I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Nói đến trẻ em là nói đến những gì đẹp đẽ, đáng yêu thương, trân trọng.

- Công ước quốc tế về quyền của trẻ em ghi rõ trẻ em có quyền được sống tự do, được học hành, vui chơi, được quan tâm chăm sóc.

2. Thân bài:

* Cảm nghĩ của bản thân trước những số phận trẻ em bất hạnh:

- Trong thực tế, số trẻ em lang thang, cơ nhỡ tập trung ở các thành phố lớn khá nhiều.

- Các em phải làm những công việc cực nhọc mà thu nhập chẳng đáng là bao.

- Thậm chí một số em phải đi ăn xin...

- Nhìn những số phận bất hạnh ấy, ai cũng phải xót xa. Các quyền lợi chính đáng của trẻ em, các em không được hưởng. Nhiều em phải sống trong cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương yêu của cha mẹ, người thân.

- Lỗi ở những người làm cha mẹ thiếu trách nhiệm, tàn nhẫn với con cái.

- Để dần dần làm giảm đi những số phận trẻ thơ bất hạnh, mọi tầng lớp trong xã hội phải chung tay góp sức, mở mái ấm tình thương, lớp học tình thương, các trường dạy nghề, dạy học cho các em ; giáo dục các bậc làm cha làm mẹ hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với con cái.

3. Kết bài:

- Bản thân thấy mình cũng phải góp công góp sức vào những việc làm nhân ái có tính chất xã hội rộng lớn đó.

II. BÀI LÀM

Nói đến trẻ em là nói đến những gì đáng yêu thương, trân trọng nhất. Trẻ em như búp trên cành. Đúng như vậy! Đối với các bậc cha mẹ, con cái là búp non, lộc nõn, là nụ, là hoa, là niềm vui, hạnh phúc và hi vọng.

Trong Công ước quốc tế về quyền của trẻ em cũng ghi rõ là gia đình và xã hội phải quan tâm chăm sóc đến quyền lợi vật chất và tinh thần của thiếu niên, nhi đồng. Các em có quyền sống tự do, đầy đủ, được học hành, vui chơi và được yêu thương. Đó cũng là mục đích phấn đấu của toàn nhân loại, để các thế hệ sau có đủ tài đức làm chủ bản thân, làm chủ xã hội.

Thực tế cho thấy có một hiện tượng đau lòng là số trẻ em bất hạnh, không nơi nương tựa khá nhiều. Đặc biệt là ở các thành phố lớn thường tập trung trẻ em từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Đa số các em làm nghề đánh giày, bán báo, bán vé số và phụ việc trong các cơ sở sản xuất thủ công. Số còn lại sống vất vưởng trên hè phố bằng cách ăn xin hay đi mót đồ phế thải lẫn trong rác rưởi. Nhìn các em gầy ốm, bẩn thỉu, rách rưới, tôi thấy xót xa. Lẽ ra ở tuổi này, các em phải được học tập, vui chơi cùng bè bạn. Chỗ của các em là mái ấm gia đình, là lớp học, là công viên... cùng ông bà, bố mẹ, anh chị em, thầy cô và bè bạn, chứ không phải là những vỉa hè bụi bặm, những nẻo đường chang chang nắng gió hoặc những bãi rác nồng nặc mùi xú uế.

Một số em may mắn được sống trong những ngôi nhà tình thương, được học trong những lớp học tình thương... Còn bao nhiêu em phải lang thang lấy trời làm nhà, lấy đất làm giường? Những mái tóc bù xù khét nắng. Những tấm thân gầy guộc run rẩy trước cơn mưa bất chợt ào ào đổ xuống. Ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết, lẽ ra các em phải được ăn ngon, mặc đẹp, tung tăng dạo chơi bên cạnh mẹ cha như hàng triệu đứa trẻ khác cùng trang lứa. Nhưng đối với các em, đó chỉ là khao khát, là ảo tưởng mà thôi!

Tuổi thơ của các em đã bị dập vùi, bị đánh cắp bởi những người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm. Các em phải dạt ra lề đường kiếm sống, phải hứng chịu bao nỗi nhọc nhằn, tủi hổ. Bị hắt hủi, bóc lột, bị lũ người xấu lợi dụng đẩy vào vòng tội lỗi, bị bức hại... đó là chuyện các em hằng ngày gặp phải. Rồi lúc đói khát, ốm đau... cũng chỉ có đám trẻ cùng cảnh ngộ bao bọc, giúp đỡ chứ làm gì có cha, có mẹ ở bên săn sóc, yêu thương?! Các em thèm khát một mái ấm gia đình, thèm muốn một vòng tay yêu thương của người ruột thịt.

Nhạc sĩ Thế Hiển có một bài hát viết về đề tài trẻ em mồ côi, bất hạnh nghe thật da diết, xúc động. Nhìn những đứa trẻ nằm co quắp trên hè phố lạnh trong đêm khuya, anh liên tưởng đến những dấu hỏi gây nhức nhối tâm can mọi người. Rất nhiều lần, tiếng hát trầm buồn, khắc khoải của nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển vang lên trên sân khấu trong các đêm nhạc từ thiện vì người nghèo, vì trẻ em bất hạnh: Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi, mẹ ở đâu?... Tiếng hát làm cho bao người nghe rơi nước mắt.

Cần lắm, cần nhiều lắm những tấm lòng nhân ái, những mái ấm tình thương để che chở bao số phận bất hạnh đang ở lứa tuổi măng tơ. Hãy trả lại cho các em quyền sống, quyền học hành, vui chơi mà đúng ra, các em đương nhiên được hưởng. Và tôi thấy mình cũng phải làm một điều gì đó để góp phần cùng xã hội giảm bớt đi một số phận trẻ thơ bất hạnh, tăng thêm một số phận trẻ thơ may mắn.

Nào các bạn, chúng ta cùng hành động!