1. Quê Ba-sô ở Mi-ê, ông lên Ê-đô ở được mười năm mới về thăm lại. Nhưng đi rồi lại thấy nhớ Ê-đô, thấy Ê-đô thân thiết như quê hương mình. Bài thơ thể hiện tình cảm thân thiết gắn bó với mảnh đất nơi mình ở.
Tứ thơ này rất gần với câu thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
2. Ba-sô ở kinh đô Ki-ô-tô từ thời trẻ (1666 – 1672), khi còn thanh niên (từ năm 22 tuổi đến năm 28 tuổi), sau đó lên Ê-đô. Hai mươi năm sau, cuối đời ông trở lại, nghe tiếng chim đỗ quyên hót mà viết nên bài thơ này.
Chim đỗ quyên còn có nhiều tên gọi khác nữa: chim quyên, chim đỗ vũ, chim tử quy,... Trong văn học Trung Quốc, chim đỗ vũ gắn liền với điển tích Thục đế bị mất nước.
Ở Nhật Bản, chim đỗ quyên gọi là chim đến theo mùa hay chim thời gian. Nó kêu vào đầu hè, nó không hót khi trời đẹp mà lại thường hót khi xẩm tối, vào đêm trăng, sau khi trời mưa... tiếng kêu rất thê thiết. Vì thế tiếng chim tuy không được dùng với nghĩa nước mất, nhưng vẫn được dùng với nghĩa thương tiếc thời gian, và đặc biệt thể hiện nỗi buồn và sự vô thường. Ba-sô quay trở về Kinh đô sau 20 năm xa cách, nghe tiếng đỗ quyên hót mà nhớ Kinh đô năm nào:
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Chủ thể của bài thơ bị xóa mờ, ở giữa Kinh đô ngày nay mà nhớ Kinh đô ngày xưa, một Kinh đô đầy kỉ niệm, một Kinh đô đã vĩnh viễn qua rồi. Đó là tiếng chim hay tiếng người? Điều ấy mơ hồ không biết được, có thể là cả hai.
3. Năm 1684, Ba-sô 40 tuổi, ông làm cuộc du hành đến vùng Kan - sai gần quê mình. Về đến nhà thì hay tin mẹ đã mất. Người anh đưa cho ông di vật còn lại của mẹ là một mớ tóc bạc. Ông đau đớn mà viết nên bài thơ này.
Lệ trào nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Nỗi xót xa được thể hiện ở giọt lệ nóng hổi rơi xuống bàn tay đang cầm mớ tóc bạc của người mẹ đã khuất. Làn sương thu là giọt lệ như sương, hay mái tóc bạc của mẹ như sương, hay cuộc đời như giọt sương - ngắn ngủi, vô thường? Hình tượng làn sương lơ lửng không biết là gắn kết, liên hệ như thế nào với những hình ảnh trên. Bài thơ mờ ảo và đa nghĩa.
4. Đọc thêm: Ba-sô có kể chuyện một lần đi ngang qua cánh rừng, ông nghe thấy tiếng vượn hú. Với Ba-sô, tiếng vượn ấy không phải gợi lên một nỗi bi ai trừu tượng nào đó, mà gợi cho nhà thơ nhớ đến tiếng khóc thê lương, não lòng của một em bé bị bỏ rơi trong rừng:
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
Ở Nhật Bản ngày xưa vào những năm mất mùa đói kém, nhiều gia đình nông dân túng quẫn quá, không nuôi nổi con, đành phải đưa con bỏ vào rừng. Thậm chí có khi còn đang tâm giết cả những đứa trẻ sơ sinh vì không nuôi nổi tất cả. Nghe tiếng vượn hú, Ba-sô liên tưởng đến tiếng khóc của trẻ bị bỏ rơi trong rừng. Tiếng vượn là thật hay tiếng trẻ em khóc là thật? Trong gió mùa thu, hay tiếng gió mùa thu đang than khóc cho nỗi đau buồn của con người?
5. Đọc thêm: Bài thơ được sáng tác khi Ba-sô đi du hành ngang qua một cánh rừng, ông thấy một chú khỉ nhỏ đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông. Nhà thơ tưởng tượng thấy chú khỉ đang thầm ước có một chiếc áo tơi để che mưa, che lạnh.
Hình ảnh chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh những người nông dân Nhật Bản, những em bé nghèo đang co ro trong cơn mưa lạnh. Bài hai-kư thể hiện lòng từ bi với những sinh vật bé nhỏ tội nghiệp, cũng là lòng yêu thương đối với những người nghèo khổ.
6. Đọc thêm:
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-wa.
Bài thơ miêu tả cảnh mùa xuân. Xung quanh hồ Bi-wa có trồng rất nhiều hoa anh đào. Mỗi khi gió thổi, cánh hoa anh đào lại rụng lả tả như mây (Ba-sô từng gọi là “đám mây hoa”). Cánh hoa hồng nhạt, mong manh rụng xuống mặt hồ, làm cho mặt hồ gợn sóng. Một cảnh tượng rất đẹp, rất giản dị như thế lại thể hiện một triết lí sâu sắc: sự tương giao của các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Theo quan niệm Thiền tông cũng như Lão Trang, thế giới không phải là bao gồm những sự vật đơn lẻ, mà tất cả các sự vật đều tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Đó là tư tưởng biện chứng cổ đại. Triết lí sâu sắc nhưng được thể hiện bằng những hình tượng giản dị, nhẹ nhàng. Đó chính là cảm thức thẩm mĩ nhẹ nhàng trong thơ Ba-sô.
7. Đọc thêm:
Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như nhiễm vào, thấm vào đá. Liên tưởng thật độc đáo, kì lạ mà không hề khoa trương, thậm xưng.
8. Đọc thêm:
Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu.
Bài thơ viết ngày 8 tháng 10 năm Nguyên Lộc VII (1694) ở Ô-sa-ka. Đây là bài thơ từ thế của ông. Trước đó ông đã thấy mình yếu lắm rồi, như một cánh chim sắp sửa bay khuất vào mây trời:
Mùa thu năm nay
sao mình già nhanh thế
cánh chim khuất chân mây
Nhưng cuộc đời của Ba-sô là cuộc đời lang thang, phiêu bồng, lãng du. Vì thế ngay cả khi sắp từ giã cõi đời, ông vẫn còn lưu luyến lắm, vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đi - đi bằng hồn của mình. Và ta lại như thấy hồn Ba-sô lang thang trên khắp các cánh đồng hoang vu.