I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Ca dao - dân ca diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm phong phú của người lao động xưa kia.
- Ca dao - dân ca trữ tình là những lời yêu thương tình nghĩa...
- Dưới đây là một số câu ca dao tiêu biểu (Dẫn 5 câu).
2. Thân bài:
* Phân tích ba câu đầu:
- Cô kia đứng ở bên sông,
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
- Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
- Ước gì anh hoá ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hoá ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.
+ Cái hay của ba câu ca dao này là sự kết hợp tài tình giữa hai yếu tố thực và ảo trong hình tượng thơ.
- Thực: Cô gái đứng ở bên sông, dòng sông, anh, em.
- Ảo: cầu cành hồng, cầu dải yếm, hoá ra gương, hoá ra cơi.
- Hình ảnh chiếc cầu là một chi tiết nghệ thuật khá phổ biến. Nó là biểu tượng của nơi gặp gỡ, hẹn hò của đôi lứa đang yêu. Nó được thi vị hoá bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn của người xưa để thành chiếc cầu cành hồng, chiếc cầu dải yếm,... thú vị và rất đáng yêu, thể hiện khao khát được yêu thương, gần gũi...
- Hình ảnh chiếc gương, chiếc cơi đựng trầu (những vật gắn liền với các cô thôn nữ) cũng được tác giả dân gian khai thác, biến thành cái cớ để bày tỏ tình yêu tha thiết.
- Điệp từ Ước gì đặt ở đầu câu nhấn mạnh khát khao được gắn bó với người yêu như hình với bóng. Anh hoá ra gương để ngày ngày được ngắm nhìn vẻ đẹp của em, được quấn quýt bên em. Ước gì anh hoá ra cơi để đi đâu em cũng mang theo bên mình. Hình ảnh cau tươi, trầu vàng tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc, vững bền.
* Phân tích hai câu sau:
+ Tình cảm thuỷ chung, son sắt.
- Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò được dùng để diễn tả ý nghĩa trên. Cây đa, bến đò tượng trưng cho người ở lại; khách bộ hành, con đò tượng trưng cho người ra đi.
- Câu thứ năm: Khẳng định lòng chung thuỷ sắt son. Dù nắng mưa, dù thời gian cứ trôi qua, hoàn cảnh có thay đổi thì cây đa, bến đò vẫn đợi khách bộ hành và khách bộ hành cũng luôn nhớ về cây đa cũ, bến đò xưa.
- Câu thứ sáu: Gợi ra một nghịch cảnh: Cây đa, bến cũ vẫn còn đó những lời hẹn hò trăm năm đành lỗi. Con đò khác đưa thay cho con đò cũ năm nào. (Ý nghĩa tượng trưng, ước lệ) - bạn tình cũ giờ ở nơi đâu? Âm điệu gợi tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi, nuối tiếc.
3. Kết bài:
- Yêu thương, tình nghĩa là truyền thống tình cảm tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Truyền thống ấy đã trở thành chủ đề lớn trong ca dao - dân ca. Qua đó, chúng ta có thể hình dung ra đời sống tâm hồn phong phú, sâu sắc của người xưa.
II. BÀI LÀM
Ca dao - dân ca diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm phong phú của người lao động xưa kia trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước. Ca dao trữ tình là những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của người nông dân Việt Nam sau luỹ tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình...
Dưới đây là một số câu ca dao tiêu biểu về chủ đề yêu thương, tình nghĩa:
1. Cô kia đứng ở bên sông,
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
2. Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
3. Ước gì anh hoá ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hoả ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.
4. Cây đa cũ, bến đò xưa,
Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ.
5. Trăm năm đành lỗi hẹn hò.
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.
Năm câu ca dao có thể chia làm hai nhóm. Nhóm một gồm ba câu đầu, nhóm hai gồm câu 4 và câu 5. Việc xếp các câu ca dao theo từng nhóm là dựa vào sự tương đồng của chúng về nội dung và nghệ thuật.
* Nhóm thứ nhất:
Cái hay của các câu ca dao ở nhóm này là sự kết hợp tài tình giữa hai yếu tố thực và ảo trong hình tượng thơ.
Cô kia đứng ở bên sông là thực. Nhưng Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang thì con sông và chiếc cầu cành hồng đều là ảo, giống như con sông rộng một gang để người con gái bắc cái cầu dải yếm trong câu ca dao thứ hai. Chiếc cầu - cành hồng, chiếc cầu - dải yếm đều không có thực mà nó được dệt lên bằng ước mơ bay bổng của con người. Tuy thế, chính những cái cầu ảo đó lại tạo ra vẻ đẹp kì lạ mà chỉ ca dao mới có được. Cái hay của các câu ca dao trên nằm ở những hình ảnh lãng mạn ấy và tình ý do chúng gợi lên.
Ở câu 1, chàng trai hỏi cô gái nếu có muốn sang bên này sông thì anh sẽ ngả cành hồng cho sang. Chiếc cầu - cành hồng tuy chỉ là tưởng tượng nhưng thật đẹp đẽ và tinh tế. Đó chính là chiếc cầu tình yêu mà anh muốn bắc từ trái tim anh sang trái tim em, nhưng ước muốn ấy được người con trai che giấu rất kĩ bên trong hình ảnh của một cây cầu độc đáo, có một không hai.
Trong ca dao tình yêu, hình ảnh cái cầu là một chi tiết nghệ thuật khá phổ biến. Nó trở thành một biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện, là cái cớ để bộc bạch điều khó nói đầu tiên. Cái cầu có khi là cành hồng, cành trầm, là ngọn mồng tơi, thậm chí là dải yếm:
- Hai ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
- Cách nhau có một cái đầm,
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.
