (b)
Văn bản gồm một số ý chính sau:
- Hình dáng bên ngoài của bưởi Phúc Trạch.
- Hương vị đặc sắc của bưởi Phúc Trạch.
- Sự hấp dẫn và bổ dưỡng của bưởi Phúc Trạch.
- Danh tiếng của bưởi Phúc Trạch.
Câu (c)
Phân tích hình thức kết cấu của văn bản:
Nội dung của văn bản trên được sắp xếp theo nhiều quan hệ khác nhau:
- Quan hệ không gian: từ ngoài vào trong (giữa ý thứ nhất và ý thứ hai).
- Quan hệ lôgic: các phương diện khác nhau của quả bưởi (hình dáng, màu sắc, hương vị, sự bổ dưỡng), quan hệ nhân quả (tương quan giữa ý thứ nhất, ý thứ hai với ý thứ ba và ý thứ tư, giữa ý thứ ba và ý thứ tư).
- Chép vào vở phần Ghi nhớ trong SGK.
LUYỆN TẬP
1 - Giới thiệu chung về bài thơ: tác giả, thể loại, nội dung chính...
- Thuyết minh giá trị nội dung của bài thơ: hào khí, sức mạnh của quân đội thời Trần, chí làm trai theo tinh thần Nho giáo (lập công và lập danh).
- Thuyết minh giá trị nghệ thuật của bài thơ: sự cô đọng, đạt tới độ súc tích cao, nhấn mạnh tính kì vĩ về thời gian, không gian và con người.
2. HS chọn một di tích, thắng cảnh ở vùng quê các em hoặc một di tích, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước mà các em đã từng biết và yêu mến.
- Xác định được nội dung thuyết minh để người đọc hình dung như mình đã tới thăm di tích, thắng cảnh đó về các mặt: vị trí, quang cảnh, sự tích, sức hấp dẫn và giá trị của đối tượng thuyết minh.
- Có thể kết hợp cách thuyết minh theo kết cấu trật tự không gian, thời gian và quan hệ lôgic một cách linh hoạt.
Sau đây là ba bài văn thuyết minh có thể dùng để tham khảo:
KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NAM KA
Mặc dù được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1986, nhưng khác với Vườn quốc gia Yok Đôn, Nam Ka lại được ít người biết đến. Có lẽ vì vậy mà khu bảo tồn này của Đắk Lắk vẫn còn mang nét hoang sơ, huyền bí, hấp dẫn những du khách ưa khám phá với những tour du lịch sinh thái – dã ngoại. Nam Ka là vùng rừng đầu nguồn hợp lưu của hai con sông Krông Nô và Krông Na (sông Đực và sông Cái) để tạo nên Sêrêpôk, con sông dài và đặc trưng nhất của Đắk Lắk. Vài năm nay, một số đoàn du khách, chủ yếu là khách nước ngoài đã đến Nam Ka theo tour do Công ty lữ hành cao nguyên Việt Nam tổ chức. Từ Buôn Ma Thuột, sau chặng hành trình hơn 50km, du khách đến khu bảo tồn Nam Ka sẽ được đón tiếp ở buôn Rai (xã Nam Ka, huyện Lăk) và thực hiện chuyến đi khám phá 3 ngày đi bộ xuyên rừng. Buôn Rai có lẽ là một trong số ít buôn làng ở Đắk Lắk còn giữ nhiều sinh hoạt mang đậm sắc truyền thống của người M'Nông. Chính điều này lại thu hút những du khách muốn tìm hiểu những nét văn hóa bản địa còn hoang sơ. Trong hai đêm ở tại buôn Rai, du khách sẽ ăn, ngủ trong nhà sàn của đồng bào M'Nông. Bên bếp lửa đỏ rần rật suốt đêm, khách sẽ thưởng thức món thịt nướng thơm lừng, ngây ngất với ché rượu cần đậm vị men lá rừng Nam Ka. Nếu có nhu cầu, khách sẽ nghe những bài chiêng cổ nhất của người M'Nông được hòa tấu bởi những nghệ nhân buôn Rai...
