I. TIỂU DẪN:
1. Cần chú ý mấy đặc điểm sau của truyền thuyết:
Có thể lấy Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy làm rõ ý thứ ba.
+ Do tín ngưỡng bản địa tôn thờ các anh hùng dân tộc nên để suy tôn An Dương Vương dân gian mới sáng tạo nhân vật Mị Châu cùng câu chuyện về mối tình nhẹ dạ, mù quáng của nàng, sử dụng câu chuyện đó để làm mờ đi nguyên nhân mất nước thực sự chủ yếu liên quan đến chính An Dương Vương.
+ Cũng do tín ngưỡng đó mà trong dân gian nảy sinh niềm tin rằng các anh hùng dân tộc là bất tử. Điều đó kết hợp với một tư duy còn chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi quan niệm thần linh chủ nghĩa đã đưa đến sự sáng tạo chi tiết An Dương Vương không chết mà được thần Rùa Vàng rẽ nước đưa xuống biển.
+ Cũng do ý thức suy tôn những biểu tượng/ linh tượng thiêng liêng của dân tộc đó mà có các chi tiết thần Rùa Vàng hiện lên giúp vua xây thành, chế nỏ - một cách vừa đề cao anh hùng dân tộc.
+ Chi tiết đem ngọc trai (hóa thân của Mị Châu) rửa vào giếng Cổ Loa sau khi Trọng Thủy trẫm mình vì ân hận... chắc có liên quan ít nhiều đến tập tục của người Việt cổ.
2. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy:
- Khung không gian - thời gian là bối cảnh ra đời truyền thuyết.
- Tóm tắt nội dung toàn bộ câu chuyện về thành Cổ Loa với kết cấu gồm hai phần cơ bản.
3. Tóm tắt nội dung truyện
+ Đoạn thứ nhất: thuật lại quá trình xây thành - chế nỏ từ thất bại đến thành công của An Dương Vương nhờ có sự giúp sức của thần Rùa Vàng.
+ Đoạn thứ hai: thuật lại hành vi đánh cắp lẫy nỏ thần của Trọng Thủy.
+ Đoạn thứ ba: thuật lại diễn biến của cuộc chiến tranh lần hai giữa hai nước, kết thúc bi kịch đối với cha con An Dương Vương.
+ Đoạn thứ tư: thuật lại kết cục đẩy cay đắng và nhục nhã đối với Trọng Thủy cùng chi tiết “ngọc trai - nước giếng” có ý nghĩa minh oan cho Mị Châu.
II. PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH THEO HƯỚNG DẪN HỌC BÀI:
1. a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ vì đã có ý thức đề cao cảnh giác, lo xây thành, chuẩn bị vũ khí từ khi giặc chưa đến. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ của thần linh là cách để nhân dân ca ngợi nhà vua, tự hào về chiến công xây thành, chế nỏ, chiến thắng ngoại xâm của dân tộc.
b) Về sau An Dương Vương đã vì sai lầm mà thất bại. Lỗi của An Dương là đã mơ hồ về bản chất ngoan cố của kẻ thù xâm lược, đã mở đường cho con trai đối phương lọt vào làm nội gián trong hàng ngũ của mình, lúc giặc đến còn có thái độ ỷ lại vào vũ khí mà không đề phòng.
c) Những hư cấu nghệ thuật (Rùa Vàng, Mị Châu và chi tiết nhà vua tự tay chém đầu con gái) được sáng tạo là để nhân dân gửi gắm lòng kính trọng đối với thái độ dũng cảm của vị anh hùng, sự phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu, là lời giải thích lí do mất nước nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.
2. Trong thảo luận, có thể xuất hiện nhiều tình huống với nhiều ý kiến khác biệt. Chẳng hạn:
+ Tán thành cách đánh giá thứ nhất, phê phán Mị Châu. Nhưng cũng không đủ lí lẽ để phản bác cách đánh giá thứ hai.
+ Tán thành cách đánh giá thứ hai, bênh vực Mị Châu. Nhưng cũng không đủ lí lẽ để phản bác cách đánh giá thứ nhất.
+ Tán thành cách đánh giá thứ nhất, phản bác cách đánh giá thứ hai mà không đưa ra được lí lẽ nào đủ sức thuyết phục.
+ Tán thành cách đánh giá thứ hai với lập luận dựa trên luân lí của chế độ phong kiến đòi hỏi người vợ phải nghe theo ý kiến người chồng vô điều kiện, từ đó đưa ra đề nghị chúng ta ngày nay nên thông cảm với Mị Châu mà chớ phê phán nàng.
