1. Phân tích diễn biến các sự kiện để thấy sự phát triển từ thấp đến cao của mâu thuẫn dẫn đến xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám

- Phân tích theo từng đoạn truyện sau đây về

+ Chiếc yếm đỏ;

+ Con cá bống;

+ Tấm đi xem hội - thử giày;

+ Cái chết của Tấm;

+ Con chim vàng anh;

+ Cây xoan đào và chiếc khung cửi;

+ Bà hàng nước và quả thị;

- Khi phân tích cần chú ý:

+ Nêu bật hai xu hướng phát triển thuộc hai tuyến nhân vật:

• Sự tàn nhẫn, độc ác của mẹ con người dì ghẻ với động cơ muốn chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về Tấm, muốn tiêu diệt Tấm đến cùng.

• Từ sự bị động và phản ứng yếu ớt, Tấm đã có những phản ứng mạnh mẽ hơn và cuối cùng đã hành động quyết liệt.

+ Sự phát triển của mâu thuẫn trong truyện có hai giai đoạn chính:

• Từ đoạn truyện về chiếc yếm đỏ đến đoạn truyện về Tấm xem hội phản ánh mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình thường ngày.

• Từ đoạn truyện về cái chết của Tấm trở đi phản ánh mâu thuẫn với quyền lợi xã hội (mặc dù còn mờ nhạt nhưng vấn đề địa vị và quyền lợi đẳng cấp đã được đặt ra), nên mâu thuẫn đã biến thành xung đột một mất một còn rất dữ dội, quyết liệt.

2. Phân tích ý nghĩa quá trình biến hóa của Tấm

– Thể hiện sức sống mãnh liệt của Tấm (các lực lượng thù địch không thể nào có thể tiêu diệt được).

+ Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều truyện cổ tích khác, Tấm có các lực lượng phù trợ (Bụt). Cần phân tích thêm vai trò của Bụt trong quá trình hành động của nhân vật Tấm.

+ Thực ra chiến thắng trong truyện cổ tích là chiến thắng của niềm mơ ước chứ không phải chiến thắng trong cuộc đời thực. Vì thế nhân vật chính luôn luôn nhận được sự phù trợ từ các lực lượng siêu tự nhiên. Nếu không có sự phù trợ của Bụt thì Tấm không có ngày được gặp Vua. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý: Bụt chỉ can thiệp vào cuộc đời Tấm khi cô đang còn là một cô gái ngây thơ, trong trắng và yếu đuối. Giai đoạn biến hoá về sau của Tấm, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa. Vai trò của Bụt chấm dứt khi Tấm thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành lại sức sống. Tính tích cực, chủ động của nhân vật Tấm thể hiện ở điểm này.

- Sau quá trình biến hoá kì diệu, Tấm trở lại làm người, xinh đẹp hơn xưa. Nếu có vấn đề ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo (thuyết luân hồi) ở đây thì tư tưởng này đã được dân gian cải biến, mang tính thực tiễn cao (Tấm tìm lại hạnh phúc ngay trong cuộc đời chứ không phải ở một thế giới khác).

- Hãy phân tích ý nghĩa của từng hình thức biến hóa của Tấm, tuy nhiên, có thể xoáy sâu vào một vài tình tiết.

- Ví dụ, hình thức biến hóa cuối cùng trong truyện: Tấm ẩn mình trong quả thị và từ quả thị bước ra, trở lại làm người.

+ Trước hết, đây là chi tiết phổ biến trong truyện cổ tích thần kì Việt Nam. Có thể kể ra các trường hợp tương tự như truyện Sọ Dừa (Sọ Dừa có hình dáng như cục thịt, biết lăn tròn, trong phút chốc biến thành chàng trai khôi ngô tuấn tú); các truyện Lấy vợ cóc, Người lấy ếch (cô gái xinh đẹp từ trong bộ da cóc, da ếch bước ra); truyện Tú Uyên - Giáng Kiều (người đẹp từ trong tranh bước ra)

+ Ý nghĩa cổ xưa của các chi tiết này là một quan niệm thuộc về tâm linh, đồng nhất giữa người và vật (người có thể thành vật và vật có thể thành người). Sau này, một lớp ý nghĩa mới bao trùm lên, mang tính chất hiện đại hơn, thể hiện quan niệm dân gian về một nội dung tốt đẹp ẩn tàng sau một hình thức bình thường, thậm chí thô kệch.