Hôm sau, leo lên bành voi, du khách sẽ có chuyến du ngoạn vào rừng Nam Ka, tận mắt chứng kiến sức sống trong rừng già đầy kì thú. Thỉnh thoảng, du khách có thể nghỉ chân bên dòng suối đột ngột xuất hiện giữa rừng già, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, tiếng chim hót, vượn kêu, tiếng róc rách của suối qua những ghềnh thác...
Hầu hết du khách từng khám phá Nam Ka đều tỏ ra hài lòng với những gì họ trải qua trong tour sinh thái - văn hóa này. Ông Daniel Meouchy (du khách Pháp) ghi lại cảm tưởng trong sổ tay của Công ti lữ hành cao nguyên Việt Nam: “Tôi rất thích những tour dã ngoại kiểu này. Quả là cả một kho tàng văn hóa, lịch sử về con người và vùng đất Tây Nguyên cần khám phá. Điều đáng nói là tour du lịch này đã giúp cho người dân địa phương có thêm thu nhập chính đáng từ vốn văn hóa của chính họ đồng thời khơi dậy cho du khách và cả người dân ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc”.
MÙA NƯỚC NỔI
Đồng Tháp Mười xưa nay vốn nổi tiếng bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Vào mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm con kênh nhỏ hiền hòa chợt vươn mình lớn dậy trở thành những dòng sông, gánh lấy trách nhiệm chở nặng phù sa về bồi đắp màu mỡ cho mảnh đất nơi đây.
Các dòng kênh trở thành tâm điểm mọi hoạt động của con người. Thuyền ba lá và xuồng máy chạy hối hả ngược xuôi. Những ngư phủ mặt vuông chữ điền, da đỏ au ngồi lặng lẽ buông câu trên chiếc xuồng dập dờn trên sóng nước, có bà mẹ trẻ bồng con thơ xuôi dòng đi chợ, chiếc thuyền đầy ắp hàng hóa trôi về nơi buôn bán, bầy trẻ thơ cắp sách sau buổi học đi ngang dòng kênh về nhà.
Hai bên bờ, hàng dừa soi bóng xuống mặt nước, những bụi tre rắn rỏi vút lên cao, hàng cây bạch đàn thân trắng, lá rủ tha thướt, đây đó vài cây chuối trĩu nặng buồng quả xanh mướt, những cây điên điển như rắc hoa vàng đôi bờ trông như một bức tranh họa đồ nhiều màu sắc. Đôi khi bạn bất chợt nhìn lên sẽ gặp những đôi mắt đen láy của những đứa trẻ bên cửa sổ nhà sàn. Thảng hoặc, một bóng áo dài trắng mềm mại đứng bên cây dừa nhìn xa xăm. Những hình ảnh ấy sẽ in mãi vào trong sâu thẳm lòng của người viễn khách. Ở những nơi đô thị phồn hoa, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chiêm ngưỡng những hình ảnh nên thơ ấy.
Vào mùa nước nổi đến Đồng Tháp, không thể không đến khu địa danh lịch sử - du lịch Xẻo Quýt và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Nằm bên những dòng kênh, khu địa danh lịch sử – du lịch Xẻo Quýt cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km, khu thuộc hại xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Từ chợ Mỹ Hiệp, nếu đi đường thủy thì mất khoảng 40 phút, bạn sẽ gặp khu rừng tràm, ngập nước nguyên sinh xanh biếc, lộng gió với một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp. Nơi này từng là căn cứ địa cách mạng trong những năm chiến tranh chống Mĩ ác liệt, nay lại trở thành một địa điểm lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Trên chiếc thuyền ba lá, lênh đênh giữa khu vực này, bạn sẽ tưởng chừng như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của nước, của những cây chàm đan chằng chịt, cao vút và của những mảnh trời xanh lơ. Âm thanh duy nhất là tiếng chim hót xa xa. Bạn sẽ có cảm giác mình giống như những con người tràn đầy sức sống và dũng cảm đã từng mở cõi tiên phong ở nơi đất mới này, khi mà vùng đất này chỉ là lãnh địa của rừng rậm và muông thú. Cái duy nhất gắn bó du khách với thế giới bên ngoài, đó là nụ cười duyên của cô gái đang chèo thuyền đưa bạn đi du ngoạn.
