I. DÀN Ý.

1. Mở bài:

- Bài ca dao trên là lời thở than, tiếc nuối cho duyên phận lỡ làng của các chàng trai nghèo ngày xưa.

2. Thân bài:

+ Tình huống và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ:

- Câu mở đầu nêu lên một tình huống khá đặc biệt: Trèo lên cây khế nửa ngày. Tuy vắng chủ ngữ nhưng người đọc vẫn hình dung ra nhân vật chính là chàng trai đang cô đơn, buồn bã vì thất tình.

- Câu thứ hai là câu hỏi tu từ mang sắc thái biểu cảm rất rõ. Chàng trai hỏi khế nhưng cũng chính là tự hỏi mình: Ai làm chua xót lòng này, khế ơi! Tâm trạng đau khổ khó giãi bày với người khác nên đành bộc lộ để san sẻ với cỏ cây cho vơi bớt. Cây khế được nhân hoá để cũng mang tâm trạng giống như nhân vật trữ tình. Đại từ phiếm chỉ Ai có trường nghĩa khá rộng, có thể là một con người cụ thể mà cũng có thể là dư luận, định kiến xã hội khó vượt qua.

- Nghệ thuật chơi chữ kín đáo, tài tình : khế chua → lòng người chua xót. Cảm xúc chủ đạo trong tâm trạng của chàng trai lúc này là cay đắng, ngậm ngùi khó tả.

+ Niềm hi vọng và lời thề son sắt :

- Tình duyên trắc trở nhưng chàng trai vẫn nuôi hi vọng, mượn quy luật thiên nhiên để khẳng định quy luật tình yêu:

Mặt trăng sánh với mặt trời,

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

- Trong vũ trụ, vạn vật đều có đôi có lứa (mặt trăng, mặt trời; sao Hôm, sao Mai), vậy tại sao hai ta lại không được thành đôi thành lứa? Sự ngăn cách khiến anh và em phải chia lìa, đau khổ. Ý oán trách giấu sau từng câu chữ.

- Tuy nhiên, chàng trai vẫn gián tiếp khẳng định mình và cô gái mình yêu là một cặp khăng khít không thể tách rời, giống như sao Hôm với sao Mai tuy hai mà là một. Điệp từ sánh, tính từ chằng chằng góp phần khẳng định ý đó.

- Mượn quy luật vũ trụ để khẳng định tình yêu chân thành của mình chưa đủ, chàng trai để trái tim mình tự nói lên lời yêu thương tha thiết:

Mình ơi! Có nhớ ta chăng?

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

- Câu hỏi giản dị, mộc mạc nhưng chân thành và xúc động thấm thía. Cách xưng hô mình, ta chứng tỏ hai người đã gắn bó tới mức độ sâu nặng khó lìa xa. Chàng trai bày tỏ ước nguyện đinh ninh gắn bó với người yêu bằng hình ảnh so sánh rất đẹp: Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

3. Kết bài:

- Bài ca dao trên có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố nghệ thuật dân gian và bác học. Hai yếu tố này đan xen vào nhau để bổ sung và làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình trong tâm trạng cô đơn, buồn bã vì phải xa cách người yêu.

- Đây không phải là tâm trạng của một chàng trai mà là nhiều chàng trai đang gặp phải những khó khăn và cản trở trên con đường tiến tới hôn nhân trong xã hội phong kiến nhiều ràng buộc khắt khe thuở trước.

II. BÀI LÀM

Bài ca dao này mở đầu bằng lối đưa đẩy gợi cảm hứng: Trèo lên cây khế nửa ngày, gần giống với Trèo lên cây bưởi hái hoa ở một bài ca dao quen thuộc khác. Những bài như thế thường là lời thở than, tiếc nuối cho duyên phận lỡ làng của các chàng trai nghèo ở nông thôn xưa.

