I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện: Bạn Thiên - “vua nổ” của lớp 10B.

2. Thân bài:

* Tình huống đáng cười:

- Trong cuộc đi tham quan của lớp lên thăm vùng địa đạo Củ Chi nổi tiếng, Thiên không giỏi tiếng Anh nhưng dám giới thiệu về nơi đây với một du khách người Anh.

- Cô gái kia tỏ vẻ không hiểu là Thiên nói gì.

- Thiên ba hoa, khoe khoang trước các bạn trong lớp nên bị Tùng “lém” rất giỏi tiếng Anh dồn vào thế bí.

- Thiên “vua nổ” mắc cỡ, được bài học nhớ đời.

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Không nên ba hoa vì đó là thói xấu. Thói xấu đó có khi làm hại chính mình.

- Muốn giỏi phải học, không được giấu dốt.

3. Kết bài:

- Hãy nhớ những lời khuyên chí lí của người xưa trong ca dao tục ngữ.

- Học để nâng cao trình độ chứ không phải để ra vẻ ta đây hơn người, vì như thế sẽ có lúc trở nên lố bịch, đáng chê cười.

II. BÀI LÀM

Lớp 10B của mình có một bạn được mọi người phong cho biệt danh là “vua nổ” vì cậu ta có thể “nổ” về mọi vấn đề, ở mọi lúc mọi nơi. Dường như không nhận ra được hàm ý mỉa mai, giễu cợt trong cái biệt danh ấy nên Thiên “nổ” không ngớt. Vì thế mới xảy ra một chuyện buồn cười mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Chuyện là thế này:

Sau khi khai giảng được độ hai tháng thì cô chủ nhiệm tổ chức đi tham quan ở Củ Chi để các thành viên trong lớp có dịp làm quen và gắn bó với nhau hơn. Hôm đó là chủ nhật nên khách tham quan khá đông, có cả mấy tốp du khách nước ngoài. Nhìn các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu bằng tiếng Anh về lịch sử của vùng vành đai thép Củ Chi với hệ thống địa đạo nổi tiếng, chúng mình thích lắm và mình ao ước giá như có được khả năng nói tiếng Anh lưu loát như vậy thì tốt biết bao! Đương nhiên chỉ là ao ước mà thôi vì trình độ nói và nghe của mình còn ở mức lõm bõm, tiếng được tiếng chăng.

Chẳng hiểu Thiên nghĩ sao mà tách khỏi lớp, đi theo tốp du khách Anh, trong đó có một cô gái khá xinh. Thiên làm quen bằng mấy câu xã giao thông thường và được cô gái kia vui vẻ đáp lại. Được đà, cậu ta phấn chấn và bắt đầu huyên thuyên, miệng nói, tay quơ ra dấu minh hoạ. Lạ ở chỗ là Thiên càng nói thì cô bạn gái người Anh kia càng nhún vai, lắc đầu và cứ nhắc đi nhắc lại một câu: “I don't understand!” (Tôi không hiểu!). Rồi cô gái ấy rảo chân bước theo đoàn lúc đó đã đến gần khu địa đạo.

Giá như Thiên im lặng, nhưng quen thói ba hoa, cậu ta “nổ” vung lên rằng: “Mình giới thiệu địa đạo Củ Chi với du khách người Anh hẳn hoi nhé!”. Tùng “lém” nổi tiếng nói thẳng nói thật và cũng giỏi tiếng Anh nhất lớp bèn hỏi : "What did you tell her about it ?” (Bạn đã nói những gì về địa đạo với cô ta?). Thiên lúng túng hồi lâu, mặt và tai đỏ như ớt chín vì không trả lời được câu hỏi ấy. Mấy tiếng cười “chọc quê” bật ra nhưng Tùng đã đưa tay lên môi ra hiệu im lặng để Thiên đỡ mắc cỡ. Mình và các bạn nữ cũng ái ngại cho cậu ta. Chắc bữa nay, “vua nổ” được bài học nhớ đời.

Ba hoa là một thói xấu, phải không các bạn. Người xưa đã khuyên: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Thành ngữ cũng có câu: “Thùng rỗng kêu to”. Càng ngẫm, mình càng thấy đúng như vậy. Muốn giỏi thì phải học và học thực sự để nâng cao trình độ của bản thân, chứ không phải để khoe khoang, ra vẻ ta đây hơn người. Trường hợp của Thiên tự nhiên nhắc mình nhớ đến câu ca dao châm biếm:

Thầy dốt mà đọc canh khôn,

Đến lúc đọc dồn, í ả ì a!!!