I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có riêng một nền văn học dân gian của mình.

- Nhiều truyện dân gian của một nước đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của cả thế giới.

2. Thân bài:

* Giới thiệu về văn học dân gian Việt Nam:

+ Đất nước Việt Nam có nền văn học dân gian ra đời từ xa xưa, ngày nay vẫn tồn tại và phát triển.

+ Các thể loại văn học dân gian gồm: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ dân gian, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, câu đố, chèo, tuồng, múa rối nước...

+ Tác giả: do giới bình dân sáng tác. Phương thức lưu truyền truyền miệng.

+ Vai trò của văn học dân gian đối với đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam là rất to lớn và quan trọng.

+ Nội dung của văn học dân gian thể hiện bản sắc tâm hồn phong phú, đẹp đẽ của con người Việt Nam.

- Thần thoại Sự tích trăm trứng khẳng định nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.

- Các truyền thuyết như An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Sự tích bánh chưng bánh giày... phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước gay go, gian khổ và hào hùng...

- Kho tàng ca dao - dân ca - tục ngữ xoay quanh chủ đề lao động sản xuất, kinh nghiệm xử thế, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa,... với đủ mọi cung bậc yêu thương, vui buồn... Những bài học luân lí, đạo đức truyền thống được gửi gắm trong ca dao, tục ngữ.

3. Kết bài:

- Qua hàng ngàn năm, văn học dân gian vẫn giữ được sức sống lâu bền, trở thành mạch nguồn vô tận nuôi dưỡng tâm hồn người Việt.

- Văn học dân gian là cây cầu vô hình nối quá khứ với hiện tại, tương lai, gắn kết tình cảm thiêng liêng giữa nhiều thế hệ.

- Văn học dân gian là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.

II. BÀI LÀM

Các bạn thân mến!

Bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều có riêng một kho tàng văn học dân gian. Không ít những truyện cổ dân gian của một dân tộc đã trở thành tài sản tinh thần chung vô giá của toàn nhân loại như truyện cổ Grim (Đức), truyện cổ tích Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập...

Đất nước Việt Nam chúng tôi cũng có một nền văn học dân gian ra đời từ xa xưa và liên tục phát triển cho đến tận ngày nay. Dòng này bao gồm những thiên thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ dân gian, ca dao, dân ca, tục ngữ, vè, câu đố, hát chèo... do người bình dân sáng tác và phổ biến theo lối truyền miệng. Sau này, khi đã có chữ viết, văn học dân gian được các trí thức sưu tầm và ghi chép lại.

Văn học dân gian có tầm quan trọng to lớn đối với đời sống tinh thần của con người. Nội dung phong phú của nó đã thể hiện thành công và đặc sắc vào bậc nhất bản sắc tâm hồn của dân tộc Việt Nam: đẹp đẽ, đa dạng, độc đáo và tinh tế.

Để phản ánh nguồn gốc cao quý là con Rồng, cháu Tiên, tổ tiên chúng tôi đã sáng tác ra thiên thần thoại Sự tích trăm trứng. Truyện kể rằng Lạc Long Quân nòi Rồng, sống ở dưới biển Đông, kết duyên chồng vợ với Âu Cơ, dòng dõi Tiên sống chốn non cao. Cuộc hôn nhân kì lạ này đã mang đến kết quả bất ngờ : Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, khỏe mạnh như thần. Sau đó, năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi. Họ chia nhau cai quản các phương. Lúc khó khăn, hoạn nạn họ thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế nên chỉ ở đất nước tôi mới có hai tiếng thiêng liêng “đồng bào”, tức là cùng một bọc trứng do mẹ Âu Cơ sinh ra. Năm mươi tự dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em ruột thịt có chung dòng dõi Rồng - Tiên.

Lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc chúng tôi là lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bao sự kiện lớn lao, quan trọng từ thuở Hùng Vương lập nên nước Văn Lang cho đến thế kỷ thứ X đều được phản ánh trong văn học dân gian. Những hình tượng tuyệt đẹp của Sơn Tinh, Thánh Gióng, Lang Liêu, Chử Đồng Tử... đã trở thành nơi gửi gắm khát vọng chinh phục thiên nhiên, chiến thắng quân xâm lược và ước mơ một cuộc sống thanh bình, no ấm của tổ tiên chúng tôi tự thuở xưa.

Rồi những truyện cổ tích thần kì thấm sâu vào tim óc bao thế hệ người Việt từ lúc còn thơ ấu, dạy dỗ, khuyên nhủ những bài học đạo lí cơ bản nhất: tình thương yêu, đức hi sinh, lẽ công bằng, lối sống thanh cao, trong sạch... Ấn tượng mà những nhân vật tài giỏi, đức độ như Thạch Sanh, Sọ Dừa, hoặc xinh đẹp, nết na như cô Tấm... không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của dân tộc Việt. Con người lao động bước vào văn học dân gian, qua trí tưởng tượng tuyệt vời của nhân dân, đã hoá thành những nhân vật kì lạ, lung linh, có sức sống muôn đời.

Bên cạnh kho tàng truyện cổ dân gian là ca dao - tục ngữ. Những câu ca dao - tục ngữ xoay quanh nhiều chủ đề như lao động sản xuất, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình cảm giai cấp, dân tộc và các mối quan hệ xã hội... Người Việt xưa đã gửi gắm vào ca dao - tục ngữ đời sống tinh thần muôn màu muôn vẻ của mình. Vì vậy mà nội dung của ca dao - tục ngữ giống như cây đàn muôn điệu, đủ mọi cung bậc yêu thương, hờn giận, vui buồn...

Từ lúc nằm nôi, trẻ thơ đã được nghe lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Lời ru là những bài ca dao, những câu ca dao khẳng định công lao sinh thành dưỡng dục to lớn như trời biển của cha, của mẹ: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Lời ru nhắn nhủ mọi người sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình, cho yêu thương quấn quýt, đừng vì những lợi ích nhỏ nhen, tầm thường mà nỡ cắt đứt tình máu mủ ruột rà : Anh em như thể tay chân, Một nhà hoà thuận, hai thân vui vầy. Ca dao khuyên nhủ mọi người hãy coi trọng tình giai cấp, tình đồng loại: Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Qua hàng ngàn năm, văn học dân gian vẫn giữ được sức sống lâu bền của nó, trở thành cội nguồn vô tận nuôi dưỡng tâm hồn người Việt và là mảnh đất mỡ màu ươm mầm và phát triển những tài năng nghệ thuật. Văn học dân gian là chiếc cầu vô hình nối quá khứ với hiện tại, tương lai ; gắn kết tình cảm phong phú của tổ tiên, ông cha chúng tôi ngày xưa với các thế hệ con cháu ngày nay. Đó chính là sự khởi nguồn, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.