I. DÀN Ý

1. Mở bài:.

- Xã hội phong kiến thường đề cao vai trò của nam nhi.

- Một số câu ca dao châm biếm những người đàn ông có tật xấu như tham ăn, yếu đuối, nông nổi, hèn nhát, nhu nhược, bất tài...

2. Thân bài:

- Câu 1: Phê phán thói lười biếng và tham ăn của chàng trai. Phân tích hình ảnh ước lệ một trăm đám cỗ và từ thậm xưng chẳng sai...

- Câu 2: Giễu cợt một anh chàng ốm yếu, không có dáng gì là con trai. Phân tích cụm từ đặc tả khom lưng chống gối, sự tương phản giữa từ gánh và hai hạt vừng.

- Câu 3: Khinh bỉ những kẻ nông nổi thích tỏ vẻ ta đây anh hùng nhưng thực chất lại hèn nhát, vô dụng. Phân tích cụm từ anh hùng rơm và cơn anh hùng để làm nổi bật yếu tố mỉa mai...

- Câu 4: Giãi bày tâm trạng buồn bực của cô vợ về người chồng nhu nhược, bất tài. Phân tích cặp từ so sánh: chồng người với chồng em, đi ngược về xuôi với ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

3. Kết bài:

- Nhân dân ta luôn ước mơ và kì vọng vào những trang nam nhi tài đức vẹn toàn, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và xã hội.

- Bút pháp trào lộng hóm hỉnh, đặc sắc nhằm mục đích phê phán, nhắc nhở mọi người hãy tránh xa những thói hư tật xấu trong cuộc sống.

II. BÀI LÀM

Trong ca dao - dân ca, bên cạnh mảng trữ tình phản ánh đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của người bình dân xưa là mảng trào phúng, hài hước với mục đích đả kích mặt trái của giai cấp thống trị và phê phán những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân. Bút pháp trữ tình và bút pháp trào lộng kết hợp chặt chẽ với nhau để thể hiện nội dung, tạo ra nụ cười tươi vui, hóm hỉnh, chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Chùm ca dao hài hước sau đây là một dẫn chứng tiêu biểu:

1. Làm trai cho đáng nên trai,

Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào.

2. Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

3. Anh hùng là anh hùng rơm,

Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng.

4. Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Chùm ca dao hài hước châm biếm trên đây chế giễu những kẻ mang danh nam nhi mà mắc đủ các thói xấu như lười biếng, tham ăn, yếu đuối, bất tài vô dụng, hèn nhát hoặc vênh váo ra vẻ ta đây.

Câu 1:

Làm trai cho đáng nên trai,

Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào.

Trong xã hội phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Bao nhiêu công việc nặng nhọc, khó khăn chỉ biết trông chờ vào sức vóc của người đàn ông. Mỗi khi chiến tranh xảy ra thì đương đầu với mũi tên hòn đạn cũng chính là các trang nam nhi khoẻ mạnh. Vì vậy, vai trò đàn ông được xã hội đề cao và khẳng định. Trong ca dao - dân ca có rất nhiều câu ca dao thể hiện rõ điều đó, ví dụ như:

- Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

- Làm trai cho đảng nên trai,

Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.

- Làm trai quyết chí tang bồng,

Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.

Bản thân chữ Làm trai đã bao hàm ý nghĩa khẳng định chí khí, bản lĩnh và sức mạnh của các đấng nam nhi đại trượng phu.

Ở câu thứ nhất, tiếng cười châm biếm được tạo nên bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập. Trước hết, tác giả tạo nên sự đối lập (tương phản) giữa cái cao cả: Làm trai cho đáng nên trai với cái tầm thường: Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào. Chàng trai trong câu ca dao không lo làm lụng mà chỉ trông chờ hưởng thụ.

