I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Ca dao, dân ca phản ánh đời sống tình cảm phong phú của người lao động.

- Số phận hẩm hiu, đau khổ và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ thường được nhắc đến qua những câu ca dao có chung cách mở đầu là Thân em...

2. Thân bài:

* Câu 1:

Thân em như tấm lụa đào...

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

- Vẻ đẹp của người con gái đương xuân được so sánh với tấm lụa đào, một hình ảnh thanh thoát, duyên dáng.

- Nhưng sắc đẹp chưa chắc đã là cơ sở bảo đảm cho hạnh phúc vì số phận của người phụ nữ nói chung là chông chênh, bất định, phụ thuộc vào sự rủi may (Phất phơi giữa chợ biết vào tay ai?).

- Hình ảnh tấm lụa đào... phất phơ giữa chợ ẩn chứa sự trớ trêu, tội nghiệp. Thêm câu nghi vấn: biết vào tay ai? nhấn mạnh dự cảm về những điều bất hạnh sẽ xảy ra trong tương lai.

- Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ thì nỗi lo lắng, băn khoăn của người phụ nữ là có cơ sở.

* Câu 2:

Thân em như củ ấu gai

...Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

- Hình ảnh so sánh có tính chất ẩn dụ nói trên chính là lời tự nhận xét, đánh giá của những người phụ nữ nông dân lam lũ, cơ cực. Hình thức của họ có thể đen đủi, xấu xí (như củ ấu gai) sống dưới bùn lầy nhưng bên trong lại là phẩm chất tốt đẹp (ruột trong thì trắng... ngọt bùi).

- Với cách đánh giá phổ biến của xã hội đương thời là chuộng vẻ đẹp bên ngoài thì hỏi có mấy ai hiểu được điều đó?

- Âm hưởng của câu ca dao trên ẩn chứa thái độ tự tin, tự hào của người lao động.

* Câu 3:

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

- Hình ảnh so sánh rất độc đáo, đặc tả thân phận của người phụ nữ. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, không thể tự quyết định số phận của mình.

- Nghệ thuật đối: Hạt vào đài các >< hạt ra ruộng cày thể hiện sự tương phản giữa những cảnh ngộ sống của người phụ nữ. May mắn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với rủi ro, bất hạnh.

* Câu 4:

Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

- Hình ảnh so sánh quen thuộc (giếng) được đặt ở vị trí đặc biệt (giữa đàng).

- Cho nên không thể tránh khỏi cảnh: Người khôn rửa mặt >< người phàm rửa chân. Người khôn: chỉ người hiểu biết, thanh lịch. Người phàm: kẻ ngu dốt, thô lỗ...

- Ý nghĩa câu ca dao cũng nhằm nói lên sự lệ thuộc vào hoàn cảnh gần như đã trở thành quy luật, thành định mệnh đối với phụ nữ.

* Câu 5:

Thân em như đoá hoa rơi,

Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?

- Hình ảnh so sánh tinh tế, có khả năng gợi tả, gợi cảm sâu sắc.

- Thể hiện mặc cảm của người phụ nữ đã một lần dang dở chuyện hôn nhân cùng hi vọng mong manh vào sự độ lượng của người yêu mới và tình yêu đích thực.

* Câu 6:

Thân em như hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

- Con hạc đầu đình: Cặp hạc bằng gỗ hoặc bằng đồng thường được trang trí ở đình, chùa,... Tự ví với con hạc đầu đình, người phụ nữ xưa quả đã thấu hiểu tình cảnh bị bó buộc của mình bởi lễ giáo phong kiến, bởi tập tục và dư luận.

- Lời than: Muốn bay không cất nổi mình mà bay vừa thể hiện khát vọng tự do vừa thể hiện tâm trạng chua xót và bất lực.

3. Kết bài:

- Sáu câu ca dao giống nhau về lời mở đầu (Thân em); về cấu trúc, nghệ thuật so sánh, nghệ thuật đối, âm hưởng... và đều nói đến thân phận bất hạnh của người phụ nữ.

- Tuy vậy, mỗi câu vẫn có một vẻ đẹp riêng, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

II. BÀI LÀM

Ca dao - dân ca phản ánh sinh động đời sống tình cảm phong phú của nhân dân lao động. Họ đã gửi gắm vào đó tiếng nói tâm tình chân thành tha thiết, với đủ mọi cung bậc buồn vui. Nhiều câu ca dao về hình thức và nội dung có những nét giống nhau nhưng mỗi câu lại mang một vẻ đẹp riêng, phù hợp với từng hoàn cảnh và tâm trạng nhân vật khác nhau. Ví dụ một số câu mở đầu bằng cụm từ Thân em và nội dung cùng đề cập đến phẩm chất tốt đẹp, cao quý cùng số phận hẩm hiu, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.

1. Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

2. Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi nếm thử mà xem!

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

3. Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

4. Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

5. Thân em như đoá hoa rơi,

Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?!

6. Thân em như hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay!

Ngậm ngùi, buồn thương, xót xa, cay đắng là cảm xúc chung bao trùm lên những câu ca ấy, khiến nó giống như tiếng thở dài than thân trách phận; như tiếng khóc thầm tủi hờn, uất ức của người phụ nữ trước tình cảnh ngang trái, bất công. Trong xã hội phong kiến, họ bị tước đoạt quyền tự do, quyền được sống hạnh phúc và buộc phải phó mặc cuộc đời mình cho sự may rủi ngẫu nhiên của số phận. Cho dù bên trong hình thức xấu xí, đen đủi như củ ấu gai là phẩm chất tốt đẹp vừa ngọt vừa bùi nhưng chắc gì người đời đã nhận ra ?! Cho dẫu đẹp đẽ như tấm lụa đào đi chăng nữa thì vẻ đẹp ấy chưa chắc đã là cơ sở bảo đảm cho hạnh phúc bền lâu. Giống như những hạt mưa từ trời cao rơi xuống, số phận của mỗi người con gái một khác. May rủi có thể đưa họ đến những cảnh ngộ trái ngược trong cuộc sống. Có người được trân trọng, có người bị ngược đãi, cũng như nước cùng một giếng mà người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân. Giống như con hạc đầu đình, người phụ nữ bị trói chặt vào số phận hẩm hiu, dẫu có muốn đổi thay thì cũng chỉ là ao ước mà thôi.

Sáu câu ca dao với những cách so sánh khác nhau nhưng cũng nói một thực trạng: quyền sống của người phụ nữ xưa kia, mà trước hết là quyền tự do hoàn toàn bị phủ nhận. Đó chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, ngang trái mà họ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời.

Sáu câu ca dao là sáu tiếng than ngậm ngùi, chua xót. Bởi xét cho cùng, dẫu có tấm lụa đào nào được vào tay khách quý, có hạt mưa sa nào vào được chốn đài các, có nước giếng nào được đem rửa mặt, thì cũng chỉ là nhờ may mắn mà sự may mắn thì thật hiếm hoi. Trong bao nhiêu tấm lụa đào, bao nhiêu hạt mưa sa, bao nhiêu nước giếng mới có được một số phận sáng tươi?! Cho nên đau khổ vẫn là tình trạng chung phổ biến nhất của người phụ nữ.

Những câu ca dao trên chính là tiếng than thân cất lên từ những cuộc đời như thế. Than vãn mà không oán trách, bởi vì biết oán trách ai?! Rốt cuộc, đành cho rằng đó là định mệnh: Cho hay muôn sự tại Trời, không thể nào thay đổi được.

Cả sáu câu ca dao hầu như cùng một khuôn mẫu về nội dung, về kết cấu. Mở đầu bằng Thân em, tiếp theo là sự vật được đem so sánh. Còn những câu dưới là mượn tính chất của sự vật ấy để chỉ thân phận người phụ nữ. Tuy nhiên, trên cơ sở giống nhau về ý nghĩa, mỗi câu ca dao lại khác nhau hình ảnh được đem ra so sánh và chính cái đó đã tạo nên sắc thái riêng của từng câu.

Ta sẽ lần lượt phân tích từng câu để thấy cái hay, cái đẹp trong ý nghĩa và hình thức biểu hiện.

Câu 1:

Thân em như tấm lụa đào... Người phụ nữ xưa ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và phẩm chất cao quý của mình nên tự so sánh: Thân em như tấm lụa đào... Tuy vậy, số phận của họ thật chông chênh, không có gì đảm bảo: Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?