- Chúng ta phải dựa vào: đặc trưng của thể loại truyền thuyết và ý thức xã hội chính trị - thẩm mĩ của nhân dân khi đến với truyền thuyết để nói ý kiến của mình một cách thuyết phục:
+ Truyền thuyết là một loại sáng tạo nghệ thuật nên việc phản ánh lịch sử, kể về sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử nhằm đề cao cái đẹp, cái tốt, cái tích cực và phê phán cái xấu, cái tiêu cực theo quan niệm của nhân dân. Lịch sử Việt Nam kể từ khi nước Âu Lạc bị mất đến lúc Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy có một đặc điểm nổi bật: đó là lịch sử không ngừng đấu tranh chống ngoại xâm. Trong tình hình ấy, các sáng tác văn học dân gian nói chung, đặc biệt là truyền thuyết nói riêng, có nhiệm vụ đề cao tư tưởng yêu nước thương nòi, giáo dục lòng trung thành với dân tộc, ý thức và tình cảm tha thiết đối với nền độc lập tự chủ của quốc gia. Các triều đại phong kiến độc lập, tự chủ ở nước ta từ thế kỉ X đến thế kỉ XV tuy có dựa vào ý thức hệ Nho giáo để củng cố vương quyền nhưng vẫn phải đề cao lòng yêu nước, ý chí vì độc lập, tự do của dân tộc. Với nhân dân, lại càng không thể quan niệm rằng người công dân có thể đặt tình riêng cao hơn nghĩa lớn vì nước, vì dân. Với một ý thức công dân như thế, lại ở vào thế kỉ XV sau cả nghìn năm Bắc thuộc đau thương và uất hận, trải qua bao cuộc chiến đấu chống ngoại xâm giành và giữ nền độc lập dân tộc, khi nhớ lại, hồi tưởng lại lịch sử và đem những hồi ức lịch sử ấy phổ vào sáng tạo nghệ thuật, dân gian Việt Nam không thể nào lại ca ngợi một nàng công chúa, con gái một ông vua đã khổ công xây thành, chế nó cốt để chống ngoại xâm mà lại có thể chỉ biết nghe lời người chồng vốn là con trai một kẻ mới hôm nào tấn công cha mình và đất nước mình, không nghĩ gì đến bổn phận của công dân đối với vận mệnh Tổ quốc. Nếu như người đời thực có thể có những người con gái ngây thơ đến khờ khạo, mất cảnh giác như thế, thiếu ý thức công dân đối với Tổ quốc như thế, thì trong sáng tạo nghệ thuật dân gian không thể có việc đề cao, bênh vực họ. Với truyền thuyết lại càng như vậy vì đây là thể loại có nhiệm vụ hồi tưởng lại lịch sử quá khứ để kinh nghiệm, nhằm giáo dục lòng yêu nước, coi việc nước trên tình nhà.
+ Trong khi phê phán Mị Châu, bằng bản án tử hình một cách đích đáng, nhân dân lại cũng đã thấu hiểu rằng nàng mắc tội không do chủ mà chỉ do vô tình, thơ ngây, nhẹ dạ. Bởi thế những tác giả truyền thuyết này đã cho máu nàng biến thành ngọc trai đúng như lời nguyền của nàng, nói lên rằng người Việt Nam không ai chịu bán nước, cùng lắm họ chỉ có thể mắc lừa kẻ địch, bị chúng lợi dụng mà thôi. Điều này nói lên truyền thống thấu lí đạt tình trong truyền thống nhân đạo của người Việt từ xưa.
3 - Với việc để thần Rùa Vàng kết tội Mị Châu là giặc và vua cha tuốt kiếm chém chết nàng, nhân dân đã tuyên án và thi hành bản án của lịch sử. Cách kết thúc này xuất phát từ truyền thống yêu nước, lòng tha thiết với độc lập, tự do của người Việt cổ.
- Tuy nhiên, số phận của Mị Châu chưa hẳn đã chấm dứt: nàng hóa thân trong hình hài khác. Nhân vật không hóa thân trọn vẹn trong một hình hài duy nhất khác. Máu nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai xác hóa thành ngọc thạch: Hình thức hóa thân - phân thân độc đáo, có một không hai trong truyện kể dân gian này thể hiện tính hai mặt, không đơn giản của hình tượng nhân vật là cách để nhân dân vừa thể hiện sự bao dung, niềm thông cảm với sự trong trắng, thơ ngây của Mị Châu trong khi phạm tội một cách vô tình, vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử muốn truyền lại cho trai – gái nước Việt muôn đời sau trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà với nước, giữa tình riêng và nghĩa chung.
4 - Hình tượng “ngọc trai - nước giếng” vừa có giá trị thẩm mĩ cao, vừa là một tình tiết đắt giá xét về phương diện tổ chức cốt truyện: nó là sự kết thúc duy nhất hợp lí cho số phận của đôi trai gái.
- Tình tiết này thật ra gồm ba chi tiết hợp thành.
+ Chi tiết “ngọc trai” được sáng tạo trong tương quan với lời Mị Châu khấn trước lúc chết nhằm chiêu tuyết cho danh dự của nàng, nó chứng thực tấm lòng trong sáng của công chúa.
+ Chi tiết “nước giếng” có hồn Trọng Thủy hòa cùng nỗi hối hận vô hạn là sự chứng nhận cho mong muốn hóa giải tội lỗi của hắn.
