1. Mâu thuẫn trái tự nhiên ở nhân vật thầy đồ.
Mâu thuẫn trái tự nhiên trong nhân vật đáng cười được nói ra ngay từ đầu câu chuyện. Bản chất “dốt” của thầy đồ đã được khẳng định. Toàn bộ câu chuyện chứng minh cho điều này.
- Đầu tiên, tác giả dân gian đưa ra một chân lí khá phổ biến: “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” để khẳng định thầy đồ này dốt nhưng lại khoe mình là giỏi. Mâu thuẫn trái tự nhiên ở đây là dốt nhưng khoe giỏi
- Tuy nhiên khi thể hiện bản chất của nhân vật thầy đồ, sự biểu hiện khá sinh động:
+ Dốt đến mức chữ tối thiểu trong sách cũng không biết.
+ Dốt nhưng lại tự cho là giỏi (sau khi khấn thổ Công).
+ Khi biết mình dốt thì tìm cách chống chế (giấu dốt).
⇒ Như vậy, mâu thuẫn trái tự nhiên ở đây thực chất là dốt nhưng cố tình giấu dốt. Bản chất dốt càng được ra sức che đậy thì càng bị lộ tẩy.
- Trong toàn bộ câu chuyện, cái dốt của thầy đồ bị lộ dần khi lâm vào các tình huống khó xử nhưng thầy đã che giấu một cách phi lí. Vì thế, thầy càng che giấu thì bản chất dốt càng lộ ra. Cuối cùng thầy đành tìm một lối thoát phi lí hơn. Tiếng cười bật ra từ đây. Có người cho rằng thầy đồ khá thông minh, nhanh trí trong việc “lấp liếm” sự dốt nát. Chúng tôi cho là không đúng. Thầy càng “lấp liếm” thì càng trở nên thảm hại vì ai cũng biết rằng đó là “lí sự cùn” chứ không phải một cách chống chế thông minh. Ở đây ta thấy có sự tăng tiến về mức độ phi lí trong hành động và lời nói của thầy đồ. Đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong truyện.
2. Ý nghĩa phê phán của truyện
- Truyện phê phán trong nội bộ nhân dân. Đây là một tật xấu. Người dốt cần phải học hỏi. Tự biết mình dốt để học là điều tốt. Song cái đáng phê phán ở đây là thầy đồ cố tình che đậy sự dốt nát của mình. Thầy đồ dốt lại đi dạy trẻ không mở mang được kiến thức cho trẻ mà hậu quả trẻ còn dốt hơn.
- Truyện chỉ dừng lại ở mức độ phê phán nên tiếng cười vẫn mang tính chất sảng khoái - cười thầy đồ thể hiện cái dốt của mình một cách ngây ngô và che đậy điều đó một cách liều lĩnh.
LUYỆN TẬP
Gợi ý:
- Các hành động của thầy đồ:
+ Bảo học trò đọc khe khẽ (thận trọng);
+ Xin đài âm dương (thận trọng);
+ Ngồi bệ vệ trên giường, bảo học trò đọc to (đắc chí)
- Các lời nói của thầy chứa đựng sự phi lí:
+ Dủ dỉ là con dù dì;
+ Dạy con cháu biết đến tận tam đại con gà;
+ Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà.
Như vậy thủ pháp tăng tiến là đặc sắc nghệ thuật trong miêu tả hành động và lời nói của nhân vật.