I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Vương Xương Linh (698 - 757) tên tự là Thiếu Bá, quê ở Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc; nổi tiếng rất sớm về tài văn chương.
- Sau khi đỗ tiến sĩ, ông ra làm quan nhưng con đường hoạn lộ của ông gặp nhiều trắc trở. Ông bỏ về làng chỉ được một thời gian ngắn thì bị hãm hại.
- Đề tài trong thơ Vương Xương Linh khá phong phú; nội dung vừa giàu tính hiện thực vừa đậm đà chất trữ tình. Ông phản ánh hiện thực xã hội và thể hiện tâm trạng của nhiều loại người như binh lính, tưởng sĩ, trí thức, phụ nữ có chồng ra trận...
- Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán) là một kiệt tác được người đời hâm mộ và truyền tụng rộng rãi bởi được coi là tiêu biểu cho thái độ phản đối chiến tranh phi nghĩa của dân chúng thời Thịnh Đường.
2. Thân bài:
* Hai cầu đầu:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
(Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.)
- Câu đầu giới thiệu nhân vật trữ tình trong bài thơ này là một thiếu phụ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến (Thiếu phụ phòng khuê ). Có lẽ sinh ra và lớn lên trong nhung lụa nên cô chẳng biết sầu là gì.
- Câu thứ hai tả hình dáng và tâm trạng của nhân vật: Bởi chưa từng chứng kiến cảnh đau thương tang tóc của chiến tranh nên tâm trạng cô luôn vui vẻ và tràn trề hi vọng, nhất là trong ngày xuân. Cô trang điểm thật đẹp rồi bước lên lầu cao, ngóng về phương xa. Cảnh với người có sự tương đồng, hoà hợp. Khung cảnh mùa xuân tôn thêm vẻ đẹp và sức sống của thiếu phụ trẻ.
* Hai câu cuối :
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mạch phong hầu.
(Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.)
- Câu thứ ba nói đến yếu tố bất ngờ làm thay đổi hẳn tâm trạng của nhân vật trữ tình đó là màu xanh non mơn mởn của dương liễu ngày xuân, tượng trưng cho tình yêu và tuổi trẻ, gợi lên khát vọng hạnh phúc lứa đôi sum họp.
- Câu thứ tư : Màu xanh dương liễu như nhắc tới tình cảnh trớ trêu của thiếu phụ trẻ. Cảnh gợi tình và cảm xúc nhớ thương, lo lắng trong lòng thiếu phụ cứ dâng lên mãi khiến nàng hối hận là đã để chồng ra trận mong kiếm lấy tước hầu. Hạnh phúc lứa đôi thật sự bị đem đánh đổi lấy công danh hão huyền. Tuổi trẻ qua mau, hạnh phúc lứa đôi dang dở. Còn tương lai và công danh gắn với chiến tranh thì lại càng mong manh khó lường.
* Nghệ thuật bài thơ:
- Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu xa trong từng hình ảnh, chi tiết. Ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả. Bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật nhẹ nhàng mà tinh tế.
- Tình và điệu kết hợp hài hoà tạo nên âm hưởng du dương, dễ đi vào lòng người.
3. Kết bài:
- Nhà thơ Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của một khuê phụ trẻ có chồng ra trận để thông qua đó lên án chiến tranh gây nên cảnh sinh li, phá vỡ tình yêu và hạnh phúc của tuổi thanh xuân.
- Dù đã trải qua hàng ngàn năm nhưng bài Khuê oán (Nỗi oán của người phòng khuê) vẫn sống mãi trong tâm hồn những thế hệ yêu mến thơ Vương Xương Linh nói riêng và thơ Đường nói chung.
II. BÀI LÀM
Vương Xương Linh (698 - 757), tự là Thiếu Bá, quê ở Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông nổi tiếng rất sớm về tài văn chương. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông ra làm quan nhưng con đường hoạn lộ của ông gặp nhiều trắc trở. Rời chốn kinh đô về làng được một thời gian, ông bị tên thứ sử ở địa phương hãm hại. Thơ ông vừa giàu tính hiện thực, vừa đậm đà chất trữ tình, phản ánh những vấn đề lớn của thời đại như chiến tranh, thương đau, mất mát... Đặc biệt, ông thường đi sâu phân tích và thể hiện tâm lí, tình cảm của nhiều loại người như tầng lớp trí thức, tướng sĩ, binh lính, những thiếu phụ có chồng ngoài mặt trận... Trong số những kiệt tác của ông thì bài Khuê oán (Nỗi oán của người phòng khuê) được người đời hâm mộ và truyền tụng rộng rãi bởi nó được coi là tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của dân chúng thời Thịnh Đường.
