I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Câu chuyện xảy ra ở đâu? Vào thời gian nào? Anh (chị) thấy trực tiếp hay biết qua báo chí, truyền hình?
- Giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện.
2. Thân bài:
* Nội dung câu chuyện:
- Con đường từ huyện về xã vốn nhỏ bé, gập ghềnh.
- Người đi đường, học sinh đi học thường bị té ngã, nhất là khi trời mưa.
- Ông Đinh Thép tuổi đã ngoài 60, băn khoăn nghĩ cách sửa sang cho con đường rộng rãi, phẳng phiu.
- Nghĩ là làm, hơn hai năm, đoạn đường ông sửa đã được gần 2 km. Ông làm việc hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không đòi hỏi bất cứ điều gì.
- Ông Đinh Thép tìm thấy nguồn sức mạnh và niềm vui từ trong công việc có ích cho mọi người.
3. Kết bài:
- Hình ảnh cần cù và nụ cười lạc quan của ông Đinh Thép để lại ấn tượng sâu đậm trong suy nghĩ của bản thân.
- Ông là tấm gương sáng chứng minh quan điểm sống đúng đắn mà Bác Hồ đã dạy: “Mình vì mọi người”.
II. BÀI LÀM
Sáng qua, trong bản tin thời sự VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam có mục Người tốt, việc tốt, giới thiệu ông Đinh Thép, một người dân bình thường ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, đã tự nguyện làm một công việc đem lại lợi ích thiết thực cho bà con ở địa phương. Câu chuyện như sau:
Con đường cũ dẫn từ huyện về xã vốn nhỏ hẹp và gập ghềnh, lổn nhổn đất đá. Ngày ngày, ông Đinh Thép nhìn thấy cảnh các cháu học sinh đi học vấp đá té chảy cả máu chân. Nhất là sau mỗi cơn mưa, đường lại càng khó đi. Đất đỏ dính bết vào bánh xe, không ít người ngã, thậm chí có người bị thương rất nặng.
Ông Đinh Thép băn khoăn, day dứt, nghĩ hoài về con đường để rồi đi đến quyết định: “Mình sẽ tự tay làm lại cho con đường đẹp đẽ, phẳng phiu, để bà con đi đỡ cực”. Nghĩ là làm, ông bất chấp cái tuổi đã ngoài sáu mươi, bất chấp thời tiết nắng mưa khắc nghiệt của vùng rừng núi. Một mình với chiếc cuốc chim, ông cặm cụi bẩy đá rồi san phẳng, đầm thật kĩ để khi xe qua lại nền đường không bị bật lên. Công việc chẳng dễ dàng chút nào. Hai bàn tay ông cầm cuốc toé máu rồi chai sần lên. Hai cánh tay lắm lúc rã rời, nhưng nghĩ đến mục đích tốt đẹp của công việc, ông lại đứng lên, tiếp tục làm.
Một số kẻ nông cạn cho rằng ông điên, bỏ bê việc nhà để đi làm việc không công cho thiên hạ. Ông chỉ cười, nụ cười hồn hậu, chất phác lạ lùng. Ông bảo ông chỉ có cái tâm và công sức để đóng góp cho quê hương, còn ai hiểu sao thì hiểu, ông chẳng bận lòng.
Ngày lại ngày qua, con đường dưới bàn tay ông Đinh Thép đã rộng rãi, bằng phẳng hẳn ra. Trẻ con đi học ríu rít chào ông, người qua kẻ lại cũng chào ông bằng cái gật đầu, bằng nụ cười động viên chân thành. Ông Đinh Thép vui lắm, nụ cười thật tươi toả sáng trên gương mặt đen đúa ướt đẫm mồ hôi.
Cứ như vậy, ông lầm lũi làm việc một mình giữa trời nắng chói chang hay những cơn mưa lạnh lẽo. Không ai trả công cho ông, nhưng ông tự thưởng cho mình bằng những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, nheo mắt ngắm con đường phẳng phiu giống như một dải lụa mềm mại trong bóng chiều buông.
Một năm trôi qua, hai năm trôi qua, đoạn đường mà ông Đinh Thép sửa sang đã được hơn hai cây số. Người thân trong gia đình hiểu ông, dân làng hiểu ông, đó là nguồn sức mạnh tiếp sức cho ông đi tới đích.
Đọng mãi trong tâm trí của tôi là hình ảnh ông Đinh Thép giơ cao cây cuốc chim bổ xuống để bấy một hòn đá lớn ở gần mép đường. Bao quyết tâm dồn cả vào đôi mắt sáng và đôi cánh tay săn chắc. Như con ong cần cù kiếm phấn hoa làm mật, như con kiến cặm cụi tha mồi, ông Đinh Thép ngày ngày chuyên chú vào công việc nặng nhọc, vất vả với thái độ hoàn toàn tự nguyện. Ông chính là tấm gương điển hình bằng xương bằng thịt chứng minh cho quan điểm sống cao đẹp: “Mình vì mọi người” mà sinh thời, Bác Hồ kính yêu thường nhắc nhở toàn dân.