A. TÌM HIỂU BÀI

I. TRỌNG TÂM BÀI HỌC CÓ THỂ TÌM HIỂU Ở BA VẤN ĐỀ SAU:

1. Hai thành phần chủ yếu của văn học trung đại Việt Nam là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Điểm giống nhau, khác nhau và vị trí của hai thành phần văn học này.

2. Bốn giai đoạn lớn của văn học trung đại Việt Nam với đặc điểm của từng giai đoạn.

- Chia văn học trung đại thành bốn giai đoạn như SGK là dựa vào sự phát triển nội tại của văn học trung đại, mà rõ nét nhất là sự phát triển về tư duy văn học, về nội dung, về thể loại văn học và ngôn ngữ văn học.

- Các giai đoạn văn học từ thế kỉ X - thế kỉ XIV, từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII.

+ Tư duy văn học chịu sự chi phối mạnh của quan niệm “văn, sử, triết bất phân”, “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo” (đạo Nho và đạo lí nói chung).

+ Cảm hứng chủ đạo của văn học giai đoạn này là cảm hứng yêu nước, là sự khẳng định dân tộc và vương triều phong kiến.

+ Thể loại văn học chủ yếu là tiếp thu phương Bắc, là quá trình dân tộc hóa thể loại văn học nước ngoài, nhiều thể loại mang tính chức năng, ngôn ngữ văn học chủ yếu là chữ Hán nhưng từ thế kỉ XV, chữ Nôm đã có vị trí quan trọng trong sáng tác thơ ca.

- Các giai đoạn văn học từ thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, nửa cuối thế kỉ XIX.

+ Tư duy văn học đã có sự phân biệt văn với sử, với triết, đã chịu sự chi phối của quan niệm sáng tác từ "những điều trông thấy”.

+ Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng nhân đạo, là khẳng định con người (giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, cảm hứng yêu nước mang tinh thần bi tráng giữ vai trò chủ đạo nhưng cảm hứng khẳng định con người vẫn đậm nét trong văn học).

+ Thể loại có thành tựu lớn là thể loại văn học dân tộc, là văn chương hình tượng. Văn học chữ Nôm có sự phát triển vượt bậc với những thành tựu hết sức rực rỡ.

3. Những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật. (Mục III và IV ở SGK)

- Về nội dung, chú ý hai trọng điểm là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo.

- Về nghệ thuật, trọng điểm là tính quy phạm, tính trang nhã, tiếp thu nước ngoài và dân tộc hóa.

B. BÀI HỌC

Những nội dung chính trong bài văn học sử được trình bày theo hệ thống: các thành phần văn học, các giai đoạn văn học, những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật.

- Đối với mục: Những đặc điểm lớn về nội dung cần làm nổi bật vị trí chủ đạo của chủ nghĩa yêu nước và nhân đạo: xuyên suốt quá trình phát triển của văn học, nhiều tác giả lớn, nhiều tác phẩm có giá trị, chi phối các nguồn cảm hứng khác. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo được phản ánh trong văn học có những biểu hiện đa dạng, phong phú.

- Đối với vấn đề: Những đặc điểm lớn về nghệ thuật, cần thấy ở từng đặc điểm có sự phát triển.

+ Vừa tuân thủ tính quy phạm vừa từng bước phá vỡ tính quy phạm, phát huy cá tính sáng tạo.

+ Vừa hướng tới sự trang nhã vừa từng bước hướng về gần đời sống hiện thực, tự nhiên, bình dị, vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa văn học nước ngoài.

- HS cần lí giải được mối tương quan giữa cơ sở phát sinh (bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, văn hóa) và giá trị văn học (nội dung, nghệ thuật). Trong quá trình đó cần nắm những đặc điểm lớn về cơ sở phát sinh và những giá trị văn học.

+ Hoàn cảnh lịch sử từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV có những đặc điểm lớn: bảo vệ Tổ quốc, lập nhiều kì tích trong kháng chiến chống ngoại xâm, chế độ phong kiến Việt Nam phát triển đi lên. Hoàn cảnh lịch sử này đã ảnh hưởng tới nội dung văn học: nội dung yêu nước mang âm hưởng hào hùng.

+ Từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII, dân tộc tiếp tục có những kì tích trong kháng chiến chống ngoại xâm, chế độ phong kiến đạt tới đỉnh cao cực thịnh, sau đó có những biểu hiện khủng hoảng. Điều kiện lịch sử đó đã tác động tới nội dung văn học: từ nội dung yêu nước với âm hưởng ngợi ca chuyển sang nội dung phản ánh, phê phán hiện thực xã hội phong kiến, chủ yếu trên lập trường đạo đức với cảm hứng củng cố, phục hồi xã hội thái bình, thịnh trị

- HS tìm dẫn chứng minh họa những luận điểm được trình bày trong SGK. Trên cơ sở dẫn chứng minh họa cần nhấn mạnh đặc điểm: do tính quy phạm, văn học trung đại thiên về ước lệ, tượng trưng, có thể thấy điều này qua bút pháp ước lệ trong đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều của Nguyễn Du đã được học ở lớp dưới.