Câu mở đầu nêu ra một tình huống khá đặc biệt: Trèo lên cây khế nửa ngày. Tuy không có chủ ngữ nhưng người đọc vẫn có thể hình dung ra nhân vật trữ tình là chàng trai đang trong tâm trạng cô đơn, buồn bã. Chuyện tình cảm riêng tư khó bày tỏ với người. Thôi thì chia sẻ với cỏ cây cho vơi sầu, bớt khổ: Ai làm chua xót lòng này, khế ơi! Đại từ phiếm chỉ Ai ở đây mang ý nghĩa khá rộng. Có thể là con người cụ thể nào đó, mà cũng có thể là những ngăn trở vô hình nhưng rất khó vượt qua như quan niệm môn đăng hộ đối, như định kiến phân biệt sang hèn, giàu nghèo trong xã hội... Nhưng dù là gì chăng nữa thì nó cũng là trở lực đáng sợ đối với những đôi lứa đang yêu, muốn tiến tới hôn nhân. Nó là nguyên nhân dẫn đến sự dở dang hoặc tan vỡ của những cuộc tình.

Hỏi khế mà cũng là tự hỏi mình. Nhân hoá kín đáo qua cách gọi tha thiết khế ơi, khiến cho cây khế cũng mang tâm trạng của một kẻ đồng bệnh tương liên. Câu hỏi tu từ trên như mũi dao vô hình xoáy sâu vào trái tim yêu đang rỉ máu. Nghệ thuật chơi chữ tinh tế ẩn sau câu hỏi ấy. Lòng khế chua chát có nét giống với lòng người chua xót. Cảm giác chua xót, cay đắng tràn ngập cõi lòng chàng trai, nhưng không vì thế mà lụi tàn ngọn lửa hi vọng. Chàng trai mượn quy luật của vũ trụ để khẳng định quy luật của tình yêu:

Mặt trăng sánh với mặt trời,

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

Vạn vật đều có đôi có lứa, vậy tại sao chúng mình lại phải xa nhau? Ai nhẫn tâm chia cắt tình duyên đôi lứa, để anh thì lặng đi trong chua xót; còn em, chắc cũng rơi vào tâm trạng đau khổ, giày vò, nếu như em thực lòng yêu thương, gắn bó với anh. Dẫu bị ngăn trở, dẫu phải xa nhau, nhưng anh vẫn nghĩ chúng ta là một cặp khăng khít không thể tách rời; như Mặt trăng sánh với mặt trời, như Sao Hôm sánh với sao Mai, tuy hai mà một.

So sánh như thế cũng là một cách khẳng định mạnh mẽ về tình yêu và lòng chung thuỷ, về khát vọng hạnh phúc chân chính. Nhưng dù mượn đến những sự vật lớn lao, vĩnh hằng trong vũ trụ để bày tỏ lòng mình, chàng trai cảm thấy vẫn chưa đủ, chưa thể hiện hết được những điều muốn nói. Cần phải để trái tim tự nói lên những lời yêu thương chân thành nhất:

Mình ơi! Có nhớ ta chăng?

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Những hình ảnh vay mượn dù đẹp đến đâu cũng không có giá trị biểu cảm bằng câu hỏi mộc mạc, tự nhiên mà rung động, thấm thía tận đáy lòng. Gọi người yêu là Mình ơi!, chứng tỏ sự gắn bó giữa chàng trai và cô gái đã đến mức sâu đậm, khó có thể xa lìa. Mình ơi có nhớ ta chăng? Có nhớ những kỉ niệm đẹp đẽ trong tình yêu giữa ta và mình. Còn ta, trước sau vẫn đinh ninh một lời thuỷ chung, son sắt: Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Sao Vượt là tên gọi dân gian của sao Hôm, thường mọc vào buổi tối, nhất là những đêm có trăng. Sao mọc đợi trăng lên, sao lặn chờ trăng lặn. Đó là quy luật muôn đời của thiên nhiên mà cũng là quy luật bất di bất dịch của tình yêu anh dành trọn cho em!

Cái độc đáo của bài ca dao vừa phân tích ở trên chính là sự kết hợp tự nhiên, hài hoà giữa hai yếu tố dân gian và bác học. Chúng được đặt cạnh nhau, thậm chí lồng vào nhau mà không gây cảm giác ép buộc, khiên cưỡng. Ngược lại, chúng bổ sung cho nhau để tô đậm và làm nổi bật tâm trạng chủ đạo của chàng trai trong hoàn cảnh cô đơn, xa cách người yêu. Bài ca dao không chỉ nói hộ tâm sự của một chàng trai mà là muôn ngàn chàng trai đang lao đao, lận đận trên con đường tình yêu đầy trắc trở.