Tấm lụa đào đẹp từ chất liệu, dáng vẻ đến màu sắc bởi được dệt từ loại tơ tằm tốt nhất. Lụa nhẹ, mềm và rất mát, mặc vào thì người đẹp hẳn lên. Lụa màu hoa đào vừa đẹp vừa quý nhưng khi đem bán thì cũng phải bày ra giữa chốn “trăm người bán, vạn người mua”, đủ loại người sang kẻ hèn, người thanh kẻ tục, không biết sẽ vào tay ai? Lụa tuy đẹp thật nhưng chắc gì đã có người biết đánh giá đúng giá trị của nó! Hình ảnh tấm lụa đào gợi lên vẻ thanh xuân mơn mởn, tràn đầy sức sống của một cô gái đương thì, nhưng hình ảnh tấm lụa đào phất phơ giữa chợ lại có một cái gì đó thật trớ trêu, tội nghiệp.

Nỗi đau xót của nhân vật trữ tình trong lời than thân chính là ở chỗ khi người con gái bước vào cái tuổi đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình thì nỗi băn khoăn lo lắng về thân phận lại ập đến ngay với họ. Quả là hoàn cảnh khách quan chi phối rất nhiều, có khi quyết định số phận cả một đời người. Sự đối lập giữa hai dòng thơ đã khiến ta thấm thía nỗi đau đó.

Bài ca dao không chỉ nói lên thân phận bị phụ thuộc của người phụ nữ mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất tốt đẹp của họ.

Câu 2:

Thân em như củ ấu gai... So với bài trên, bài này có số dòng gấp đôi. Sự tự ý thức được nhấn mạnh, lời bộc bạch rõ hơn và lời mời mọc lại càng da diết. Bài trên nghiêng về vẻ đẹp phơi phới của tuổi thanh xuân, bài này nhấn mạnh đến giá trị đích thực của người con gái.

Người phụ nữ nông dân vất vả, lam lũ quanh năm đã tự so sánh: Thân em như củ ấu gai. Cái củ ấu gai góc, đen đủi sống dưới bùn sâu, chẳng mấy ai để ý tới, dẫu rằng bên trong nó vừa trắng, vừa ngọt, vừa bùi.

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

Phải bộc bạch kĩ và mời mọc da diết đến vậy bởi vì phẩm chất tốt đẹp của họ ít ai biết đến. Sự khẳng định giá trị ấy chứa đựng một nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận người con gái nghèo khổ trong xã hội cũ.

Câu 3:

Thân em như hạt mưa sa... Hình ảnh hạt mưa sa lại gợi lên một sắc thái khác. Người phụ nữ cảm thấy thân phận mình quá nhỏ bé, gần như vô nghĩa. Có bao nhiêu hạt mưa từ trời cao rơi xuống trong một cơn mưa?! Mọi hạt mưa đều trong trẻo, mát lành như nhau nhưng chỗ rơi xuống - tức số phận của từng hạt mưa lại không giống nhau. Sự rủi may của hoàn cảnh không thể nào đoán định trước được. Nó có thể dẫn đến những điều trái ngược hoàn toàn trong cảnh ngộ. Giữa muôn ngàn hạt mưa, một số hạt may mắn không rơi xuống giếng, không mất hút vào luống cày mà lại rơi vào vườn hoa, vào chốn lầu son gác tía đài các. Bài ca dao này quả là một bức tranh sinh động về thân phận bấp bênh của người phụ nữ xưa kia.

Nếu không may gặp phải vào hoàn cảnh trớ trêu, họ chỉ có một cách lựa chọn là cúi đầu chấp nhận. Dân gian đã ví: Thân con gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu, bởi vì người phụ nữ đã bị bao điều đè nén, ràng buộc, bị tước đoạt quyền tự do, quyền làm chủ bản thân. Luật Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử không cho họ được sống theo ý mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Dẫu biết là vô lí, bất công cũng vẫn phải nhẫn nhục, cam chịu, chẳng biết kêu ai.

Câu 4:

Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân...

Câu này lấy hình ảnh so sánh là cái giếng giữa đàng vốn rất quen thuộc ở nông thôn ngày xưa. Vì là giếng giữa đàng nên có nhiều người qua lại và tất nhiên có người khôn (người tốt, người có con mắt tinh đời...), có người phàm (kẻ tầm thường, bần tiện...). Cách sử dụng nước giếng hoàn toàn do mục đích, thái độ của từng người. Rửa mặt với rửa chân là hai hình ảnh tương phản thật sinh động và giàu ý nghĩa.

Câu 5:

Thân em như đoá hoa rơi,

Phải chăng chàng thật là người yêu hoa ?!