Hình ảnh một trăm đám cỗ là con số ước lệ mang ý nghĩa khái quát. Chẳng sai là chẳng quên, chẳng bỏ sót đám nào. Tác giả dân gian khéo léo dùng nghệ thuật phóng đại, cường điệu để tô đậm hiện tượng, châm biếm kẻ Làm trai sức dài vai rộng mà chỉ “giỏi” hơn người ở cái tài đi... ăn cỗ, chỉ có mỗi một việc là chăm chú đợi đến ngày được hàng xóm láng giềng mời ăn cỗ. Thật mỉa mai, đáng cười cho đấng mày râu có tư tưởng ăn bám, hưởng thụ, không thích lao động. Anh ta không phải là loại người mà gia đình và xã hội mong muốn.

Câu 2:

Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

Nếu câu ca dao thứ nhất phê phán những kẻ siêng ăn, biếng làm thì câu ca dao thứ hai châm biếm một anh chàng có thể trạng yếu ớt, chẳng làm được việc gì ra hồn.

Câu ca dao vẽ nên một bức chân dung thật hài hước và thú vị bằng nghệ thuật phóng đại kết hợp với thủ pháp đối lập. Người xưa thường ngợi ca sức trẻ, sức trai dời non lấp bể. Trẻ con hay hát bài đồng dao: Gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh chợ. Cao hơn nữa, phận sự của các trang nam nhi là gánh nợ nước non. Vậy mà ở đây chàng trai yếu ớt một cách bất thường. Trong cuộc đời, có thể có những chàng trai yếu đuối nhưng không ai lại yếu đến mức chỉ gánh nổi có... hai hạt vừng. Hài hước ở chỗ là anh ta phải khom lưng chống gối, có nghĩa là phải ráng hết sức mới có thể gánh được. Tiếng cười vang lên từ những chi tiết đối lập ngoài sức tưởng tượng như thế.

Qua giọng điệu, ta có thể hiểu nội dung của câu ca dao theo hai nét nghĩa. Một là thể trạng ốm yếu của anh chàng là do cha mẹ sinh ra, nhưng anh ta không chịu rèn luyện để có được một thân thể cường tráng, khoẻ mạnh. Hai là chàng trai này quá lười biếng, nhu nhược, không có dũng khí trong cuộc sống, không dám gánh vác những trọng trách lớn lao trong gia đình và ngoài xã hội. Hạng đàn ông như vậy chỉ là gánh nặng cho mọi người mà thôi.

Câu 3:

Anh hùng là anh hùng rơm,

Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng.

Nhân dân lao động châm biếm, giễu cợt mạnh mẽ một hạng đàn ông khác trong xã hội. Đó là những kẻ nông nổi không có tài năng, dũng khí, nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác, ra vẻ ta đây hơn người.

Không biết thành ngữ anh hùng rơm có từ bao giờ nhưng ý nghĩa của nó thật hay, thật ấn tượng. Nó vẽ lên hình ảnh một kẻ tài năng thì tầm thường, có khi hèn nhát nữa, nhưng mở miệng thì toàn chuyện lớn lao trên trời dưới bể để loè thiên hạ.

Nghệ thuật chơi chữ ở câu ca dao này khá độc đáo. Anh hùng rơm là thành ngữ dùng để chế giễu những kẻ không có can đảm, tài năng nhưng lại hay khệnh khạng, hung hăng, vênh váo. Kiểu câu định nghĩa: Anh hùng là anh hùng rơm, kết hợp với hình ảnh mồi lửa (rơm dễ cháy, ngọn lửa bốc lớn nhưng tắt rất nhanh) cùng cụm từ đặc biệt độc đáo và sáng tạo: Cơn anh hùng, tạo nên xâu chuỗi liên tưởng rất thú vị, từ đó bật ra tiếng cười trào lộng sảng khoái mà thâm thuý. Anh hùng thuộc về tính cách, bản chất của con người; còn cơn anh hùng thì lại hoàn toàn là bốc đồng trong chốc lát, giả tạo mà thôi. Không những không lừa được ai mà lại còn làm trò cười cho thiên hạ. Đối với hạng người này, ta chỉ cần giao cho một việc nhỏ trong hoàn cảnh có khó khăn, thử thách thì bản chất bất tài, hèn kém sẽ lộ ra ngay. Khác nào anh hùng bện bằng rơm, chỉ cần một mồi lửa nhỏ châm vào là cháy rụi thành tro bụi.