+ Cô Tấm biến thành quả thị và bước ra từ quả thị là một chi tiết mang tính chất thẩm mĩ. Qua mấy kiếp phong trần, Tấm trở lại làm người, không lam lũ nghèo hèn, không cao sang quyền quý mà vẫn bình dị sáng trong. Trở lại với cuộc sống bên bà lão hàng nước, Tấm dường như đã trở lại với chính mình và làm lại cuộc đời. Về phương diện kết cấu, Tấm bước ra từ quả thị, trở lại làm người đóng vai trò kết thúc một tiến trình của truyện cổ tích để bắt đầu một tiến trình mới. Miếng trầu cánh phượng là một chi tiết phi cốt truyện, nhưng có giá trị kết nối hai nhân vật (Tấm và nhà vua) tạo nên đầu mối của tiến trình mới, làm toát lên ý nghĩa nhân văn cao cả và đậm đà bản sắc dân tộc.

- Theo quy luật sáng tạo truyện cổ tích thần kì, tiến trình mới sẽ diễn ra như sau:

+ Tấm trở lại bên nhà vua với cuộc sống hạnh phúc;

+ Mẹ con người dì ghẻ bắt đầu thực hiện dã tâm tiếp theo;

+ Tấm lại trải qua những tai họa mới;

+ Tấm lại thắng lợi và sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, truyện cổ tích cũng biết điểm dừng của mình nên tiến trình sau bị khép lại bằng hành động trừng phạt của Tấm đối với mẹ con dì ghẻ.

3. Cần làm rõ bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám.

- Mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ (dì ghẻ >< con chồng). Nguyên nhân của mâu thuẫn này là vấn đề thừa kế gia sản và những quyền lợi vật chất của các thành viên trong gia đình.

- Ý nghĩa xã hội của mâu thuẫn xuất hiện sau. Ý nghĩa chung nhất là mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện (Tấm đại diện cho những người lương thiện, dì ghẻ và Cám đại diện cho những kẻ bất lương). Xuất hiện muộn hơn nữa là ý nghĩa về cuộc xung đột giữa các lực lượng đối lập trong xã hội nhằm khẳng định quyền lợi và địa vị mới. Vấn đề đẳng cấp xã hội có thể được đặt ra ở đây. Tuy nhiên ý nghĩa này còn mờ nhạt, GV cần thận trọng, tránh sa vào cực đoan theo kiểu xã hội học dung tục.

LUYỆN TẬP

- Truyện Tấm Cám thể hiện được khá đầy đủ những đặc trưng của cổ tích thần kì. Có thể xem đây là truyện cổ tích thần kì tiêu biểu của Việt Nam. Cần chứng minh luận điểm này trên hai phương diện:

- Yếu tố thần kì trong truyện khá phổ biến: Có nhân vật thần kì (Bụt), có vật thần kì (xương cá bống), bản thân nhân vật chính cũng có sự biến hóa thần kì.

- Về kết cấu, truyện cổ tích thần kì có hai dạng kết cấu chính:

+ Truyện về người đi tìm: Người đi tìm phải trải qua nhiều quá khó khăn, thử thách cuối cùng tìm được đối tượng bị mất (ví dụ: công chúa bị bắt cóc, chàng trai đi tìm và cứu được công chúa).

+ Truyện về nạn nhân: Nạn nhân phải trải qua nhiều hoạn nạn, cuối cùng được hưởng hạnh phúc (Tấm Cám thuộc loại này).

Nhiều truyện cổ tích đã kết hợp hai dạng kết cấu trên, tạo nên sự phong phú cho cốt truyện.