I. KHÁI NIỆM
Đọc phần I và II, HS có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi: “Ngôn ngữ nói là gì?”, “Ngôn ngữ viết là gì?”.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý: Lời phát biểu, diễn giải, bài nói... thuộc ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết?
Đây là loại trung gian giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Trong trường hợp này, người nói cụ thể, người nghe trực diện, nhưng chỉ độc thoại một chiều. Một mặt, người nói dựa vào sự xếp đặt ý kiến đã chuẩn bị trước (văn bản); mặt khác, có thể sử dụng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt linh hoạt cho phù hợp với đối tượng đang nghe mình, ở trước mặt mình. Vì vậy, từ ngữ, câu văn, cách nói dùng trong lời nói có khác với văn bản dùng để đọc.
Thuộc vào loại trung gian còn có những văn bản ghi lại lời phát biểu, nói chuyện, đàm thoại, hội thoại, thảo luận,... Khi chuyển từ dạng nói sang dạng viết, ngôn ngữ cũng có những chuyển đổi (xem mục Chú ý SGK, tr.100).
II. KHÁI QUÁT CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ NÓI VÀ NGÔN NGỮ VIẾT
1. Đặc điểm của ngôn ngữ nói
- Dễ dàng nhận ra các đặc điểm qua mục 1,2,3, bởi vì bất kì ai cũng đều có kinh nghiệm sử dụng hình thức diễn đạt này.
- Tuy nhiên, các đặc điểm về phần câu và từ ngữ trong ngôn ngữ cần đọc kĩ. Ta có thể dùng ví dụ để so sánh. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ viết dùng từ sợ hãi, còn ngôn ngữ nói hay dùng những từ ngữ như: dựng tóc gáy, lạnh xương sống, toát mồ hôi, thót tim, đứng tim, xanh mắt, mất mật, vỡ mật,.. Ngay cả ngôn ngữ nghệ thuật tái hiện ngôn ngữ nói để sáng tạo hình tượng nhân vật trong hội thoại nhưng đó chỉ là sự mô phỏng, chứ không hoàn toàn giống hệt ngôn ngữ nói.
- Ta nên biết những thuận lợi và hạn chế của ngôn ngữ nói để thấy ngôn ngữ viết đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống.
2. Đặc điểm của ngôn ngữ viết
Lưu ý những điều sau đây:
- Điều kiện và hoàn cảnh giao tiếp khi dùng ngôn ngữ viết: sử dụng chữ viết, quy tắc chính tả, quy tắc tổ chức văn bản.
- Những đặc điểm của văn bản về dấu câu, các kí hiệu chữ viết, các hình vẽ, bảng biểu,...
- Từ ngữ và câu văn trong văn bản.
LUYỆN TẬP
1. Để xác định đặc điểm của ngôn ngữ viết trong đoạn trích, cần chú ý:
- Thuật ngữ của ngành ngôn ngữ học: uốn chữ, từ vựng, ngữ pháp, bản sắc, phong cách, thể văn, văn nghệ, chính trị, khoa học...
- Việc tách dòng sau mỗi câu để trình bày rõ từng luận điểm.
- Việc dùng các từ chỉ thứ tự (Một là, Hai là, Ba là,...) để đánh dấu luận điểm và thứ tự trình bày.
- Việc dùng dấu câu: dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép...
2. Để xác định đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích, cần chú ý:
- Các từ hô gọi trong lời nhân vật: Kia; Này, nhà tôi ơi, đằng ấy nhỉ...
- Các từ tình thái trong lời nhân vật: Có khối... đấy, đấy, Thật đấy,..
- Các kết cấu câu trong ngôn ngữ nói: Có...thì, Đã...thì...
- Các từ ngữ thường dùng trong ngôn ngữ nói: mấy (giờ), có khối, nói khoác, sợ gì, đằng ấy,...
- Sự phối hợp giữa lời nói và cử chỉ: cười như nắc nẻ, cong cớn, liếc mắt cười tít,...
3. a) Cần bỏ từ thì, đã; thay hết ý bằng từ chỉ mức độ khác như rất.
b) Nên thay từ vống lên bằng quá mức thực tế, thay đến mức vô tội vạ bằng một cách tùy tiện.
c) Câu văn tối nghĩa: cần bỏ các từ khẩu ngữ như sất và cấu tạo lại câu.