Câu ca dao: Anh hùng là anh hùng rơm... như một lời mỉa mai, đay nghiến, dằn mặt những kẻ tự vỗ ngực xưng là anh hùng mà chẳng mảy may làm được việc gì cho xứng đáng. Cải bản chất rỗng tuếch của họ được tác giả dân gian mổ xẻ, phanh phui bằng một cụm từ ngộ nghĩnh là Cơn anh hùng. Quả thật không còn từ nào xác đáng hơn và khinh miệt hơn.

Câu 4:

Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Câu ca dao thứ tư này nói về tâm sự buồn bã, thất vọng và xấu hổ của người vợ có anh chồng lười nhác, hèn kém về mọi mặt.

Cặp từ Chồng người... Chồng em như một cặp đối xứng chứa đựng ý nghĩa so sánh hơn thua. Chị vợ không muốn hạ thấp tài và chí của chồng mình vì như dân gian đã nói: Xấu chàng hổ ai?. Nhưng hiện thực khách quan thì không thể bao che, bênh vực. Người vợ buộc phải thốt ra lời than thở về sự thực rất đáng buồn. Đó là cảnh trái ngược giữa Chồng người và Chồng em, giữa hai thái cực đi ngược về xuôi, tung hoành ngang dọc, thoả chí tang bồng và quanh quanh quẩn quẩn hết ngày này sang ngày khác ngồi bếp sờ đuôi con mèo - một việc làm vô bổ, vô ích và đáng cười. Đó là hình ảnh của những ông chồng đoản chí, nhút nhát, chỉ dám ra vào bảy xó nhà ba xó bếp. Họ không đáng mặt nam nhi, không thể là chỗ dựa đáng tin cậy của vợ con và xã hội.

Trong câu ca dao, hình ảnh người đàn ông hiện lên vừa hài hước vừa thảm hại. Tác giả dân gian đã thâu tóm đúng thần thái nhân vật trong một chi tiết thật đắt, có giá trị khái quát cao, tiêu biểu cho một loại đàn ông èo uột, lười nhác, ăn bám vợ. Chi tiết sờ đuôi con mèo vừa gây cười vừa hàm chứa ý nghĩa phê phán sâu xa: Anh chồng kia có khác gì con mèo lười nhác, trời rét chỉ quanh quẩn ở xó bếp để sưởi và... ăn vụng. Đó là loại đàn ông vô tích sự, không có phong độ của bậc nam nhi. Loại đàn ông này không ít trong xã hội và đã thành đối tượng châm biếm, chế giễu của ca dao:

- Chồng người bể Sở sông Ngô,

Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.

- Làm trai cho đáng nên trai,

Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

- Làm trai cho đáng nên trai,

Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

- Ăn no rồi lại nằm khoèo,

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.

Qua bốn câu ca dao hài hước đã phân tích ở trên, chúng ta thấy nhân dân lao động xưa kia luôn kì vọng vào những trang nam nhi có đức, có tài. Thái độ đối với những kẻ lười biếng, hèn nhát là chế giễu, cười cợt; tuy thế, tính giáo dục, xây dựng không kém phần sâu sắc. Tiếng cười trong từng câu ca dao có sức mạnh phê phán cái xấu, cổ vũ cái tốt, tôn vinh cái đẹp, mang lại cho người đọc không khí vui tươi, hồn nhiên nhưng vẫn không quên nhắc nhở nhau hãy tránh xa những thói hư tật xấu để con người ngày càng hoàn thiện hơn.