Đây là hình ảnh so sánh độc đáo và tinh tế, thể hiện mặc cảm của người phụ nữ về thân phận bất hạnh, về sự dở dang trong hôn nhân. Thân em không phải là đoá hoa xinh tươi mới nở trên cành mà là đoá hoa héo úa, tàn phai đã rụng rơi dưới đất. Trong hoàn cảnh đáng buồn ấy, người phụ nữ chỉ biết bám víu vào một hi vọng mong manh: Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?! Có nghĩa là người đàn ông mới đến với mình có thực sự yêu thương, thông cảm, có đủ sự bao dung, độ lượng hay không?!

Câu 6:

Thân em như hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Tác giả dân gian đã chọn lựa được một hình ảnh so sánh có khả năng gợi cảm và liên tưởng rất cao. Con hạc đầu đình là một vật dụng để thờ, thường được làm bằng gỗ hay bằng đồng, được đặt ở nơi đền, miếu, đình, chùa... Nhìn những con hạc ấy rồi ngẫm đến thân phận của mình, người phụ nữ thấy có những nét tương đồng. Con hạc kia dẫu có muốn bay thì cũng không thể cất nổi mình mà bay. Trong suốt cuộc đời, người phụ nữ phải cắn răng chịu đựng bao đau thương, tủi nhục. Nếu có thở than thì tiếng thở than của họ cũng không thể thấu tới trời xanh. Cái vòng luẩn quẩn, nghiệt ngã của số phận trói buộc họ, khó bề thoát khỏi. Dù họ có muốn vùng dậy để cắt đứt, phá bỏ những xiềng xích vô hình ấy thì cũng không dễ dàng gì. Câu ca dao chứa đựng niềm khát khao tự do cháy bỏng và một nỗi bất bình sâu sắc.

Những bài ca dao trên là tiếng nói than thân trách phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc xưa kia. Nhân vật không phải là một cá nhân cụ thể mà là trăm ngàn phụ nữ cùng chung cảnh ngộ, cuộc đời giống như chuỗi bi kịch kéo dài. Với họ, hạnh phúc chỉ là một cái gì đó rất mơ hồ, khó hình dung và càng khó mà đạt được.

Những câu ca dao bày tỏ tâm tình tha thiết, chân thành như trên có sức lay động lòng người rất lớn. Ai cũng có thể cảm nhận được từ đấy một chút cảnh ngộ, một chút tâm sự của mình.

Vậy chúng ta nên cắt nghĩa như thế nào cho hợp lí về sự song song tồn tại của những câu ca dao vừa giống nhau, vừa khác nhau đó?

Trước hết, ca dao được sáng tác bởi nhiều người khác nhau, ở những thời kì khác nhau, trên những vùng đất khác nhau. Gặp cảnh ngộ đắng cay, người nông dân xưa hay liên hệ số phận mình với một hình ảnh tương tự nào đó, thế là một câu ca dao ra đời. Câu ca dao ấy vừa chất chứa tâm tư, vừa mang dấu ấn thực tế cuộc sống của người sáng tác. Không hẹn mà nên, cái chung của số phận người phụ nữ đã làm cho những câu ca dao gặp nhau ở cùng một nội dung ý nghĩa.

Mặt khác, ngay cả khi trong tâm trí đã có sẵn một câu ca dao cũ, nhưng trong cảnh ngộ cụ thể, người làm thơ dân gian vẫn muốn nói lên một điều gì đó cho riêng mình. Cho nên mới lần lượt xuất hiện những câu ca dao nội dung gần giống nhau mà hình thức thì khác đi đôi chút. Đó không đơn giản chỉ là sự lặp lại mà là phát triển và bổ sung thêm cho cái đã có thêm đa dạng, phong phú.

Tuy nghệ thuật có nhiều chỗ giống nhau như ở cách mở đầu, cách ví von, so sánh, ẩn dụ và giống nhau ở cảm xúc chung nhưng mỗi câu ca dao vẫn lấp lánh một vẻ đẹp riêng. Điều đáng nói là chỉ sau vài lần ngâm nga thưởng thức, người đọc sẽ không thể nào quên bởi cái hay, cái đẹp của nó đã thấm vào máu thịt tự lúc nào chẳng rõ.

Chỉ xét riêng sáu câu ca dao có chung cách mở đầu bằng Thân em, chúng ta cũng thấy được ca dao đúng là sản phẩm của tài năng và tâm hồn phong phú của nhân dân lao động. Những câu ca dao ấy giúp ta hiểu được nỗi cay đắng ngậm ngùi mà người phụ nữ Việt Nam ngày xưa đã phải trải qua và càng thêm thông cảm, đồng tình với khát vọng muốn cất mình mà bay của họ.