I. TIỂU DẪN:

1. Đoạn trích này được chia thành hai phần:

- Phần một từ đầu đến kém gan dạ, phần hai là đoạn còn lại. Trong phần một, số lượng nhân vật ở đây là bốn.

+ Cả bốn người này đều có quan hệ mật thiết với nhau: cha-con, chủ-tớ, và vợ chồng trong đó quan hệ vợ chồng chưa được Pê-nê-lốp thừa nhận.

+ Phần một gắn với đối thoại của các nhân vật: Pê-nê-lốp có ba đối thoại, trong đó hai đối thoại hướng tới nhũ mẫu Ơ-ri-clê, một đối thoại hướng về con trai Tê-lê-mác; Uy-lít-xơ chỉ có một đối thoại song lại là đối thoại hai chiều, Tê-lê-mác có hai đối thoại.

- Phần hai có bốn đối thoại chia đều cho Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp.

- Các đối thoại ở đây đều mang sắc thái tình cảm riêng

+ Đối thoại của nhũ mẫu Ơ-ri-clê thể hiện niềm vui sướng của người đầy tớ trung thành đã suốt đời gắn bó với gia đình này, đã có những hiểu biết đặc biệt về chủ nhân (chi tiết: cái sẹo do nanh răng trắng của một con lợn lòi húc người ngày xưa...)

+ Người nhũ mẫu này sẵn sàng thề thốt (Già đem tính mệnh này ra đánh cuộc với con...).

- Đối thoại của Pê-nê-lốp hướng về nhũ mẫu cho thấy sự thanh thản của nhân vật

+ Thanh thản bởi vì từ nay trở đi, bọn cầu hôn sẽ không dám đến nữa, gia đình sẽ trở lại bình yên. Người tạo ra sự bình yên đó “là một vị thần”, là “ý định của thần linh bất tử”. Pê-nê-lốp xuống nhà để "xem xác chết của bọn cầu hôn và người giết chúng” và chắc chắn, theo lẽ thường tình, bà chủ sẽ nói những lời cảm ơn.

+ Nhưng khi xuống nhà, tâm trạng của Pê-nê-lốp lại khác. Người giết bọn cầu hôn, người mà nhũ mẫu thông báo là “chồng” đó không phải là ai khác mà chính là ông hành khất đã kể những câu chuyện về chồng bà cho bà trong ngày trước đó.

- Diễn biến tâm trạng của Pê-nê-lốp

+ Nếu ông hành khất này là “chồng” thực thì không sao, nếu không phải thì lúc đó danh dự của Pê-nê-lốp sẽ bị tổn thương

+ Nếu là “chồng” thực thì tại sao trong lần được gặp đầu tiên, người đó lại không nói ra? Từ đó dẫn tới sự phân vân trong tâm trạng của Pê-nê-lốp.

+ Đối thoại của Pê-nê-lốp với con trai nhấn mạnh thêm điều đó: lòng mẹ kinh ngạc quá chừng - mẹ không sao nói được một lời - mẹ không thể hỏi han – cũng không thể nhìn thẳng mặt người.

- Tình thế lưỡng phân ở đây là chiều sâu tâm trạng nhân vật. Trong hoàn cảnh đó, mẫu câu điều kiện bao hàm tính chất nhân quả để mở đường cho việc giải quyết tình thế: Nếu A thì B (vì)... Đây là chỗ then chốt của tình huống được đặt ra và đây cũng là vấn đề liên quan tới nghệ thuật sử thi: thử thách về mặt trí tuệ và phẩm giá.

- Đối thoại của Uy-lít-xơ hướng về con trai, song thực chất là để nói cho Pê-nê-lốp. Đây là kiểu đối thoại ám chỉ. Uy-lít-xơ tin rằng Pê-nê-lốp chưa chịu nhận mình là chồng bởi lẽ anh ta còn mang dáng vẻ của một người hành khất. Uy-lít-xơ còn là người không chỉ quan tâm tới việc vợ mình có nhận ra mình không mà còn quan tâm tới hành vi mà hai cha con đã làm trước đó: Uy-lít-xơ đang lo đối phó với gia đình bọn cầu hôn.