Cành trầm lá dọc lá ngang,
Để người bên ấy bước sang bên này.
- Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Sợ rằng chàng chẳng qua cầu,
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.
Đặt trong hệ thống hình ảnh những cái cầu khác thường nói trên, ta càng thấy rõ vẻ đẹp độc đáo của cái cầu - dải yếm:
Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Đây là ước muốn gặp gỡ của cô gái với người mình yêu. Cô đã thổ lộ ước muốn táo bạo đó bằng một hình ảnh độc đáo : Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Mong được gần nhau nên cô gái ao ước con sông chỉ rộng một gang để bắc chiếc cầu đón chàng trai bằng dải yếm mềm mại mang hơi ấm và nhịp đập thổn thức của trái tim yêu thương.
Ước muốn táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng trữ tình, ý nhị biết bao! Cái dải yếm mềm mại luôn gắn bó, che chở cho người con gái. Cô gái muốn dùng cái vật thân thiết, gần gũi nhất của mình để bắc cầu mời mọc người mình yêu. Đây không phải là cành hồng, cành trầm, ngọn mồng tơi... tức là những ngoại vật mà nhân vật trữ tình mượn để bắc cầu, mà chính là cái dải yếm của mình. Cái cầu - dải yếm được tạo nên bằng chính tình yêu chân thành, rạo rực của cô thôn nữ. Nó trở thành cái cầu tình yêu đẹp nhất trong ca dao và chỉ có tư duy nghệ thuật dân gian táo bạo, đầy sáng tạo mới tưởng tượng ra được một cái cầu như thế!
Ở đây, con sông không có thực mà cái cầu lại càng ảo. Có con sông ấy thì mới có cái cầu ấy. Nó đích thực là cái cầu tình yêu mà lại là cái cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu vượt qua con sông tượng trưng cho sự ràng buộc, ngăn cản của lễ giáo phong kiến thời xưa. Ý nghĩa tuyệt vời của câu ca dao là ở đó. Trong hệ thống hình ảnh cái cầu của ca dao, thì hình ảnh cái cầu - dải yếm là đẹp đẽ nhất, độc đáo nhất bởi nó không chỉ thể hiện tình yêu chân thành mà còn thể hiện cả cách nói rất nghệ thuật của người lao động trong việc biểu đạt tình yêu đó.
Nếu ở câu thứ 2, nhân vật trữ tình là một cô gái thì ở câu thứ 3 nhân vật trữ tình lại là một chàng trai. Khi trai gái yêu nhau, họ luôn hướng về nhau, muốn được gần gũi bên nhau.
Bài này cũng nói về ước muốn gần gũi nhưng ở mức độ mãnh liệt hơn : Ước gì anh hoá ra gương. Chàng trai ao ước được hoá thân thành chiếc gương soi để luôn được ở bên người mình yêu. Hoá thân thành gương để cho em soi hằng ngày và được ngắm nhìn vẻ đẹp của em, để bóng em lồng trong bóng anh. Lãng mạn hơn, chàng trai bày tỏ : Ước gì anh hoá ra cơi, Để cho em đựng cau tươi trầu vàng. Hoá thân thành chiếc cơi để gìn giữ cau tươi - trầu vàng tượng trưng cho tình yêu và hôn nhân bền vững. Những ước mong tha thiết của chàng trai nếu người con gái biết được, chắc chắn sẽ xúc động đến xiêu lòng.
* Nhóm thứ hai:
Ca dao thường mượn hình ảnh cây đa, bến nước, con đò để diễn tả nghĩa tình thuỷ chung của con người. Những hình ảnh ấy phù hợp với ý nghĩa ước lệ, tượng trưng mà con người gửi gắm vào trong đó.
Đây là những hình ảnh thân quen, để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tâm hồn người nông dân. Ở đầu làng hay nơi bến đò thường có cây đa cổ thụ. Dưới gốc cây thường diễn ra những cuộc chia tay hay gặp gỡ, vì thế mà nó lưu giữ rất nhiều kỉ niệm.
Trong hai câu ca dao 5 và 6, cây đa và bến đò tượng trưng cho người ở lại; khách bộ hành, con đò tượng trưng cho người ra đi.
Câu thứ 5 khẳng định lòng chung thuỷ giữa người đi, kẻ ở. Dù nắng mưa, dù thời gian có trôi qua, hoàn cảnh có thay đổi thì cây đa, bến đò vẫn đợi khách bộ hành và khách bộ hành cũng luôn hướng về cây đa cũ, bến đò xưa. Cái tình và cái nghĩa ở đây luôn gắn bó với nhau, tạo nên sự thắm thiết, bền vững của lòng chung thuỷ.
Câu thứ 6 gợi ra một nghịch cảnh, Cây đa, bến cũ vẫn còn nhưng lời hẹn hò trăm năm đành lỗi, vì con đò khác đã đưa khách sang sống thay cho con đò cũ. Cảnh cũ vẫn còn đây nhưng người cũ (bạn tình năm nào) đã về đâu? Tất cả đã trở thành hoài niệm. Tình không còn nhưng nghĩa vẫn vương. Tiếc nuối và than trách; ngậm ngùi, bâng khuâng cho mình và cả cho người.
Yêu thương, tình nghĩa là truyền thống tình cảm tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã trở thành chủ đề lớn trong ca dao, dân ca và được thể hiện trong vô vàn câu hát. Qua một số câu ca dao tiêu biểu nêu trên, ta có thể thấy được đời sống tâm hồn phong phú, sâu sắc và tài năng thể hiện đời sống tâm hồn ấy qua những nghệ thuật dân gian tuyệt vời của người xưa.