Giữa bốn bề là nước, cây cỏ, hoa lá và chim muông, vườn chim Gáo Giồng thuộc Ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, từ lâu đã được xem là lá phổi của Đồng Tháp Mười. Gáo Giồng, nhìn từ trên cao xuống giống như một tấm thảm xanh ngắt kéo dài đến vô cùng. Những con kênh mềm mại bao quanh khu rừng như chiếc khăn rằn quấn hờ quanh chiếc cổ tròn xinh đẹp của các cô gái miệt vườn.
Đi vào sâu trong rừng, bạn sẽ bước xuống chiếc thuyền ba lá do một thiếu nữ mềm mại trong tà áo bà ba và chiếc nón lá chèo lái. Bồng bềnh trên vùng sông nước, không hiếm khi phải vạch lá cây để lấy lối đi, bạn sẽ thấy mình như đã trở thành một phần của thiên nhiên. Bạn sẽ trôi qua những cảnh đẹp tuyệt diệu. Những cánh rừng chàm ngút ngàn vươn lên từ nước. Có những lúc giữa bao la rừng chàm chợt hiện lên một vùng nước xanh non, màu xanh của cỏ và cây nghễ.
Cứ thế chiếc xuồng ba lá tiến dẫn đến sân chim. Từ đằng xa, bạn đã thấy những cánh chim chao lượn. Càng vào gần, cảnh tượng càng trở nên đa sắc, đa thanh hơn. Những cánh cò trắng muốt sải cánh trên nền xanh của cỏ, những chú cồng cộc đen tuyền vỗ cánh bay, những con chim bói cá, chim trích nhiều màu sắc rực rỡ lao vun vút... Tiếng các loài chim đua nhau tiếng hót đã tạo nên một bản hòa tấu có một không hai. Những đàn cò trắng, những đàn điên điển đen vẽ trên nền trời những mảng màu đen trắng giao hòa với màu xanh của cây cối tạo nên một sự phối màu tuyệt diệu của thiên nhiên.
Còn có những chú cò con trắng muốt đứng trên chỏm lá ngơ ngác nhìn bạn như những sinh vật lạ xâm nhập vào thế giới riêng của chúng. Những chú cồng cộc bơi ngoắt nghéo như rái cá lướt giữa các gốc chàm và đôi lúc giật mình bay lên làm vương lại những giọt nước lấp lánh trong ánh nắng mặt trời. Những chú diệc bơi thong dong trong rừng... Còn rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh quyến rũ khác cho sự khám phá của bạn.
Khi ra khỏi sân chim trở về, một khung cảnh hoàn toàn tĩnh lặng đang chờ đón bạn. Tiếng mái chèo khua nước là âm thanh duy nhất rơi lại trong thiên nhiên. Trong khung cảnh ấy, bỗng vút lên một câu vọng cổ, cô gái chèo thuyền vừa khỏa mái chèo, vừa ca. Bài ca kể về tình yêu của một cô gái miệt vườn và chàng trai thị thành. Cô gái yêu mãnh liệt những vẫn đắn đo, dùng dằng giữa bên hiếu, bên tình. Những lời ca mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng còn theo mãi bạn trên những chặng đường xa.
Đồng Tháp là tỉnh miền Tây Nam Bộ, phía Bắc giáp Cam-pu-chia, phía Đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, phía Nam giáp Cần Thơ, phía Tây giáp An Giang và sông Hậu. Diện tích 3.276 km2. Tỉnh lộ là thị xã Cao Lãnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 162km.
Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của Việt Nam. Ngoài cây lúa nổi, vùng đất này còn có “lúa trời”, một loài lúa mọc tự nhiên. Lúa trời mọc từ tháng 4, tháng 5, đến tháng 10 được thu hoạch mà không cần chăm bón.
Đồng Tháp có nhiều muông thú quý hiếm như sếu cổ trụi đầu đỏ, cò, vạc, bồ nông... Tràm chim, có nghĩa là rừng Tràm có các loại chim sinh sống.
CHÙM BỐI KHÊ MÙA SEN KÌ LẠ
Những ngày chớm hạ này theo Quốc lộ 21B, tới chùa Đại Bi (thường được gọi là chùa Bối Khê) ở thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây - cách Hà Nội chừng 200km, du khách sẽ được ngắm những hoa sen trắng, thơm ngào ngạt ẩn dưới tầng tầng cành lá trong không gian cổ kính của một ngôi chùa có từ thời nhà Trần.
