I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhân vật chính: Anh học trò dốt nhưng lại hay khoe chữ, dám liều làm thầy đồ dạy học.
- Có người làng bên mời anh ta về dạy cho con mình.
2. Thân bài:
* Diễn biến câu chuyện:
- Thầy đồ dốt đến nỗi không nhận được mặt chữ kê là gà.
- Trò hỏi dồn, thầy bí, nói bừa đó là chữ dù dì.
- Thầy khấn hỏi thổ công, thổ công cũng đồng ý chữ đó là dù dì.
- Thầy bắt học trò đọc thật to, chủ nhà nghe được liền chất vấn.
3. Kết bài:
- Thầy giải thích theo kiểu vừa giấu dốt lại vừa khoe chữ: Dủ dỉ là con dù dì. Dù dì là chị con công, con công là ông con gà.
II. BÀI LÀM
Ngày xưa, có một anh học trò dốt nát, thi mãi chẳng đậu nhưng lại có tật khoe khoang, đi đâu cũng vỗ ngực ta đây văn hay chữ tốt. Có người ở xã bên tưởng thật, liền mời anh ta về nhà dạy cho con mình.
Một hôm, anh ta dạy thằng bé sách Tam thiên tự. Đứng sau chữ tước (chim sẻ) là chữ kê (gà), vì chữ nào cũng nhiều nét rắc rối nên thầy chưa phân biệt được. Đã thế, cậu học trò lại cứ hỏi dồn nên thầy cuống lên nói liều: Dủ dỉ là con dù dì. Được cái thầy cũng khôn, sợ đọc to, nhỡ sai có ai biết thì xấu hổ nên dặn trò đọc nhỏ nhỏ thôi.
Tuy vậy, bụng dạ thầy vẫn thấp thỏm không yên. Thầy liền đến bàn thờ thổ công của gia chủ, lẩm bẩm khấn xin ba đài âm dương để hỏi chữ ấy có đúng là dù dì hay không. Thổ công cho ba đài được cả ba. Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí.
Sau đó, thầy ngồi bệ vệ giữa phản, đập thước đen đét, quát trò đọc thật to: Dủ dỉ là con dù dì... Dủ dỉ là con dù dì... Chủ nhà cũng biết sơ sơ chữ Hán, nghe thể lấy làm lạ, bèn bỏ cuốc ngoài vườn, chạy vội vào giở sách ra xem và hỏi thầy rằng đó là chữ kê, sao thầy lại dạy Dủ dỉ là con dù dì? Thầy bối rối. nghĩ và thầm trách thổ công nhà này cũng dốt như mình. Được cái nhanh trí nên thầy lấp liếm rằng mình thừa biết đó là chữ kê, nhưng muốn dạy cho trò biết đến tận tam đại con gà. Chủ nhà trố mắt ngạc nhiên, chẳng hiểu ra sao thì thầy nói liền một hơi : Này nhé ! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!