I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Ông ngoại em là một nghệ nhân hoa cảnh nổi tiếng trong vùng.
- Từ nhỏ, em đã được sống bên ông.
- Hai ông cháu gắn bó thân thiết.
2. Thân bài:
* Nhắc lại những kỉ niệm về ông:
- Ông em tuổi ngoài bảy mươi, sức khoẻ dẻo dai và đầu óc vẫn minh mẫn.
- Ông em rất thích làm vườn, trồng hoa và cây cảnh.
- Em thường ra vườn xem ông làm việc.
- Ông giải thích cho em nghe ý nghĩa của nhiều loài cây, loài hoa quý...
- Ông hướng dẫn em từng động tác uốn nắn tạo dáng cho cây cảnh, cách chăm bón từng loại hoa...
- Em học được từ ông tình cảm yêu mến thiên nhiên, tinh thần lao động cần cù và sáng tạo.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của bản thân:
- Ông ngoại rất quan tâm đến em và dạy em nhiều điều bổ ích về cuộc sống xung quanh.
- Em thật sự sung sướng khi được ông ngoại hết mực yêu thương.
II. BÀI LÀM
“Một hai ba, một hai ba, một hai ba...”. Nghe tiếng hô nhịp nhàng quen thuộc của ông ngoại vang lên ngoài sân, em bừng tỉnh giấc. Kim đồng hồ chỉ 5 giờ 30 phút. Em thu dọn chăn màn rất nhanh rồi chạy vội ra sân tập thể dục cùng ông ngoại. Hai ông cháu tập xong bài thể dục buổi sáng thì bắt đau chạy bộ dọc theo đường Thanh Niên, hít thở không khí trong lành. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch mặt nước giăng giăng sương phủ. Khung cảnh ven hồ buổi bình minh tuyệt đẹp, rất hợp với tâm hồn nghệ sĩ của ông. Nhắc đến nghệ nhân cây cảnh Thanh Tâm, tức ông ngoại của em, quanh vùng Nhật Tân, Hữu Tiệp, Nghi Tàm này rất nhiều người biết. Từ thuở ấu thơ, em đã được sống với ông bà ngoại trong ngôi nhà đơn sơ, giữa khu vườn quanh năm sực nức hương hoa. Tình cảm ông cháu gắn bó vô cùng thân thiết.
Năm nay, ông em đã bảy mươi tư nhưng sức khoẻ vẫn dẻo dai và trí nhớ còn minh mẫn lắm. Là con người của công việc nên ít khi ông ở trong nhà. Khách tìm ông, cứ ra vườn là gặp. Vườn hoa, cây cảnh không chỉ là nguồn thu nhập hằng ngày mà hơn thế, nó là niềm vui, là lẽ sống của đời ông.
Em thường ra vườn xem ông làm việc. Đôi tay khéo léo, tài hoa của ông uốn từng nhánh cây, tỉa từng chiếc lá, nâng niu vun xới từng gốc hoa. Ông giải thích cặn kẽ cho em ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong mỗi hình dáng mà ông mất bao công phu để tạo nên. Cây si bonsai đặt trong chiếc khay gốm hình bầu dục có năm tầng lá so le, ông bảo rằng tượng trưng cho năm điều cốt yếu trong đạo làm người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hai gốc đinh lăng, gốc cao gốc thấp, ông tỉa thành dạng phụ tử tình thâm. Mấy cây đào bích có thế rồng bay, phượng múa...
Cảm động biết bao khi em được ông cầm tay, dạy cho cách uốn những sợi dây thép vô tri thành hình những chú nai, chú hươu xinh xắn, để làm khung cho cây mọc theo ý muốn người trồng. Ông bảo em rằng nghề làm vườn yêu cầu con người phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là phải thật sự yêu mến thiên nhiên, trái tim dễ dàng rung động trước một nụ hồng vừa hé nở lóng lánh sương đêm; một bông đào thắm rung rinh trong gió sớm, báo hiệu mùa xuân sắp trở về.
Em thích được nghe ông giải thích ý nghĩa một số loài cây, loài hoa quý như tùng, cúc, trúc, mai, liên (sen), tượng trưng cho cốt cách thanh cao, khí tiết hiên ngang và quan niệm sống trong sạch của bậc chính nhân quân tử. Em tin lời ông khẳng định là cây và hoa cũng biết vui buồn giống như con người vậy. Chúng có đời sống riêng, có tiếng nói riêng. Nếu chịu khó quan sát, lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu.
Có lẽ tình yêu thiên nhiên tha thiết của ông đã dần dần thấm vào máu thịt đứa cháu trai mà ông quý mến. Nhiều lần, ông cho em đi chơi chợ hoa ngày Tết, hoặc đến tham quan Hội chợ hoa của Thủ đô. Em chụp ảnh cùng ông bên những cây cảnh mà ông mang đến dự thi và được tặng huy chương.
Không thể kể hết những kỉ niệm vui buồn về tình ông cháu. Rất giản dị, tự nhiên, ông ngoại đã truyền cho em ngọn lửa đam mê cuộc sống và những bài học quý báu trên đường đời. Em thấm thía lời dạy tâm huyết của ông: “Không có gì sung sướng bằng được hưởng thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra, cháu ạ!”. Được ông ngoại hết mực yêu thương, em thấy thật hạnh phúc!