+ Chi tiết ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được sự hòa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Thật là một hình tượng nghệ thuật chứa nhiều lớp nghĩa tuyệt vời!
- Nhân dân sáng tạo hình ảnh “ngọc trai - nước giếng" không phải để ca ngợi mối tình chung thủy Mị Châu - Trọng Thủy.
+ Những người dân Âu Lạc yêu nước không bao giờ lại sáng tạo nghệ thuật để ca ngợi những ai đã đưa họ đến bị kịch mất nước.
+ Vẻ đẹp hình ảnh “ngọc trai – nước giếng" không thuộc về mối tình Mị Châu - Trọng Thủy mà thuộc về thái độ vừa nghiêm khắc vừa nhân ái của người dân Âu Lạc, ở cách ứng xử vừa thấu lí vừa đạt tình đã thành truyền thống của dân tộc ta.
+ Bi kịch mất nước Âu Lạc còn có phần của An Dương Vương. Nhưng nhân dân vẫn suy tôn ông ở trên. Điều này đã được lí giải.
5 - Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy không phải là lịch sử chính xác mà là sáng tác văn học dân gian về lịch sử. Truyện lưu giữ trong lòng nó các phần “cốt lõi của lịch sử": nước Âu Lạc vào thời An Dương Vương đã được dựng lên, có thành cao, hào sâu, vũ khí đủ mạnh để chiến thắng cuộc xâm lược của Triệu Đà, nhưng về sau đã bị rơi vào tay kẻ thù.
- Truyền thuyết ra đời ở thời kì nhân dân còn tin và muốn tin vào những điều thần kì nên Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy vừa kể lại cái sự thực lịch sử ấy vừa thần kì hóa nó.
+ Nhân vật thần Rùa Vàng xuất hiện là để thần kì hóa chiến công xây thành, chế nỏ của dân tộc ta, đứng đầu là An Dương Vương.
+ Những chi tiết mang vẻ ngoài rất hiện thực về mối tình Mị Châu - Trọng Thủy, về việc thành Cổ Loa thất thủ được kể kết hợp với những chi tiết thần kì về thần Rùa Vàng hiện lên kết án Mị Châu, đón An Dương Vương về thủy phủ.
+ Nhân vật Mị Châu được hư cấu với sự hóa thân kì diệu của nàng sau khi chết,... tất cả nhằm giải thích việc mất nước Âu Lạc chỉ có trong trí tưởng tượng của một nhân dân rất đỗi yêu nước nay lần đầu bị mất nước.
+ Ngay cả nhân vật Trọng Thủy cùng với khả năng thần kì của nước giếng Ngọc xuất hiện sau khi hắn trẫm mình cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng. Những chi tiết thần kì ấy phù hợp với tình cảm của người dân Âu Lạc, đáp ứng nhu cầu tâm lí thiêng liêng của họ: khẳng định dứt khoát rằng An Dương Vương và dân tộc Việt mất nước không do kém cỏi về tài năng mà bởi vì kẻ thù dùng thủ đoạn hèn hạ nhằm vào một người con gái ngây thơ, cả tin, thủ đoạn ấy còn là vô nhân đạo đến mức đê tiện ở chỗ lợi dụng ngay cả tình yêu trai – gái.
+ Đó cũng là sự đáp ứng nhu cầu của dân ta khẳng định sự bất tử của vị vua anh hùng từng dựng lên nhà nước Âu Lạc nổi tiếng một thời với thành Cổ Loa bề thế, hoành tráng, được bảo vệ bởi những vũ khí lợi hại khiến kẻ thù khiếp sợ...
+ Tóm lại, sự thần kì hóa lịch sử truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy nhằm tôn vinh dân tộc cùng đất nước, hạ thấp kẻ thù xâm lược.
III. LUYỆN TẬP
1 - Nội dung của hai câu (a) và (b) thật ra đều nêu lên những cách đánh giá phiến diện, hời hợt về nhân vật. Mỗi câu (a) hay (b) đều chỉ đúng một nửa.
- Cần tìm ra lời giải đáp toàn diện, sâu sắc cả lí lẫn tình, một lời giải đáp phù hợp với chân lí (đạo lí của dân tộc, đạo lí của con người).
- Cần nêu quan điểm kèm theo lập luận, giải thích là một đòi hỏi có ý nghĩa rèn luyện cho HS cách tư duy, nhìn nhận sự việc và trình bày quan điểm cá nhân về sự việc.
2. Cách xử lí này phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc ta. Đó là sự bao dung đối với người đã trót có thời lầm lỡ gây tai họa cho nhân dân, nhưng về sau đã biết hối hận và chịu hình phạt xứng đáng. Lúc sống, đứng trước trách nhiệm với dân, với nước người cha đã phải tự tay trừng trị con gái mình, thì ở kiếp sau nên cho cha con nhà vua đoàn tụ bên nhau, sớm tối có nhau.