I. KHÁI NIỆM “NGÔN NGỮ SINH HOẠT”

1. Đọc đoạn hội thoại ở mục 1.1, thể hiện đúng giọng điệu. Sau đó trả lời một số câu hỏi sau:

- Cuộc hội thoại diễn ra ở đâu, khi nào? Các nhân vật giao tiếp là những ai?

- Nội dung và mục đích của cuộc hội thoại là gì? (Lời của các nhân vật tập trung vào vấn đề gì? Hướng tới mục đích giao tiếp như thế nào?)

- Từ ngữ và câu văn trong đoạn hội thoại có đặc điểm gì? (Những từ ngữ quen thuộc, gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày, câu văn thường tỉnh lược chủ ngữ, có nhiều câu cảm thán, cầu khiến).

- Từ tìm hiểu vấn đề thực tế trên, ta đi tới khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt nêu ở phần Ghi nhớ của SGK

2. Các dạng biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt:

- Dạng nói (đối thoại, độc thoại, đàm thoại)

- Dạng viết (thư từ, nhật kí, hồi ức cá nhân, biên bản tốc kí,...)

* Chú ý: Trong tác phẩm nghệ thuật có dạng tái hiện (mô phỏng, bắt chước) lời nói tự nhiên theo các đặc điểm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Việc bắt chước này tùy thuộc vào mục đích sáng tạo nghệ thuật và thể loại văn học (kịch, thơ, truyện,...) và năng lực sáng tạo của nhà văn, tuy nhiên đây không phải là ngôn ngữ tự nhiên. Tất nhiên với vốn sống phong phú và năng lực ngôn ngữ điêu luyện, nhà văn có thể tái hiện ngôn ngữ tự nhiên khá trung thành.

- Ở thơ: phải phục tùng quy tắc nhịp điệu, vần điệu và hài thanh.

- Ở trường ca: sự lặp lại dư thừa theo nhịp điệu.

- Ở một số truyện cổ tích, ví dụ như truyện Tấm Cám: lời nói có vần, có nhịp, dễ nhớ.

- Ở tiểu thuyết: lời nói nhân vật là một phương tiện để nhân vật bộc lộ tính cách, là động lực phát triển của cốt truyện, nói chung là phương tiện nghệ thuật xây dựng nhân vật tình huống để phát triển cốt truyện.

LUYỆN TẬP

Câu (a)

Đối với câu thứ nhất, có thể nêu câu hỏi: “Vừa lòng nhau” là thế nào? Trong những trường hợp nào thì cần làm "vừa lòng nhau”? Nếu cứ làm “vừa lòng nhau” một chiều, thì cũng là tìm cách xu nịnh, “vuốt ve” lẫn nhau. Vậy nên tùy trường hợp để nói, có khi cần nói thẳng. Lời nói thẳng tuy không phải lúc nào cũng làm vừa lòng người đối thoại nhưng lại rất tốt và rất có hiệu quả. Tuy nhiên, có phải bao giờ nói “toạc móng heo” cũng là tốt không?

Câu (b)

- Đoạn trích trong bài tập này là lời đáp trong cuộc thoại của nhân vật Năm Hên (một ông già chuyên bắt cá sấu ở Nam Bộ) nói chuyện với dân làng:

+ Xác định thời gian: “Sáng mai sớm, đi cũng không muộn”.

+ Chủ thể nói: Ông Năm Hên (Tôi cần..., tôi bắt. Tôi đây...)

+ Thái độ của người nói: Gieo niềm tin cho dân làng (“Có vậy thôi! ... Bà con cứ tin tôi!”).

- Từ ngữ của nhân vật trong đoạn trích là từ ngữ địa phương Nam Bộ (ngặt tôi không mang thứ phú quới đó, miệt Rạch Giá...).

Đoạn trích mô phỏng ngôn ngữ ở vùng Nam Bộ và đặc biệt là ngôn ngữ rất chuyên biệt của người bắt cá sấu. Chính vì thế, ngôn ngữ kể chuyện trở nên sinh động. Đồng thời giới thiệu được những đặc điểm của đất và con người phương Nam.