I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ là truyền thuyết nổi tiếng thuộc chủ đề giữ nước.

- Do chủ quan, mất cảnh giác trước kẻ thù nên cha con An Dương Vương đã lâm vào cảnh nhà tan, nước mất.

- Xung quanh nhân vật Mị Châu có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. (Dẫn lời của các nhà Nho xưa về Mị Châu.)

2. Thân bài:

* Bình luận ý kiến: Mị Châu không có tội.

+ Mặt đúng:

- Việc Mị Châu trở thành vợ Trọng Thuỷ hoàn toàn là nằm trong âm mưu thâm độc, muốn thôn tính nước Âu Lạc của Triệu Đà. An Dương Vương đồng ý gả, Mị Châu tuân theo lệnh cha là đúng. (Tại gia tòng phụ: Ở nhà phải theo cha).

- Nếu dựa trên cơ sở là đạo Tam tòng đối với phụ nữ thì việc Mị Châu phải làm theo lời chồng là lẽ đương nhiên. (Xuất giá tòng phu: Lấy chồng phải theo chồng.)

- Nàng yêu và tin Trọng Thuỷ nên đã chiều theo ý chồng, cho xem nỏ thần mà không nghĩ rằng đó là bí mật quốc gia. Nếu đó là tội phản quốc thì Mị Châu vô tình phạm phải mà không biết.

+ Mặt chưa đúng:

- Các nhà Nho xưa chỉ đánh giá Mị Châu trên cương vị của một người con ngoan, một người vợ hiền mà thôi.

- Tình yêu đến mức mù quáng, không nhận thức được bản chất vấn đề của Mị Châu chưa bị phê phán đúng mức.

- Phần trách nhiệm của một công dân đối với đất nước chưa được đề cập đến.

3. Kết bài:

- Nhận xét của các nhà Nho có ý bênh vực cho Mị Châu nhưng thực ra lại không góp phần giải được nỗi oan cho nàng.

- Với đất nước, Mị Châu vẫn là người có tội. (Lời kết án của Rùa Vàng.)

- Cái chết bi thảm của Mị Châu chứa đựng ý nghĩa tố cáo chiến tranh xâm lược.

II. BÀI LÀM

Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ thuộc chủ đề giữ nước, một trong những chủ đề nổi bật của truyền thuyết Việt Nam. Nội dung truyện kể về quá trình xây thành, chế nỏ giữ nước của An Dương Vương và bị kịch tình yêu giữa Mị Châu - Trọng Thuỷ, gắn liền với sự thất bại của nước Âu Lạc. Thái độ mất cảnh giác, chủ quan khinh địch, sự nhẹ dạ cả tin của cha con An Dương Vương đã dẫn đến thảm cảnh nhà tan, nước mất.

Xung quanh nhân vật Mị Châu từ xưa đến nay có rất nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược. Dưới thời phong kiến, có một số nhà Nho cho rằng Mị Châu là một người vợ hiền, việc nàng một lòng làm theo lời chồng là không có tội. Vậy ý kiến trên có phải là lời giải oan đúng đắn cho Mị Châu hay không?

Nếu chúng ta lấy đạo lí của Nho giáo phong kiến làm cơ sở để bình luận cái đúng, cái sai của nhận xét nêu trên thì quả là Mị Châu vô tội. Đối với người phụ nữ, luật lệ xưa quy định rõ: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (Tam tòng), có nghĩa là lúc còn ở nhà thì theo cha, lúc lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Như vậy, rõ ràng người phụ nữ bị ràng buộc trong mọi hoàn cảnh, không có được một chút tự do nào. Việc Mị Châu trở thành vợ Trọng Thuỷ là do sự cố tình sắp đặt của Triệu Đà trong âm mưu thâm hiểm hòng cướp bằng được nước Âu Lạc. Trọng Thuỷ - con trai hắn cũng bị hắn biến thành quân cờ trên bàn cờ chiến lược, thành công cụ, phương tiện đắc lực để giúp hắn thực hiện âm mưu thôn tính.