- Đối thoại của Tê-lê-mác hướng tới người cha khẳng định khả năng và quyết tâm bảo vệ sự bình yên của gia đình. Còn đối thoại hướng tới người mẹ thì lại hờn dỗi trách móc. Cả hai đối thoại của Tê-lê-mác đều cho thấy tâm lí của nhân vật này: dễ vui dễ buồn, mang tính chất non trẻ.

2 – Pê-nê-lốp có những phẩm chất cao đẹp, cũng như nhân vật Uy lít-xơ trí tuệ bình tĩnh, tự tin, không hề nôn nóng, không hề vội vã, luôn chủ động trong mọi tình huống.

+ Trước hết, Pê-nê-lốp rất ý thức được danh dự của mình, ý thức được trách nhiệm của mình trước mọi người, trước con cái.

+ Ý thức về danh dự là một phẩm chất quan trọng của người anh hùng sử thi. Pê-nê-lốp xuất hiện ở đây trước hết là người chủ gia đình đối với đầy tớ, với các thành viên trong gia đình (với nhũ mẫu Ơ-ri clê, với Tê-lê-mác), là người mẹ đối với con (với Tê-lê-mác). Pê-nê-lốp không được khinh suất, mà phải tỏ rõ bản lĩnh của mình.

+ Tác giả đã dùng các định ngữ, các hình dung từ để chỉ phẩm chất của hai nhân vật. Với Uy-lít-xơ, đó là “cao quý và nhẫn nại”, với Pê nê-lốp là “thận trọng” và cụm từ này được sử dụng năm lần đi kèm các động từ “nói” “đáp” góp phần tô đậm phẩm chất nhân vật. Cụm từ “thận trọng” đi kèm với tên của Pê-nê-lốp không phải là động từ mà là tính từ chỉ phẩm chất, Pê-nê-lốp là con người không cẩu thả, tắc trách, gắn với trách nhiệm “nói” “đáp” của mình.

- Nhân vật Uy-lít-xơ là người anh hùng trí xảo, lắm mưu nhiều mẹo. Trong trường hợp này, các phẩm chất khác như bình tĩnh, tự tin nổi bật lên. Tuy không chỉ tự tin vào chính mình mà Uy-lít-xơ còn tin vào cả những người thân khác trong gia đình và nhất là đối với vợ mình. Đây là một niềm tin mãnh liệt thể hiện phẩm chất nhân vật.

- Khi bị đặt vào tình thế lưỡng nan, Pê-nê-lốp đi tới việc dùng phép thử mà chỉ có “cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết”

+ Đây là chi tiết thể hiện phẩm chất trí tuệ của Pê-nê-lốp.

+ Sự thận trọng và khôn ngoan của Pê-nê-lốp còn được thể hiện qua các chi tiết khác. Khi nhũ mẫu Ơ-ri-clê nói: “Vậy để già nói cho con biết một dấu hiệu khác nhé, một dấu hiệu không sao cãi được đó là cái sẹo do răng nanh trắng của một con lợn lòi húc người ngày xưa để lại” – tức lại đưa ra một dấu hiệu nhận dạng khá đặc biệt, khá riêng tư. Song Pê nê-lốp vẫn không tin đó là chồng mình. Đối với nàng dấu hiệu mà người nhũ mẫu đưa ra chưa đủ sức mạnh pháp lí. Nàng cần tới "những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết”. Đây là lúc Pê-nê-lốp cài bẫy để tạo hoàn cảnh thử thách. Bài toán nhận mặt quả là nan giải và trở thành một sự thách đố trí tuệ Uy-lít-xơ: đó là dấu hiệu nào? Trong hoàn cảnh đó, Uy-lít-xơ đành phải nhẫn nại: “Thế nào rồi mẹ con cũng nhận ra, chắc chắn như vậy”. Nhưng có lẽ Uy-lít-xơ cũng chưa thể nghĩ ra là Pê-nê-lốp sẽ thử thách mình điều gì. Do đó, Uy-lít xơ chuyển vấn đề nhận mặt sang một vấn đề khác: đối phó với các gia đình quyền quý vì hai cha con “đã hạ cả thành lũy bảo vệ đô thị này, giết các chàng trai của những gia đình quyền quý nhất”.

