I. TIỂU DẪN
1. Nội dung trường ca Đăm Săn gồm ba phần chính:
(1) Đăm Săn về làm chồng Hơ Nhị và trở nên một tù trưởng giàu có, hùng mạnh.
(2) Những chiến công của Đăm Săn đánh thắng các tù trưởng độc ác (tù trưởng Kên Kên, tù trưởng Sắt), giành lại vợ, đem lại sự giàu có và uy danh cho mình và cộng đồng.
(3) Khát vọng chinh phục thiên nhiên, vượt qua mọi trở ngại của tập tục xã hội (chặt cây thần), cầu hôn nữ thần Mặt Trời. Trên đường từ nhà nữ thần Mặt Trời trở về, chàng chết ngập nơi rừng Sáp Đen.
2. Đoạn trích trong toàn tác phẩm: kể chuyện Đăm Săn đánh Mtao Mxây cứu vợ về.
II. PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH THEO HƯỚNG DẪN HỌC BÀI:
1. Đặc điểm đoạn trích là mô tả song hành hai tù trưởng trong suốt diễn biến cuộc chiến. Nghệ thuật miêu tả này có tác dụng làm nổi bật sự hơn hẳn của Đăm Săn so với Mtao Mxây cả về tài năng, sức lực, cả về phong độ, phẩm chất.
Diễn tiến cuộc chiến được mô tả như sau:
(1) Đăm Săn khiêu chiến và Mtao Mxây đáp lại.
Ngay ở chặng này, trước thái độ quyết liệt của Đăm Săn, Mtao Mxây đã tỏ ra run sợ (sợ bị đâm lén, mặt mũi dữ tợn, trang bị đầy mình mà đã tỏ ra tần ngần, do dự, đắn đo,...).
(2) Vào cuộc chiến
- Hiệp một: Trong khi Mtao Mxây múa khiên trước, Đăm Săn vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên (điều này bộc lộ bản lĩnh của chàng).
Mặc dù đã tỏ rõ sự kém cỏi, nhưng Mtao Mxây vẫn tỏ ra huênh hoang.
- Hiệp hai: Đăm Săn múa trước và lập tức Mtao Mxây đã hoảng hốt trốn chạy - chạy bước cao bước thấp (yếu sức). Hắn chém Đăm Săn nhưng trượt và sớm cầu cứu bên ngoài (Hơ Nhị).
Được Hơ Nhị tiếp sức, Đăm Săn mạnh hẳn lên.
- Hiệp ba: Đăm Săn múa và đuổi theo Mtao Mxây. Đây là một đoạn múa rất đẹp và dũng mãnh (còn hơn đoạn múa ở hiệp hai). Đăm Sắn đâm trúng kẻ thù, nhưng áo hắn không thủng. Chàng phải cầu cứu thần linh.
- Hiệp bốn: Đăm Săn được thần linh giúp sức, đuổi theo và giết chết kẻ thù.
2.
- Cuộc đối thoại giữa Đăm Săn với dân làng (nô lệ) của Mtao Mxây khi chàng đến từng nhà kêu gọi mọi người đi theo mình.
+ Số lần đối - đáp: Cuộc đối thoại gồm 3 nhịp hỏi - đáp (Đăm Săn gọi - hỏi ý kiến và mọi người hưởng ứng - đáp). Con số 3 mang ý nghĩa biểu tượng cho số nhiều, nhiều không tính xuể (đây là con số xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm tự sự dân gian).
Chính do ý nghĩa biểu tượng đó mà số lần hỏi – đáp có sức phản ánh vừa cô đọng (đoạn này rất ngắn, diễn ra rất nhanh so với cảnh giao chiến giữa hai tù trưởng) vừa khái quát – nó cho thấy lòng mến phục, thái độ hưởng ứng tuyệt đối mà mọi người dành cho Đăm Săn (chú ý: đây là những người vốn là nô lệ cho kẻ thù của Đăm Săn), họ đều nhất trí coi chàng là tù trưởng, là anh hùng của họ.
+ Mỗi lần đối đáp có sự khác nhau: Lần thứ nhất - Đăm Săn chỉ gõ vào một nhà; lần thứ hai - gõ vào tất cả các nhà; lần thứ ba - gõ vào mỗi nhà trong làng.
- Sự lặp lại ở sử thi có đặc điểm là lặp lại có biến đổi, phát triển. Qua cả 3 lần hỏi - đáp, ý nghĩa khẳng định (lòng trung thành tuyệt đối của mọi nô lệ đối với Đăm Săn) ngày càng được tô đậm. Do thế, sau 3 lần hỏi - đáp là một đoạn mô tả kết thúc: Đăm Săn hô gọi mọi người cùng về và thế là diễn ra cảnh mọi người cùng ra về đông và vui như đi hội.
- Đăm Săn tập hợp được một lực lượng rất lớn cộng đồng theo mình. Điều này có ý nghĩa:
+ Thể hiện sự thống nhất cao độ giữa quyền lợi, khát vọng của cá nhân anh hùng sử thi với quyền lợi, khát vọng của cộng đồng (người thắng và kẻ thua đều cùng một tộc người; trước cuộc chiến họ sống rời rạc thành hai nhóm, nay họ sống hòa hợp trong cùng một nhóm đông hơn, giàu hơn, mạnh hơn).