Vừa có thành cao, hào sâu, vừa có nỏ thần bắn một phát giết hàng vạn giặc, An Dương Vương cho rằng như vậy là đủ để yên tâm vui hưởng thái bình. Có lẽ niềm tin ấy quá lớn khiến An Dương Vương đâm ra mất cảnh giác, chủ quan khinh địch. An Dương Vương cho rằng Triệu Đà đã một lần nếm mùi thất bại, nay phải xuống giọng xin được cầu thân, hẳn là đã thực lòng hoà hiếu. Với uy thế của người chiến thắng, cộng với vũ khí hiệu nghiệm là chiếc nỏ thần trong tay, An Dương Vương vui vẻ chấp thuận lời đề nghị kết tình thông gia hữu hảo của kẻ cựu thù.

Đó chính là điểm sơ hở chết người của ông vua đứng đầu đất nước Âu Lạc. Đã thế, An Dương Vương còn cho phép Trọng Thuỷ được ở rể trong Loa Thành. Hành động ấy có khác chi “nuôi ong tay áo, nuôi cáo dòm nhà”?! Còn Mị Châu lúc đó chỉ là cô gái đang tuổi trăng tròn, ngây thơ, trong trắng. Vua cha gả chồng thì thuận theo ý cha, lúc làm vợ thì hết lòng thương yêu chồng. Như thế là phải đạo. Việc Mị Châu nghe theo Trọng Thuỷ, cho chồng vào tận nơi vua cha cất giấu nỏ thần và chỉ rõ bí mật của nỏ thần, theo suy nghĩ của nàng đơn thuần chỉ là để làm vui lòng chồng. Bi kịch nảy sinh từ chỗ người thì vô tình, kẻ thì cố ý. Trong những ngày sống trên đất Âu Lạc, bên cạnh người vợ hiền trẻ trung, xinh đẹp, Trọng Thuỷ đã nảy sinh tình yêu thực sự với Mị Châu. Tuy vậy, chàng vẫn không quên nhiệm vụ do thám mà cha là Triệu Đà giao phó: chiếm bằng được lấy thần.

Để lộ bí mật quốc gia, vô tình chỉ đường cho giặc đuổi theo vua cha, Mị Châu đã tiếp tay cho kẻ thù mà không biết làm như thế là dẫn đến hoạ mất nước. Xét về trách nhiệm công dân, Mị Châu đã mang trọng tội. Câu nói của Rùa Vàng ở cuối truyện, lúc cha con An Dương Vương bỏ thành tháo chạy về phía biển Đông: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!” đã chỉ ra sự thực phũ phàng: Mị Châu đã có hành động phản quốc - dẫu nàng không hề biết đến điều đó. Lưỡi gươm mà người cha bất hạnh giáng xuống đầu con gái mình vừa mang ý nghĩa là lưỡi gươm công lí của nhân dân, vừa là một bài học cảnh giác phải trả bằng giá quá đắt cho người đứng đầu đất nước.

Lời khấn của Mị Châu: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù” và sự ứng nghiệm sau đó đã cho thấy sự trong trắng của nàng. Vì thế dân gian mới sáng tạo ra chi tiết máu nàng chảy xuống biển, một loài trai ăn phải, lập tức biến thành hạt châu. Hạt châu ấy đem rửa bằng nước giếng trong Loa Thành, nơi Trọng Thuỷ đâm đầu xuống tự tử thì sẽ trở nên sáng ngời. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy phần nào thanh minh cho sự vô tình mà gây nên trọng tội của Mị Châu và thể hiện thái độ thương xót, bao dung của nhân dân đối với nàng.

Như vậy, nếu đem quan niệm phong kiến Tam tòng để bênh vực cho Mị Châu như một số nhà Nho đã làm là chưa đúng, vì trước khi chết, Mị Châu đã nhận ra là mình bị lừa dối và mối nhục của cha con nàng là mối nhục thù. Sự thức tỉnh muộn màng của lí trí Mị Châu là điểm để người đời xót xa cho thân phận nàng công chúa nết na, xinh đẹp. Mối tình của Mị Châu - Trọng Thuỷ tan vỡ vì tham vọng cướp nước của Triệu Đà, vì thế mà nó chứa đựng ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa rất sâu sắc.