Không vươn lên từ mặt nước hồ, những hoa sen kì lạ chùa Bối Khê bung ra tinh khiết trắng từ những cành lá xanh. Búp sen nho nhỏ giống hệt búp sen thường thấy. Thoạt nhìn, hoa sen chùa Bối Khê nhang nhác hoa trà, lá giông giống lá cây sanh nhưng tỏa hương thơm đặc trưng của hoa sen nước, có phần đậm đà hơn. Mùa hoa sen từ tháng 4 - tháng 6 âm lịch, hoa nở tới 1 - 2 tuần mới tàn.
CHỈ CÓ Ở CHÙA BỐI KHÊ (?)
Tương truyền những cây hoa sen kì lạ này đã có hàng trăm năm trong khuôn viên chùa. Dân làng không ai rõ, gọi là sen cạn. Trước đây chùa có hai cây sen tổ cao chừng 5m nhưng một cây đã chết vì sâu mọt. Có hồi trên báo chí từng tranh luận về câu ca dao Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen, còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ chùa Bối Khê: “Mọi người bảo làm gì có cành sen, nhưng chỉ chùa làng tôi có cành sen”.
Hiện trong khuôn viên chùa cũng chỉ có vỏn vẹn ba cây sen. Hai cây sen con cao chừng 2m, trồng trước tam bảo, được chiết từ cây sen tổ cạnh hậu cung thờ thánh. Theo ông Hùng, hai cây sen con mỗi năm chỉ nở chừng 10 hoa. Khi chúng tôi đến chùa, hai cây sen con mới nở chừng 1 – 2 hoa và đang có nụ, thế mà trong không gian ầm ầm tiếng cưa đục, xây trát đại tu ngôi chùa cổ vẫn ngát hương. “Chùa cũng đã có ý định nhân giống sen trồng nơi khác trong làng nhưng không sống được” - ông Hùng bảo.
NGÔI CỔ TỰ ĐỘC ĐÁO
Chùa Bối Khê ẩn dưới tầng lá mát rượi bóng đề, đa cổ thụ ba người ôm không xuể, kề bên là hàng loạt di tích cổ kính khác. Trên gác chuông chùa có treo quả chuông đồng đường kính 60cm, cao 1m, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Chùa được dựng vào thời Trần, khoảng năm 1338, toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hợp thành kiểu nội công ngoại quốc. Qua khỏi gác chuông là sân gạch rộng xanh mát những cây đại, móng rồng, sen cạn... Hai bên là hai hồ sen, cũng là giếng nước sinh hoạt cho dân làng trước đây, nay là nơi biểu diễn văn nghệ trong dịp hội chùa.
Trong số 58 pho tượng của chùa có những tượng đẹp không kém tượng chùa Mía, chùa Dâu, chùa Thầy..., chẳng hạn tượng Ngọc hoàng Thượng đế, thập điện Diêm Vương, và nhất là tượng Phật Quan Âm 12 tay cao chừng 2m ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại 1382, triều vua Trần Phế Đế.
Chùa còn nhiều hiện vật quý hiếm: nhang án hoa sen bằng đá được làm vào thời Trần (1382), đèn gốm trang trí hình cánh sen, rồng đắp nổi và tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc, cùng nhiều bia đá mà cổ nhất là bia sự tích “Bối động thánh tích bi ký” có niên đại Thái Hòa 11 (1453)...
Hằng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. 14 thôn lân cận rước kiệu thánh làng mình về tế lễ thánh Bối Khê, sau đó rước kiệu thánh lên đình Kim thờ Hai Bà Trưng. Một dự án trùng tu chùa với tổng kinh phí 15,87 tỉ đồng được khởi công vào tháng 11-2005 và phải mất ba năm mới hoàn thành. Dù được công nhận là di tích quốc gia hạng đặc biệt, là một trong sáu di tích quan trọng hàng đầu của Hà Tây (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, làng cổ Đường Lâm), lại nằm trong vòng cung du lịch chùa Hương - Quan Sơn – làng nghề Hà Tây nhưng đến nay chùa Bối Khê vẫn vắng vẻ khách thập phương, người hành hương, chiêm bái di tích. Một ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo vào bậc nhất Việt Nam, ngát hương sen kì lạ vẫn chưa được mấy người biết đến.