- Quả thật “những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không biết hết” thật là oái oăm. Tới mức, sau khi đã tắm rửa xong, đã lột xác thành con người khác, với vẻ đẹp thần linh mà Uy-lít-xơ vẫn không được Pê-nê-lốp thừa nhận.

+ Uy-lít-xơ đã phải thốt lên đầy vẻ trách móc: “nàng thật là người kì lạ!... trái tim trong ngực nàng kia “là sắt”.

+ Và đã thế Uy-lít-xơ đưa ra giải pháp, dĩ nhiên có cả sự trách móc, hờn dỗi, bực dọc: “già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay”.

- Pê-nê-lốp cũng không kém thông minh, khi thấy đối thủ của mình rơi vào chiếc bẫy đã được giương lên, ngay lập tức đưa ra dữ kiện tiếp theo của bài toán nhận mặt: “Già hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng cách tường kiên cố do chính tay Uy-lít-xơ gây nên...”.

Pê-nê-lốp thừa hiểu là bí mật về cái giường là một bí mật đặc biệt “Ngoài chàng với thiếp và Ác-tô-rít, một người thị tì của cha thiếp cho khi thiếp về đây, và sau đó giữ cửa gian phòng cách tường kiên cố” thì không ai biết cả. Nhưng nàng không muốn gợi ý về chiếc giường đó, nếu làm như vậy hóa ra lại “lạy ông tôi ở bụi này” hay sao? Nàng theo đà mượn cớ, khi ông lão hành khất kia đòi dọn giường thì nàng cũng sai người dọn giường. Sau khi giải được bí mật về chiếc giường mà chỉ có thần linh mới xê dịch được, Uy-lít-xơ mới giành lại thế chủ động qua lời nói hờn dỗi, trách móc: “Tôi muốn biết cái giường ấy hiện còn ở nguyên chỗ cũ, hay đã có người chặt gốc cây ô-liu mà dời nó đi nơi khác”.

- Hình ảnh của Uy-lít-xơ qua đoạn một với “bộ quần áo rách mướp”, với hình thức “bẩn thỉu, áo quần rách rưới” là Uy-lít-xơ dưới dạng hành khất là ẩn số đối với Pê-nê-lốp. Ở đoạn hai, sau khi đã tắm rửa, thay đổi quần áo “Khi Uy-lít-xơ từ phòng tắm bước ra, trông người đẹp như một vị thần”. Đó là Uy-lít-xơ của kiêu hãnh, của quá khứ yêu thương.

+ Hai hình thức xuất hiện này cũng là hai tư thế hiện diện của Uy lít-xơ, với bộ quần áo rách rưới là con người vừa chiến thắng, vừa vượt qua kẻ thù liều lĩnh nhất (đó là đối mặt với 108 kẻ cầu hôn); với bộ trang phục mới là vẻ đẹp thần tiên, vẻ đẹp của một chủ nhân thực sự. Cả hai tư thế này đều là những ẩn số mà Pê-nê-lốp hồ nghi, coi đó có thể là “một vị thần đã giết bọn cầu hôn danh tiếng, một vị thần bất bình vì sự láo xược bất kham”. Do đó, đối với Pê-nê-lốp tư thế ban đầu chỉ là hình ảnh của vị thần công lí và là “người giết chúng” – tức là giết bọn cầu hôn. Đối mặt với người đó ngoài việc “lòng nàng rất đỗi phân vân” thì “vẫn ngồi lặng thinh trên ghế hồi lâu, lòng sửng sốt, khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ quần áo rách mướp”.