+ Thể hiện lòng yêu mến, sự tuân phục của tập thể cộng đồng đối với cá nhân anh hùng. Qua đó, sử thi muốn nói đến ý chí thống nhất của toàn thể cộng đồng Ê-đê - một biểu hiện quan trọng của ý thức dân tộc.
• Thái độ của dân làng Đăm Săn đối với chiến thắng của tù trưởng Đăm Săn của mình. Điều này bộc lộ trực tiếp qua lời nghệ nhân kể sử thi.
• Thái độ của các tù trưởng xung quanh biểu hiện qua việc họ kéo đến cùng ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn như ăn mừng chiến thắng của chính họ.
Tiểu kết: Người anh hùng sử thi được toàn thể cộng đồng suy tôn tuyệt đối. Qua chiến thắng của cá nhân anh hùng sử thi cho thấy sự vận động lịch sử của cả một cộng đồng tộc người.
3.
- Căn cứ vào độ dài, ngắn của hai đoạn dành cho việc kể và tả lại diễn biến trận đánh, kể và tả lại cảnh ăn mừng chiến thắng..
- Căn cứ vào việc ở đoạn đầu tuy kể và tả cuộc giao chiến mà không hề có cảnh đổ máu ghê rợn hay cảnh buôn làng tan tác sau cuộc chiến.
- Căn cứ vào đoạn cuối tả cảnh chiến thắng hầu như không dùng những câu đối thoại ngắn, mạnh mà dành ưu tiên cho những trường đoạn dài, những kiểu câu cảm thán, những hô ngữ, những kiểu câu so sánh trùng điệp, liệt kê những biểu hiện của sự vui sướng, vẻ tưng bừng tấp nập của sự giàu có,...
- Như vậy, sự lựa chọn của nghệ nhân sử thi có dụng ý
+ Tuy kể về chiến tranh mà lòng vẫn hướng về cuộc sống thịnh vượng, no đủ, giàu có, sự đoàn kết, thống nhất và lớn mạnh của cộng đồng tộc người.
+ Nói lên khát vọng lớn lao mà tộc người cùng thời đại gửi gắm vào những cuộc chiến tranh để phát triển và củng cố cộng đồng (xem lại ý nghĩa ở câu 2), đồng thời nói lên cả tầm vóc lớn lao của người anh hùng sử thi (được mô tả bằng bút pháp phóng đại quen thuộc của sử thi) đối với lịch sử cộng đồng.
+ Người anh hùng sử thi trở thành trung tâm miêu tả của bức tranh hoành tráng về lễ mừng chiến thắng, sự lớn lao cả về hình thể, tầm vóc lẫn chiến công của chàng như trùm lên toàn bộ buổi lễ, toàn bộ thiên nhiên và cộng đồng dân làng.
4. Nhiều nhất là những câu sử dụng biện pháp so sánh.
+ So sánh tương đồng, có sử dụng từ so sánh (như gió lốc gào, như những vệt sao băng,...).
+ Quan hệ so sánh được tăng cấp bằng hàng loạt ngữ so sánh liên tiếp (đoạn tả tài múa khiên của Đăm Săn, đoạn tả cảnh đoàn người đông đảo, gồm cả kẻ thắng lẫn người thua, kéo theo Đăm Săn trở về buôn của chàng, đoạn cuối văn bản mô tả thân hình lực lưỡng của Đăm Săn,...).
+ So sánh tương phản (tả cảnh múa khiến của Đăm Săn và của Mtao Mxây).
+ Lối so sánh, miêu tả đòn bẩy dành miêu tả “tài” của địch thủ trước, tài của anh hùng sau, bằng cách đó để đề cao hơn nhân vật anh hùng.
- Các hình ảnh, sự vật được đem ra làm chuẩn trong so sánh đều lấy từ thế giới thiên nhiên, từ vũ trụ. Dùng vũ trụ để “đo” kích cỡ nhân vật anh hùng là một cách phóng đại để đề cao anh hùng. Nghệ thuật đó rất nổi bật ở sử thi, mang một giá trị thẩm mĩ đặc biệt. Đó là phong cách nghệ thuật của sử thi.
I. LUYỆN TẬP
1. Thần linh (ông Trời) cũng tham gia vào trận chiến đấu của con người.
- Quan hệ giữa thần linh với con người gần gũi, mật thiết hơn, thậm chí bình đẳng, thân tình hơn. Đó là dấu vết của tư duy thần thoại cổ sơ còn chi phối sự sáng tạo sử thi. Đó cũng là dấu vết của một xã hội chưa có sự phân hóa giai cấp rạch ròi.
- Tuy có tham gia vào việc người, nhưng thần linh chỉ đóng vai trò “phụ vào” chứ không quyết định kết quả của cuộc chiến. Chiến công vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào hành động người anh hùng.
Đó là một kiểu biểu hiện của ý thức dân chủ công xã thời thị tộc cổ xưa.
2. Như vậy, yếu tố thần linh góp phần đề cao vai trò của nhân vật anh hùng sử thi.