Phiên âm chữ Hán:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Dịch thơ tiếng Việt:
Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.
(Nguyễn Khắc Phí dịch)
Hai câu thơ đầu giới thiệu nhân vật trữ tình trong bài thơ này là thiếu phụ thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến, có chồng đang tham gia chinh chiến nơi xa. Có lẽ do sinh ra và lớn lên giữa cảnh xa hoa, nhung lụa nên cô chưa biết thế nào là cảnh hòn tên mũi đạn và những đau thương tang tóc của chiến tranh. Cũng vì thế mà tâm trạng cô vô tư, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Ngày ngày, cô trang điểm thật đẹp đẽ, xinh tươi rồi lên lầu cao ngóng về phương xa, mong người chồng trở về thoả mộng công danh:
Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.
Ở đây có sự hoà hợp, tương đồng giữa người với cảnh. Giữa thiên nhiên mùa xuân xanh tươi tràn đầy sức sống, hình ảnh thiếu phụ trẻ trung, kiều diễm lại càng thêm lộng lẫy. Ấy thế nhưng điều éo le, trớ trêu cũng lại nằm ngay trong sự hoà hợp, tương đồng ấy bởi mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi ; mà khuê phụ thì lại đang sống trong cảnh phòng khuê chiếc bóng. Cho nên, tâm trạng của nàng chắc cũng không ngoài tâm trạng chung của những người vợ trẻ có chồng ra trận. Thái độ vui vẻ, hồn nhiên nếu là có thật thì cũng rất mong manh. Chỉ cần một yếu tố nào đó của ngoại cảnh tác động vào là nó sẽ tan nhanh như màn sương dưới ánh mặt trời.
Hai câu thơ sau nói đến yếu tố làm thay đổi đột ngột tâm trạng của khuê phụ:
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.
Cái màu dương liễu xanh mơn mởn mà khuê phụ chợt thấy lúc vừa bước lên lầu cao đã làm cho dòng cảm xúc của nàng nhanh chóng đổi chiều. Màu dương liễu tượng trưng cho mùa xuân, tuổi trẻ và gợi lên khát vọng hạnh phúc. Nó cũng khơi dậy nỗi buồn biệt li trong lòng khuê phụ. Buổi chia tay, theo phong tục, nàng tặng chàng một nhành dương liễu để biểu thị tình cảm lưu luyến và ước mong ngày chàng sớm trở về đoàn tụ. Nay chàng đang ở nơi đâu? sống chết ra sao? Đã hay chưa thoả chí tang bồng?
Cảnh ấy gợi tình này mà tình này (tức nỗi nhớ thương) thì cứ dâng lên mãi. Nhớ thương pha lẫn hối tiếc và ân hận. Nàng hối tiếc là đã để chồng đi tòng quân, cố lập chiến công để rồi được làm quan, kiếm tước hầu vua ban cho. Bản thân và gia đình, gia tộc sẽ được vẻ vang, nở mày nở mặt... Nhưng suy ngẫm kĩ thì tất cả những cái đó chỉ là ảo tưởng mà thôi ; còn, thực tế là nỗi sinh li, mà sinh li nhiều khi còn xót xa, đau đớn hơn tử biệt.
Thời gian qua mau, tuổi trẻ cũng qua mau, hạnh phúc lứa đôi dang dở. Tương lai gắn với chiến tranh lại là thứ tương lai bấp bênh, lành ít, dữ nhiều. Và cái giá phải trả cho “giấc mộng công hầu” của những trang nam nhi thời loạn là quá đắt, có khi bằng cả mạng sống.
Bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt trong bài Khuê oán có cấu trúc ngắn gọn nhưng nội dung hàm súc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả. Trong mỗi câu thơ, tình và điệu hoà quyện với nhau, tạo nên âm hưởng nhịp nhàng, du dương, dễ đi sâu vào lòng người.
Bằng bút pháp miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, nhà thơ Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của một khuê phụ trẻ để thông qua đó lên án chiến tranh phi nghĩa gây đau thương, mất mát cho mọi gia đình, cướp đi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của bao người. Trải qua hàng ngàn năm, bài thơ vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ yêu mến và hâm mộ phong cách trữ tình thanh tao, sâu lắng của Vương Xương Linh - một trong những thi sĩ nổi tiếng thời Thịnh Đường.