+ Còn trong tư thế hai, khi Uy-lít-xơ đã hiện ra qua bộ quần áo mới, toàn thân toát vẻ đẹp thần tiên thì thái độ của Pê-nê-lốp vẫn là thận trọng và khôn ngoan, vẫn không vồ vập. Kèm theo đó là cách nói lặp lại các từ mà Uy-lít-xơ đã dùng “khốn khổ” nhằm xác lập ranh giới đối thoại, một mặt tạo ra kịch tính có màn nhận mặt, mặt khác cũng là thử thách mà Uy-lít-xơ phải vượt qua. Nàng khẳng định “tôi không coi khinh, coi thường ngài, cũng không ngạc nhiên đến rối trí đâu”. Thái độ quyết liệt mang dáng vẻ bàng quan hờ hững đó không phản ánh đúng tâm trạng của người vợ hai mươi năm đợi chồng mà thái độ đó bao hàm một nỗi lo âu: “Thiếp luôn luôn lo sợ có người đến đây, dùng lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều tai ác”... Như vậy, đây là một sự cẩn trọng, giữ mình và sự thận trọng khôn ngoan là để giữ gìn phẩm giá và cũng là sản phẩm của một hoàn cảnh suốt hai mươi năm cô độc trong đấu tranh giữ trọn đạo vợ chồng, suốt hai mươi năm trong vây hãm của bọn cầu hôn.

- Pê-nê-lốp thận trọng và khôn ngoan thì lời nói cũng từ tốn, hành động cũng thận trọng, cân nhắc, chỉ khi nào biết thật chắc chắn, chỉ khi “nàng thấy Uy-lít-xơ đã đúng mười mươi sự thực” thì lúc đó nàng mới “chạy ngay lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng”. Còn Tê-lê-mác lại tỏ ra nôn nóng “cất lời trách mẹ gay gắt”. Đặc điểm của Uy lít-xơ được chỉ ra ở đây là “cao quý và nhẫn nại”, với "những lời có cánh”, với tình cảm chan chứa yêu thương qua hành động “khóc dầm dề”.

3. Chiếc giường là bí mật có “những dấu hiệu riêng", chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết là phép thử cho thấy phẩm chất kiên trinh của Pê-nê-lốp. Nó cũng là điều kiện tạo ra quy ước để đảm bảo cho sự bền vững của gia đình, để củng cố tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng cha con. Bí mật chiếc giường xuất hiện để giải tỏa nhiều mối nghi ngờ.

+ Trước hết, để Pê-nê-lốp biết đó không phải là Uy-lít-xơ giả.

+ Thứ hai, để Uy-lít-xơ biết được sự thủy chung của vợ mình. Bởi lẽ khi chiếc giường đó đã bị khiêng đi chỗ khác, hay có ai đó đã biết bí mật của nó thì chắc chắn phẩm giá của Pê-nê-lốp cũng không còn nguyên vẹn.

– Nó cũng giải tỏa được ấm ức của Uy-lít-xơ khi Pê-nê-lốp vẫn không chịu nhận anh ta là chồng, cho dù đã tắm rửa và đã thay đổi trang phục.

- Sự cẩn thận của Pê-nê-lốp còn cho thấy tính chất phức tạp của thời đại, những nguy hiểm đang rình rập và đe dọa họ.

+ Sau hai mươi năm xa cách, khi trở về quê hương, Uy-lít-xơ phải cải trang thành người hành khất, phải ngụy trang, phải trá hình ngay trên quê cha đất tổ; Uy-lít-xơ cũng không thể được bước vào nhà mình đường hoàng mà phải đội lốt người ăn xin mới lọt được vào ngôi nhà của mình.

