1. Những nội dung cơ bản nhất của triết lí Phật giáo mà thấy được quan niệm nhân sinh cao đẹp thể hiện trong bài thơ.
- Bốn câu thơ đầu nói lên quy luật hóa sinh của tự nhiên, của con người: hoa (sự vật tự nhiên) cũng như con người không bao giờ đứng yên, bất biến. Sự sống là một vòng luân hồi.
- Mùa xuân qua trăm hoa rụng, mùa xuân tới trăm hoa tươi.
+ Tác giả đã nhìn sự vật theo quy luật sinh trưởng, phát triển: xuân qua rồi xuân tới, hoa rụng đến hoa tươi. Nếu đảo câu thơ thứ hai lên vị trí câu thơ đầu thì vẫn nói lên được quy luật tuần hoàn biến đổi nhưng đó sẽ là cái nhìn sự vật theo quy luật xuân tới để xuân qua, hoa tươi để hoa rụng.
+ Mặt khác, nhà thơ dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở là để nói về sự sống tuần hoàn như cái vòng bánh xe luân hồi không ngừng chuyển động.
- Con người cùng với thời gian trôi thì tuổi trẻ qua tuổi già đến. Giữa hoa và người có sự nghịch đối: trong khi “trăm hoa tươi” thì con người “trên đầu già đến rồi”. Sự nghịch đối cho thấy trong sự vô thủy vô chung của thời gian “trước mắt việc đi mãi” thì cuộc đời trong khoảnh khắc chỉ là ảo ảnh. Câu thơ thứ ba và thứ tư nói lên quy luật của đời người là sinh, lão, bệnh, tử theo quan niệm của đạo Phật.
2. Hai câu thơ cuối thể hiện quan niệm triết lí Phật giáo: khi con người đã giác ngộ đạo (cũng có nghĩa là đã hiểu chân lí, nắm được quy luật) thì có sức mạnh lớn lao, vượt lên trên lẽ hóa sinh thông thường. Thiền sư đắc đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt, như nhành mai tươi bất chấp xuân tàn.
3. Về ý nghĩa khách quan, bài thơ toát lên quan niệm nhân sinh cao đẹp.
- Trước quy luật của tự nhiên thời gian trôi, tuổi già đến, con người như nuối tiếc: chưa làm được gì có ý nghĩa thì “trên đầu già tới rồi”. Cảm nhận này không phải bắt nguồn từ cái nhìn hư vô đối với cuộc đời như quan niệm của nhà Phật mà bắt nguồn từ ý thức về sự hiện hữu, sự tồn tại có thực của đời người. Ý thức được sự tồn tại có thực đó, con người không thể sống một cách vô nghĩa.
- Phải làm cho cuộc sống của con người mỗi giây mỗi giờ đều có ý nghĩa, tránh để sau này phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí.
- Bài thơ toát lên niềm yêu đời, niềm lạc quan tươi sáng. Có thể thấy điều này qua cách nói khẳng định, qua hình tượng thiên nhiên và nghệ thuật kết cấu bài thơ. Hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn, gợi lên sự cảm nhận về sự sống sinh sôi, bất diệt. Trong quan niệm của người xưa hoa mai là loài hoa chịu được giá rét mùa đông. Trong sương tuyết lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu cho mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, vượt lên trên sự phàm tục. Hình tượng nhành mai tươi bất chấp xuân tàn là mượn thiên nhiên để biểu tượng cho niềm tin về sự sống bất diệt.
Quy luật của cuộc đời là sinh tử, tử sinh nhưng bài thơ chọn điểm khởi đầu là “xuân tàn” và điểm kết thúc là “một nhành mai” tươi, đó là một tư duy, một cách nhìn mang tinh thần lạc quan.
Lời kệ được viết trong hoàn cảnh nhà sư đau yếu bệnh tật nhưng vẫn toát lên cái nhìn bình thản, yêu đời. Đó thật sự là một tâm hồn lạc quan.