I. ÔN TẬP VỀ MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ
HS ôn lại các kiến thức, kĩ năng miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự mà các em đã học ở lớp 8 và trả lời các câu hỏi theo gợi ý:
1. Miêu tả là gì? (Dùng ngôn ngữ (hoặc một phương tiện nghệ thuật khác) làm cho người nghe, người đọc, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt)
- Biểu cảm là gì? (Bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trong đời sống)
2. Điều gì giúp phân biệt miêu tả trong văn miêu tả, biểu cảm trong văn biểu cảm với miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự? (Không phải số lượng câu chữ mà là ở mục đích. Chẳng hạn như, miêu tả cho rõ, cho hay là mục đích của một bài văn miêu tả. Nhưng trong văn tự sự, thì kể chuyện cho rõ ràng, trôi chảy, hấp dẫn mới là mục đích. Miêu tả chỉ là phương tiện giúp cho việc tự sự được cụ thể, sinh động, lí thú hơn. Cũng có thể nói tương tự như vậy về biểu cảm)
3. Đâu là căn cứ đánh giá thành công của việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự? (ở chỗ miêu tả và biểu cảm đã phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự đến mức độ nào)
4. Phần văn bản tự sự đã sử dụng yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm thành công ở mức độ nào?
II. QUAN SÁT, LIÊN TƯỞNG, TƯỞNG TƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ
1. Các khái niệm quan sát, liên tưởng, tưởng tượng bằng cách thảo luận về việc điền các từ thích hợp vào chỗ trống (điền từ quan sát vào điểm (b); từ liên tưởng vào điểm (a); từ tưởng tượng vào điểm (c));
- Vai trò của quan sát, liên tưởng, tưởng tượng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự bằng cách thảo luận các câu hỏi.
- Tìm dẫn chứng để chứng minh cho các kết luận về lí thuyết đã đạt được trong các điểm (a1) và (a2) nêu ở trên. Chẳng hạn, qua trích đoạn nêu trong SGK, có thể thấy, sẽ không cảm nhận được các hình ảnh, âm thanh rất đặc sắc, thơ mộng ở điểm (a) nếu không quan sát, điểm (b) nếu không tưởng tượng và ở điểm (c) nếu không liên tưởng.
2. HS đọc phần Ghi nhớ và lưu ý về sự cần thiết phải quan tâm tới con người và đời sống, phải lưu giữ những ấn tượng và cảm xúc trước con người và đời sống, một điều kiện không thể thiếu để các em có thể làm văn hay và sống đẹp.
III. LUYỆN TẬP
1. Câu (b)
Cần lưu ý:
- Đây là một trích đoạn tự sự, được viết ra với mục đích chủ yếu là kể một chi tiết trong một câu chuyện chứ không phải để miêu tả hay biểu cảm.
- Tuy nhiên, trong trích đoạn lại có nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm; nhờ thế, người đọc cảm thấy như đang tận mắt chứng kiến một bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu vàng trên vùng rừng núi phương Bắc xa xôi và thấy càng thêm yêu thiết tha cuộc đời thơ mộng đến diệu kì này.
- Hiệu quả của các yếu tố miêu tả và biểu cảm được tạo nên trước hết và chủ yếu từ tình yêu của nhà văn đối với cuộc sống. Nhưng hiệu quả ấy cũng sẽ không thể có nếu nhà văn không thể hiện được một khả năng quan sát, liên tưởng, tưởng tượng tinh tế và mới mẻ khác thường.
2. Cần lưu ý:
- Không vì cố gắng tập trung miêu tả và biểu cảm mà quên mất nhiệm vụ chính là phải viết một bài văn tự sự theo đề tài đã được nêu trong bài tập.
- Đây là một đề tài không xa lạ với cuộc sống của HS, vì thế, cần khai thác vốn sống của bản thân để có thể hình dung thật rõ người và việc mà mình định kể và cảm xúc mà mình cần bộc lộ để bài văn tránh được sự giả tạo, hời hợt, khuôn sáo.
- Đọc kĩ phần Đọc thêm “Về dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam để học tập cách thức tìm và diễn đạt ý cũng như phát huy khả năng quan sát, liên tưởng và tưởng tượng.