+ Và để được ở lại trong ngôi nhà của mình Uy-lít-xơ cũng phải đóng vai người bịa chuyện khéo léo.

4. Trong bài toán nhận mặt thì bí mật chiếc giường trở thành thước đo tình thủy chung, tình người son sắt. Cuộc gặp gỡ sau hai mươi năm mới thật sự tràn trề hạnh phúc và cảm xúc hạnh phúc được thể hiện qua một câu so sánh đặc biệt khá phổ biến trong sử thi Hô-me-rơ: kiểu so sánh có đuôi dài.

- Tác giả Hô-me-rơ đã ví cuộc gặp gỡ tái ngộ ấy như những hạnh phúc của con người sau khi thoát nạn ở biển khơi: “Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-de-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xóa mà vào được đến bờ; mình đầy bọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi, Pê-nê-lốp cũng vậy, được gặp lại chồng, nàng sung sướng xiết bao, nàng nhìn chồng không chán mắt và hai cánh tay trắng muốt của nàng cứ ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời”.

- Kiểu so sánh có đuôi dài (còn gọi là so sánh mở rộng) này kết hợp với lối lặp đi lặp lại các định ngữ chỉ phẩm chất cho thấy vẻ đẹp và đức tính cũng như phẩm hạnh của các nhân vật.

- Phong cách kể chuyện của sử thi thường là chậm rãi, tỉ mỉ, trang trọng. Đoạn trích được tạo ra từ các đối thoại, mà đặc điểm của các đối thoại này là trực tiếp trao đổi thông tin cho nhau song mục đích thì lại hướng sang đối tượng khác.

+ Nhũ mẫu đang nói về Uy-lít-xơ hoặc về Pê-nê-lốp, thì Pê-nê-lốp giải thích cho nhũ mẫu rằng người kia có thể là một vị thần như là một kiểu gợi ý cho người nghe để buộc người ấy phải lên tiếng.

+ Còn khi nhũ mẫu đưa ra các dấu hiệu thì củng cố chứng minh là người ấy là Uy-lít-xơ, song Pê-nê-lốp thì vẫn không ngừng cho rằng đấy là “thần linh” cũng là cách nhắc gợi hướng tới đối tượng mình cần biết, cần được giải thích.

+ Trong trường hợp Uy-lít-xơ nói với con cũng vậy: trọng tâm và mục đích lời nói hướng tới Pê-nê-lốp.

+ Ở đoạn hai, khi cả Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ đã hướng đối thoại vào nhau khi dùng cách lặp lại cách nói của nhau: “khốn khổ” thì qua cụm từ “khốn khổ” đó tâm trạng của nhân vật hiện ra với các sắc thái khác nhau. Kiểu đối thoại này tạo ra hình thức thăm dò, thử phản ứng để từ đó dẫn tới bản chất của vấn đề.

+ Lời nói của nhân vật gắn với phong cách trang trọng, lối nói ví von so sánh thường được sử dụng tạo ra ấn tượng chiều sâu của lời nói, do đó, nó tạo ra sức cuốn hút, sức hấp dẫn riêng.

II. LUYỆN TẬP

1. Đoạn trích trên đây thường được gọi là “cảnh nhận mặt bằng phép thử bí mật của chiếc giường” và là một trong những sự kiện làm nổi bật tình huống đoàn viên. HS có thể tự tổ chức biểu diễn các cảnh này (theo hình thức kịch) để khắc họa sâu thêm hoàn cảnh cũng như hành động của các nhân vật.

2. Giả định mình là Uy-lít-xơ để kể lại cảnh nhận mặt ấy. Câu này nhằm để cho HS thể hiện sự cảm nhận của cá nhân sau khi được đọc và học tác phẩm thông qua cách rèn luyện tự viết một đoạn văn ngắn theo cảm nhận riêng.