1. Tiểu Thanh có tài văn chương nhưng các sáng tác của nàng bị đốt dở, thân phận của nàng hẩm hiu, đau khổ. Điều này đã cung cấp thêm cho Nguyễn Du căn cứ để suy nghĩ về định mệnh nghiệt ngã của những người có tài văn chương, nghệ thuật. Nguyễn Du sẽ tiếp tục mạch suy nghĩ này với nhân vật Thúy Kiều có tài đàn, tài thơ mà số phận đã đánh ghen với tài năng của nàng.

2. Phân tích bốn câu thơ đầu.

- Nguyên văn chữ Hán cổ kim hận sự thiên nan vấn (dịch nghĩa: những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được - bản dịch chuyển sang nghĩa hờn, không mạnh bằng). Mối hận “cổ kim” là gì? Đó là mối hận của người xưa và người nay. Người xưa có thể là Tiểu Thanh và những người như nàng. Người nay có thể bao gồm những phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” cùng thời Nguyễn Du và chính thế hệ những nhà thơ tài năng như Nguyễn Du đã gặp nhiều điều không may trong cuộc đời. Nguyễn Du cho rằng có một thông lệ, một định lệ là trời đã bất công với những con người tài sắc nên viết “Nỗi hờn kim cổ khôn hỏi” (Chữ cổ kim cũng có hàm nghĩa của chữ quen thói trong Truyện Kiều: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, chỉ một định lệ).

- Nhà thơ coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh nên viết tiếp câu sau đó: “Phong vận kì oan ngã tự cư (ta tự thấy là người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Câu thơ này giúp ta suy đoán nội dung hai chữ cổ kim như trên. Lời oán trách trời thể hiện nỗi đau khổ và bất bình của thế hệ nhà thơ ý thức về sự chà đạp giá trị của nghệ thuật và văn chương trong xã hội phong kiến. Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Du. “Không thể hỏi trời được” vì câu hỏi đó không có lời giải đáp. Trời đã vô tình đối với số phận của những người có tài văn chương, nghệ thuật. Sự bất hạnh này như một định mệnh đã tồn tại từ xưa, mà Tiểu Thanh trước Nguyễn Du đến hàng trăm năm là một minh chứng.

3 Giá trị nhân đạo chủ nghĩa đặc sắc của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Du đã:

- Đặt vấn đề về quyền sống của những người nghệ sĩ, những văn nghệ sĩ. Nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thân phận bất hạnh, chết yểu, thơ bị đem đốt. Thương cảm cho họ là một cách Nguyễn Du bày tỏ trân trọng của mình trước những người nghệ sĩ. Nói cách khác, ông đã thấy ý nghĩa xã hội của người nghệ sĩ, người cống hiến cho cuộc đời những giá trị tinh thần tốt đẹp.

- Bày tỏ sự đồng cảm và thông cảm với họ là một dấu hiệu tiến bộ trong chủ nghĩa nhân bản của Nguyễn Du. Nhà văn nhà thơ không chỉ cần quan tâm, đồng cảm với những nạn nhân của xã hội phong kiến theo nghĩa những người đói cơm rách áo, cần được chăm lo, bảo vệ mà còn phải biết thương yêu, trân trọng những chủ nhân của các giá trị văn hóa tinh thần. Khi những chủ nhân này lại là người phụ nữ thì sự đồng cảm của nhà thơ lại có ý nghĩa sâu sắc hơn.

4. Mỗi phần của bài thơ có một vị trí riêng đối với chủ đề bài thơ.

- Hai câu đầu tiên bắt đầu bằng một sự kiện cụ thể: tác giả hình dung quang cảnh hoang phế bên Tây Hồ, nơi đã diễn ra một đời buồn tủi của nàng Tiểu Thanh, hình dung những mảnh giấy còn sót lại của thơ Tiểu Thanh, từ đó mà xúc cảm trỗi dậy.

- Hai câu thích thực nêu những suy nghĩ, liên tưởng được khơi gợi từ cảnh và vật. Hai câu này mới chủ yếu giới hạn trong phạm vi suy nghĩ về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh, một người đẹp (son phấn) và tài văn chương. Hai câu luận bắt đầu khái quát, nâng vấn đề, liên hệ đến sự tương đồng giữa thân phận của bản thân tác giả với thân phận của nàng Tiểu Thanh và bình luận đây là chuyện đáng hận.

- Tiếng khóc ở hai câu kết cuối bài có ý nghĩa khái quát. Bài thơ đi từ trường hợp cụ thể của nàng Tiểu Thanh tài sắc đến tư tưởng khái quát về thân phận chung của người tài sắc.